Home / QUY HOẠCH / Quy hoạch thành phố Đà Nẵng hướng đến phát triển đô thị thông minh và bền vững

Quy hoạch thành phố Đà Nẵng hướng đến phát triển đô thị thông minh và bền vững

Đà Nẵng, một thành phố đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử và bây giờ là xây dựng Đô thị thông minh (ĐTTM). Đà Nẵng đã tham khảo kinh nghiệm triển khai ĐTTM của nhiều thành phố trên thế giới để định hướng xây dựng ĐTTM như: Barcelona, Valencia, Amdalusia (Tây Ban Nha); Yokohama, Keihanna, Kitatyushu, Kashiwa-no-ha (Nhật Bản);  Seoul, Songdo, Pangyo, Anyang, Busan, Dongtan (Hàn Quốc); London (Anh), Dubai, Singapore. Đà Nẵng đã ban hành “Đề án xây dựng Thành phố thông minh hơn” tại Quyết định số 1797/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 với sự tư vấn của Đoàn chuyên gia của Tập đoàn IBM, tập trung vào 5 lĩnh vực: Giao thông thông minh, Cấp nước thông minh; Thoát nước thông minh; Kiểm soát vệ sinh An toàn thực phẩm và Xây dựng thành phố kết nối. Đà Nẵng chọn cách tiếp cận Nền tảng là Chính quyền điện tử với Khung kiến trúc thành phố thông minh. Tuy nhiên để những mục tiêu, mong muốn một mô hình đô thị thời đại 4.0 trở thành hiện thực và bền vững thì công tác quy hoạch đô thị Đà Nẵng cần được đổi mới về mặt phương pháp luận, đồng thời công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị cần được thay đổi theo hướng ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quy hoạch đô thị.

Thách thức trong phát triển thành phố Đà Nẵng

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013, công tác triển khai quy hoạch chung và quản lý đô thị đã thực hiện khá tốt và có định hướng phù hợp[1].

Tuy nhiên nhiều điểm hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua làm cho công tác quy hoạch đô thị, quản lý đô thị còn hạn chế. Với tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, thành phố Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như không gian đô thị rời rạc, ùn tắc giao thông, ô nhiễm…

do thi san bay

Hình ảnh minh họa

  • Yêu cầu giải quyết các tồn tại trong phát triển

+ Quỹ đất và áp lực gia tăng dân số

Đà Nẵng đang cạn kiệt đất và cần có giải pháp thích ứng với thành phố 3 triệu dân trong tương lai gần. Hiện nay Đà Nẵng có hơn 1 triệu người với quỹ đất ở đô thị 98.043ha, nhưng đến năm 2030 dự báo tăng lên 2,5 triệu người thì nhu cầu sử dụng đất cần tăng thêm 37.500ha. Quá trình mở mang tạo nên nhiều quỹ đất phát triển đô thị, nhiều khu ở, khu nghĩ dưỡng, nhiều con đường nhưng nhìn chung còn thiếu những khung cảnh thành thị phồn hoa, thiếu những trung tâm của kiến trúc và cộng đồng, thiếu những công viên và vườn hoa, những điểm nhấn đô thị, thiếu những công trình mang diện mạo biểu trưng để nhìn vào, nhận ra ngay Đà Nẵng[2]. Công tác điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng đất chưa sát thực tế. Việc kiểm soát quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch đã không được thực hiện chặt chẽ, khoa học. Kiểm soát sử dụng đất trong thời gian qua là lĩnh vực yếu nhất trong hoạt động kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch[3]. Chính vì vậy, quản lý đất đai, tài nguyên hiệu quả đang là vấn đề hết sức cấp bách trong công tác phát triển và quản lý đô thị.

+ Quản lý phát triển đô thị còn bất cập

Sử dụng đất thiếu hiệu quả, đồng thời kéo dài thêm chu trình phát triển lạc hậu của mô hình kinh tế mặt đường đang tạo nên những bất cập, vất vả trong quản lý đô thị. Không gian đô thị thiếu các quảng trường lớn, các không gian sinh hoạt cộng đồng. Năng lực phòng cháy chữa cháy, cấp cứu, cứu hộ còn nhiều dấu hỏi trong xu thế bùng phát các công trình cao tầng. Hệ thống bãi đỗ xe đã được quy hoạch trong điều kiện có đất đâu thì làm đấy chứ ít mang tính cơ cấu. Quy hoạch chiều cao nền đô thị và dự báo khả năng xâm thực của nước biển đã có nhiều nghiên cứu những chưa có sản phẩm chính thức để áp dụng[4].

+ Quá tải hạ tầng, trong đó ùn tắc giao thông

Quy hoạch và xây dựng đô thị phần lớn tập trung vào khu vực trung tâm thành phố như: khách sạn, nhà hàng, khu thương mại… các vấn đề này dẫn đến mật độ giao thông dày đặc, gây ùn tắc giao thông giờ cao điểm tại các nút giao thông, siêu thị, các cổng trường học… Quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn khá hạn chế, tình trạng thiếu bãi đỗ xe công cộng là vấn đề nan giải cần giải quyết. Công tác tổ chức giao thông chưa theo kịp sự gia tăng lượng phương tiện. Mỗi năm trung bình số ô tô tăng hơn 18%, mô tô tăng hơn 5%[5]. Vận tải đô thị vẫn chủ yếu là xe máy, ô tô cá nhân ngày càng nhiều, lượng khách du lịch không ngừng tăng nhanh qua các năm…

+ Quản lý môi trường

Môi trường đô thị luôn đứng trước nguy cơ ô nhiễm bởi nước thải từ sinh hoạt, khói bụi từ sản xuất, đất đá ngổn ngang từ khai khoáng… Nước thải và chất thải bị quá tải là một vấn đề đang tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của Đà Nẵng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị trên địa bàn thành phố gần 900.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên gần 2/3 lượng nước thải còn lại gần như không được xử lý được xả vào hệ thống thoát nước chung, sông, mương thoát nước, các ao hồ của thành phố. Bên cạnh đó, trung bình mỗi ngày thành phố Đà Nẵng có khoảng 850 – 900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được đưa đến bãi rác Khánh Sơn. Bãi rác này được xây dựng cách đây hơn 25 năm và cũng trong suốt thời gian này, nước rỉ rác tại bãi rác này là căn nguyên hàng loạt bức xúc của người dân. Một phần nguyên nhân là do công tác quản lý giám sát môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng đổ rác, xả thải thiếu công cụ kiểm soát, công tác quan trắc môi trường còn hạn chế. Yêu cầu đô thị cần phải có sự bền vững cả về môi trường tự nhiên và bền vững về phát triển đô thị luôn được đặt ra.

Những tồn tại, thách thức trong phát triển đô thị Đà Nẵng đang đặt ra những yêu cầu mới cho quy hoạch và quản lý đô thị, đỏi hỏi những mô hình phát triển đô thị tiên tiến hơn, hiệu quả bền vững hơn. Trong bối cảnh Cuộc CMCN 4.0 với sự phát triển của Intenet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, công cụ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa và cần được ứng dụng đối với Đà Nẵng nhằm giải quyết các áp lực ngày càng lớn trong quản lý, cung cấp dịch vụ cho đô thị cũng như giải quyết yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực trong đô thị và đô thị thông minh là một dạng thức phát triển mới đang được rất nhiều thành phố trên thế giới áp dụng.

Cơ hội giải quyết thách thức bằng mô hình ĐTTM

  • Đô thị thông minh ở nước ta hiện nay

Khái niệm Đô thị thông minh bền vững của ITU (Liên minh Viễn thông Quốc tế) và UNECE (UB kinh tế châu Âu của LHQ) – 4/2016 được sử dụng phổ biến. Đô thị thông minh bền vững là đô thị đổi mới, được ứng dung ICT và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội. Theo đó ĐTTM có thể giải quyết các vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo động lực giúp cải thiện sức cạnh tranh của đô thị, đó cũng chính là mục tiêu mà quy hoạch đô thị hướng tới.

Ở Việt Nam, phát triển “đô thị thông minh” ở nước ta đang ở trong các giai đoạn ban đầu. Chủ trương phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ cách đây vài năm. Từ năm 2008, trong quá trình nghiên cứu xây dựng QHTT HTĐT Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu phát triển hệ thống đô thị Việt Nam thông minh, trong đó xác định ra các tầng bậc thông minh từ cấp quốc gia, đến cấp vùng và cấp đô thị, và đến công trình, ví dụ như quản lý các dịch vụ trong một tổ hợp công trình như siêu thị, tòa nhà… Phát triển ĐTTM nước ta chính thức được hiện thực hóa từ cuối năm 2015 bằng Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước với mục tiêu và nhiệm vụ “triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 địa điểm theo tiêu chí do Bộ TT&TT hướng dẫn”. Cho đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/08/2018).

dt 1

  • Vai trò ĐTTM trong quy hoạch đô thị ở TP. Đà Nẵng

Không gian đô thị và sử dụng đất: Việc áp dụng công nghệ thông minh cho phép tăng cường quản lý đất đai làm tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, giúp thay đổi hình thái đô thị theo hướng bền vững hơn, giảm quy mô đất đai đô thị trong khi vẫn đảm bảo hoạt động của các chức năng, dịch vụ cho một quy mô dân số lớn.

Giải pháp sử dụng quỹ đất hiệu quả và  phát triển đô thị nén – các công trình cao tầng gắn kết với phát triển mạnh hoạt động giao thông công cộng. Tuy nhiên khi phát triển mật độ cao thì yêu cầu quản lý hết sức khó khăn. Các quy trình điều khiển, kiểm soát hoạt động đô thị phải rất nhanh gọn, chặt chẽ mà chỉ có thông qua mô hình ĐTTM mới có thể thực hiện hiệu quả.

Theo Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng được duyệt, đô thị trung tâm phải được mở rộng và gắn kết các đô thị vệ tinh, các phân khu đô thị chức năng… để phát triển không gian đô thị. ĐTTM là công cụ, giải pháp mới hiệu quả để tăng cường gắn kết phát triển giữa các khu vực trong đô thị.

Để mở rộng quỹ đất Đà Nẵng, lấn biển đang là một giải pháp. Tuy nhiên lấn biển như thế nào cần có công cụ hỗ trợ. Hệ thống cảnh báo thiên tai cần được xây dựng để cảnh báo các rủi ro do bão, sóng, dòng chảy… đối với dải ven bờ.

Về hạ tầng kỹ thuật: Trong quy hoạch giao thông đô thị, giải pháp thiết kế hệ thống giao thông công cộng thuận lợi, khoảng cách đảm bảo khả năng đi bộ, các tiện nghi vỉa hè thuận tiện cùng với áp dụng các công nghệ thông minh hỗ trợ người dân. Thiết kế mạng đường cho xe đạp an toàn, có các tiện nghi đỗ xe, gửi xe, thuê xe thông minh. Thông qua hệ thống điều khiển giao thông thông minh để giải quyết bài toán giao thông trong quy hoạch. Trong quy hoạch năng lượng, giải pháp nguồn điện sẽ ưu tiên và dùng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Các ngôi nhà, tòa nhà sẽ dùng vật liệu che ngoài bằng các hệ thống pin mặt trời, thu năng lượng dùng cho chính ngôi nhà và tòa nhà của mình. Trong quy hoạch hệ thống cấp thoát nước được thiết kế với các cảm biến nối với hệ thống máy tính hỗ trợ điều hành hệ thống, giảm thất thoát nước, thông báo nguy cơ ngập lụt và khởi động hệ thống ứng cứu như bơm-hút, hệ thống sơ tán di chuyển… Trong quy hoạch quản lý rác thải – môi trường, có thể bố trí các sensor cảm biến gắn với các hệ thống thu gom, vận chuyển, thông báo khi nào rác thải đầy để có thể thu gom.

Mô hình ĐTTM cho thành phố Đà Nẵng

Xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng được đánh giá là xu thế tất yếu, khách quan, đáp ứng đòi hỏi của quản lý đô thị và yêu cầu phát triển của thành phố; phù hợp xu thế phát triển chung của các đô thị lớn trên thế giới, kế thừa kết quả triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chính quyền điện tử (CQĐT) và phù hợp với khả năng nguồn lực của Thành phố[6]. Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ giao tham gia Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN cùng với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, thành phố đã triển khai xây dựng ĐTTM và đã phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở triển khai Khung kiến trúc thành phố thông minh đã được phê duyệt, kế thừa nền tảng Chính quyền điện tử và kết quả thí điểm các ứng dụng thành phố thông minh trong thành phố và đã đạt nhiều kết quả khích lệ.

Về quản lý hạ tầng kỹ thuật: Trong giao thông đô thị, thành phố đã xây dựng và vận hành Hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình. Thiết lập hệ thống điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông và trung tâm điều hành tập trung. Trong cấp nước đô thị, đã triển khai trạm giám sát và cảnh báo sớm, tự động chất lượng nước tại nhà máy nước Cầu Đỏ. Trong quản lý môi trường thiết lập hệ thống tiếp nhận, quản lý kết quả quan trắc tự động liên tục 03 trạm xử lý nước thải và giám sát toàn bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố. Triển khai Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm môi trường nước tại hồ Thạc Gián. Trong quản lý đô thị, thiết lập hệ thống camera giám sát an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với quy mô khoảng 1.800 camera[7].

Về dịch vụ xã hội: Trong lĩnh vực y tế đã tin học hóa nghiệp vụ khám chữa bệnh tại 56/56 Trạm y tế xã phường, cài đặt phần mềm quản lý bệnh viện tại Trung tâm y tế cấp quận, phần mềm quản lý hồ sơ y tế điện tử (hồ sơ sức khỏe) và quản lý ID bệnh nhân. Trong giáo dục, thiết lập CSDL dùng chung và Cổng giao tiếp dữ liệu ngành Giáo dục,  triển khai phần mềm tuyển sinh đầu cấp.

Trong quản lý quy hoạch đô thị, để đảm bảo cho việc kết nối các đồ án quy hoạch chi tiết và theo dõi tình hình phát triển đô thị, UBND thành phố đã giao cho Sở Xây dựng tổ chức thành công việc hệ thống hóa toàn bộ các đồ án trên địa bàn thành phố trên nền địa hình số hóa theo hệ thống cao độ, tọa độ quốc gia. Nhờ đó việc kiểm soát các đồ án rất thuận tiện, đồng thời có khả năng khai thác và cung cấp thông tin phối hợp cho các đơn vị khác[8].

Tồn tại, khó khăn trong quy hoạch đô thị thông minh

QHĐT hướng tới ĐTTM ở Đà Nẵng mặc dù là một trong những đô thị đi đầu trong phát triển ĐTTM song vẫn đang ở giai đoạn đầu triển khai. Các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa có hướng dẫn thống nhất. Việc triển khai ĐTTM cần nguồn kinh phí khá lớn và lâu dài và chưa tạo ra được môi trường tham gia của các doanh nghiệp để có nguồn đầu tư thích hợp. Hạ tầng CNTT của thành phố đã triển khai mới chỉ đáp ứng cho việc phục vụ duy trì vận hành chính quyền điện tử, CSDL nền chưa hoàn thiện. nguồn nhân lực dành cho thành phố thông minh đòi hỏi ở trình độ cao, mang yếu tố cạnh tranh[9].

Trong QHĐT, việc ứng dụng giải pháp quy hoạch thông minh như công nghệ GIS thời gian gần đây đã được áp dụng tại một số đơn vị. Tuy nhiên, trong thực tế công tác lập quy hoạch đô thị hiện nay vẫn chủ yếu thực hiện theo công nghệ truyền thống với phần mềm hỗ trợ thiết kế AutoCad và các phần mềm diễn họa. Ứng dụng GIS trong QHĐT hiện mới chỉ ở bước số hóa đồ án quy hoạch sau khi phê duyệt. Công tác quản lý dữ liệu ngành hiện tại chưa đạt hiệu quả cao, việc cập nhật, theo dõi các hoạt động, tra cứu thông tin khi cần thiết là một vấn đề khó khăn. Trong các bước tác nghiệp lập QHĐT nội dung nghiên cứu quy hoạch nói chung hầu như chưa ứng dụng công nghệ GIS để hỗ trợ quy hoạch.

Đặc biệt, việc phát triển dữ liệu dùng chung vẫn còn đơn lẻ, thiếu tính nhất quán, chưa đồng bộ, thống nhất theo hướng một hạ tầng dữ liệu không gian thống nhất từ trên xuống. Việc sử dụng dữ liệu không gian còn hạn chế, chưa phát huy được hết năng lực thông tin, chưa phục vụ được nhu cầu hiện đại hóa quy hoạch thông qua phân tích không gian. Các dữ liệu không gian này chưa được cập nhật thường xuyên. Các dữ liệu không gian đang tồn tại dưới dạng tập hợp dữ liệu hoặc cơ sở dữ liệu đơn lẻ, chưa được kết nối trong một hạ tầng thông tin không gian thống nhất.

Untitled-1

Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng cho thiết kế quy hoạch Quảng trường trung tâm TP. Đà Nẵng

Một số giải pháp trong công tác QHĐT để phát triển thành phố Đà Nẵng thông minh, bền vững

Quan điểm, nguyên tắc quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng hướng tới ĐTTM:

Để phát triển thành phố Đà Nẵng hướng tới ĐTTM, trước hết QHĐT Đà Nẵng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam cũng như Chương trình phát triển đô thị quốc gia. Để phát triển ĐTTM, không thể tư duy một chiều về ứng dụng công nghệ, mà cần được hình thành từ sự phát triển cân bằng của 3 thành tố: công nghệ, con người và thể chế. Vì vậy phải lấy quan điểm phát triển bền vững làm quan điểm, mục tiêu lớn nhất cho các hành động phát triển đô thị. Bên cạnh đó một số mặt của quá trình đô thị hóa thành phố Đà Nẵng chưa hợp lý cũng cần được xử lý bởi những giải pháp “thông minh” ngoài công nghệ, luôn song hành “thông minh cần công nghệ” và “thông minh không cần công nghệ” thông qua QHĐT như duy trì, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên cũng như cảnh quan đặc trưng từ điều kiện tự nhiên của đô thị, chú trọng phát triển mới với cải tạo nâng cấp khu hiện hữu và gắn kết với nhau cả hạ tầng và cảnh quan, phát triển trung tâm đa chức năng… Phát triển TP. Đà Nẵng thông minh trước tiên phải làm cho QHĐT trở thành công cụ sắc bén, hiệu quả để định hướng tổng thể quá trình phát triển trước khi sử dụng các công cụ cụ thể về công nghệ. Ngoài ra QHĐT cũng phải làm rõ đô thị mình cần thông minh ở khía cạnh nào, lĩnh vực nào là ưu tiên.

QHĐT cho thành phố Đà Nẵng hướng tới ĐTTM phải đạt được mục tiêu căn bản biến đô thị hiện tại trở thành một sống tốt hướng tới phục vụ con người, nâng cao chất lượng cuộc sống mọi mặt cho con người; có khả năng chống chịu với những tác động từ bên ngoài như biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế; trở thành đô thị năng động giải quyết được những thách thức tồn tại của đô thị như giao thông, môi trường, giáo dục, y tế… đồng thời có tính liên kết  trong đó cơ sở hạ tầng thông tin đô thị được chia sẻ, kết nối đảm bảo thuận lợi cho điều hành quản lý đô thị; thuận lợi cho sự phát triển các ứng dụng thông minh; thuận lợi cho cộng đồng sử dụng… Từ đó nâng cao sức cạnh tranh đô thị, thu hút nhiều nguồn lực.

Đổi mới phương thức lập và nghiên cứu quy hoạch:

Để phát triển 1 đô thị, nền tảng chính là dựa trên quy hoạch bởi quy hoạch sẽ tổng hợp phân tích các vấn đề hiện hữu của đô thị, dự báo nhu cầu phát triển, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển đô thị bền vững, giúp kiểm soát ngăn ngừa sự cố. Do vậy, để xây dựng đô thị thông minh tại Đà Nẵng việc đầu tiên là phải đổi mới phương thức lập và nghiên cứu quy hoạch. Trước hết đô thị phải có quy hoạch thông minh (smart planning). Quy hoạch đô thị phải duy trì, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên cũng như cảnh quan đặc trưng từ điều kiện tự nhiên của đô thị. Chú trọng phát triển mới với cải tạo nâng cấp khu hiện hữu, các khu mở rộng. Gắn kết khu hiện hữu và mở rộng với nhau cả hạ tầng và cảnh quan. Các khu phát triển mới phải là khu đô thị hoàn chỉnh với trung tâm đa chức năng…

Phương pháp quy hoạch phải dựa trên các phân tích đánh giá của cơ sở dữ liệu dùng chung, cập nhật, chính xác, đầy đủ để đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn lực về đất đai, năng lượng và các nguồn lực tự nhiên khác, giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực công cộng, bảo tồn các giá trị lịch sử, đảm bảo không gian cho giáo dục và nghỉ ngơi, hạn chế phát triển tràn lan và nâng cấp không gian đô thị. Trước mắt, tập trung vào nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố trong đó xác định xây dựng mô hình đô thị thông minh là mục tiêu hàng đầu, là yêu cầu bắt buộc mà các nhà nghiên cứu quy hoạch và các cơ quan quản lý quy hoạch phải thực hiện.

Có nhiều mô hình phát triển ĐTTM theo từng khu vực phát triển đô thị như mô hình để cải tạo khu vực dân cư hiện có, mô hình tái phát triển đối với các khu vực mở rộng, mô hình phát triển cho đô thị mới, mô hình phát triển tổng hợp sử dụng các ứng dụng và dịch vụ thông minh toàn thành phố. Các nhà quy hoạch có nhiệm vụ lựa chọn và hướng vào từng khu vực dân cư phù hợp.

ĐTTM như một hệ thống hữu cơ kết nối nhiều thành phần trong một khung phát triển đô thị. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng để có một ĐTTM bền vững, khi lập QHĐT cần phải tính tới 8 yếu tố: Quản lý – tổ chức, công nghệ, chính quyền, chính sách, cộng đồng dân cư, kinh tế, cơ sở hạ tầng và môi trường tự nhiên. Các yếu tố này gắn kết với nhau tạo nên một khung đô thị tích hợp đảm bảo các mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau trong ĐTTM. Công nghệ được xem như là một yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến các yếu tố còn lại trong ĐTTM và ảnh hưởng lớn đến sự thành công của việc xây dựng ĐTTM. Phát triển ĐTTM ở Đà Nẵng bao gồm chính quyền điện tử, giao thông thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ, giáo dục thông minh, kết nối hoạt động thương mại, ngân hàng, an ninh, an toàn, xây dựng các hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu dùng chung… Nhiệm vụ của QHĐT là lựa chọn mức độ và giải pháp thông minh phù hợp với đặc thù của TP. Đà Nẵng.

Quy hoạch và quản lý đô thị trên nền tảng phần mềm đô thị thông minh:

Trong quy hoạch và quản lý đô thị theo định hướng ĐTTM, để đảm bảo kiểm soát năng động các hoạt động xây dựng của đô thị, vai trò công nghệ số và GIS trong nền tảng phần mềm ĐTTM là hết sức quan trọng. Một đô thị thông minh cần phát triển dựa trên nền tảng GIS Quốc gia, từ đó phát triển các hệ thống ứng dụng (như Hệ thống thông tin quản lý đất đai (LMIS), Hệ thống thông tin quy hoạch (UPIS), các hệ thống ứng dụng chuyên biệt…) và hệ thống GIS nâng cao (U-City ) cũng như hệ thống hỗ trợ ra quyết định (PSS) tích hợp chung trong Ngân hàng dữ liệu Quốc gia.

Xây dựng cơ sở dữ liệu mở dùng chung:

Ý tưởng quy hoạch chủ đạo của ĐTTM dựa trên các hệ thống thông minh và các ứng dụng tích hợp trong các chức năng đô thị, thay vì các mô hình truyền thống phát triển đô thị dựa trên giao thông, mặt nước, địa hình cảnh quan… Hạ tầng thông minh được ứng dụng để kết nối, điều khiển, giám sát, vận hành đô thị bao gồm thiết bị thông minh, công nghệ thông tin hiện đại, quản lý điều hành tổng hợp… dựa trên cơ sở dữ liệu dùng chung. Đây là dữ liệu liên thông tổng hợp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; là cơ sở dữ liệu mở đòi hỏi sự tương tác giữa cơ sở dữ liệu và cơ sở tri thức của người sử dụng. Cơ sở dữ liệu dùng chung chỉ có thể phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin và điện toán đám mây.

Kết luận

Đà Nẵng đang trên đà phát triển hết sức mạnh mẽ nhưng vẫn còn những vấn đề tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững và tăng trưởng liên tục của đô thị. Để khắc phục tình trạng này đồng thời phát huy hết các nguồn lực hiện có cũng như tạo ra những động lực tăng trưởng mới, rất cần thiết phải áp dụng các mô hình đô thị thông minh vào trong quá trình quy hoạch và quản lý đô thị. Các nhà quy hoạch đô thị cần tích hợp các giải pháp thông minh trong các đồ án quy hoạch đô thị ở Đà Nẵng, đảm bảo các mục tiêu phát triển đô thị được bền vững. Để đô thị thông minh trở thành hiện thực, không chỉ là sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mà còn phải kết hợp với quy hoạch thông minh để tạo nên không gian đô thị bền vững.

Chú thích:

1. http://dothiphattrien.vn/nhung-de-xuat-de-phat-trien-ben-vung-thi-da-nang/

2. https://www.baodanang.vn/channel/5404/201708/phat-trien-ben-vung-do-thi-da-nang-nhan-dien-nhung-thach-thuc-muc-tieu-2566062/

3. http://dbnd.danang.gov.vn/news/view/do-thi-da-nang-nhin-lai-20-nam-tao-dung-huong-den-phat-trien-ben-vung-trong-tuong-lai.html

4. Ban Đô thị HĐND thành phố khóa IX qua kỳ họp thứ 4

5. Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng (ĐTPT/số 68-69)

6. http://www.atgt.vn/giai-bai-toan-ket-xe-o-da-nang-the-nao-d412535.html

7. Đề án xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030

8. Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng

9. http://cadn.com.vn/news/65_159262_20-nam-nhi-n-la-i-cong-ta-c-qua-n-ly-quy-hoa-ch-xay-du-ng-do-thi-tp-da-na-ng.aspx

10. Đề án xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030

PGS.TS.KTS. LƯU ĐỨC CƯỜNG

 Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia

(ĐT&PT số 78-79/2019)

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …