Home / QUY HOẠCH / QUY HOẠCH / Phát triển hạ tầng kỹ thuật gắn kết với quá trình xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng

Phát triển hạ tầng kỹ thuật gắn kết với quá trình xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng

1. Bối cảnh phát triển

Trong những năm qua đặc biệt trong 20 năm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, thành phố Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có tốc độ phát triển đô thị nhanh, với không gian hiện đại, văn minh, có nhiều đột phá, hàng loạt các khu đô thị mới cùng hệ thống hạ tầng phát triển khá đồng bộ. Với quyết tâm caAo về công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, hướng đến xây dựng một thành phố môi trường, thành phố đáng sống và phấn đấu để trở thành đô thị động lực của miền Trung – Tây Nguyên.

20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã nổi lên như là một “hiện tượng” về phát triển đô thị. Từ một đô thị nhỏ bé, không gian đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, tương ứng với diện tích khoảng 5.600 ha. Đến nay, ranh giới đô thị đã lên tới khoảng gần 20.000 ha, gấp hơn 3 lần ranh giới cũ trong vòng 15 năm. Hơn 100.000 hộ dân di dời giải toả để tạo nên những khu dân cư mới với hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội – văn hoá, từ đó chất lượng sống của người dân cũng được nâng lên đáng kể.

Thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo nâng cấp hầu hết các tuyến đường nội thành, nâng cao mật độ lưu thông, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chung của một đô thị lớn, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng chỉ mới đáp ứng được phần nào nhu cầu cấp thiết của thành phố, trong những năm tới thành phố vẫn chủ trương tiếp tục đầu tư, hoàn thiện từng bước hệ thống cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ.

Việc xây dựng và khai thác hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình giao thông đường bộ, hệ thống thoát nước, xử lý chất thải,… đòi hỏi vốn đầu tư xây dựng rất lớn nhưng thời gian hoàn vốn chậm. Kinh nghiệm phát triển các đô thị Việt Nam trong những năm qua cho thấy việc huy động vốn từ các nguồn khác ngoài ngân sách Nhà nước để xây dựng và khai thác hạ tầng có thể giúp đẩy nhanh tốc độ trang bị hạ tầng cho đô thị. Do đó cần có sự hợp tác giữa khối Nhà nước và và khối tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, để hoạt động kinh doanh bền vững, các doanh nghiệp cung cấp các tiện ích công cộng đô thị nêu trên cần được khuyến khích hoạt động theo nhu cầu của thị trường, ngày một nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại sự hài lòng cho người dân.

2. Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị

2.1. Về giao thông

Nhìn chung giao thông thành phố Đà Nẵng có nhiều thuận lợi, có khả năng khai thác lớn và có hiệu quả, nối liền các vùng kinh tế miền núi, trung du, ven biển, các khu du lịch với trung tâm đô thị, dễ dàng phát triển và hoà nhập vào hệ thống giao thông quốc gia và quốc tế.

– Về đường bộ: Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ những năm qua được tập trung đầu tư, hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại được kết nối hiệu quả. Trong giai đoạn 2012 – 2015, thành phố đã tập trung đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn, hiện đại, đã triển khai kết nối hiệu quả với các trục quốc lộ, mở rộng không gian đô thị. Bên cạnh đó hệ thống giao thông nội thị của thành phố cũng được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Đến nay trên địa bàn thành phố có 1.131,96 km đường và 42 cầu (>25m) có tổng chiều dài 11.086m; trong đó có 826,3 km đường đô thị. Nhiều công trình trọng điểm về giao thông đã triển khai và đưa vào sử dụng góp phần thay đổi diện mạo của thành phố theo hướng văn minh hiện đại tạo động lực phát triển mới cho thành phố như: cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý, cầu Rồng, tuyến đường Võ Chí Công và đường vành đai phía Nam; đường Mai Đăng Chơn (giai đoạn 1), đường Nguyễn Duy Trinh; tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài lên khu du lịch Bà Nà; nút giao thông khác mức ngã ba Huế, trục I Tây Bắc (đoạn từ nút giao thông ngã ba Huế đến bệnh viện ung thư),…(1) đồng thời góp phần tạo thêm các điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đô thị của thành phố. Nhằm tiếp tục phát triển hiệu quả và kết nối liên thông hệ thống giao thông, thành phố tiếp tục triển khai và chuẩn bị triển khai một số công trình giao thông lớn như: Đường vành đai phía Nam – giai đoạn 2 (tuyến Hòa Phước – Hòa Khương); đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường Mai Đăng Chơn – giai đoạn 2; tuyến đường gom dọc đường sắt từ ngã ba Huế đến Hòa Cầm, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Đà Nẵng – Quảng Trị, đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn – Túy Loan); công trình giao thông vượt sông Hàn(2); Hầm chui tại các nút giao có mật độ giao thông cao như: Nút giao Nguyễn Tri Phương – Điện Biên Phủ – Lê Độ, nút giao phía Tây cầu sông Hàn; đường Trần Hưng Đạo nối dài, cầu số 1: nối từ khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước đến đường Trần Hưng Đạo nối dài, cầu số 2: nối từ khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước đến đường Mai Đăng Chơn; lắp đặt hệ thống camera xử lý giao thông tuyến đường tránh Nam hầm Hải Vân – Túy Loan và các tuyến đường trên địa bàn thành phố…

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tích cực làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng thế giới để sớm triển khai dự án Di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố và xây dựng ga đường sắt mới đồng thời tái thiết lại khu vực ga cũ thành một trung tâm dịch vụ.

– Về đường hàng không: Để kết nối hiệu quả hơn với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời để nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thành phố đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng nhà ga hàng không quốc tế với công suất tiếp nhận 4 triệu hành khách/năm, nhờ đó đến hết quý I năm 2016 có 4 hãng hàng không nội địa và 14 hãng hàng không quốc tế hoạt động, bao gồm 99 tuyến bay nội địa và 25 tuyến bay đi quốc tế. Hiện nay, cảng hàng không đang tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng nhà ga quốc tế để phục vụ tuần lễ cấp cao APEC 2017, dự kiến đến năm 2020 sẽ đáp ứng từ 11-13 triệu lượt hành khách mỗi năm.

– Về đường biển: Cảng Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung, bao gồm hai khu cảng chính là Xí nghiệp Cảng Tiên Sa và Xí nghiệp Cảng Sông Hàn với 1.493m cầu bến, thiết bị xếp dỡ và các kho bãi hiện đại phục vụ cho năng lực của cảng đảm bảo vận chuyển hàng hóa đạt 5,5 triệu tấn/năm. Đến nay, thành phố đã hoàn thành việc chuyển đổi công năng Cảng sông Hàn trở thành cảng phục vụ du lịch, đồng thời đôn đốc triển khai mở rộng Cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Xây dựng Cảng Liên Chiểu làm cơ sở để kêu gọi các nhà đầu tư.

2.2. Cấp nước

Đã hoàn thành các dự án cải tạo, phục hồi cụm dây chuyền xử lý cũ của nhà máy nước Cầu Đỏ với công suất đạt 170.000m3/ngày đêm (tăng thêm 50.000m3/ngày đêm); Đầu tư hoàn thành gần 140 km tuyến ống cấp nước các loại, cấp nước sạch cho hơn 10.000 hộ dân các xã miền núi huyện Hòa Vang, tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt 100%, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88%. Hiện nay, tổ chức JICA đang hỗ trợ thành phố nghiên cứu khả thi dự án xây dựng nhà máy nước Hòa Liên theo hình thức PPP kết hợp ODA với công suất dự kiến giai đoạn 1 là 120.000m3/ngày đêm.

2.3. Cấp điện

Nhìn chung, việc đầu tư xây dựng các dự án 110kV trên thực tế thấp hơn nhiều so với quy hoạch đề ra trừ một số điều chỉnh về công suất và tiến độ phù hợp với nhu cầu phụ tải thực tế. Về lưới điện phân phối tính đến hết năm 2010 số lượng trạm biến áp tăng không nhiều so với quy hoạch, nhưng tổng công suất trạm tăng khá cao (cao hơn 33,5% so với quy hoạch). Khối lượng đường dây trung áp được đầu tư trong giai đoạn 2005-2010 thấp hơn khá nhiều so với quy hoạch chỉnh trang đô thị lại tăng khá cao.

2.4. Hạ tầng chiếu sáng, cây xanh, cảnh quan đô thị

– Về hạ tầng chiếu sáng: Hệ thống điện chiếu sáng đô thị đã được đầu tư hoàn thiện. Ngoài ra, thành phố đã đầu tư trang trí hệ thống điện chiếu sáng trên các cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý, nút giao thông Ngã Ba Huế và các đường phố chính nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc, phục vụ khách tham quan, du lịch.

– Về cây xanh, cảnh quan đô thị: Để cải thiện tỷ lệ cây xanh đô thị phục vụ nhu cầu cân bằng sinh thái, phát triển du lịch và phát triển bền vững, trong 2 năm qua thành phố đã tập trung thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển cây xanh đô thị; tiếp tục đầu tư chuẩn hóa hệ thống cây xanh, xây dựng cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, đầu tư chỉnh trang cây xanh trên các tuyến đường phố chính. Triển khai đầu tư mới các công viên, vườn dạo, đẩy mạnh trồng và chăm sóc cây xanh, nhất là ở các khu dân cư, khu du lịch, bệnh viện, trường học, công sở, khuyến khích các hộ gia đình tận dụng những khoảng không gian trong sân nhà để trồng cây xanh… Kết quả, đã đưa vào quản lý sử dụng, khai thác thêm 183.330m2 thảm hoa, thảm cỏ và hơn 13.420 cây xanh bóng mát trên các tuyến đường, khu vực công cộng; trồng khoảng 15.000 cây xanh bóng mát các loại tại 57 dự án khu dân cư. Tính đến thời điểm tháng 12/2015, trên địa bàn thành phố có 4.538.711m2 thảm hoa, thảm cỏ và 190.137 cây xanh bóng mát các loại, ước tỷ lệ đất cây xanh đô thị đạt 7,3 m2/người.

2.5. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn

Thành phố tiếp tục ưu tiên đầu tư mở rộng phạm vi thu gom nước thải, tập trung xử lý các điểm ngập úng, thoát nước tại các khu dân cư, khu công nghiệp trên địa bàn.Đến nay đã có 5/6 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tổng công suất xử lý khoảng 11.750m3/ngày đêm(3), 2 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp có hệ thống thu gom kết hợp, tỷ lệ đấu nối nước thải tại các khu công nghiệp đạt 91%, nhờ vậy trên 80% nước thải công nghiệp đã được thu gom, xử lý; ước mật độ đường ống thoát nước chính đạt 46,2 km/km2. Hệ thống thoát nước thành phố Đà Nẵng chủ yếu là hệ thống thoát nước chung cho nước mưa và nước thải có tổng chiều dài khoảng hơn 963 km bao gồm 31 tuyến cống chính và 7 tuyến kênh hở được xây dựng trong nhiều giai đoạn, thu gom toàn bộ nước thải vào tuyến cống chung và được đưa về 05 Trạm xử lý nước thải tập trung: Hòa Cường, Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Xuân; hệ thống cống bao ven biển tại các khu du lịch về mùa khô đã được thu gom về trạm xử lý nước thải trước khi xả ra khu vực biển Mỹ Khê, Mỹ An, sông Hàn và vịnh Đà Nẵng(4). Ở các khu vực thí điểm, tỷ lệ đấu nối nước thải của các hộ gia đình vào hệ thống gom nước thải ước đạt khoảng 50-60%.

Đối với thu gom và xử lý chất thải rắn, trong năm 2014 tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom khoảng 262.550 tấn, tỷ lệ thu gom đạt 93%(5). Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại được thu gom và xử lý khoảng 4.932 tấn, tỷ lệ thu gom đạt 46%; Tổng lượng chất thải rắn y tế được thu gom và xử lý qua dịch vụ là 3.175 tấn; khối lượng bùn bể tự hoại thu gom được gần 22.389 tấn, tỷ lệ thu gom đạt từ 10-20%. Số còn lại là tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý không theo quy trình. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” và thực hiện Đề án “Thu gom rác thải theo giờ”, với mục tiêu “Hạn chế trên 50% số lượng các thùng rác đặt trên các đường phố nội thị và hạn chế tối đa 80% việc đặt thùng rác trên đường phố chính”, đã thực hiện đặt thùng rác theo giờ tại 41 tuyến đường và 01 khu dân cư thuộc địa bàn 5 quận nội thành(6), nhờ đó cảnh quan đô thị được cải thiện, tình trạng rác thải đổ xung quanh vị trí đặt thùng đã được hạn chế.

3. Giả thiết phát triển

Phát triển giao thông đối ngoại sẽ có vai trò chiến lược trong thúc đẩy phát triển và hội nhập của thành phố trong vùng và quốc tế, quyết định sự gắn kết của thành phố với thị trường lớn hơn.

Hiện nay, nhu cầu phát triển của thành phố cần thiết có một phương thức phát triển hạ tầng hợp lý, nó có vai trò quyết định tới sự phát triển bền vững của đô thị chứ không chỉ nhìn nhận trên giải pháp thiết kế hay quy hoạch. Đây chính là khâu còn thiếu trong các chính sách quản lý phát triển đô thị, định hướng thiết kế, quy hoạch hiện nay.

Trong vấn đề quy hoạch hạ tầng giai đoạn hiện nay cần thiết có sự thiết lập gắn kết với nguyên tắc quy hoạch, phù hợp với cấu trúc đô thị trong mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Xem xét lại sự phát triển thiếu kiểm soát, phi cấu trúc, đảm bảo không phá vỡ những liên kết của hạ tầng với các chức năng chính của đô thị.

Đối với một đô thị đang tăng trưởng về mặt kinh tế và xã hội, hạ tầng phải có khả năng thích ứng, hoàn thiện với sự biến động của đô thị. Các giải pháp mềm, giải pháp thích ứng là một điều kiện trong quy hoạch hạ tầng thay vì chỉ đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật cứng.

Phát triển theo xu hướng hạ tầng xanh tích hợp giải quyết các mục tiêu của hạ tầng với các vấn đề môi trường, vấn đề về năng lượng,… cần được xây dựng như một chiến lược phát triển hạ tầng trọng tâm trong giai đoạn tới.

Hệ thống các chính sách để hỗ trợ các phương thức phát triển hạ tầng hiệu quả này cần được thiết lập để đảm bảo cho việc triển khai vào thực tiễn mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.

4. Mục tiêu chiến lược

Kinh nghiệm thành công của nhiều nước cho thấy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại và đi trước một bước là tiền đề vật chất quan trọng để phát triển đô thị bền vững. Cũng như các tỉnh thành khác, thành phố Đà Nẵng luôn ưu tiên quan tâm đến việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; tập trung phát triển kết hợp với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ công ích đô thị như giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, công viên, điện chiếu sáng, vận tải công cộng,… tạo cảnh quan không gian đô thị, cải thiện điều kiện môi trường

Mục tiêu chiến lược phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030:

4.1. Về công tác quy hoạch, phát triển không gian đô thị

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực, uy tín, kinh nghiệm tiến hành quy hoạch tổng thể khu vực phía Tây thành phố, bổ sung vào điều chỉnh quy hoạch chung, nhằm khớp nối không gian đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội thành phố và kết nối phát triển với các huyện phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch mới phân lô tại các khu tái định cư theo hướng dành quỹ đất để bố trí các phân khu chức năng, khu vực công cộng, công viên, vườn dạo đảm bảo tiêu chuẩn, quy định; cho phép được ghép các lô đất thành lô đất lớn, tạo điều kiện cho việc bố trí khu vực đậu đỗ xe, công trình công cộng tại nhà hàng, khách sạn; nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư xây dựng bãi đỗ xe nổi tại một số thành phố lớn trong nước và ngoài nước nhằm giảm kinh phí và thời gian.

4.2. Về giao thông

Hướng tới việc tận dụng và phát huy tối đa lợi thế về địa lý của thành phố. Phát triển hệ thống giao thông đường bộ đối ngoại và đối nội hợp lý. Phát triển giao thông vận tải một cách thống nhất, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đồng bộ để đảm bảo được sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt. Tận dụng tối đa kết cấu hạ tầng giao thông hiện có nhưng phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch xây dựng của địa phương. Quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải phải có tính kế thừa, kết hợp với việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyết mạch hiện có, quy hoạch các tuyến đường mới. Đến năm 2030, đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (bao gồm cả giao thông động và giao thông tĩnh) bình quân 19 ÷ 21m2/người với tỷ lệ  ≥ 13% đất xây dựng đô thị (tính đến cấp đường khu vực).

Tiếp tục đầu tư tăng cường cải thiện kết nối hệ thống giao thông của thành phố với các tỉnh lân cận và các trung tâm tăng trưởng quốc tế khu vực Châu Á và tiểu vùng Mê Kông bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không nhằm mở rộng thị trường, tiếp tục tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển và thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục những điểm yếu của thành phố là thị trường quy mô nhỏ cách xa hai đầu trung tâm tăng trưởng của đất nước.

Tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, Trung ương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án: Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan; Mở rộng hầm lánh nạn Hải Vân, di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng tạo điều kiện để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc mở rộng sân bay với quy mô đáp ứng từ 11-13 triệu lượt hành khách mỗi năm và mở thêm nhiều tuyến bay trực tiếp để kết nối hiệu quả hơn với các nước trong khu vực.

Hoàn thành tuyến đường vành đai phía Nam, phía Bắc và tuyến đường vành đai phía Tây kết nối hiệu quả với các tuyến quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, quốc lộ 14B. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý là cảng cửa ngõ quốc tế ra biển Đông. Đa dạng hóa các loại hình vận tải, phát triển dịch vụ cảng biển – logistics, từng bước đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ logistics khu vực. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và cảng Liên Chiểu giai đoạn 1, phát triển gắn kết giữa hai cảng và từng bước chuyển đổi chức năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, phân luồng hàng hóa qua cảng Liên Chiểu(7) gắn kết với việc triển khai xây dựng các trung tâm logistic.

Nghiên cứu phát triển khu vực vịnh Đà Nẵng thành một khu đô thị cảng biển để Đà Nẵng thực hiện những bước đột phá trong quá trình hội nhập và trở thành một thành phố có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ về kinh tế biển trong khu vực và quốc tế.

Phát triển hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, tập trung đầu tư các công trình có tính chất động lực thúc đẩy phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại và xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong quản lý đậu đỗ cùng với việc phát triển hệ thống giao thông tĩnh. Tập trung đầu tư các công trình giao thông chính huyết mạch đi đôi với việc nâng cấp hệ thống giao thông công cộng gắn kết với các công trình giao thông ngầm nhằm giải quyết ách tắc giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội(8). Phát triển vận tải hành khách thân thiện với môi trường(9), xúc tiến nghiên cứu khả thi hệ thống vận tải khối lượng lớn, tốc độ cao UMRT(10). Nâng cấp Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thành trung tâm điều khiển, kiểm soát giao thông tập trung. Xây dựng hệ thống dữ liệu đánh giá tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và tăng cường công tác quản lý, bảo trì để kéo dài tuổi thọ nhằm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có. Triển khai quy hoạch phát triển đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố đồng thời đầu tư xây dựng các bến du thuyền theo quy hoạch để khai thác du lịch.

4.3. Về cấp điện

Tiếp tục tăng cường cải tạo lưới điện đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất nhất là khu công nghệ cao nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư. Ngầm hóa lưới điện các tuyến đườngchính để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Đến năm 2020, hoàn thành các công trình: Trạm biến áp 220kV Ngũ Hành Sơn và đường dây 220kV Đà Nẵng – Quận 3; treo dây mạch 2 đường dây 220kV Hòa Khánh – Huế; Trạm biến áp 220kV Hải Châu và đường dây 220kV Hòa Khánh – Hải Châu; nhánh rẽ và trạm biến áp 110kV Hòa Xuân, Chi Lăng và Ngũ Hành Sơn; nâng công suất trạm biến áp 110kV Xuân Hà và trạm biến áp 110kV An Đồn.

Thực hiện mở rộng mạng lưới và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đã phát triển khả năng cung ứng của các trạm điện và mạng lưới phân phối dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch 5 năm của ngành điện. Tuy nhiên, khả năng cung cấp điện trong tương lai phải đáp ứng yêu cầu với quy hoạch tổng thể nêu trên. Cải thiện hệ thống vận hành đảm bảo cung cấp điện ổn định: Khi mạng lưới truyền tải điện được lắp đặt trên toàn quốc, tỷ lệ thất thoát năng lượng sẽ giảm xuống dưới 10%. Việc cấp điện không ổn định làm nản lòng các nhà đầu tư, người dân và ảnh hưởng đến việc vận hành của các nhà máy xử lý và các trạm bơm, gây nên ô nhiễm môi trường. Thực hiện chiến dịch tăng cường nhận thức bảo vệ môi trường và thực hành tiết kiệm điện trong bộ phận người dân.

4.4. Về cấp nước

Phát triển mạng lưới cung cấp và phân phối, nhằm vươn tới cả khu vực đô thị mới phát triển lẫn khu vực hiện chưa được cung cấp dịch vụ. Xây dựng kế hoạch chống thất thoát nước; cải thiện hiệu quả của hệ thống thông qua việc triển khai các chương trình dịch vụ công ích, đem lại hiệu quả lớn trong việc cải thiện chống thất thoát nước và quan hệ khách hàng. Phấn đấu tỷ lệ thất thoát nước giảm từ 40% xuống còn 30% trong vòng một năm.

Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 95-100%, với tiêu chí dùng nước 150 – 180 lít/người/ngày; nâng cao chất lượng nước và giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống dưới 15%. Tập trung đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống tuyến ống truyền tải, phân phối và các trạm bơm tăng áp, nâng công suất các nhà máy nước hiện có và đầu tư xây dựng mới một số nhà máy nước để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho toàn thành phố.

Đến năm 2020, nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ từ 170.000 m3/ngày đêm lên 230.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1 – 2020) và nâng công suất lên 290.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 2 – 2030); nhà máy nước Sân Bay từ 30.000 m3/ngày đêm lên 50.000 m3/ngày đêm. Xây dựng nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1 – 2020) và nâng công suất lên 240.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 2 – 2030); nhà máy nước Hòa Trung có công suất 10.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1 – 2020) và nâng công suất lên 20.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 2 – 2030). Triển khai dự án Mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng do ADB tài trợ dự kiến lắp đặt 150 km đường ống D200-1000 đến năm 2019. Nghiên cứu xây dựng đập dâng giữ nước trên sông Cu Đê để kết hợp với cấp nước cho thành phố với nhu cầu cấp nước trên 240.000 m3/ngày đêm.

 4.5. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn

Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 100%; xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành “thành phố môi trường”; phát triển diện tích không gian xanh đô thị, phấn đấu đạt 9-10 m2/người. Xây dựng bãi rác mới ứng dụng công nghệ mới trong xử lý rác thải với quy mô từ 1.000 – 1.500 tấn/ngày, kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trong đó ngân sách tham gia một phần để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi chi phí.

Hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước các tuyến đường trung tâm thành phố, nâng cấp mở rộng hệ thống thoát nước thải, cải tạo các hồ, giải quyết các điểm ngập úng trọng điểm trên địa bàn các quận. Nâng cấp và mở rộng công suất các trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, Phú Lộc, Sơn Trà, Liên Chiểu, Khu công nghiệp(11), xóa bỏ trạm xử lý nước thải Hòa Cường; xây dựng các hệ thống cống bao ven biển thu gom nước mưa, nước thải khu vực cửa xả quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn để giải quyết ô nhiễm bờ biển phía Đông – Khu du lịch trọng điểm về du lịch của thành phố. Tăng tỷ lệ đấu nối hệ thống nước thải sinh hoạt các hộ gia đình vào hệ thống thu gom nước thải thành phố, xây dựng các quy chế về đấu nối và xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, giải quyết dứt điểm việc xả thải không đúng quy định của các đơn vị sản xuất trong khu công nghiệp và xây dựng hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp.

 – Xây dựng hệ thống đấu nối bể tự hoại trong tương lai, nâng cấp hệ thống vận hành và duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước thải, thực hiện chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng các quy định về vùng đệm; tăng cường duy trì các nội dung quan trọng như bắt buộc phải xử lý nước thải công nghiệp, xúc tiến hệ thống thoát nước độc lập ở khu vực nông thôn, chiến dịch nâng cao ý thức đồng thời đặt ra mức thu phí thỏa đáng.

5. Các yêu cầu phát triển

5.1. Giao thông đô thị

Giao đường bộ: Triển khai các công trình, dự án nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đã xác định theo Nghị quyết 33-NQQ/TW và Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị và Kết luận tại Thông báo số 363/TB-VPCP ngày 04/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: mở rộng tuyến quốc lộ 14B giai đoạn 2, hành lang kinh tế Đông Tây 2 (quốc lộ 14D), nâng cấp quốc lộ 14G (mặt cắt đường tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe).

Quốc lộ 14B: Tiếp tục xây dựng, nâng cấp đoạn từ ranh giới Quảng Nam – Đà Nẵng, qua công viên Xekong (Lào) đến Pakse (Thái Lan).

Mở rộng tuyến đường tránh Nam hầm Hải Vân (giai đoạn 2) với nền đường rộng 25.5m, mặt đường rộng 10.5x2m, dải phân cách giữa 3m và lề mỗi bên 0.75m. Và đổi tên thành tuyến cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất.

Mở rộng đường Hồ Chí Minh với nền đường rộng đảm bảo đủ 4 làn xe chạy. Đoạn qua khu vực đồng bằng có mặt cắt ngang với nền đường rộng 24m, mặt đường rộng 2x10m, lề rộng 2×1,25m và dải phân cách giữa 1,5m.

Chuyển quốc lộ 1A thành đường phố chính đô thị (đoạn từ cầu Nam Ô đến cầu vượt Hòa Cầm).

Xây dựng hệ thống tàu điện một ray (monorail) trên địa bàn thành phố, ưu tiên từ thành phố Đà Nẵng đến Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Xây dựng bến xe phía Nam thành phố, nằm trên trục đường QL1A.

Giao thông đường hàng không: Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Quốc tế Đà Nẵng quy mô đạt mức tương đương 10 triệu lượt khách/năm. Mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất 20 triệu lượt khách/năm theo quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2020 (theo định hướng được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết Định số 3066/QĐ-BGTVT ngày 26/8/2015).

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp đến năm 2020, cần hình thành thêm các khu công nghiệp mới; bao gồm Khu công nghiệp Hòa Cầm – giai đoạn 2 (khoảng 150 ha), khu công nghiệp Hòa Nhơn (khoảng 523 ha), khu công nghiệp Hòa Sơn (khoảng 152 ha) và khu công nghiệp Hòa Ninh Giai đoạn 1 (khoảng 200 ha).

Giao thông hàng hải: Quy hoạch cảng biển được Bộ giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2367/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; trong đó có yêu cầu về phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; xây dựng bổ sung khu hậu cần logistic cho cảng Liên Chiểu nhằm đảm bảo chiến lược phát triển cảng với công suất 100-120 triệu tấn/năm theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 363/TB-VPCP ngày 04/11/2016.

Phát triển cảng Liên Chiểu và khu đô thị dịch vụ cảng (theo Quy hoạch cảng biển được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2367/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016).

Xây dựng cảng dầu Mỹ Khê tại vùng vịnh Đà Nẵng.

Xây dựng cảng du lịch làng Vân để đi Huế, liên kết với các cảng biển Liên Chiểu, sông Hàn và các bến thuyền trên sông Cu Đê (3 bến), nhánh sông Vĩnh Điện (3 bến), nhánh sông Cẩm Lệ – Túy Loan (4 bến), nhánh sông Cổ Cò – Thu Bồn (2 bến) để tạo thành mạng lưới du lịch đường thủy cũng như phục vụ phát triển kinh tế nội địa.

Xây dựng bến thuyền tại các khu du lịch trên bán đảo Sơn Trà.

Khơi thông nhánh sông Cổ Cò (Đô Tỏa) đi Hội An nhằm phục vụ du lịch thủy từ sông Hàn đi Hội An.

Giao thông đối nội: Xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố.

Đường vành đai phía Tây: bắt đầu từ đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất đến đường Hồ Chí Minh. Chiều dài tuyến 21.05km. Tuyến dự kiến mặt đường rộng 15m, nền đường rộng 30m.

Đường ven biển, ven sông: Đường ven sông phía Bắc sông Cu Đê: xác định đây là trục đường chính ven sông, nối các khu đô thị mới dọc sông Cu Đê. Xây dựng mới với mặt đường 7,5m và nền đường 17,5m, tổng chiều dài 3,1km. Đường ven sông phía nam sông Cầu Đỏ: bắt đầu từ đường ĐT604 đến cầu Cẩm Lệ, nối vào các trục đường của khu đô thị Hòa Xuân. Xây dựng mới tuyến này với chiều dài khoảng 9km, mặt đường 10,5m, nền đường 20,5m.

Đường phố chính đô thị: Đường tỉnh DT601: từ An Ngãi Tây đến đèo Đê Bay (tuyến này chạy song song với đường Hồ Chí Minh) có tổng chiều dài 42,2km. Đoạn từ An Ngãi Tây đến UBND xã Hòa Bắc với tổng chiều dài 11 km, lộ giới 6-7m và chiều rộng mặt đường 4,5m được trải nhựa. Phần còn lại chạy qua khu vực đồi núi, địa hình phức tạp, dân cư thưa. Đây là đường đất, một số đoạn đã xuống cấp. Cầu trên đường đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đường tỉnh DT602: từ Hòa Khánh đến khu du lịch Bà Nà có chiều dài 31,5 km. Nền đường rộng 25m, mặt đường rộng 15m được trải nhựa. Đường tỉnh DT605: từ Km935+165 quốc lộ 1A đến Hòa Tiến, đường này có chiều dài 5,96km. Thành phố Đà Nẵng đang đầu tư nâng cấp và mở rộng đường này để đáp ứng nhu cầu giao thông với lộ giới 25m, chiều rộng làn xe 15m.

Đường Nguyễn Tri Phương nối dài: tuyến này bắt đầu từ cầu Nguyễn Tri Phương đến đường Sơn Trà – Điện Ngọc. Chiều dài tuyến 8.71km. So với quy hoạch cũ có chỉnh hướng tuyến. Tuyến có mặt đường rộng 2×10.5m, nền đường rộng 33.0m.

Đường Hoàng Văn Thái nối dài: tuyến đường này nối tiếp đường Hoàng Văn Thái cũ (gần KDC Hòa Mỹ) đến khu du lịch Bà Nà. Chiều dài tuyến 7,58km. Tuyến có mặt đường rộng 15.0m, nền đường rộng 27.0m.

Đường Nguyễn Tất Thành nối dài: bắt đầu từ đường Nguyễn Tất Thành cũ đến tuyến đường tránh Nam hầm Hải Vân. Tuyến này dài 5.48km. Tuyến có mặt đường rộng 2×7.5m, nền đường rộng 39.0m.

Đường đến khu làng Vân: bắt đầu ở lưng chừng đường đèo Hải Vân đến khu làng Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Tuyến đường dài gần 3km với mặt đường rộng 15m và nền đường rộng 21m.

Hệ thống giao thông công cộng:  Xây dựng các hành lang BRT, tuyến trung tâm điều hành (khu công nghiệp Hòa Khánh) đi trạm trung chuyển chợ Hòa Hải (làng đại học); tuyến sân bay đi Bà Nà; tuyến làng đại học đi Hội An; tuyến sân bay đi khu đô thị mới Hòa Vang; tuyến sân bay đi Hội An; tuyến sân bay đi làng đại học; tuyến sân bay đi bến xe phía Nam.

Trong giai đoạn 2025-2030 cần thiết nghiên cứu, thử nghiệm loại hình vận tải khối lượng lớn – METRO: Xây dựng tuyến Metro là xây dựng trong không gian ngầm nên cần quy hoạch theo các tiêu chí, yêu cầu như sau: phải bảo đảm sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; kết nối tương thích và đồng bộ các công trình ngầm và giữa công trình ngầm với các công trình trên mặt đất; bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn nước ngầm, an toàn các công trình ngầm và phần ngầm của các công trình trên mặt đất. Bước đầu có thể thử nghiệm với tuyến số 1 (Bến ngầm trung tâm – Ngã Ba Huế) xuất phát từ trung tâm thành phố. Bến ngầm dự kiến đặt tại tòa nhà Viễn Đông Meridian (nằm trên đường Hùng Vương). Tuyến ngầm dọc đường Hùng Vương, đường Điện Biên Phủ đến Ngã Ba Huế. Tiếp nối tuyến metro số 1 tại Ngã Ba Huế sẽ có 2 tuyến Metro nữa đi nổi về 2 hướng: Tuyến số 1A: Đi về hướng Bắc: từ Ngã Ba Huế theo đường Tôn Đức Thắng, đến bến xe trung tâm, qua ga đường sắt mới và đến đèo Hải Vân. Tuyến số 1B: đi về hướng Nam: từ Ngã Ba Huế theo quốc lộ 1A đến bến xe phía Nam. Sau này có thể mở rộng mạng lưới metro với: Tuyến số 2: bến ngầm trung tâm – Hội An. Tuyến ngầm dọc theo đường Trần Phú đến đường 2 tháng 9, sau đó đi nổi và qua sông Cẩm Lệ, đến trạm trung chuyển chợ Hòa Hải và đích đến là bến xe Hội An. Tuyến số 3: bến ngầm trung tâm – KDL Sơn Trà – Bãi Bụt. Nhằm giảm lưu lượng qua các cầu trên sông Hàn. Hướng của tuyến này dự kiến đi dọc đường Trần Phú, đi ngầm qua sông Hàn và đến đường Ngô Quyền sẽ đi nổi và đích đến là KDL Sơn Trà – Bãi Bụt.

Hệ thống các cầu qua sông

Nhu cầu xây dựng thêm những cầu mới trên các sông Cẩm Lệ, Cu Đê, Đô Tỏa, Cổ Cò để liên kết các khu đô thị theo hướng phát triển của thành phố (về phía Tây và phía Nam trung tâm thành phố). Mở rộng cầu qua sông Cu Đê trên đường Đà Nẵng – Dung Quất.

Xây dựng mới cầu đường sắt qua sông cu Đê theo hướng đường sắt quy hoạch mới, cầu qua sông Túy Loan trên đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất.

Xây dựng cầu mới qua sông Cẩm Lệ, nối xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) với quận Cẩm Lệ, cầu từ đường Trần Đại Nghĩa qua khu đô thị mới Hòa Xuân, cầu qua sông Cổ Cò trên đường Nguyễn Tri Phương nối dài, cầu qua sông Cổ Cò (đoạn nạo vét) trên đường Sơn Trà – Điện Ngọc.

5.2. Cấp nước

Mục tiêu đặt ra là thỏa mãn tiêu chuẩn dùng nước 150 lít/người/ngày; cấp cho từ 90-95% dân số thành phố, thỏa mãn nhu cầu dùng nước công nghiệp. Nước máy đạt tiêu chuản quốc gia về chất lượng nước sạch.

Tổng nhu cầu tiêu thụ nước sinh hoạt và sản xuất toàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 khoảng 540.000 m3/ngày; đến năm 2030 khoảng 830.000 m3/ngày. Để đáp ứng nhu cầu này, hướng giải quyết là nâng công suất các nhà máy nước hiện có; đến năm 2030 tận dụng công suất đã và đang khai thác trong giai đoạn đầu, cần mở rộng các nhà máy nước Đà Nẵng để phù hợp với quy hoạch định hướng đến năm 2030, là như sau:

+ Giai đoạn 2020, nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ 170.000 m3/ngày, NMN Sân Bay 30.000 m3/ngày, NMN Sơn Trà 5.000 m3/ngày, NMN Hải Vân 5.000 m3/ngày, NMN Cầu Đỏ 2 xây mới với công suất ban đầu 80.000 m3/ngày, NMN Hòa Liên xây mới với công suất ban đầu 240.000 m3/ngày.

+ Giai đoạn 2030: Mở rộng và nâng công suất NMN Cầu Đỏ 200.000 m3/ngày, NMN Cầu Đỏ 2 nâng công suất 240.000 m3/ngày, NMN Sân Bay 30.000 m3/ngày, NMN Hòa Liên 360.000 m3/ngày, NMN Sơn Trà 5.000 m3/ngày, NMN Hải Vân 5.000 m3/ngày.

Đầu tư cải tạo mạng lưới đường ống để giảm thất thoát nước từ 30% xuống dưới 20% lượng nước sản xuất ra. Phát triển mạng lưới tới các khu dân cư xa trung tâm, đặc biệt tới các hộ dân thu nhập thấp.

5.3. Cấp điện

Nguồn điện: hệ thống điện quốc gia; nhà máy thủy điện sông Nam 8.5MW, nhà máy thủy điện sông Bắc I 16MW, nhà máy thủy điện sông Bắc II 16.5MW, nhà máy thuỷ điện A Vương 210MW. Tổng công suất dùng điện toàn thành phố đến năm 2020 dự kiến khoảng 1.376 MVA; đến năm 2030 dự kiến khoảng 1.815 MVA. Để đạt được mục tiêu này, từ nay đến năm 2030 cần thiết phải xây dựng nhà máy các trạm biến áp 110kV và các trạm biến áp 220KV tạo thành mạch vòng kín đảm bảo cung cấp điện ổn định và liên tục.

Lưới điện: lưới điện trung áp ở nội thành chuyển sang lưới 22kV và đi ngầm. Cấp điện áp phân phối hạ áp chọn thống nhất là 380V với lưới 3 pha, 220V với lưới 1 pha và 2x220V với lưới 2 pha. Lưới điện áp được xây dựng với kết cấu trục chính là 3 pha 4 dây hoặc 1 pha 2 dây, 1 pha 3 dây và các nhánh rẽ 1 pha 3 dây. Mỗi mạng điện áp có từ 1 đến 3 đường dây trục chính và các nhánh rẽ. Các đường dây trục chính sử dụng hệ thống 3 pha 4 dây, điện áp 380/220V.

Chiếu sáng đô thị: Từng bước hạ ngầm tuyến cáp chiếu sáng trên các các trục giao thông chính nhằm đảm bảo cảnh quan và mỹ quan cho đô thị.

5.4. Thoát nước thải

Tổng lưu lượng thoát nước thải sinh hoạt toàn thành phố đến năm 2020: Q = 180.000 m3/ngày; đến năm 2030: 380.000 m3/ngày.

Xử lý nước thải đạt loại B đến năm 2020; năm 2030 xử lý đạt loại A (theo QCVN 40:2011/BTNMT, QCVN 11:2008/BTNMT);

Đến năm 2020: Sử dụng hệ thống nước mưa để thoát nước thải sinh hoạt sau khi đã qua bể tự hoại trong các hộ gia đình, cơ quan, công trình công cộng; đến năm 2030: Kết hợp hai hệ thống thoát nước chung và hệ thống thoát nước thải riêng dẫn về trạm xử lý.

+ Giai đoạn 2020:

– Trạm XLNT Sơn Trà (mở rộng, xử lý đạt loại B): 20.000 m3/ngày

– Trạm XLNT Hòa Liên (xây mới, xử lý đạt loại B): 60.000 m3/ngày

– Trạm XLNT Hòa Xuân (xây mới, xử lý đạt loại B): 100.000 m3/ngày

+ Giai đoạn 2030:

– Trạm XLNT Sơn Trà (mở rộng, xử lý đạt loại A): 60.000 m3/ngày

– Trạm XLNT Hòa Liên (mở rộng, xử lý đạt loại A): 120.000 m3/ngày

– Trạm XLNT Hòa Xuân (mở rộng, xử lý đạt loại A) 200.000 m3/ngày

5.5. Quản lý chất thải và nghĩa trang

Quản lý chất thải rắn: Khối lượng CTR toàn đô thị đến năm 2030 khoảng 3.705 tấn/ngày. Khu xử lý hiện có: Khu xử lý chất thải rắn Khánh Sơn. Xây dựng khu xử lý CTR tập trung tại bãi rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu, quy mô 100 ha; Xây dựng hệ thống thu hồi khí gas theo cơ chế phát triển sạch tại các bãi rác. Xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện. Xây dựng khu xử lý bùn thải, xử lý và tái chế phế thải xây dựng.

Quản lý nghĩa trang: Di dời các khu vực nghĩa địa nằm rải rác chưa có quy hoạch về các khu nghĩa trang quy hoạch mới tại Hòa Sơn và Hòa Ninh. Xây dựng mới nghĩa trang tại thôn An Châu, xã Hòa Phú. Nâng cấp nhà hỏa táng trong khu nghĩa trang Hòa Sơn, thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.

5.6. Về thông tin liên lạc

Xây dựng mới khu công viên phần mềm số 2 tại khu đô thị Đa Phước (quận Hải Châu), với quy mô 10 ha và Khu công nghệ thông tin tập trung tại Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), với quy mô 397 ha. Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc theo công nghệ mới, hiện đại, hội tụ được các loại hình viễn thông, internet, truyền hình và tiếp thu các công nghệ mới của thế giới.

Nâng cấp mở rộng hệ thống chuyển mạch, truyền dẫn toàn thành phố. Triển khai đồng bộ mạng cáp ngầm theo hệ thống công trình ngầm đô thị. Đầu tư nâng cấp hạ tầng thông tin để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa và quản lý phát triển đô thị của thành phố.

Quản lý và tối ưu hệ thống hạ tầng khung cho phát triển mạng thông tin di động, khai thác các vệ tinh viễn thông phát triển dịch vụ. Nâng cao chất lượng mạng lưới bưu chính, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội.

6. Các hạn chế

6.1. Về giao thông

Yêu cầu về vốn đầu tư trong phát triển giao thông rất lớn. Trên thực tế, việc xây dựng và bảo dưỡng các công trình giao thông đối ngoại như đường cao tốc, đường sắt và các cảng biển do Nhà nước đảm nhận, có thể thông qua vốn vay ODA. Ngay cả trong việc xây dựng các công trình giao thông thành phố đảm nhận như đường nội thị, tổ chức giao thông trong thành phố cũng đồi hỏi nguồn vốn lớn và nhiều hình thức như BOT, BT,…

Ngoài ra, thành phố cũng phụ thuộc vào kế hoạch và tiến độ của Chính phủ trong phát triển giao thông đối ngoại, có quy mô lớn như đường cao tốc, cảng biển.

Vấn đề di dời, giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển hạ tầng là công tác hết sức phức tạp và tốn nhiều thời gian. Do đó, cần sớm lập, thông qua và công bố các dự án quy hoạch về giao thông của Trung ương và địa phương

6.2. Về cấp nước

Có thể xây ra tranh chấp trong sử dụng các nguồn nước, do các ưu tiên của cơ quan quản lý tài nguyên nước không nhất thiết trùng với ưu tiên của thành phố về sử dụng hệ thống các sông hồ trong khu vực để cấp nước sinh hoạt.

Có thể có tranh chấp trong sử dụng đất các khu vực xung quanh hồ đập lớn có cảnh quan đẹp vào mục đích bảo vệ nguồn nước và mục đích phát triển du lịch.

Yêu cầu về vốn đầu tư cao để phát triển mạng lưới cấp nước trên diện rộng.

6.3. Về thoát nước thải

Các dự án thoát nước thải chiếm quy mô lớn về diện tích sử dụng đất, do đó công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư gặp nhiều khó khăn. Thường các công trình được thi công tại các khu vực dân cư chật hẹp, dẫn đến kéo dài thời gian thi công.

6.4. Về cấp điện

Thành phố Đà Nẵng có ít tiềm năng phát triển thuỷ điện nhỏ.

Độ ổn định về cấp điện thành phố Đà Nẵng phụ thuộc vào kế hoạch và tiến độ của Tổng công ty điện lực Việt Nam qua trạm biến áp 500KV Đà Nẵng công suất (2×450) MVA; có trách nhiệm phân phối và quản lý cấp điện trên toàn bộ mạng điện quốc gia.

Chưa xây dựng hoàn chỉnh lưới điện trung áp 22kV ở nội thành gây khó khăn trong việc quản lý, sửa chữa và vận hành lưới điện. Việc hạ ngầm các đường dây điện trên các tuyến phố đòi hỏi vốn đầu tư cao.

Chưa xây dựng và sử dụng được các nguồn năng lượng khác như: Sức gió, năng lượng mặt trời.

(1) Cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, cầu Hòa Xuân; tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài ra biển Đông nối với tuyến đường Võ Văn Kiệt tạo nên trục giao thông xuyên tâm Đông – Tây; các tuyến đường ĐT 601, ĐT 604, ĐH8, đường Tôn Đản và một số tuyến đường nội thị; bãi đỗ xe ngầm phía Nam Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng.

(2) Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.088 tỷ, đầu tư theo hình thức BT (trong đó: phần vốn nhà đầu tư tham gia khoảng 2.707 tỷ đồng gồm hạng mục phần hầm, điện, cơ khí, chiếu sáng; thành phố đầu tư hạng mục đường dẫn, nút giao và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng).

(3) KCN Hòa Khánh, KCN Đà Nẵng, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm và KCN Liên Chiểu.

(4) Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đã đầu tư được 1.601 đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước cấp ba được nâng cấp; 35,16 km ống thoát nước thải, 16 trạm bơm, trung tâm điều khiển, vận hành hệ thống thu gom nước thải toàn thành phố. Đã xây dựng các trạm xử lý nước thải: Hòa Xuân (hiện tại 20.000m3/ngày đêm, công suất tối đa 320.000m3/ngày đêm), Hòa Cường, Phú Lộc, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Trong dự án Phát triển bền vững sẽ nâng cấp trạm XLNT Hòa Xuân lên 60.000m3/ngày đêm, đồng thời xây mới Trạm XLNT Liên Chiểu.

(5) Trong đó riêng khu vực nội thành đạt trên 96%, khu vực nông thôn (huyện Hoà Vang) đạt 65%

(6) Q.Hải Châu, Q.Sơn Trà, Q.Thanh Khê, Q.Cẩm Lệ, Q.Ngũ Hành Sơn.

(7) Nhu cầu vận chuyển trong tương lai của cảng Đà Nẵng trên 30 triệu tấn; hạ tầng giao thông khu vực cảng Tiên Sa chỉ đảm nhận tối đa 8,5 triệu tấn, đồng thời cảng Tiên Sa không kết nối trực tiếp với tuyến đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, chi phí vận chuyển tương đối cao hơn so với hai đầu. Dự kiến tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài gần 140 km rút ngắn thời gian vận chuyển hơn 1 giờ sẽ thúc đẩy các địa phương Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ hình thành các khu công nghiệp và dịch vụ tổng hợp dọc theo trục cao, tuyến hành kinh tế Đông – Tây được kết nối, cảng Liên Chiểu sẽ đảm nhận vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực trọng điểm Miền Trung và tiểu vùng sông Mê Kông với công suất trên 30 triệu tấn và cảng Tiên Sa cần chuyển sang phục vụ cho du lịch nhằm giảm ách tắc giao thông khu vực nội thành.

(8) Đến năm 2020, hoàn thành các công trình: Cầu số 1: nối từ khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước đến đường Trần Hưng Đạo nối dài; đường vành đai phía Nam – giai đoạn 2 (tuyến Hòa Phước – Hòa Khương); đường Mai Đăng Chơn – giai đoạn 2; đường Nguyễn Tất Thành nối dài; Tuyến đường gom dọc đường sắt từ Ngã Ba Huế đến Hòa Cầm, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Đà Nẵng – Quảng Trị, đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn – Túy Loan); đường quốc lộ 14G; tuyến đường gom ĐH2 kết nối mạng lưới đường đô thị phía Tây thành phố với tuyến đường cao tốc Bắc Nam, các đoạn còn lại của tuyến đường 45m từ đường Nguyễn Phan Vinh đến đường Phan Tứ, tuyến đường 30m đoạn từ đường Ngô Quyền đến đường Lê Tấn Trung, đầu tư nâng cấp một số tuyến đường nội thị; Hầm chui tại các nút giao có mật độ giao thông cao như: nút giao phía Tây cầu sông Hàn; Nút giao Nguyễn Tri Phương – Điện Biên Phủ – Lê Độ; Phát triển xe buýt, xe buýt nhanh BRT,… Đến năm 2025, dự kiến hoàn thành các công trình: cầu, hầm qua sông Hàn; đường vành đai phía Tây, giao thông trục đường Yết Kiêu – Ngô Quyền (đoạn từ cảng Tiên Sa đến nút giao đường Hồ Xuân Hương); mở rộng hầm lánh nạn Hải Vân; Các bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn thành phố; Cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1), di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố và xây dựng ga đường sắt mới…

(9) Thành phố đang triển khai Đề án xã hội hóa xe buýt, dự kiến trong năm 2017 sẽ đưa một số tuyến xe buýt trợ giá vào hoạt động; đồng thời đang triển khai thiết kế chi tiết hệ thống xe buýt nhanh BRT trong khuôn khổ dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2018. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang làm việc với các đối tác nước ngoài (Nhật Bản, Mỹ,…). Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đảm nhận xe buýt chiếm 12% nhu cầu đi lại của thành phố.

(10) Urban Rapid Mass Transit.

(11) Trạm XLNT Hòa Xuân: nâng công suất xử lý từ 20.000 m3/ngày đêm lên 60.000 m3/ngày đêm; Trạm XLNT Phú Lộc: nâng công suất từ 36.000 m3/ngày đêm lên 76.000 m3/ngày đêm; Trạm XLNT Sơn Trà nâng công suất từ 16.000 m3/ngày đêm lên 41.500 m3/ngày đêm; Trạm XLNT Liên Chiểu đang thiết kế với công suất xử lý 20.000 m3/ngày đêm; Nâng cấp cải tạo Trạm XLNT trong KCN Hòa Khánh có công suất 5.000 m3/ngày đêm lên 10.000 m3/ngày đêm (dự kiến đầu tư theo hình thức PPP).

Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …