Vừa qua Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng gửi tâm thư lên Thủ tướng đề nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đã thu hút dư luận cả nước, bởi người dân rất lo lắng trước nguy cơ khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sẽ bị băm nát nếu triển khai quy hoạch tổng thể này.
Điều cần nói ở đây là quy hoạch Sơn Trà không phải do hành động phá rừng trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước mà ở chỗ do các doanh nghiệp được thành phố giao đất, cấp phép đầu tư hoàn toàn hợp pháp. Vậy đâu là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng xâm hại báu vật thiên nhiên của Đà Nằng từng một thời được bảo vệ nghiêm ngặt là RỪNG CẤM QUỐC GIA SƠN TRÀ !
Bán đảo Sơn Trà có diện tích 4.439ha, được công nhận là một trong 10 khu rừng cấm theo Quyết định số 41/TTg ngày 24/1/1977 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, bán đảo Sơn Trà được xếp hạng trong hệ thống rừng đặc dụng quốc gia với tên gọi “Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà”.
Hơn 3000 ha rừng tự nhiên hiện có của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Trong đó 400 ha rừng trung bình và hơn 2600 ha rừng phục hồi mang lại cho Đà Nẵng nét độc đáo là thành phố Cảng có rừng tự nhiên, một mãng phía Đông Bắc của thành phố Đà Nẵng với sinh cảnh “sơn thủy hữu tình”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hệ thực vật ở Sơn Trà có 289 loài, thuộc 217 chi, 90 họ. Trong đó có 64 loài gỗ lớn, 107 loài cây thuốc và các loài cây khác cho lá sợi để đan, buộc, cây phong cảnh… Hệ thực vật ở Sơn Trà còn mang đặc điểm như hệ thực vật Quảng Nam – Đà Nẵng là nơi giao lưu giữa hai luồng thực vật Bắc – Nam, đồng thời còn có 6 loài mang tên thành phố Đà Nẵng trước đây (Touran), vì trước kia các nhà thực vật học người Pháp trong khi xây dựng “Thực vật chí tổng quát của Đông Dương” đã phát hiện các loài mới này tại vùng Đà Nẵng, trong đó có Sơn Trà.
Hệ động vật rừng ở Sơn Trà có khoảng 100 loài, trong đó 8 loài thuộc loài quý hiếm cần được bảo vệ. Đáng chú ý nhất là Voọc ChàVá – Pygathrix nemaeus- một loài linh trưởng đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam và Lào. Trước giải phóng khi lính Mỹ chiếm đóng tại Sơn Trà thường gọi vùng này là “Monkey mountain” (Núi Khỉ), điều này phần nào cũng nói lên số lượng cá thể phong phú của các loài linh trưởng tại đây. Vùng phân bố của Voọc Chà Vá ở nước ta kéo dài từ Hà Tĩnh đến Sông Bé, Tây Ninh. Tuy vùng phân bố rộng song do môi trường sống bị thu hẹp và nạn săn bắn bừa bãi nên số lượng của chúng giảm sút nghiêm trọng. Bảo vệ nguồn gen quý hiếm này là việc làm cấp thiết hiện nay.
Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà không những có tính đa dạng về hệ động – thực vật rừng, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố Đà Nẵng về mặt phòng hộ, môi trường Sơn Trà trải dài 13 Km theo hướng Đông – Tây, có các đỉnh cao từ 500m đến 700m, ở vùng trung tâm thấp dần về hai phía, Sơn Trà như bức bình phong chắn gió bão cho Đà Nẵng. Bán đảo Sơn Trà cùng với dãy Hải Vân ( cách 20 Km về phía Tây) mang lại cho khu vực Đà Nẵng tiểu vùng khí hậu dễ chịu hơn phía Hải Vân Bắc.
Trong khu vực Sơn Trà có 20 suối, nước có quanh năm hay theo mùa. Suối nước ngọt là nguồn tài nguyên rất quan trọng và có giá trị của Sơn Trà. Ít vùng núi đá lại có nguồn nước ngọt phong phú như ở đây. Qua phân tích các loại đặc điểm về lý, hóa và sinh của nguồn nước Suối Đá, Công ty cấp nước Đà Nẵng đã sử dụng nguồn nước này cung cấp một phần nhu cầu nước của thành phố, đây là nguồn nước không bị nhiễm mặn về mùa khô hạn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước ngọt tiếp tục bị ảnh hưởng do khai thác đầu tư du lịch.
Về mặt quốc phòng, Sơn Trà có vị trí quan trong trong việc bảo vệ vùng biển và vùng trời ven biển Trung Trung Bộ. Năm 1858 thực dân Pháp đã chọn Đà Nẵng tại khu bán đảo Sơn Trà làm nơi đầu tiên để tấn công mở đầu cuộc chiến xâm lược Việt Nam.
Sơn Trà lại rất gần cảng biển Tiên Sa, giao thông đường bộ, đường thủy thuận tiện, sinh cảnh tự nhiên được bảo tồn lâu dài sẽ là nơi phục vụ cho nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, du lịch thiên nhiên của nhân dân Đà Nẵng, vùng phụ cận, có thể là một trong những điểm du lịch của cụm “ Huế – Đà Nẵng – Hội An”.
Sơn Trà xứng đáng với danh mục “Khu bảo tồn thiên nhiên” và cần dược bảo vệ tích cực. Bảo vệ bán đảo Sơn Trà không những có ý nghĩa về bảo vệ sự đa dạng sinh học, mà còn trực tiếp bảo vệ sinh cảnh lâu dài của khu vực Đà Nẵng, nơi có một tiềm năng thiên nhiên có ý nghĩa nhiều mặt về khoa học, văn hóa, lịch sử và cảnh quan môi trường và hơn nữa bảo vệ Sơn Trà cũng chính là bảo vệ bức bình phong của thành phố Đà Nẵng.
Vừa qua việc Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng gửi tâm thư lên Thủ tướng đề nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà đã thu hút sự hưởng ứng đồng tình của dư luận cả nước, bởi người dân rất lo lắng trước nguy cơ khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sẽ bị băm nát nếu triển khai quy hoạch tổng thể này.
Điều cần nói ở đây là sự băm nát Sơn Trà không phải do các hành động phá rừng trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước mà ở chỗ do các doanh nghiệp được thành phố giao đất, cấp phép đầu tư một cách hợp pháp. Tìm hiểu lịch sử biến đổi về quy mô của Rừng cấm Sơn Trà mới thấy quá trình lấy đất rừng Sơn Trà cho xây dựng các khu du lịch diễn ra thật đáng lo ngại.
Trong thời gian từ 1977 đến 1997 (trước khi chia tách Quảng Nam – Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà được quản lý và bảo vệ khá chặt chẽ qua quyết định của nhà nước ban hành gồm:
+ Quyết định số 41-TTg ,Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/01/1977. Sơn Trà là rừng cấm có diện tích khoảng 4.000 ha , quy định cụ thể :Toàn bộ bán đảo Sơn Trà và vùng xunh quanh chân núi kéo dài ra 500m, toàn bộ diện tích rừng hiện còn và diện tích các đồi trọc sẽ trồng rừng.
+ Quyết định số 447/LN – KL do Bộ Lâm nghiệp ban hành ngày 02/10/1992, đổi tên thành khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, xác định cụ thể tổng diện tích là 4.439 ha.
Từ sau chia tách , thành phố Đà Nẵng phát triển bứt phá, hạ tầng đồng bộ, hàng loạt khu đô thị mới mọc lên, thành phố mở rộng ra toàn bộ không gian hành chính. Bán đảo Sơn Trà cũng chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc phát triển bứt phá đó, do tính chất đặc thù là khu bảo tôn thiên nhiên lại có cảnh quan biển đảo tuyệt đẹp nên Sơn Trà trở thành mục tiêu đặc biệt cho các dự án khách sạn, resorts, nghỉ dưỡng và đô thị cao cấp. Vì vậy đã phát sinh hàng loạt vấn đề bất cập trong quản lý khu bảo tồn thiên nhiên: về xâm hại quy mô ranh giới khu bảo tồn, về mâu thuẫn giữa định hướng bảo tồn thiên nhiên và khai thác phát triển, về cấp phép đầu tư, về chuyển mục đích sử dụng rừng…Sau đây là một số bất cập lớn cần được xem xét nghiêm túc nhằm bảo vệ Sơn Trà cho thế hệ mai sau.
Phần I: NHỮNG BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ – KHAI THÁC KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN SƠN TRÀ:
1. Công tác cấp phép đầu tư dự án trong khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà
Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà trước đây được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41-TT ngày 24/01/1977, xác lập là rừng cấm Sơn Trà với diện tích khoảng 4.000 ha. Hiện nay thành phố Đà Nẵng đã cấp phép đầu tư và giao đất rừng cho 14 doanh nghiệp xây dựng các khu du lịch, biệt thự, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp…với tổng diện tích khoảng 1225,45 ha. Chiếm gần 30% tổng diện tích toàn khu bảo tồn ) , Phần lớn các dự án này được cấp phép đầu tư từ những năm 2000 -2010.( xem bản đồ kèm theo)
– Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng 2004 quy định thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng như sau:
Điều 28 khoản 2- Thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng được quy định:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng toàn bộ hoặc một phần khu rừng do Thủ tướng Chính phủ xác lập.
Như vậy việc chuyển đất rừng trên khu bảo tồn sang đất khác dù ở quy mô lớn nhỏ nào đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ.
Như vậy, việc ĐN đã cấp phép đầu tư và giao đất rừng cho các doanh nghiệp tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thời gian này là không đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên cũng cần thừa nhận một thực tế khách quan là các nhà đầu tư được thành phố (nhà nước) cấp phép đầu tư vào Sơn Trà là hoàn toàn hợp pháp, vì họ chỉ biết những gì cơ quan có thẩm quyền thông tin và họ chỉ xin được đầu tư vào Sơn Trà, mong muốn góp phần cho Đà Nẵng phát triển.
2. Quyết định số 6758/QĐ – UBND của UBND TP. Đà Nẵng cắt giảm quy mô khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà:
Thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004, năm 2008 UBND Thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6758/QĐ – UBND ngày 20/9/2008 về việc phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008 – 2020. Theo quyết định này diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà từ 4.439 ha giảm xuống chỉ còn 2.591,1 ha bao gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, đất trống và đồi núi trọc .
Quyết định số 6758 năm 2008 của UBND TP. Đà Nẵng giảm 1.847,9 ha ,chiếm 41% tổng diện tích khu bảo tồn, lấy đất rừng cấp cho du lịch là quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của khu bảo tồn không khỏi làm những người quan tâm đến bảo tồn Sơn Trà đặt câu hỏi có hay không một chủ trương của Đà Nẵng nhằm cắt đất Khu Bảo tồn giao cho các dự án du lịch và bất động sản trong thời gian qua, đồng thời tạo cở sở pháp lý cho việc khai thác quỹ đất quy mô lớn trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà ?
Như vậy bằng Quyết định số 6758, Đà Nẵng đã chuyển mục đích sử dụng 1.847,9ha rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sang đất khác . Tuy nhiên đây là một quyết định sai luật vì theo Điều 28 khoản 2- Luật bảo vệ và phát triển Rừng 2004 thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng bảo tồn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
3. Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 12/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu ( 2011- 2015) của thành phố Đà Nẵng.
Trong phần chuyển mục đích sử dụng đất có ghi rõ chuyển 1.906 ha đất rừng đặc dụng qua đất phi nông nghiệp. Như vậy đến năm 2013 với Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 12/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ ĐN đã chính thức xác định cắt gần 40% đất rừng khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sang đất khác.
4. Quyết định số 2347/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2050.
Năm 2013 Đà Nẵng tổ chức lập đồ án Điều chỉnh QHC đến 2030, tầm nhìn 2050. Đồ án này đã định hướng phát triển du lịch trên Sơn Trà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 12/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ, kết quả là các dự án du lịch, đô thị. Khách sạn, Resort… đã được thành phố Đà Nẵng cấp phép từ lâu được hợp thức hóa.
5. Quyết định số 2163/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà:
Năm 2016, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà, do Viện Chiến lược Phát triển Du lịch nghiên cứu thực hiện. Theo bảng tổng hợp sử dụng đất của quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà , diện tích đất dành cho phát triển du lịch là 1.056 ha.
(Quyết định số 2163/QĐ-TTg Chính thức đưa 1.056 ha rừng bảo tồn thiên nhiên vào định hướng xây dựng khu du lịch quốc gia Sơn Trà)
Nhận xét:
Như vậy, sau 6 năm kể từ 2008 việc cắt giảm hơn 1.847 ha rừng đặc dụng Sơn Trà sang đất khác, đất phi nông nghiệp đã được Nhà nước chính thức hóa bằng các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ trong năm 2013( thời điểm không chịu sự điều chỉnh của luật đầu tư 2014 luật này quy định việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang đất khác >50 ha thuộc thẩm quyền của Quốc hội).
Phần II: CẦN KHÔI PHỤC PHÁP LÝ CHO KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN SƠN TRÀ.
Sơn Trà hiện đang là vùng đất vàng quy mô lớn nhất, duy nhất còn lại của Đà Nẵng, là món quà vô cùng quí giá do thiên nhiên ban tặng cho người dân Đà Nẵng, là khu bảo tồn quốc gia, là độc nhất vô nhị về cảnh quan thiên nhiên, là lá phổi xanh, là tấm khiên che chắn bão gió và quốc phòng cho thành phố.
Có thể nói việc cắt giảm 41% diện tích rừng chuyển sang đất khác là quá lớn, khu vực bị cắt giảm nằm ở chân núi thuộc vùng đệm bảo vệ cho khu bảo tồn tránh khỏi sự xâm hại từ các hoạt động của con người, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại các loài động vật quý hiếm trong khu bảo tồn. khi đã được xác định là đất phi nông nghiệp thì khả năng 40% Sơn Trà biến thành đô thị là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai không xa.
Vấn đề nóng bỏng trong dư luận cộng đồng hôm nay là để phát triển kinh tế, thành phố Đà Nẵng có thực sự cần thiết phải biến 40% bán đảo Sơn Trà từ đất rừng chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, thành các khu đô thị, resort, khách sạn … đồng nghĩa với rừng xanh biến thành rừng bê tông? Vì vậy phải khẳng định việc phục hồi lại diện tích cần thiết cho khu bảo tồn hết sức quan trọng và cấp bách.
Để phục hồi pháp lý cho toàn bộ không gian khu bảo tồn Sơn Trà , thành phố Đà Nẵng cần thực hiện một số vấn đề cơ bản sau:
1. Thu hồi Quyết định số 6758/QĐ – UBND vì đây là quyết định trái thẩm quyền.
2. Trình Chính phủ điều chỉnh phục hồi diện tích rừng đặc dụng Sơn Trà trong quy hoạch sử dụng đất 2020 của thành phố Đà Nẵng .
3. Trình Chính phủ diều chỉnh định hướng bảo tồn và phát triển trên bán đảo Sơn Trà trong Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2050.
4. Trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà .
Phần III: CẦN CÓ QUY HOẠCH TỔNG THỂ THÍCH HỢP HÀI HÒA GIỮA BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN TRÊN BÁN ĐẢO SƠN TRÀ.
Ngoài nhiệm vụ là tiền đồn quốc phòng, trên bán đảo Sơn Trà đang cùng tồn tại khu bảo tồn thiên nhiên và khu du lịch quốc gia. Hiện nay đang tồn tại 2 xu hướng
– Giữ nguyên hiện trạng, khôi phục không gian và bảo tồn tối đa trên toàn bộ khu bảo tồn. Khai thác nhằm vào các hoạt động tham quan dã ngoại, nghiên cứu khoa học, biến Sơn Trà thành thương hiệu của thành phố, qua đó thu hút mạnh khách du lịch cho Đà Nẵng.
– Khai thác lợi thế không gian núi – biển – đảo, đầu tư tập trung tạo nên một khu du lịch quốc gia đẳng cấp cao. Thu hút hàng triệu lượt khách lưu trú và tham quan hàng năm.
Như vậy giữa bảo tồn và phát triển có mâu thuẫn rất lớn. Tuy nhiên nên có giải pháp nhằm vừa bảo tồn thiên nhiên thật tốt đồng thời không phí phạm lợi thế có một không hai cho du lịch của Đà Nẵng bằng một quy hoạch tổng thể tích hợp cả quy hoạch bảo tồn và phát triển hài hòa. Trong đó phần quy hoạch phát triển du lịch đặc biệt không phương hại đến bảo tồn các loài động vật , thực vật, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, các kiến trúc phải được ẩn mình vào trong thiên nhiên.
1.Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên: Hạn chế tối đa các dự án chiếm diện tích lớn trên các sườn núi, chỉ lựa chọn một số thung lũng, sườn núi kín để xây dựng tập trung, ẩn mình vào trong thiên nhiên. Đăc biệt tránh các khu vực nhạy cảm quốc phòng
2. không cho phép xây dựng dự án qui mô nằm ở những đỉnh đồi và các điểm cao của bán đảo
3. không cho phép các dự án xây dựng trên sườn núi phía Nam hướng về thành phố.
4. Tạo các điều kiện hạ tầng cho các hoạt động khám phá tài nguyên, dã ngoại ngoài trời, đi bộ, bơi lội, lặn biển , tham quan các rặng san hô , đáy biển…
5. Khu vực dự án Công viên Đại dương là khu vực kết nối đô thị và bán đảo, là địa điểm lý tưởng cho các dịch vụ du lịch đại dương . Dự án này không tác động trực tiếp vào khu bảo tồn, rất cần được nghiên cứu thực hiện. Tuy nhiên cần có nghiên cứu đầy đủ, thận trọng tác động xấu vào các rặng san hô chân núi.
6. Khu vực sườn núi phía Nam hướng về thành phố chỉ cho phép xây dựng dưới con đường chân núi.
KTS. Hoàng Sừ – Cửu Loan
Ảnh: Thanh Bình
ĐTPT Số 67/2017
TS Dan Ringelstein – từng học tại Đâị học Harvard, MIT; hiện là người đứng đầu bộ phận quy hoạch và thiết kế đô thị châu Âu của Công ty Quy hoạch – Kiến trúc Skidmore Owing & Merill – tỏ ra quan ngại: “Tôi cho rằng các bạn đã xây dựng quá nhiều resort, nhà hàng ở các sườn núi Sơn Trà. Đó là một vị trí hết sức nhạy cảm. Tại sao ở đó không xây dựng một trường ĐH gần KCN thủy sản? Tại sao không xây dựng một công viên quốc gia kết hợp với du lịch sinh thái? Đà Nẵng còn nhiều nơi có thể khai thác trước khi nghĩ đến Sơn Trà. Cần coi Sơn Trà như một gia sản với khả năng bảo tồn động vật quý hiếm và nghiên cứu lâm sinh…”.