Home / QUY HOẠCH / Quy hoạch các trung tâm đô thị Đà Nẵng

Quy hoạch các trung tâm đô thị Đà Nẵng

Đà Nẵng vẫn được nhiều địa phương khác xem là hình mẫu năng động về phát triển đô thị cần tham khảo, học tập. Khách quan mà nói, hơn 20 năm qua, đô thị Đà Nẵng đã có sự chuyển mình nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng. Về cơ bản, cấu trúc và hình hài đô thị được phát triển theo định hướng quy hoạch từ đầu những năm 2000. Đã có sự phân khu tương đối rõ rệt các khu vực ở đô thị, công nghiệp, kho tàng, du lịch, sản xuất nông nghiệp và các khu ở nông thôn.

Tuy nhiên có một điều không chỉ các nhà chuyên môn mà ngay cả khách du lịch cũng rất dễ nhận thấy, đó là khó xác định được trung tâm đô thị ở đâu.

Để trả lời câu hỏi ấy, chúng ta cần nhìn nhận thật khách quan về không gian đô thị mà chúng ta đang sống và chi phối nó.

Trung tâm đô thị là gì?

Có nhiều định nghĩa mang tính chuyên môn, tuy nhiên về mặt vật lý, khái niệm này nên hiểu theo nghĩa gốc của nó. “Trung tâm” nghĩa là “giữa tâm”, đơn giản như vậy. Với một đô thị, trung tâm là khu vực lõi, tập trung nhiều hoạt động của đô thị như ở, làm việc, giao dịch, sinh hoạt văn hóa, tinh thần, nghi lễ…

Về cấu trúc, trung tâm đô thị nhất thiết phải có một không gian tương đối lớn làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Thí dụ như khu vực Hồ Gươm là một trung tâm của Thủ đô, Đại lộ Nguyễn Huệ là một trung tâm Sài Gòn, Quảng trường Times Square là một trung tâm của New York… Nếu không có không gian sinh hoạt cộng đồng, dù khu vực có sầm uất đến mấy cũng không thể coi là trung tâm đô thị. Thí dụ như khu phố cổ Hà Nội hay các trục đường Hùng Vương, Lê Duẩn ở Đà Nẵng tuy có buôn bán sầm uất nhưng không thể coi là trung tâm đô thị.

DCIM100MEDIA

Hồ Gươm – Trái tim của Thủ đô Hà Nội

image003

Quảng trường Đỏ ở Moscow

Bên cạnh đó có một loại trung tâm khác là trung tâm dịch vụ đô thị như trung tâm hành chính, chính trị, tài chính, ngân hàng, vui chơi giải trí, mua sắm,… Thí dụ trung tâm mua sắm Dubai Mall ở Ai Cập được coi là trung tâm mua sắm lớn nhất và xa hoa nhất thế giới, trung tâm tài chính Hạ Manhattan với Phố Wall nổi tiếng,… Các trung tâm này có thể nằm riêng biệt nhưng cũng có thể kết hợp đa chức năng. Loại hình trung tâm này không nhất thiết phải có không gian sinh hoạt cộng đồng.

Về khái niệm, cũng cần phải phân biệt các trung tâm đô thị với tên đặt cho các tổ chức hoặc công trình trụ sở, thí dụ như “trung tâm cứu hộ, cứu nạn”, “trung tâm cai nghiện ma túy”…

image005

Trung tâm mua sắm Dubai Mall

image007

Khu tài chính ở Hạ Manhattan

Thực trạng các trung tâm đô thị tại Đà Nẵng

Đối với đô thị Đà Nẵng, cả hai loại hình trung tâm công cộng và trung tâm dịch vụ đô thị còn khá ít ỏi và mờ nhạt.

Về trung tâm công cộng chỉ có thể kể ra Quảng trường Hùng Vương, Quảng trường 2/9, Công viên Phạm Văn Đồng. Mặc dù cũng là nơi tụ tập đông người nhưng các không gian bãi biển, dọc bờ sông Hàn chỉ mang tính tự phát chứ không có tính kiến tạo. Trung tâm dịch vụ đô thị cũng chỉ có Trung tâm Hành chính, Trung tâm Hội chợ Triển lãm. Trung tâm văn hóa trước đây có thể coi là khu vực 84 Hùng Vương, tuy nhiên từ khi dời khỏi vị trí trí này cho đến nay vẫn chưa được tổ chức lại. Trung tâm thể thao được xác định là Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân, nhưng dự án mới chỉ đầu tư được một phần. Trung tâm mua sắm cũng chưa được hình thành mà chỉ là các tuyến phố mua sắm hay các công trình chợ, siêu thị riêng lẻ. Trung tâm vui chơi giải trí có phần rõ nét hơn với Công viên Châu Á, Helio Center đều trên đường 2/9.

Vấn đề quy hoạch mạng lưới trung tâm

Thực ra chưa có một đồ án chuyên biệt nào cho mạng lưới các trung tâm đô thị. Các trung tâm này chỉ được thể hiện mang tính định hướng trong quy hoạch chung và mang tính cập nhật trong các đồ án quy hoạch phân khu. Việc định hướng một cách hệ thống, xác định cụ thể tính chất, chức năng, vị trí, ranh giới là điều chưa có được tính đến thời điểm hiện nay.

Sẽ có người đặt câu hỏi rằng có cần thiết phải quy hoạch mạng lưới các trung tâm đô thị. Câu trả lời là có và rất cần thiết. Việc hình thành các trung tâm đô thị chính là để tạo nên các hạt nhân phát triển đô thị. Thí dụ, các trung tâm công cộng tạo nên sự sống động của đô thị qua các hoạt động giao lưu, kết nối cộng đồng. Các trung tâm tài chính, ngân hàng thúc đẩy các hoạt động giao dịch dịch vụ. Các trung tâm văn hóa làm phong phú cho đời sống tinh thần của đô thị… Với nhiều đô thị, có thể tồn tại nhiều công trình riêng lẻ mang chức năng phục vụ cộng đồng hoặc dịch vụ đô thị, tuy nhiên sự tự phát như vậy không tạo được quy mô và tầm ảnh hưởng như khi được phát triển thành các trung tâm.

Ngoài ra các trung tâm đô thị cũng tạo nên bản sắc riêng cho đô thị, là đặc điểm để nhận diện đô thị một cách rõ nét. Nếu không có các trung tâm, đô thị chỉ là sự tiếp nối triền miên các tuyến đường và công trình xây dựng, thiếu hẳn đi cái gọi là “tinh thần nơi chốn”.

  Vài gợi ý về quy hoạch các trung tâm

Trung tâm hành chính hiện nay chỉ gói gọn là tòa nhà Trung tâm hành chính và bãi đỗ xe ngoài trời. Hiện nay thành phố đang triển khai việc cải tạo không gian xung quanh Thành Điện Hải. Theo đó không gian sẽ được mở rộng và kết nối về phía sông Hàn, kéo dài qua bảo tàng Đà Nẵng (trụ sở Hội đồng Nhân dân hiện nay) và cả thư viện thành phố. Việc tổ chức trung tâm hành chính như vậy là khá ổn.

Trung tâm tài chính, ngân hàng cần được xác định lấy đường Hùng Vương làm trục chính. Ngoài ra kết hợp tổ chức quảng trường trung tâm, phố đi bộ. Đồ án đang được Viện Quy hoạch nghiên cứu, hoàn thiện với quy mô khoảng 56 ha kéo dài từ bờ sông Hàn đến Vĩnh Trung Plaza theo chiều Đông Tây với hạt nhân là Quảng trường Hùng Vương được mở thoáng từ đường Phan Châu Trinh ra sông Hàn.

image009

Quy hoạch phố đi bộ và mua sắm Hùng Vương

Trung tâm văn hóa thành phố nên kết hợp với Trung tâm Hội chợ triển lãm hiện nay trên đường Cách Mạng Tháng Tám với quy mô khoảng 16 ha.

 Trung tâm vui chơi giải trí nên phát triển tiếp vệt đường 2/9 từ Công viên Châu Á, Helio Center. Xem xét chuyển đổi khu thể thao Tiên Sơn thành chức năng vui chơi giải trí.

Riêng đối trung tâm công cộng, việc kết hợp với phố đi bộ, mua sắm tại trục Hùng Vương là chưa tương xứng về quy mô. Với một đô thị trên một triệu dân, một quảng trường trung tâm thành phố chỉ khoảng 2 ha là quá nhỏ hẹp.

Trong điều kiện quỹ đất trung tâm thành phố hạn chế như hiện nay, việc đề xuất một không gian lớn làm trung tâm công cộng thành phố cần những ý tưởng đột phá, táo bạo. Một gợi ý không tồi là hãy biến cả Sông Hàn và hai bên bờ làm trung tâm công cộng của thành phố. Thử hình dung một không gian kéo dài từ cửa biển đến cầu Tiên Sơn, sử dụng 2 trục đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo làm các tuyến phố đi bộ, kết nối với Quảng trường Hùng Vương, khu đất giải tỏa Đài Phát sóng An Hải, Công viên APEC, hai đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ có được một không gian rộng trên 300 ha phục vụ các hoạt động cộng đồng. Trong không gian rộng lớn ấy sẽ gồm các hoạt động cộng đồng đa dạng như nghi lễ tại Quảng trường Hùng Vương, tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng, Cổ Viện Chàm, thưởng ngoạn phong cảnh trên Sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi, xem trình diễn pháo hoa trên đường Chương Dương, mua sắm trên hai tuyến phố ven sông… Đó có thể coi là một quảng trường đặc biệt – Quảng trường sông Hàn.

Đương nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng đó cần phải có một lộ trình xử lý các vấn đề liên quan, đặc biệt là giao thông trên 2 tuyến Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo. Đây là vấn đề rất khó nhưng không có nghĩa không thể thực hiện được. Trong xu thế chuyển biến dần từ phương thức giao thông chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân sang phương thức giao thông công cộng thì điều đó sẽ trở nên đơn giản hơn trong tương lai.

image011

Ý tưởng về Quảng trường Sông Hàn

Đà Nẵng sẽ phát triển hướng theo các mô hình đô thị xanh, đô thị nén, đô thị thông minh, đô thị phát triển theo tuyến giao thông. Điều đó đặt ra yêu cầu về phát triển các trung tâm đô thị ngày một cấp thiết. Việc hình thành các trung tâm đô thị cũng đặt ra những thách thức về vấn đề tài chính, giải tỏa và tái định cư, do vậy cần có lộ trình hợp lý, trước mắt phải quản lý tốt các vấn đề quỹ đất xây dựng, thiết kế đô thị và cấp phép xây dựng khu vực dự kiến phát triển các trung tâm. Quy hoạch mạng lưới trung tâm đô thị cần được xem là một nội dung trọng yếu trong lần điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới.

KTS Bùi Huy Trí

ĐT&PT số 74 – 75/2018

 

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …