Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / PHẬT VIỆN ĐỒNG DƯƠNG – THỜI OANH LIỆT NAY CÒN ĐÂU?

PHẬT VIỆN ĐỒNG DƯƠNG – THỜI OANH LIỆT NAY CÒN ĐÂU?

     Năm 1978, người dân huyện Thăng Bình (Quảng Nam) xôn xao vụ cổ vật “đồng đen” ở xã Bình Định. Một nhóm người dò tìm phế liệu đã tìm thấy một bức tượng bằng đồng thau, cao 114cm, nặng chừng 100kg. Ba năm sau đó, các cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi thì phát hiện “báu vật” trên tay tượng nữ thần đã biến mất ? Kể từ ngày ấy, làng Đồng Dương rộ lên “cơn sốt” đi tìm kho báu, vàng bạc, cổ vật…Người trong làng và ở những nơi khác đổ về đào bới, tàn phá các di tích, mồ mả của người Chàm xưa kia. Cả một toà tu viện Phật giáo uy nghi, lộng lẫy giữa đô thành của vương triều Indrapura – Chăm Pa giờ đây chỉ là một phế tích, hoang tàn và tan nát theo thời gian…

     TÌM LẠI DẤU XƯA …
Phật viện Đồng Dương là một di tích quan trọng của vương quốc Chăm Pa, bao gồm các hệ thống tháp nằm gần nhau ở làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Vào thế kỷ thứ 9, năm 875, vua Chăm Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Vua Indravarman II, người sáng lập ra triều đại Indrapura đã thúc đẩy Phật giáo phát triển mạnh khắp vùng bắc Chăm Pa. Chính vì thế, gần nữa thế kỷ kể từ năm 875 đến năm 915, triều đại này đã để lại nhiều công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc, được các nhà khoa học đặt tên là giai đoạn Đồng Dương hay phong cách Đồng Dương. Có thể nói rằng, Đồng Dương là một quần thể kiến trúc Phật giáo Chăm Pa lớn nhất ở Đông Nam Á. GS Lê Duy Sơn, trường Đại học Khoa học Huế, người có nhiều năm nghiên cứu về tháp Chăm nói chung và Phật viện Đồng Dương nói riêng đã cho biết, nơi đây từng được ca ngợi là một “thành phố trang hoàng lộng lẫy như thành phố của thần Indra trên thiên giới”.
Năm 1901, L.Finot, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật tìm thấy ở Đồng Dương, trong đó có tượng Phật bằng đồng cao 108cm mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM. Một năm sau đó, năm 1902, H. Pamentier, nhà khảo cổ học người Pháp tiếp tục khai quật khu Đồng Dương và tìm thấy khu kiến trúc chính của thánh địa này cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá khác…Theo, H. Pamentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ tây sang đông, kéo dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính Đồng Dương hình chữ nhật kích thước (155 mét x 326 mét) gồm có ba nhóm kiến trúc được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch kế tiếp nhau theo trục từ tây sang đông. Trong ba cụm đó, cụm phía tây và cụm phía đông là còn lại nhiều dấu tích kiến trúc và điêu khắc.
Cụm phía tây gồm tháp thờ trung tâm, các tháp phụ và điện thờ nhỏ. Các tháp nằm dọc theo chân tường bao quanh. Tháp thờ chính là loại tháp tầng truyền thống của Champa gồm nền, thân và các tầng. Quanh tường của nền tháp chính được trang trí bằng các hình tháp và hình đầu voi xen kẽ nhau. Nội thất của tháp hình vuông, có hai ô khám lớn ở mặt bắc và mặt nam. Gian thờ có một đài thờ lớn bằng đá, đây một trong những tác phẩm điêu khắc lớn đẹp và có giá trị về Phật giáo. Ngoài ngôi tháp thờ chính còn có dấu tích của các kiến trúc khác như: Tháp Nam, tháp Bắc, tháp Tây Nam, tháp Tây Bắc, tháp Trung tâm, tháp cống, ngôi nhà dài và các miếu thờ nhỏ quanh các chân tường,…
Cụm Trung tâm, kiến trúc đã đổ nát gần hết, chỉ để lại dấu tích các bức tường, thềm cửa.
Cụm phía Đông bao gồm ngôi nhà dài, một trong những kiến trúc quan trọng nhất, chạy theo hướng đông – tây có mở hai cửa ra vào ở hai đầu hồi đông và tây. Gian nhà được chiếu sáng bằng hai dãy cửa sổ ở hai phía tường dài. Mặc dầu không để lại nhiều dấu tích kiến trúc và điêu khắc, một số tượng môn thần Dvarapala bằng đá là những tượng môn thần đẹp và gây ấn tượng nhất không chỉ của Đồng Dương mà còn cả lịch sử nghệ thuật Chăm Pa. Cụm phía Đông là khu kiến trúc có chức năng như một tu viện Phật giáo thực thụ, tại cụm này ngoài ngôi nhà dài không có một dấu tích ngôi tháp nào. Gian nhà dài được dựng trên hai dãy tám cột, có hai cột chính lớn, các cột đều bằng gạch và đều vuông. Đài thờ Vihara nằm ở cụm này có tượng Phật Thích Ca ngồi trên ghế, hai bàn tay đặt trên đầu gối theo kiểu vua Chăm Pa ngồi trên ngai vàng. Mặt trước của bệ tượng được trang trí một nhân vật có bốn đầu và tám tay. Xung quanh tượng Phật có các tượng La Hán, tu sĩ đứng và quỳ. Trong đền thờ chạm trổ những cảnh sinh hoạt trong cung đình, một số cảnh trích đoạn về cuộc đời của Phật Thích Ca.

     “BÁU VẬT ” CỦA NỮ THẦN ĐỒNG DƯƠNG ?
Giữa năm 1978, một nhóm người dò tìm phế liệu ở làng Đồng Dương bất ngờ đào đươc một pho tượng bằng kim loại, có chiều cao khoảng 1,2m, nặng chừng hơn 100kg. Pho tượng là một phụ nữ, có gương mặt tròn, mái tóc được búi cao hình chóp, phía trên có hình Phật, giữa trán có con mắt thứ 3. Thân trên của tượng để trần, có bộ ngực lớn và tròn, thân dưới tượng mặc sarong dài chấm mắt chân, tấm choàng xếp nếp hình luống cày, cuộn vào trong lật một múi ra ngoài. Bức tượng đứng thẳng, hai tay để trần dọc theo theo thân, hai cánh tay đưa về phía trước. Theo các nhà nghiên cứu, đây là bức tượng Bồ tát Laskmindra-Lokesvara, bức tượng Nữ thần bằng đồng lớn nhất trong nghệ thuật Chăm Pa, quan trọng nhất ở Đông Nam Á.
Thời gian sau đó, người dân Bình Định đã lưu giữ bức tượng này trong suốt một thời gian dài như là một tài sản vô giá của làng.
Năm 1981, thông tin bị tiết lộ ra ngoài, UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) ra quyết định thu hồi. Các ngành chức năng yêu cầu người dân phải giao nộp và đưa bức tượng ra Bảo tàng Điêu khắc Chăm Pa Đà Nẵng để lưu giữ. Cho rằng bức tượng là tài sản riêng của làng nên lúc bấy giờ, nhiều người dân ở Đồng Dương đã khiếu kiện. Có những thông tin cho rằng bức tượng không được Nhà nước quản lý mà đã rơi vào tay cá nhân nào đó. Để giải quyết tình trạng rắc rối này, các ban ngành ngày ấy đã cho xe đưa tất cả những người khiếu kiện ra tận Đà Nẵng để “tai nghe, mắt thấy” cổ vật của làng đang bảo quản tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Pa.
Một chi tiết đáng lưu ý là “báu vật” trên 2 tay của tượng đã biến mất trước khi các cơ quan chức năng tìm thấy. Theo một người dân trong làng, khi đào lên, một tay bức tượng cầm nhánh cau, tay kia cầm một quả đào (quả lựu) ? Sau này, một cụ già trong làng, người chứng kiến dân làng đào bức tượng nữ thần vào năm 1978 cho biết, vật cầm trên tay của bức tượng không phải là nhánh cau với quả đào mà là là hai búp sen. Điều này đúng với nhận định của các nhà nghiên cứu Chăm Pa. Có nguồn thông tin cho rằng, vật trên tay của bức tượng ấy được UBND xã lưu giữ đến 7 đời Chủ tịch. Người dân trong làng đến giờ cũng không biết “báu vật” bằng vàng đó đang ở đâu ?

     PHƯƠNG ÁN TRÙNG TU
Năm 2000, Phật viện Đồng Dương được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia. Thế nhưng những gì còn lại của di tích này chỉ là một mảng tường tháp cổng (dân địa phương gọi là “Tháp Sáng”), nền móng và các dấu vết kiến trúc. Tất cả đã bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh.
Theo GS Hoàng Đạo Kính, việc phục dựng lại di tích Phật viện Đồng Dương hoàn toàn không đơn giản. Nếu trùng tu thánh địa Mỹ Sơn là công việc khó khăn, thách thức cho các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế thì Đồng Dương sẽ vô cùng gian nan và khó khăn bội phần. Cái khó của di tích Phật Viện Đồng Dương là sự hoang tàn, đổ nát gần như bình địa. Tài giỏi, cẩn trọng và nhiệt huyết như các nhà trùng tu H.Slimann, N.Balanos cũng phải đắn đo lắm mới dám chạm tay vào. Theo ông, điều đầu tiên là chúng ta cần phải nhìn nhận đây là một di tích lịch sử, là chứng nhân tiêu biểu và đặc sắc nhất, có một không hai, chứa đựng những thông tin được thể xác hóa. Phật viện Đồng Dương, nếu ta giải mã được, sẽ là nguồn tri thức về một nền văn minh đang trôi tuột vào dĩ vãng. Công việc phục chế, trùng tu phải theo bài bản khảo cổ học kinh điển, tiếp cận tổng thể, đồng bộ, tránh sự thiên vị về phương diện này hoặc quan điểm kia, đề cao tính khách quan lịch sử, dành chỗ cho con cháu mai sau tiếp tục công cuộc thâm nhập vào dĩ vãng mà không bị làm cạn kiệt.
Tháng 8 năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã có một cuộc hội thảo bàn về công tác quy hoạch, khôi phục lại khu di tích Phật viện Đồng Dương. Có thể nói rằng, đây là một đề tài nghiên cứu vô cùng giá trị của các nhà khoa học và các cơ quan chức năng về văn hóa, kiến trúc lịch sử Chăm-Pa và nhân loại. Chúng ta phải có cách ứng xử chuyên biệt và khoa học đối với di tích như cách nói của TS Trương Quốc Bình: “Trước hết phải đối xử với di tích quốc gia Đồng Dương theo đúng quy định của Luật Bảo vệ di sản, tạo ra nhận thức rộng rãi từ người dân địa phương đến các cộng đồng rộng lớn hơn”. Mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn, tiến hành khai quật và trùng tu. Sau những cuộc hội thảo khoa học, chính quyền và các ngành chức năng từ TW đến địa phương phải bắt tay công việc với thái độ nghiêm túc, cầu thị để thực hiện cho bằng được công trình khoa học này: “Phải cứu cho được, giữ cho được nhưng không tùy tiện mà phải có bước đi thật khoa học, lập tư liệu khoa học lưu trữ, coi Đồng Dương là di tích kiến trúc – khảo cổ học. Khảo cổ và bảo quản trùng tu phải tiến hành đồng thời. Không thể khai quật rồi để đấy, phải giữ được hiện trạng và càng phải ít can thiệp để tránh nhầm lẫn, tránh làm giả di tích!” (GS Hoàng Đạo Kính). Phát biểu về công việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả đã khẳng định quyết tâm “Trước mắt tỉnh sẽ lập đề án, khoanh vùng, khảo cổ bảo quản trùng tu, tôn tạo, chống đỡ cứu vãn các di tích hiện có, đồng thời xã hội hóa các khu vực phụ cận thành khu văn hóa tâm linh tín ngưỡng”.
Có thể nói rằng, kế hoạch trùng tu di tích Phật viện Đồng Dương sẽ vô cùng phức tạp. Công việc này cần có một phương án khả thi, đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Trước mắt, chúng ta cần thực hiện các giải pháp truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức của xã hội đối với di tích. Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm tích cực vận động chính quyền, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để tìm nguồn kinh phí và hỗ trợ trong công tác bảo tồn di tích Chăm Pa nổi tiếng này.

————————————————————————————-

BOX “…Nhiều di tích không chỉ hoang tàn đổ nát mà là bình địa, ngay cả can trường và nhiệt huyết như H.Slimann, cẩn trọng đến mức hàn lâm như nhà trùng tu N.Balanos, cũng phải đắn đo lắm mới dám chạm tay vào…” (GS Hoàng Đạo Kính).

Văn Khoa
ĐTPT Số 38/2012

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …