Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được ví như những mạch máu của cơ thể con người. Đô thị càng phát triển thì hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở đô thị càng phong phú và phức tạp. Sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và chất lượng sống của đô thị. Sự hình thành và phát triển, quy mô và định hướng phát triển của đô thị nói chung phụ thuộc vào quy hoạch phát triển không gian đô thị. Quy hoạch phát triển không gian đô thị chỉ được thực hiện có hiệu quả khi hạ tầng kỹ thuật xây dựng đồng bộ và đi trước một bước.
Theo phân loại công trình hiện nay, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, cấp, thoát nước, điện – chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, cây xanh, công viên, xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang đô thị.
- Những kết quả đạt được và những hạn chế trong xây dựng, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
- Về đầu tư và xây dựng
Trong những năm qua, tỉnh ta nói chung và thành phố Quy Nhơn nói riêng quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Được sự quan tâm và chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành và chính quyền địa phương cùng với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế ADB, WB,… nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như: quảng trường, hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn được đầu tư xây dựng, cải tạo. Các công trình, dự án này đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, phục vụ sản xuất, đời sống của người dân đô thị và từng bước hoàn thiện để đảm bảo một cơ sở vật chất thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội.
- Về quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị
Để đầu tư và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiệu quả trong những năm qua hầu hết các địa phương đã lập quy hoạch chung, trên cơ sở quy hoạch chung được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiều quy hoạch chi tiết cũng đã được lập và thực hiện đây là các cơ sở pháp lý quan trọng cho việc của tạo, nâng cấp, mở rộng các khu đô thị cũ, xây dựng và phát triển các khu đô thị mới.
Mặc dù có nhiều văn bản pháp lý về quy hoạch và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật có liên quan đã được ban hành. Nhưng trong các đô thị, tính pháp lý trong quản lý chưa cao, các quy hoạch được nghiên cứu đã có sự phối hợp nhưng chưa đồng bộ, công tác tổ chức quản lý các công trình hạ tầng chưa thống nhất, sự phối hợp quản lý giữa các cơ quan ban ngành và các chủ đầu tư chưa chặt chẽ và kém hiệu quả. Đầu tư và xây dựng với nhiều nguồn vốn khác nhau và nhiều chủ đầu tư nhưng chưa tuân thủ theo một chương trình hay kế hoạch chung. Xây dựng các công trình hạ tầng chưa đồng bộ được thể hiện từ khâu lập kế hoạch đến triển khai lập dự án, thiết kế kỹ thuật và thi công xây dựng, bàn giao khai thác… Tính chưa đồng bộ được thể hiện rất rõ trong thực tế hiện nay, như:
– Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị: đường ống cấp, thoát nước, cáp điện ngầm, cáp viễn thông thường thi công xây dựng không được thi công đồng bộ. Đường phố đô thị thường bị ảnh hưởng với việc đào lên, lấp xuống làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của cư dân đô thị.
– Việc xây dựng và phát triển các khu đô thị mới với các quy mô lớn, nhỏ khác nhau, với các đơn vị và chủ đầu tư cũng khác nhau. Các khu đô thị này được xây dựng khá đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật ở bên trong diện tích đất được giao, còn bên ngoài khu vực dự án thì trách nhiệm cụ thể về ai, sự kết nối về cao độ nền, giữa các công trình hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào chưa có hoặc nếu có cũng không được tuân thủ nghiêm chỉnh. Do vậy, nếu không có giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề này thì hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ manh mún, độc lập với nhau, không phát huy hết hiệu quả của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trước mắt là gây úng ngập cục bộ, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường… và nhiều vấn đề khác chưa thể lường trước.
– Các dự án, khu đô thị khi xây dựng xong chậm bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho đơn vị quản lý, vận hành đến việc khai thác, duy tu, bảo dưỡng công trình bị hạn chế, nhiều công trình chưa phát huy tác dụng đã xuống cấp. Nhiều khu đô thị đã cấp đất cho dân, cấp phép xây dựng nhà ở, công trình nhưng chưa bàn giao hệ thống HTKT cho các đơn vị quản lý dẫn đến nhiều khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến cấp điện, cấp thoát nước… cho cư dân trong vùng.
- Những vấn đề đặt ra trong quản lý xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện nay.
Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đó là sự phối hợp quản lý chặt chẽ và thống nhất từ khâu quy hoạch xây dựng, kế hoạch xây dựng, triển khai dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư, thi công xây dựng đến khi đưa vào công trình và vận hành, khai thác, sử dụng. Quản lý xây dựng đồng bộ trước hết cần được thể hiện trên một số mặt cơ bản sau:
- Về quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị:
– Tiếp tục làm rõ và cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ quản lý hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn đô thị, mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý của các chủ sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật và phân cấp quản lý của UBND tỉnh với các địa phương.
– Việc xây dựng, sử dụng, khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành và quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Về quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng
– Đổi mới và nâng cao chất lượng về mặt nội dung của hạ tầng kỹ thuật đô thị trong các dự án quy hoạch xây dựng trong đó cần chú ý đến các lĩnh vực hạ tầng diện rộng có mối quan hệ liên khu vực như: Giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, bãi chôn lấp chất thải rắn. Các dự án xây dựng khu đô thị mới cần phải đặc biệt chú trọng tới quy hoạch kết nối hạ tầng kỹ thuật thống nhất và đồng bộ bên trong và bên ngoài, giữa khu vực đô thị mới với đô thị hiện trạng, giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện trạng.
– Đơn vị lập quy hoạch xây dựng cần tính toán, kiểm tra để xác định quy mô của các hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách hợp lý có tính đến biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.
– Trong đô thị cần lập bản đồ hiện trạng, cơ sở dữ liệu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, tổ chức quy hoạch hệ thống công trình ngầm đô thị để làm cơ sở cho công tác quản lý xây dựng, khuyến khích tiến tới có các yêu cầu bắt buộc việc xây dựng các tuy nen, hào kỹ thuật tại các trục chính đô thị để bố trí các đường dây, đường ống nhằm hạn chế việc đào bới khi xây dựng và cải tạo, sửa chữa.
- Về quản lý, khai thác vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Từng đơn vị quản lý, khai thác vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật riêng biệt là một trong những bất cập trong quản lý, vận hành hiện nay. Cần thiết có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung và đơn vị đầu nối để quản lý hệ thống đó. Xây dựng cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung và mức phí hợp lý để thuê không gian hạ tầng kỹ thuật dùng chung.
Sự phát triển của hệ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế và xã hội của đô thị. Quản lý xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị là một vấn đề hết sức phức tạp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và của các cấp quản lý chính quyền, phụ thuộc vào ý thức của những ngời xây dựng, vận hành và sử dụng. Quản lý xây dựng đồng bộ được xem như là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng, đó cũng là một khâu không thể thiếu trong việc nâng cao hiệu quả và giám sát đầu tư dự án và trong phạm vu nào đó còn cần thiết hơn cả việc huy động, tìm kiếm nguồn vốn. Để hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị đòi hỏi phải có sự phối kết hợp chặt chẽ các ngành, các cấp và các địa phương có liên quan từ khâu quy hoạch đến khâu triển khai xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Võ Hữu Thiện
(Đô thị & Phát triển số 73 / 2018)