Home / QUY HOẠCH / QUY HOẠCH / Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm dưới góc nhìn Đà Nẵng phát triển và hội nhập

Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm dưới góc nhìn Đà Nẵng phát triển và hội nhập

1. Tóm tắt:Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm dưới góc nhìn Đà Nẵng phát triển và hội nhập” không còn là ý tưởng mới mà đó là một nhiệm vụ cấp thiết, mang tính chiến lược trong quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng. Bài viết này nhằm đưa ra hai vấn đề vừa có tính thời sự, vừa là những bài học từ quản lý quy hoạch của các nước, thảo luận và đề xuất những giải pháp thích hợp để góp phần hoàn chỉnh hệ thống quy hoạch và bảo vệ kết quả quy hoạch của thành phố. Tác giả nêu ra hai vấn đề: (1) Phát triển vội vã, (2) Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và không gian kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm. Khi giải quyết vấn đề, bài tham luận nhấn mạnh đến sông Hàn – con sông tham gia hình thành và phát triển các khu trung tâm, đồng thời cũng là trục xương sống của thành phố; vì thế, tác giả lấy sông Hàn như một trường hợp điển hình, thêm phần minh chứng cụ thể. Cuối cùng là phần kết luận.

Từ khóa: Quản lý, không gian kiến trúc, khu vực trung tâm, phát triển, quy hoạch.

2. Đặt vấn đề

Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm ở Đà Nẵng có ít nhất hai vấn đề: (1) Phát triển vội vã: Trong lịch sử phát triển các thành phố, ta thấy quá trình bùng nổ và phát triển các đô thị lớn một cách vội vã xuất phát từ các quan điểm kinh tế thuần tuý thường dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng làm tổn hại tới môi trường, tới hệ thống sinh thái tự nhiên như Starke và Simonds [9] từng cảnh báo“chúng ta xây dựng, phát triển ồ ạt để rồi tự đặt bẫy, biến mình thành nạn nhân của chính mình”. Phát triển không bền vững đã vô tình phá đi những giá trị sinh thái, thẩm mỹ tự nhiên, cảnh quan văn hoá, truyền thống như Forman đã chỉ ra [7]. (2) Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và không gian kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Điều này đòi hỏi cần có tầm nhìn tổng thể về các yếu tố cảnh quan, không gian kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm. Cần quan niệm rằng môi trường và phát triển bền vững là một trong những yếu tố quan trọng hành đầu trong quản lý quy hoạch các khu trung tâm, nên hạ tầng xanh phải được coi là nền tảng của quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm, nơi có tiềm năng kinh tế cần được khai thác, phát triển hiệu quả. Quan điểm của Anita đã nêu trong Recovering Landscape [6] rất thích hợp ở đây: “Cần xem cảnh quan là một diễn trình và là một hệ thống sản xuất…”. Vì vậy, quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan trong các khu trung tâm đòi hỏi sự theo dõi, điều chỉnh sát sao và nghiêm ngặt đối với các tiêu chí để “hệ thống sản xuất” vừa hiệu quả vừa không gây tác hại đến môi trường, phá vỡ sự ổn định các trung tâm.

3. Bàn luận và hướng giải quyết vấn đề

Dưới sức ép của phát triển kinh tế, không gian kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm thành phố bị khai thác triệt để vì mục đích kinh tế, coi nhẹ giá trị môi trường sinh thái và văn hóa – lịch sử,… Trong giai đoạn hiện nay, với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm, với tư cách là một thành phần của hệ sinh thái tự nhiên, có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đà Nẵng phát triển không thể không rút ra từ những bài học kinh nghiệm quý giá này.

Chúng ta biết rằng các khu trung tâm là các địa điểm có giá trị tổng hợp cao, sẽ luôn là địa điểm chịu áp lực phát triển mạnh, nhiều loại mô hình kiến trúc có khả năng sinh lời cao sẽ tập trung tại đây, cảnh quan tự nhiên ban đầu có xu hướng chuyển thành kiến trúc cảnh quan mới. Do đó, các địa điểm có giá trị lớn cần phát triển mạnh theo hình thái cảnh quan của đô thị nén với các mức độ tùy theo sức hấp dẫn đầu tư của mỗi đô thị (ưu tiên phát triển theo chiều cao, kết hợp dành ra các không gian mở cho sinh hoạt cộng đồng và cảnh quan tự nhiên – với công viên và quảng trường là 2 mô hình kiến trúc cảnh quan thích hợp, kết nối các công trình kiến trúc khác). Tại đây không gian xây dựng chiếm ưu thế, không gian mở, cảnh quan tự nhiên có vai trò kết nối [2]. Trong trường hợp như vậy, quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan tại các khu trung tâm vừa lưu ý đến giá trị kết nối vừa đưa xu hướng mở rộng, phát triển vào hệ thống hoạt động có quy luật.

Từ khi đất nước mở cửa và hội nhập, Đà Nẵng tìm hướng phát triển thích hợp. Xác định mũi nhọn phát triển kinh tế là công nghiệp xanh, là dịch vụ du lịch [1], [3]… Vì vậy, càng nhiều dự án và công trình, kiến trúc cảnh quan càng có nguy cơ thiếu kiểm soát về thẩm mỹ cũng như môi trường và càng có nguy cơ thiếu kết nối với phần còn lại của đô thị.

Thực tiễn cho thấy các yếu tố văn hóa, xã hội, thẩm mỹ, môi trường… trong tổ chức kiến trúc cảnh quan ở các khu vực trung tâm lại chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố phát triển kinh tế. Có thể nói, kiến trúc cảnh quan là hình ảnh phản ánh sự phát triển của các hoạt động kinh tế. Chính vì thế Hoyer [6] đã nói:“Phải nhìn cảnh quan không gian dưới con mắt phát triển chiến lược”. Trong cơ chế thị trường, các nhà đầu tư và các dự án của họ chính là những thành phần cảnh quan của cảnh quan tổng thể. Các nhà đầu tư, chủ yếu thường chỉ quan tâm tới hiệu quả kinh tế của dự án, trong khi đó người dân lại mong muốn hiệu quả về môi trường, văn hóa, xã hội. Vì vậy, nhìn nhận sự phát triển kiến trúc cảnh quan dưới góc độ kinh tế, mang lại nhiều hiệu quả đáp ứng được nhiều chủ thể, là một vấn đề quan trọng của kiến trúc cảnh quan trong nền kinh tế thị trường.

Như chúng ta nhận thức rõ về hướng chiến lược phát triển chung của Đà Nẵng với vị thế là trung tâm, là đòn bẩy, là khu vực lan tỏa đối với miền Trung – Tây Nguyên và cả nước như Bộ Chính trị đã chỉ đạo [1]. Trong thực tế cho ta những nội dung lớn góp phần giải quyết những vấn đề đã nêu, trong đó có Điều chỉnh Quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2025 [1] xác định Đà Nẵng là đô thị loại I, thuộc Trung ương, trung tâm của miền Trung – Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Điều chỉnh Quy hoạch chung [4] đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là mở rộng đô thị. Các khu trung tâm của Đà Nẵng thường là nơi gắn với trục sông Hàn, vì vậy giải quyết những vấn đề về quản lí quy hoạch cũng cần lưu ý đến thực thể sông Hàn. Có thể xem hiện trạng cảnh quan sông Hàn như một ví dụ để có giải pháp quản lý quy hoạch cảnh quan các khu vực trung tâm theo hình minh họa sau đây:

Hiện nay, xét về cấu trúc không gian tổng thể, sông Hàn là dải lụa mềm chia đô thị Đà Nẵng thành 2 không gian chính là: không gian hành chính, chính trị, công cộng ở không gian bờ Tây; còn bờ Đông với không gian ven biển là các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, thể thao vui chơi giải trí, không gian công cộng ngoài trời. Nơi đây thể hiện khu vực đô thị trung tâm – mật độ dân cư cao và hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật ổn định.

  Phân tích nêu trên cho thấy các động lực phát triển kinh tế thúc đẩy sự hình thành các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm khai thác tài nguyên để phát triển đô thị, dẫn đến sự hình thành các trung tâm chức năng hướng tới sự khai thác hiệu quả sử dụng đất cho kinh tế – nguồn lực phát triển đô thị.

Nhìn bao quát về sự phát triển không gian kiến trúc cảnh quan ven sông Hàn qua các giai đoạn phát triển đô thị Đà Nẵng cho thấy tính hợp quy luật của sự hình thành cảnh quan các trung tâm, tính bất quy luật của những biểu hiện thông qua hình khối không gian kiến trúc bên ngoài. Tính quy luật của sự hình thành phát triển cảnh quan là do các động lực kinh tế và xã hội. Tính bất quy luật là do nhu cầu khai thác chủ quan của các nhà đầu tư. Như vậy, tổ chức và quản lý kiến trúc cảnh quan các khu trung tâm phải tuân theo các quy luật khách quan của sự phát triển đô thị. Các trung tâm là sự phản ánh mức độ văn minh và phát triển của đô thị và là hình ảnh tiêu biểu, đại diện cho bản sắc đô thị.

Vì thế trong quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan trong các khu trung tâm, chúng ta cần vận dụng (1) lý thuyết đô thị nén, (2) các quan điểm và (3) các xu hướng mới trong tổ chức và quản lý quy hoạch cảnh quan:

+ Lý thuyết về đô thị nén

Ứng dụng lý thuyết đô thị nén nhằm: có thể tăng cường khả năng cộng sinh giữa các thành phần trong kiến trúc cảnh quan, nhằm giải phóng nhiều đất đai hơn, trong khi các chức năng và nhu cầu sử dụng vẫn được đáp ứng đầy đủ. Lý thuyết này sẽ giúp việc sử dụng đất và tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, và qua đó đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu. Lý thuyết này giúp giải bài toán trả lại “đất” cho “nước” đối với các hoạt động phát triển kiến trúc cảnh quan các khu trung tâm. Khả năng áp dụng lý thuyết này cũng cho phép sử dụng đất hiệu quả hơn, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường tự nhiên và hệ sinh thái. Trong sinh thái cảnh quan, sự đa dạng sinh học tại một khu vực cảnh quan thiên nhiên luôn là biểu hiện của sức sống tại địa điểm đó, khả năng phát triển bền vững cao hơn những địa điểm có cảnh quan đơn chức năng. Hoạt động quản lý không gian kiến trúc cảnh quan các khu trung tâm là một thành phần trong cơ cấu sinh thái cảnh quan, do đó sẽ tác động tới hệ sinh thái nói chung. Mức can thiệp càng mạnh mẽ vào các khu vực đa dạng sinh học rất nhạy cảm nơi gần các trung tâm sẽ làm giảm sức chống chịu của hệ sinh thái, làm cho cảnh quan bị thay đổi theo hướng giảm chất lượng thẩm mỹ và môi trường

Việc phát triển kiến trúc cảnh quan trong các khu vực trung tâm bằng các mô hình quy hoạch kiến trúc tập trung với hệ số sử dụng đất cao, cho phép giải phóng các trung tâm có vị thế cao (các cực phát triển gần không gian mặt nước, các trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ của đô thị), là giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan ít tác động xấu tới cảnh quan thiên nhiên nhất.

Như vậy các địa điểm của không gian sẽ được đánh giá trên cơ sở khoảng cách tới các khu vực trung tâm, tới không gian công cộng, tới các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tới nơi có cảnh quan đẹp và địa điểm vui chơi giải trí.

+ Các quan điểm:

Có hai quan điểm lớn cần lưu ý và thảo luận: Quan điểm sử dụng các tiên tiến về kỹ thuật một cách hợp lý như quan điểm của Thayer [8]: Cho dù vì hiệu quả kinh tế ta sử dụng đến kỹ thuật, nhưng dùng kỹ thuật là để phục vụ thiên nhiên, phục vụ cảnh quan hiệu quả hơn, chứ tuyệt nhiên không dùng kỹ thuật để khống chế tự nhiên” hoặc làm mất đi bản sắc vốn có của Đà Nẵng. Ngoài ra, quan điểm về tổ chức và quản lý cảnh quan trong các khu vực trung tâm, chúng ta còn có: Quan điểm về cảnh quan như một tiến trình giao thoa của quá trình đô thị hóa của Corner [6], Christensen [5] và những nhà cảnh quan học khác [10] cho rằng cảnh quan không chỉ là một mẫu hình của quá trình đô thị hóa, mà còn quan trọng hơn nữa, đó là một diễn trình cùng với nhiệm vụ của đô thị hóa.

+ Các xu hướng:

– Xu hướng dành “đất” cho “nước” là xu thế chủ đạo thay vì xu hướng dành “đất” từ “nước” như trước đây.

– Xu hướng tích hợp đa dạng hóa các hoạt động tại không gian mở ven sông để chuyển từ không gian mở thuần túy sang không gian công cộng, tăng cường sức sống và sự sôi động cho các khu trung tâm, tăng cường hiệu quả sử dụng đất.

– Xu hướng kết nối kiến trúc cảnh quan ở các địa điểm thích hợp và ven sông với hệ thống không gian mở đô thị nhằm hướng tới tạo lập hạ tầng sinh thái.

– Xu hướng kết nối không gian mở công cộng trong đô thị bằng các giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan với tâm điểm là không gian mặt nước và các địa điểm then chốt khác, hướng tới tạo dựng bản sắc đô thị.

– Xu hướng bảo tồn thiên nhiên, văn hóa các khu trung tâm là thước đo sự phát triển bền vững.

– Khu vực nào có hạ tầng kinh tế phát triển, gần trung tâm đô thị, khu vực đó có kiến trúc cảnh quan phát triển mạnh.

4. Kết luận

Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong các trung tâm của đô thị Đà Nẵng từ hướng nhìn phát triển là một bài toán khó cần cân nhắc. Bởi nếu không thận trọng trong quản lý quy hoạch sẽ tự tạo ra rất nhiều vấn đề phức tạp mà sau này không thể nào giải quyết được. Chính vì vậy, quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan cần đi trước một bước về tầm nhìn, trên cơ sở lý luận và thực tế, đặc biệt là từ góc nhìn phát triển bền vững để có được một thành phố chuẩn mực vừa phát triển vừa giữ được sắc thái được gọi là Đà Nẵng – thành phố đáng sống và chỉ có ở Đà Nẵng, nhất là trong các khu vực trung tâm Đà Nẵng.

Lê Thị Ly Na,

 Giảng viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …