Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Phát triển không gian công cộng ngoài trời làm trung tâm: Một phương pháp tổ chức không gian đo thị hiệu quả và có lợi cho sức khỏe cộng đồng

Phát triển không gian công cộng ngoài trời làm trung tâm: Một phương pháp tổ chức không gian đo thị hiệu quả và có lợi cho sức khỏe cộng đồng

Không gian công cộng (KGCC) ngoài trời tại các khu dân cư là một trong những yếu tố quan trọng của một đô thị sống tốt. Một khu dân cư thiếu KGCC ngoài trời, người dân sẽ không đủ chỗ để thực hiện các hoạt động thể chất và giao tiếp xã hội, đặc biệt là người già và trẻ em. Hình ảnh đô thị thiếu KGCC trở nên khô khan, buồn tẻ và thiếu hấp dẫn. Đô thị thiếu KGCC ngoài trời và không được quy hoạch hợp lý trực tiếp làm giảm giá trị, bản sắc thành phố và chất lượng sống của người dân. “Điều tạo nên bản sắc của một thành phố là những KGCC của nó chứ không phải các công trình tư nhân. Giá trị của các tiện ích công cộng ảnh hưởng tới giá trị của từng cá nhân. Chúng ta cần liên tục bảo vệ cho quan điểm rằng KGCC là tài sản của một thành phố” – Giám đốc UN-HABITAT, Joan Clos i Matheu (Porada, 2013).

ny

Central Park – New York, một khoảng xanh rộng lớn giữa lòng thành phố

Không gian công cộng và bản sắc một đô thị

Ở tất cả các thành phố thành công trên thế giới đều có một thành phần không gian đô thị không thể thiếu đó là hệ thống các  KGCC. KGCC giúp tạo nên sự gắn bó của cộng đồng, bản sắc và văn hóa. KGCC là không gian đô thị tạo điều kiện cho các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng cộng đồng (PPS, 2012).

KGCC trong các khu dân cư là nơi mà người dân đô thị thực hiện các hoạt động thể chất ngoài trời như đi bộ, tập thể dục, thể thao. Các KGCC ngoài trời của thành phố như những phòng khách mở rộng của cư dân. KGCC là nơi người dân thực hiện những giao tiếp xã hội cần thiết như gặp gỡ bạn bè, trò chuyện với hàng xóm, là nơi người già nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng thiên nhiên, là nơi trẻ em chơi đùa cùng bạn bè… Tầm quan tọng của KGCC của thành phố đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân đã được đề cập và xác định từ nhiều thập niên qua tại các nước phát triển trên toàn cầu.

Tại các đô thị Việt Nam, KGCC khu dân cư cũng giữ vai trò, giá trị quan trọng trong lịch sử phát triển đô thị. KGCC đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội của các cộng đồng dân cư đô thị. Ngoài các loại hình KGCC thường thấy như công viên, vườn hoa, sân chơi… nhiều loại hình KGCC đa năng khác như sân trước của nhà văn hóa, sân chung giữa các tòa nhà chung cư, các phố đi bộ thương mại… với những phương pháp tổ chức không gian mới từ thiết kế đến cách quản lý, vận hành đang được phát triển ở nhiều khu dân cư, các đô thị nhỏ đến các thành phố lớn trên cả nước. Các KGCC có thể là nơi thu hút các nguồn lực xã hội quan trọng trong tương lai.

Những thách thức tại các đô thị Việt Nam

Tốc độ đô thị hóa, phát triển dân số nhanh chóng tại các đô thị ở VIệt Nam trong vài thập niên qua đã gây sức ép lên hệ thống cơ sở hạ tầng. Sự phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội, KGCC, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân đô thị. Thời gian gần đây, một số thành phố cũng đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng thêm các KGCC để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Tuy vậy tốc độ phát triển dân cư tại khu vực trung tâm đô thị vốn đã có mật độ dân số cao và các khu đô thị cũ phát triển thiếu quy hoạch tổng thể vượt xa tốc độ đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội (Ph. Loan, 2013). Việc thiếu KGCC tại các đô thị Việt Nam vẫn đang là vấn đề thách thức cần quan tâm giải quyết.

Thiếu KGCC và quy hoạch phát triển phù hợp

Dân cư tập trung ngày một đông vào khu vực trung tâm đô thị làm tăng áp lực lên việc sử dụng đất đai và không gian vật thể đô thị vốn đẫã chật hẹp. Đất đai dành cho KGCC ngày một khan hiếm và luôn bị tranh chấp bởi các nhu cầu sử dụng sinh lời khác. Các công viên và KGCC hiện có cũng thường bị lấn chiếm, khai thác sai mục đích phục vụ cộng đồng (PH. Loan, 2013).

Giống như tại nhiều đô thị đang phát triển trên thế giới, các KGCC ngoài trời tại khu dân cư của đô thị tại Việt Nam, đặc biệt là tại các khu đô thị cũ, đang bị đe dọa bởi tư nhân hóa và quản lý không hiệu quả. Kết quả là, tại các khu vực đô thị này hiện tất thiếu KGCC chất lượng cho các cư dân thực hiện các hoạt động thể chất và giao tiếp xã hội hàng ngày, dẫn đến tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc.

Ngoài ra, sự phát triển mở rộng đô thị thiếu kiểm soát, không có những kế hoạch phát triển KGCC hợp lý và tổng thể đã dẫn tới kết quả là các đô thị đang phát triển phải đối mặt với việc thiếu KGCC.

cho dem son tra

Chợ đêm Sơn Trà – Đà Nẵng

Xu hướng tư nhân hóa các KGCC

Việc khuyến khích tư nhân tham gia vào phát triển hệ thống KGCC đã phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội ở các thành phố tại Việt Nam. Nhiều khu đô thị được cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới với những “KGCC kiểu mới” để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Tuy nhiên, đằng sau những không gian có hàng rào, bảo vệ, các khu vui chơi giải trí, các câu lạc bộ phải trả phí có thực sự là các KGCC cho mọi người? Tất cả những loại không gian tư nhân, kinh doanh tạo ra ảo tưởng rằng KGCC trong thành phố vẫn tồn tại và phát triển. Nhưng trên thực tế những không gian chức năng đó đã vô tình tạo ra sự tách biệt giữa các tầng lớp xã hội và thu nhập trong một đô thị. Việc xã hội hóa đầu tư và vận hành các KGCC có nguy cơ tiềm tàng gây ra sự phân hóa xã hội. Phát triển KGCC như thế nào cho phù hợp với hiện tại và vì lợi ích tương lai của toàn xã hội vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều đô thị Việt Nam.

Thiếu sự tham gia của cộng đồng và thiết kế nghèo nàn, đơn điệu

Tại các đô thị Việt Nam hiện nay, việc thiết kế, xây dựng và duy trì các KGCC thường do các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện mà thiếu sự tham gia của cộng đồng. Nhiều bài học kinh nghiệm về phát triển đô thị và KGCC chỉ ra rằng thiết kế, xây dựng và duy trì KGCC không chỉ là việc của các nhà thiết kế, quy hoạch và quản lý đô thị. Khuyến khích sự tham gia nhiều mặt của cộng đồng trong việc tạo ra các KGCC tại nơi người dân sinh sống có thể là cơ hội và nơi của những ý tưởng sáng tạo ra đời. Xây dựng và phát triển một khu dân cư đô thị là một quá trình hữu cơ, linh hoạt chứ không phải là một công thức đơn điệu, cứng nhắc cho mọi khu vực. Ý kiến của người dân địa phương luôn cần được xem xét và tôn trọng. Cộng đồng cũng cần được tham gia đóng góp một phần vào chi phí, công sức xây dựng và quản lý, duy trì các KGCC tại nơi mình sinh sống. Sự tham gia của cộng đồng vào xây dựng và phát triển KGCC sẽ là nền tảng tạo ra bản sắc cho địa phương và KGCC trở nên một phương tiện gắn kết các thành viên trọng cộng đồng, mọi người sẽ cảm thấy gần gũi và thuộc về nơi họ sinh sống khi những KGCC trong khu vực do chính người dân địa phương tạo ra và vận hành.

Chưa nhìn nhận đúng mức vai trò và giá trị của KGCC trong phát triển đô thị

Đối với các đô thị đang phát triển, khi phần lớn ngườn lực của thành phố đều tập trung để phát triển kinh tế, thì dường như việc đầu tư vào KGCC là chưa cấp thiết (PPS, 2012). Tương tự, tại các khu đô thị hiện hữu và đô thị mới của Việt Nam, việc đầu tư xây dựng và duy trì các điều kiện tối thiểu cho các KGCC hấp dẫn, an toàn và vệ sinh là một thách thức. Đặc biệt, khi mà phát triển kinh tế của đô thị vẫn đang là vấn đề ưu tiên. Điều mà nhiều nhà quản lý và phát triển đô thị thường lãng quên là giá trị bền vững mà KGCC mang lại cho thành phố. Với tầm nhìn xa để thấy giá trị của KGCC, một sự đầu tư thích hợp cho phát triển các KGCC chất lượng sẽ đem lại sự đa dạng và bản sắc cho các khu vực đô thị nói riêng và cả thành phố nói chung. Bằng cách tạo ra các cơ hội nhằm hỗ trợ người dân tăng cường giao tiếp xã hội, thương mại và nâng cao lợi ích sức khỏe, KGCC có thể là nơi phát huy các nguồn lực có hạn và làm cho một khu vực đô thị trở nên hấp dẫn, phong phú hơn và từ đó phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.

Đem lại sức sống cho khu đô thị bằng phát triển KGCC

Hiện trạng thiếu KGCC khu dân cư ở các đô thị của Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu, quy hoạch và quản lý đô thị đề cập từ nhiều năm. Điển hình tại Hà Nội, diện tích công viên, vườn hoa và cây xanh đường phố bình quân đạt 2,2m2/người. Đặc biệt, tại khu vực trung tâm chỉ tiêu này chỉ đạt 1,7m2/người (Ph. Loan, 2013). Với quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu chỉ tiêu bình quân cho khu vực trung tâm là 3,02m2/người (Viện-QHXDHN, 2014).

Tuy nhiên, nếu so sánh chỉ tiêu hiện tại đang có và quy hoạch về không gian xanh của Hà Nội với các thành phố trên thế giới hoặc tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới – WHO khuyến nghị thì thấy đều thấp hơn khá nhiều. Ví dụ: New York: 23,1m2/người; Paris 11,5m2/người; WHO: 9,0m2/người (Bagherian, 2015). Hơn nữa, để đạt được các chỉ tiêu theo quy hoạch hoặc các tiêu chuẩn quốc tế về KGCC, các đô thị Việt Nam cần dành quỹ đất để mở rộng, xây dựng thêm các KGCC mới. Mà điều này dường như là rất khó khăn đối với các thành phố có tốc độ phát triển nhanh chóng như Hà Nội, vì hiện tại các khu vực trung tâm của thành phố hầu như không còn quỹ đất trống. Các dự án di dời và tái phát triển các nhà máy ô nhiễm trong nội đô, xây dựng lại các khu chung cư cũ cũng đang chịu nhiều áp lực để chuyển đổi thành các khu phức hợp nhà ở – thương mại – dịch vụ hơn là dành đất cho phát triển KGCC hoặc các hạ tầng xã hội khác (Ph. Loan, 2013).

Trong bối cảnh hạn hẹp về quỹ đất tại các khu đô thị hiện hữu được phát triển từ các khu vực đô thị không có quy hoạch tổng thể thì việc phát triển KGCC thực sự là một công việc khó khăn và đầy thách thức đối với các nhà quản lý và phát triển đô thị. Để tái định hướng phát triển các khu đô thị hiện hữu theo hướng lấy KGCC làm trung tâm nhằm tạo nên bản sắc, giá trị của thành phố và cải thiện chất lượng sống của người dân trong bối cảnh quỹ đất công hạn chế. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây phương pháp tiếp cận “Xây dựng khu dân cư lấy KGCC làm trung tâm” hay còn được biết đến trên thế giới như những phong trào cải cách đô thị hiệu quả “Placemaking”.

bui vien

“Xây dựng khu dân cư lấy KGCC làm trung tâm” là gì?

Theo David Canter, một nhà tâm lý học kiến trúc, thì “KGCC” là một khái niệm không chỉ đơn thuần là địa điểm, nó còn mang các ý nghĩa kiến trúc và xã hội. KGCC là tổng hợp của mối quan hệ giữa các hoạt động, suy nghĩ của con người và các thuộc tính thực thể của một địa điểm.

“Xây dựng khu dân cư lấy KGCC làm trung tâm” hay còn gọi là “Xây dựng nơi chốn” là một phương pháp tiếp cận đa diện để quy hoạch, thiết kế và quản lý đô thị. Xây dựng nơi chốn tận dụng tài sản, nguồn cảm hứng và tiềm năng của một cộng đồng địa phương, với mục đích tạo ra các KGCC nhằm thúc đẩy sức khỏe, hạnh phúc của người dân. Xây dựng nơi chốn có thể hiểu là tạo ra các địa điểm, khu dân cư, đô thị hay vùng với những đặc trưng, bản sắc và ý nghĩa. Xây dựng nơi chốn là một quá trình và một triết lý (Wikipedia, 2017).

Xây dựng nơi chốn vừa là một khái niệm bao quát, vừa là một công cụ thực hành để cải thiện điều kiện sống cho một địa điểm, một khu dân cư, một thành phố hoặc cả vùng. Xây dựng nơi chốn có tiềm năng trở thành nột trong những ý tưởng cải cách tốt nhất của thế kỷ 21 (PPS, 2014).

Các khái niệm tiền thân của “Xây dựng nơi chốn” được quan tâm từ những năm 1960, khi những nhà hoạt động có tầm nhìn như Jane Jacobs và William H.Whyte (là các tác giả và nhà biên tập của cuốn sách “Cái chết và cuộc sống của các thành phố lớn của Mỹ”) đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá về thiết kế thành phố phục vụ người dân, chứ không phải là thành phố để chứa xe cộ và các trung tâm mua sắm. Các nghiên cứu của Jacobs và Whyte tập trung vào tầm quan trọng của khu dân cư sống động và những KGCC hấp dẫn. Jacobs ủng hộ quyền sở hữu đường phố thông qua các ý tưởng nổi tiếng “Những con mắt trên phố”. Còn Whyte thì nhấn mạnh các yếu tố cần thiết của việc tạo ra đời sống xã hội tại các KGCC.

Đến những năm 1970, thuật ngữ “Xây dựng nơi chốn” được các kiến trúc sư cảnh quan, kiến trúc sư công trình và các nhà quy hoạch đô thị sử dụng để mô tả quá trình thiết kế và xây dựng các quảng trường, công viên, đường phố và các khu ven sông trở thành những nơi hấp dẫn, thú vị thu hút mọi người tới. Trong quá trình thiết kế đô thị và xây dựng nơi chốn, cảnh quan luôn đóng một vai trò quan trọng.

Tái thiết đô thị bằng phương pháp “Xây dựng nơi chốn”

Quá trình “Xây dựng nơi chốn” được thực hiện với sự minh bạch và ủng hộ của người dân. Kết quả là một KGCC như mong muốn nằm giữa những khu dân cư được tạo ra, nơi mà cộng đồng cảm thấy họ có quyền sở hữu, có sự tham gia và thiết kế đảm bảo phục vụ được các hoạt động mà họ mong muốn. Ở những KGCC này, nhu cầu của mỗi người dân đều được đáp ứng và thỏa mãn cùng với sự  phát triển chung của cả cộng đồng.

“Xây dựng nơi chốn” là một phương pháp tiếp cận bằng việc giao quyền cho người dân, để họ tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển nơi họ sống theo cách mà quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị truyền thống không làm. Quá trình xây dựng nơi chốn dựa trên những vốn liếng sẵn có cả về vật chất, tinh thần và kỹ năng của một cộng đồng, hơn là chỉ dựa vào chuyên môn của các chuyên gia tư vấn quy hoạch, xây dựng. Cách tiếp cận “Xây dựng nơi chốn” được xác định với sự thừa nhận rằng khi nói đến KGCC, cộng đồng chính là các “chuyên gia”.

KGCC hấp dẫn và lành mạnh thực sự phục vụ nhân dân của một khu vực đô thị. Phát triển KGCC là mục tiêu chung và Xây dựng nơi chốn là cách mà các chính quyền địa phương, nhân dân và các tổ chức nghề nghiệp có thể cộng tác với nhau trong một quy trình dân chủ để chỉnh trang, cải thiện điều kiện sống tại các khu dân cư.

Mỗi nền văn hóa, mỗi địa phương, thậm chí mỗi cộng đồng nhỏ đều có những nét riêng. Các truyền thống, chuẩn mực xã hội đến điều kiện tự nhiên, khí hậu đều phải được xem xét trong quá trình Xây dựng nơi chốn. Những điều thành công tại một thành phố châu Âu có thể hoàn toàn không phù hợp cho những thành phố ở Việt Nam. Những điều thực hiện tốt tại các khu vực đô thị mới có thể không khả thi ở các khu đô thị cũ. Vì vậy, với Xây dựng nơi chốn chúng ta cần tìm ra các công cụ và phương pháp phát triển KGCC phù hợp cho từng khu vực cụ thể với nguyên tắc chung là KGCC của người dân và phục vụ người dân.

duong_hoa_NH_1_zing

Phố đi bộ Nguyễn Huệ – Sài Gòn ngập tràn sắc hoa mỗi khi Tết đến

Các khu dân cư sẽ ra sao nếu chúng ta quy hoạch và xây dựng chúng quanh một KGCC?

Xây dựng nơi chốn là một quá trình chuyển đổi nhẹ nhàng biến các KGCC thành trung tâm của các khu dân cư, các thành phố. Đó là một phương pháp tái thiết đô thị khuyến khích người dân xây dựng và cải thiện KGCC của họ. Xây dựng nơi chốn làm tăng cường sự kết nối giữa người với người và những không gian mà họ đang chia sẻ hàng ngày.

Xây dựng nơi chốn là cách mà chúng ta hình thành các KGCC để tối đa hóa giá trị sẻ chia. Bắt nguồn từ sự tham gia của cộng đồng. Xây dựng nơi chốn liên quan đến việc quy hoạch, thiết kế, quản lý, và lập các chương trình phát triển KGCC. Không chỉ tạo ra thiết kế đô thị tốt hơn cho các KGCC, xây dựng nơi chốn còn tạo điều kiện cho các hoạt động sáng tạo, giao lưu và kết nối (văn hóa, kinh tế, xã hội, sinh thái) để hình thành nên bản sắc cho một địa điểm và giúp cho nó phát triển bền vững. Xây dựng nơi chốn là cách mọi người đang cùng nhau định hình nơi mình ở và xây dựng tương lai.

Với nhận thức rằng đô thị là sản phẩm của loài người, là bộ mặt mô tả rõ nét phong cách và lối sống của một cộng đồng, Xây dựng nơi chốn là cách chúng ta xây dựng bản sắc cho các khu phố, thành phố và đất nước.

Một số cách cải thiện đô thị hiệu quả bằng “Xây dựng nơi chốn”

Chuyển đổi các đường phố thành KGCC

Bản chất của đường phố là KGCC cơ sở của mỗi khu đô thị nói riêng và thành phố nói chung. Đường phố là huyết mạch của giao lưu kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, ngày càng nhiều đường phố chỉ còn là chỗ để ô tô, xe máy, tắc nghẽn các phương tiện giao thông cơ giới và tranh chấp không gian với người đi bộ và đi xe đạp. Trong cuộc cạnh tranh đó sẽ không có “chiến thắng”.

Thiết lập nơi chốn thúc đẩy một nguyên tắc đơn giản: nếu chúng ta quy hoạch thành phố cho phương tiện giao thông cơ giới, chúng ta sẽ có một thành phố buồn tẻ, đầy xe cộ và giao thông. Nếu chúng ta quy hoạch thành phố cho người dân và các điểm đến hấp dẫn, chúng ta sẽ có những thành phố náo nhiệt, con người và các danh thắng. Sự thật là lưu lượng giao thông và năng lượng hạ tầng đường sá không phải là những thứ thể hiện sự phát triển của một đô thị. Vậy nếu vì con người, chúng ta hãy thiết kế đường phố là nơi thoải mái và an toàn cho người đi bộ.

Đường phố xung quanh khu vực nhà ở cần phải là nơi mà các bậc cha mẹ cảm thấy an toàn để cho con cái của họ chơi đùa, các vỉa hè phải là nơi an toàn cho người đi bộ và lòng đường cần dành một phần thích hợp cho người đi xe đạp và tổ chức giao thông tại các giao lộ cần đảm bảo an toàn cho họ. Đường phố được quy hoạch cho người dân đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng, có nghĩa là họ không phải đi lại vào trung tâm bằng xe máy hoặc ô tô, thêm vào đó là tăng cường sự gắn kết xã hội của cộng đồng, đảm bảo sự tương tác, giao tiếp của con người hàng ngày, và các KGCC cũng chính là nơi thúc đẩy phát triển bản sắc của một khu vực đô thị.

Tổ chức các KGCC khu dân cư hiện có thành các điểm đến đa dụng với tham gia của cộng đồng

Ngày nay, KGCC đôi khi bị xem như là hạ tầng xã hội phù phiếm, một sự sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai hoặc không gian đô thị quý giá. Tuy nhiên, KGCC của khu dân cư sẽ như một chốt an toàn, nơi dân cư mật độ cao có thể tìm thấy khoảng trống để hít thở. Sẽ là lãng phí khi có một sân chơi đơn điệu, buồn tẻ, bị sử dụng vào các mục đích tư nhân, nơi mà mọi người đều cảm thấy không thuộc về mình. Sẽ là hữu ích nếu có một quảng trường xinh xắn, ý nghĩa có thể là một tâm điểm của khu vực, là niềm tự hào của dân cư và giúp cho người dân cảm thấy có sự kết nối với lịch sử, văn hóa và cộng đồng.

Trên thực tế tại các đô thị Việt Nam, các KGCC khu dân cư thường chưa được đầu tư đúng mức. Nếu phát triển những KGCC này thành những “nơi chốn” có bản sắc riêng và quy hoạch các khu đô thị xung quanh những địa điểm này, chúng ta sẽ gây dựng niềm tự hào của người dân về nơi sinh sống của họ, tăng cường kết nối xã hội, nâng cao sức khỏe và hạnh phúc cũng như phát triển kinh tế địa phương.

Thuật ngữ “KGCC” thường được nhiều người hiểu khá hạn chế, bó hẹp trong một hoặc một vài chức năng công cộng nào đó. Thực tế cho thấy những KGCC đơn chức năng thường khó tạo ra sự thành công vì sự buồn tẻ và kém hấp dẫn nhiều đối tượng sử dụng khác nhau. KGCC giá trị của một khu vực đô thị cần là một điểm đến đa dụng. KGCC đó phải là nơi thu hút người dân ở mọi lứa tuổi, nhóm thu nhập, giới tính. Đó là nơi mà người dân có thể tìm thấy sự bình đẳng – nơi mọi khác biệt về tầng lớp xã hội, kinh tế có thể được bỏ qua và các vị trí xã hội khác nhau có thể đến với nhau trong tinh thần thân ái và hòa bình.

Giá trị của KGCC trong khu vực dân cư được thể hiện qua việc đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu của người dân và thuộc về họ. KGCC đó có phải là một nơi thú vị? Có phải là một không gian cho người già? Có phải là một nơi cho thanh thiếu niên? Có phải là một nơi giới thiệu và quảng bá cho các sản phẩm địa phương? Có phải là nơi thể hiện lịch sử và văn hóa của cộng đồng? Có phải là nơi mà mọi người cùng tham gia xây dựng duy trì? Thông thường các KGCC sẽ có nhiều hơn một trong những chức năng và tính chất trên. Nhưng tính đa dụng hợp lý và tham gia quản lý duy trì dẫn tới thành công cho một KGCC cụ thể sẽ do người dân sử dụng quyết định.

phu my hung

Công viên triệu đô bên trong khu Phú Mỹ Hưng Midtown

Phát triển kinh tế địa phương thông qua các chợ truyền thống

Sự phát triển của các khu vực đô thị hay mở rộng hơn là các thành phố phần lớn dựa vào thương mại. Mạng lưới chợ trong đô thị chính là nơi tạo ra liên kết phát triển kinh tế đô thị và nông thôn thông qua việc quảng bá và bán sản phẩm truyền thống. Bản thân lịch sử các đô thị đều hình thành lên từ các khu vực mà người dân tập trung để trao đổi hàng hóa. Và chức năng chợ vẫn rất cần thiết tại các trung tâm đô thị qua nhiều thế kỷ mà chưa hề có sự thay đổi.

Trong lịch sử hầu hết các đô thị tại Việt Nam, chợ truyền thống luôn là điểm đến và trung tâm của một khu vực. So với các trung tâm thương mại, chợ truyền thống lâu đời và nằm ở những vị trí năng động và hiệu quả nhất tại các đô thị. Ở chợ, người ta trao đổi với nhau tin tức thời sự trong ngày từ địa phương đến quốc gia, quốc tế. Ở chợ, người dân xây dựng và củng cố các mối quan hệ xã hội cần thiết cho một xã hội phát triển lành mạnh.

Tại các đô thị Việt Nam, với chi phí đầu tư nhỏ cho gian hàng ở chợ, nó mang lại thu nhập cho người bán hàng, chủ yếu là phụ nữ, để duy trì cuộc sống gia đình. Phát triển chợ truyền thống cũng góp phần bảo vệ đất nông nghiệp xung quanh thành phố, khi mà các sản phẩm nông nghiệp có thị trường trong khoảng cách hợp lý. Và chính chợ cũng sẽ là một kênh phát triển kinh tế nông thôn và là nơi làm tăng cường mối quan hệ giữa thành thị và ngoại ô. Ngoài ra, điều đặc biệt quan trọng là chợ chính là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống, các nhu yếu phẩm khác với giá cả phải chăng cho dân cư đô thị.

Tuy nhiên, nhiều thành phố còn thiếu quan tâm tới việc cải thiện điều kiện của chợ truyền thống để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của đại chúng và phát triển kinh tế địa phương. Thay vào đó là những ý tưởng đầu tư lớn để chuyển đổi chợ thành các siêu thị, trung tâm thương mại “hiện đại” và lợi ích kinh tế từ các “chợ” mới này phần lớn thuộc về các tập đoàn tư nhân.

Quy hoạch tái thiết khu dân cư

Người dân địa phương luôn là người có hiểu biết tốt nhất về giá trị và thách thức của một địa điểm cụ thể. Điểm khởi đầu quan trọng trong việc quy hoạch tái thiết một khu vực đô thị hiện có nào đó là xác định được những hiểu biết, tiềm năng và các nguồn lực trong cộng đồng đang sinh sống ở đây, những người có thể cung cấp các thông tin về lịch sử, hiểu biết về các hoạt động trong khu vực và điều gì thật sự có ý nghĩa đối với người dân địa phương. Khai thác thông tin này vào lúc bắt đầu của quá trình cải tạo, tái thiết sẽ giúp tạo ra phần hồn cho dự án và có thể nó cũng là yếu tố quyết định thành công trong tương lai.

Các thành phố sẽ chủ trì thực hiện việc tái thiết các khu dân cư hay cải thiện các KGCC tại khu dân cư, nhưng các đối tác tham gia cũng rất quan trọng cho sự thành công của một dự án. Các tổ chức của địa phương, trường học, nhà văn hóa, các hiệp hội kinh doanh – tất cả những ai có thể trở thành người đồng hành đáng giá đều cần được cân nhắc. Sau đó, mọi người cùng suy nghĩ, xây dựng các kịch bản phát triển cho khu đô thị của mình. Những đối tác này sẽ tham gia từ đầu đến cuối và họ chính là những chủ chốt để đảm bảo rằng dự án được triển khai với sự ủng hộ tuyệt đối của cộng đồng.

Tái thiết hay phát triển khu dân cư và KGCC là một quá trình phức tạp và hữu cơ. Chúng ta không thể mong đợi làm được tất cả mọi thứ cùng một lúc. Các khu đô thị với KGCC tốt cũng cần tiến hóa theo thời gian. Có thể phải thử nghiệm với những cải tiến ngắn hạn và sau đó rút kinh nghiệm và hoàn thiện từng bước.

Theo thời gian, mọi thứ thay đổi, cộng đồng thay đổi. Người mới đến, người cũ đi, trẻ em lớn lên, người lớn già đi… KGCC phục vụ họ cũng cần phải thay đổi. KGCC tốt luôn là KGCC có các chức năng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của đô thị.

Xây dựng chính sách tổng thể phát triển KGCC

 Các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị tại cơ sở đôi khi sẽ phát huy hết khả năng khi nhận được tiếp sức hay khuyến khích từ các chính sách “từ trên xuống”. Một cách tiếp cận toàn thể để phát triển, nâng cao và quản lý KGCC là xây dựng chính sách tổng thể toàn thành phố. Nếu việc chỉnh trang đô thị theo hướng chuyển đổi các KGCC khu dân cư được thực hiện trên một quy mô lớn thì những chính sách quyết định từ lãnh đạo ở cấp cao nhất của thành phố là cần thiết. Khi đã có những định hướng và tầm nhìn rõ ràng, thì các tổ chức thực hiện cấp cơ sở “từ dưới lên” sẽ rút ngắn thời gian và có sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền cấp trên.

Bước đầu tiên trong việc phát triển một chiến lược tổng thể về KGCC cho thành phố là thực hiện một đánh giá, kiểm kê khách quan về hiện trạng của KGCC bao gồm cả hiện trạng cơ sở vật chất và nhu cầu sử dụng của người dân. Các đánh giá có thể cả về số lượng và chất lượng. Ví dụ: một vườn hoa không có ghế ngồi, một công viên thiếu cây xanh bóng mát, một quảng trường tẻ nhạt không sức sống, một sân chơi bị chiếm dụng sử dụng cho mục đích tư… Với kiểm kê và đánh giá này, lãnh đạo thành phố có thể xây dựng một tầm nhìn thống nhất cho việc phát triển KGCC toàn thành phố.

 Bất kỳ chương trình phát triển KGCC nào cũng cần phải được gắn với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Phát triển KGCC có thể hỗ trợ các thành phố đạt được các mục tiêu tăng trưởng của mình. Những chương trình phát triển KGCC không chỉ dừng lại ở cấp khu dân cư, cấp thành phố mà chúng có thể thực hiện ở cả cấp quốc gia. Nhiều nước trên thế giới như Colombia, Brazil, Úc, Canada, Mỹ đã đưa ra những sáng kiến, những chương trình quốc gia đầy tham vọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các KGCC tại các đô thị với mục đích cải thiện điều kiện sống của người dân và phát triển kinh tế địa phương. KGCC sẽ là nơi kết hợp nhiều mục đích sử dụng từ thể dục thể thao đến văn hóa, xã hội và thương mại.

cho dong xuan

Khu phố đêm ở chợ Đồng Xuân – Hà Nội

Các khuyến nghị về chính sách cho chính quyền địa phương các cấp:

Phát triển các khu đô thị hiện hữu có thể được tiến hành thông qua các chính sách phát triển KGCC kết hợp cả hai chiến lược “từ trên xuống” và “từ dưới lên”. Những chính sách với chiến lược “từ trên xuống” của cấp thành phố sẽ phát huy hiệu quả khi hỗ trợ nó là  những ví dụ thành công với chiến lược “từ dưới lên” của các cấp cơ sở để nơi khác học tập.

Khuyến nghị thứ 1: Các chính quyền đô thị cấp quận hoặc phường cần xây dựng chương trình chuyển đổi các thành phố phù hợp thành các KGCC phục vụ nhu cầu của nhân dân và phát triển kinh tế địa phương.

Thay bằng việc gắng sức tạo dựng cảnh quan đô thị bằng những tuyến phố “văn minh” toàn xe cộ đi lại không dừng hay cấm bán hàng rong, bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, lấy vỉa hè, lòng đường để trông ô tô, xe máy, phân làn ưu tiên các phương tiện cơ giới hơn là chú trọng đến người đi xe đạp và đi bộ, các quận/phường có thể xây dựng các chính sách để biến những khu phố thành những KGCC rộng lớn hay thường được gọi là phố đi bộ một cách phù hợp phục vụ mọi người và phát triển kinh tế địa phương bằng việc tổ chức lại việc bán hàng trên phố.

Khuyến nghị thứ 2: Các chính quyền đô thị cấp quận hoặc phường cần có những chính sách tổ chức quản lý KGCC đa mục đích sử dụng phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Việc xây dựng các KGCC đơn năng như vườn hoa, sân chơi, nhà văn hóa tại các khu dân cư thường kém hiệu quả hơn là xây dựng các KGCC kết hợp đa dụng cho mọi người, mọi nhu cầu. Có thể kết hợp sân chơi cho trẻ em với nhà văn hóa, chỗ thư giãn với những quán cà phê, những gian hàng bán sản phẩm địa phương…

Khuyến nghị thứ 3: Các chính quyền đô thị cấp thành phố hoặc quận cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế địa phương thông qua chợ truyền thống.

Việc chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại với mục đích xây dựng đô thị văn minh, hiện đại đã được chứng minh là khó thành công và lợi bất cập hại tại nhiều nơi trong và ngoài nước. Các thành phố có thể chỉ cần sử dụng một phần nho nhỏ trong tổng vốn đầu tư nhiều trăm tỉ đồng để thực hiện công cuộc cải cách xây dựng chợ “mới” cho việc cải thiện điều kiện tại các chợ truyền thống. Kết quả mang lại từ phát triển chợ truyền thống có thể nhiều hơn chúng ta tưởng. Trước mắt người dân đô thị sẽ có thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng, sinh kế của hàng ngàn tiểu thương được đảm bảo, quan hệ xã hội bền chặt, liên kết kinh tế thành thị và nông thôn được duy trì và phát triển… Lâu dài là xây dựng, phát triển dòng lưu thông hàng hóa, cung cầu trong nội tại để phát triển kinh tế đô thị chủ động.

hoi an

Phố đi bộ Hội An – Quảng Nam

Khuyến nghị thứ 4: Các chính quyền đô thị các cấp phường, quận hoặc thành phố cần có những chính sách bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ các phong trào chỉnh trang, cải tạo và tái thiết khu dân cư lành mạnh với sự tham gia của cộng đồng.

Trước khi có những chính sách xây dựng các KGCC mới, chính quyền các cấp cần có những chính sách tăng cường quản lý, bảo vệ các KGCC khu dân cư hiện có tránh việc lấn chiếm, sử dụng sai mục đích cho các lợi ích tư nhân. Ngoài ra cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các phong trào xây dựng khu dân cư lành mạnh, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia của cộng đồng vào xây dựng nơi chốn như: khu dân cư không khói xe, khu dân cư thân thiện với người đi bộ, khu dân cư xanh…

Khuyến nghị thứ 5: Các chính quyền đô thị cấp thành phố cần xây dựng chiến lược phát triển KGCC ở cấp thành phố.

Chiến lược hay quy hoạch KGCC toàn thành phố là một chính sách giúp các đô thị có tầm nhìn và định hướng phát triển các KGCC của đô thị vì người dân với tinh thần khuyến khích hoạt động thể chất, giao tiếp xã hội, gắn kết cộng đồng, bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa, xây dựng bản sắc và phát huy sự tham gia của cộng đồng. Chính sách phát triển KGCC cấp thành phố không chỉ cần uqna tâm đến các KGCC cấp thành phố mà còn cần lưu ý đến sự phát triển của các KGCC khu dân cư và các loại hình KGCC các cấp khác. Hơn nữa, chính sách phát triển KGCC không chỉ để xây dựng nên các KGCC hiệu quả mà còn là phương tiện hỗ trợ hữu hiệu cho phát triển kinh tế xã hội chung của đô thị, xây dựng đô thị lành mạnh, bền vững, đặc sắc và hấp dẫn./

Tài liệu tham khảo:

1. Bagherian, Baharash. 2015.

http://www.baharash.com/liveable-cities-how-much-green-space-does-your-city-have/, 2015, Vols. how-much-green-space-does-your-city-have.

2. Gehl, Jan. 2006. Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc: sử dụng không gian công cộng. 2006

3. HBV. 2013. Improving open public spaces for healthy and happy urban residents in Vietnam.2013.

4. Hội QH. 2007. Kỷ yếu hội thảo khoa học: “Hệ thống không gian xanh công cộng của Thủ đô”. 2007.

5. Porada, Barbara. 2013.

http://www.archdaily.com/362988/ten-ways-to-transfsrm-cities-through-placemaking-and-public-spaces/, s.l.: Ten Ways to Transform Cities through Placemaking & Public Spaces, 2013.

6. 2014. What is Placemaking.

http://www.pps.org/reference/what_is_placemaking/. [Online] 2014.

7. Viện-QHXDHN. 2014. Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 2014.

8. Wikipedia. 2017. wikipedia. [Online] 2017.

http://en.wikipedia.org/wiki/Placemaking.

KTS. Đinh Đăng Hải 

(ĐT&PT số 78-79/2019)

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …