I. Đặt vấn đề
Quy hoạch chiến lược đối với một thành phố phát triển khó tránh khỏi những vấn đề bất cập. Nhưng nếu quy hoạch chiến lược không đảm bảo tính chi tiết đúng mức về nhiều mặt có tính liên ngành sẽ trở thành sức cản lớn cho sự phát triển, có khi trở thành tai họa cho tương lai.
Kinh nghiệm thế giới đã cho thấy nhiều bất cập; đến nỗi, Peter Hall (Trong Cities of Tommorrow,2010) đã trích mấy vần thơ đầy mỉa mai của George Orwell khi dòng người đổ xô về một thành phố phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch về tỉ lệ dân số. Từ đó nảy sinh ra những vấn đề không những thành phố quá tải, mà tiếp tục nảy sinh rất nhiều vấn đề khác, như một dây chuyền thảm họa, kể cả vấn đề tư duy. Xem bất cập đó như là những quả bom nổ chậm, tạm dịch như sau:
Hãy đến đây, hãy tràn ngập về đây,
Biến thành phố không thích ứng với con người được nữa,
Cỏ còn đâu cho những đàn bò sữa,
Đóng hộp thức ăn, ruộng vườn, nhà cửa,
Chết chóc thay, đóng hộp cả tầm nhìn! (The Cities of Tommorow, 2014)
Nghiên cứu 13 mô hình thành phố nỗi trội nhất của thế giới để rút ra nhiều kinh nghiệm vô giá về quy hoạch kiến trúc cảnh quan thành phố, Hall ủng hộ tầm nhìn chiến lược quy hoạch thành phố càng sớm, càng xa, càng tốt. Thiếu quy hoạch chiến lược đã nẩy sinh nhiều vấn đề có tính toàn cầu. Tóm tắt như sau:
- Thiếu quy hoạch chiến lược về thành phố dẫn đến vấn đề nghiêm trọng về chiến lược phát triển con người. Tệ hại nhất là trẻ em thiếu sân chơi, thanh thiếu niên thiếu trường học chuẩn, người già thiếu công viên, dân bản địa và cả khách tham quan không tìm ra những vùng văn hóa, những chứng tích lịch sử, những gì tiêu biểu nhất cho mảnh đất và con người có mặt ở đây từ ngàn xưa.
- Quy hoạch tổng thể không mang tầm chiến lược sẽ xói mòn môi trường, đất đai. Đặc biệt là sinh thái cảnh quan tự nhiên, một khi đã bị xóa sổ là không thể nào cứu vãn nỗi trong tương lai.
- Quy hoạch tổng thể thiếu tầm chiến lược sẽ không thể xử lý tốt các mối quan hệ giữa các lĩnh vực: kinh tế-xã hội- môi trường- văn hóa và sự liên thông trong lòng thành phố với các vùng phụ cận.
- Cuối cùng là quy hoạch đô thị thiếu tầm chiến lược sẽ tạo ra nhiều kẽ hở lớn để sự bất công giữa người giàu và người nghèo ngày càng lớn. Cơ hội để người nghèo tiếp cận với những gì được gọi là công cộng, những gì do thiên nhiên ban tặng cho con người ngày càng hiếm hoi…
Như vậy, trong cái tỉ lệ quy hoạch, có những tỉ lệ về những giá trị hữu hình và vô hình mà chúng ta phải hết sức cân nhắc. Tỉ lệ quy hoạch không đơn thuần là con số mà là sự kết nối liên ngành để tôn tạo, bảo tồn và tạo ra sản phẩm giá trị lâu dài cho cộng đồng chứ không phải cho một nhóm người.
II. Thảo luận vấn đề:
Talor và Francis, trong New Ideas in City Design, 2010, có nhắc lại dự đoán của một nhà văn khoa học viễn tưởng Arthur C. Clark rằng nếu trong quy hoạch đô thị không tính toán chiến lược thì thành phố của thế kỷ 21 sẽ là nơi chất chứa nhiều yếu tố vô giáo dục và tội phạm. William B. Graham, một kiến trúc sư trẻ tên tuổi (2010) nhận định: “90% trường hợp trẻ em sinh ra trong những khu phố chen chúc đã bỏ học ở tuổi còn rất non dại”. Và ông ta nhấn mạnh thêm: “ Giáo dục không chỉ ở nhà trường mà hiện ra tất cả mọi nơi trong thành phố mà chúng ta quy hoạch, thiết kế: Trong công viên, ở những trung tâm văn hóa, chính trị của thành phố, thậm chí ngay đến tiệm tạp hóa và cảnh quan, môi trường ở đó cũng có thể tạo ra phần nào đó mang tính trường học cho trẻ em của chúng ta.”
Điều này cho thấy, khi ra một Nghị quyết cực kỳ quan trọng như Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, không phải ngẫu nhiên mà nói: Xây dựng Làng Ðại học Đà Nẵng trở thành 1 trong 3 trung tâm đại học của cả nước.
Cuối thế kỷ 20, trên thế giới đã có nhiều cuộc Hội thảo lớn chưa từng có về môi trường và phát triển đô thị. Quy hoạch cảnh quan đô thị sao cho phù hợp kinh tế xã hội và phát triển bền vững. Các Hội thảo mang tính quốc tế tiếp tục diễn ra bàn nhiều đến quy hoạch cảnh quan thành phố cho tương lai. Quan điểm của Anita trong Recovering Landscape, rất thích hợp ở đây: “Cần xem cảnh quan là một diễn trình và là một hệ thống sản xuất…”
Gần hơn với Đà Nẵng chúng ta, thành phố Hà Nội nghìn năm văn vật, và thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển kinh tế ngoạn mục, nhưng mỗi khi mưa, cả hai thành phố đều bị ngập nước. Mới đây, báo chí đưa tin rằng hàng vạn người dân Hà nội lao đao vì thiếu nước uống. Nguyên do sâu xa là quy hoạch manh mún chiếm ưu thế quy hoạch chiến lược, do quy hoạch đô thị không đồng bộ, thiếu tính bền vững.
Dưới góc nhìn quy hoạch chiến lược, chúng ta thấy rằng Đà Nẵng có nhiều may mắn:
Sau giải phóng, cảnh quan tự nhiên của Đà Nẵng còn như nguyên vẹn: Quần thể Ngũ Hành Sơn vẫn sừng sững đầy uy linh. Bán đảo Sơn Trà kỳ vĩ vẫn màu xanh nối với mây trời bàn bạc, nối biển với sông, với đất, với người và muôn sinh vật quý hiếm từ tự nhiên ban tặng. Biển Đà Nẵng vẫn trong lành, hoang sơ từ Đèo Hải Vân, Nam Ô, Thanh Khê, Sơn Trà tiếp nối Quảng Nam như là mạch sống bất tận, đầy gợi cảm. Sông Hàn vẫn rộng, nối sự sống từ nguồn đến vùng phù sa cửa biển, bến sông, và hai bờ Đông và Tây đầy trầm tích văn hóa và lịch sử với bao cảnh quan kỳ bí khác nữa.
Dấu tích văn hóa – lịch sử của Đà Nẵng có chỗ hiện rõ, có chỗ dù phai mờ vì nhiều lớp bụi thời gian nhưng vẫn còn đó: thành Điện Hải, các làng nghề, làng chài, Vũng Thùng, làng cỗ, bia mộ, đền thờ các vị khai mở giang sơn, bờ cõi…
Các vị Lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã vì dân và vì tương lai của Đà Nẵng, Quảng Nam; họ đã thắt lưng buộc bụng, không đổi bờ biển Đà Nẵng để lấy các khu công nghiệp đầy quyến rũ về kinh tế ngay giữa lúc cuộc sống vẫn cơ hàn. Chẳng hạn, họ đã cùng nhân dân làm ra một hồ Phú Ninh lịch sử để tiếp sức màu xanh và sức sống cho quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng…Và sau này họ đã tính bài toán lấy du lịch làm mũi nhọn để phát triển Đà Nẵng, và giới hạn dân số tràn về ào ạt.
Những quyết sách được thực hiện như vậy của các thế hệ Lãnh đạo thành phố cùng với Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị nhấn mạnh đến tính kết nối đầy ý nghĩa về phát triển kinh tế xã hội cũng như về văn hóa, lịch sử giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, Đà Nẵng với miền Trung và cả nước: “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối với miền Trung – Tây Nguyên và cả nước” (NQ 33/BCT). Và Nghị quyết cũng cho thấy: Sớm xây dựng thành phố Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc tế.
Nghiên cứu các ý tưởng lớn trong NQ 33 của Bộ Chính trị, một số kinh nghiệm của thế giới và trong nước, chúng ta cảm nhận rằng chúng ta không đi lạc hướng. Nhưng dưới tầm nhìn chiến lược về quy hoạch cảnh quan đô thị, tổng thể cũng như cụ thể, còn đó rất nhiều thách thức và khó khăn. Bởi lẽ, để có được một quy hoạch tổng thể mang tầm chiến lược, chúng ta cần phải tính toán một cách khoa học nhưng cũng hết sức thực tế đến rất nhiều lĩnh vực; nhất là phải thống nhất cao về quan điểm phát triển bền vững.
Thứ nhất, trong nhiều quan điểm, có một quan điểm cần phải thống nhất: Quy hoạch đô thị chiến lược không những không hề sơ hở để có những nhóm lợi ích nhảy vào “ăn mòn tương lai” của con em chúng ta mà ngay bây giờ trong khi quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố, phải quy hoạch làm sao để bù đắp cho các thế hệ mai sau. Đặc biệt là bù đắp những giá trị văn hóa – xã hội, văn hóa – giáo dục, tạo nên bản sắc Đà Nẵng – Việt Nam khi hội nhập toàn cầu.
Thứ hai là về tầm nhìn: Quy hoạch chiến lược ít nhất là 50 năm, và phải làm nền tảng để phát triển bền vững suốt cuộc hành trình lịch sử của Đà Nẵng kết nối sự phát triển với cả vùng và cả nước. Talors và Francis (2010) đã quả quyết rằng quy hoạch một đô thị chí ít là phải nhìn về 50 năm.
Thứ ba là cần tính toán đến số lượng cư dân. Điều này chi phối đến quy hoạch năng lượng cho thành phố, các nguồn cung ứng cho con người như: nước uống, giao thông… Hiện nay Đà Nẵng chưa đến một triệu dân thế nhưng có lúc chúng ta đã thiếu nước ngọt, thiếu điện, thiếu lối đi bộ, và thiếu rất nhiều những khu công cộng, vui chơi…Thậm chí, là một thành phố biển mà có khi cả khách du lịch lẫn cư dân Đà Nẵng thiếu bãi tắm, bãi bơi đúng nghĩa…
Thứ tư là trong tỉ lệ 1/500 hay khác hơn, chúng ta phải dựa vào một bản đồ tổng thể chính xác và đầy đủ về nhiều ngành liên quan một cách hệ thống. Trong đó bản đồ quốc phòng, bản đồ kinh tế, bản đồ về những chứng tích văn hóa và lịch của Đà Nẵng, bản đồ về môi trường, tài nguyên,.… cần được tính toán khoa học.
Theo xu hướng toàn cầu, ngoài du lịch sinh thái – văn hóa- giáo dục, có một loại hình du lịch đang phát triển mạnh hiện nay, và trong tương lai. Đó không phải là du lịch để đi nhìn nhà cao tầng, bê tông. Đó là du lịch sức khỏe: nghỉ dưỡng, giải trí, khám chửa bệnh, và ẩm thực. Vậy thì quy hoạch chiến lược của Đà Nẵng cần dành nhiều không gian thích hợp, trong đó tính đến hệ thống bệnh viện điều dưỡng, chửa bệnh cũng như nguồn dược liệu, thực phẩm dồi dào của chúng ta…Kiến trúc cảnh quan lại càng trở nên vô cùng quan trọng. Hơn nữa, các vùng tự nhiên có sự sống của các loài quý hiếm lại càng vô cùng giá trị. Ngoài bản đồ văn hóa, lịch sử, và những vấn đề nêu trên, quy hoạch đô thị mang tầm chiến lược đòi hỏi số liệu cụ thể từ các mô hình thủy văn thủy lực, cũng như biến đổi khí hậu, và cân bằng sinh thái, môi trường. Điều này không thể dự đoán mà là những công trình khoa học nghiêm túc.
Chúng ta tự hỏi những dấu ấn mang tính bản sắc và tiêu biểu của Đà Nẵng là gì? Đây cũng là vấn đề lớn mà quy hoạch đô thị mang tầm chiến lược cần phải làm rõ. Chẳng hạn, Huế mang bản sắc thành phố văn hóa – lịch sử cung đình và lễ hội. Hội An – thành phố cổ – di sản. Thành phố Quy Nhơn, Bình Định, đang hình thành một trung tâm kết nối nghiên cứu khoa học quốc tế. Điều này đang trở thành một hiện thực; xa hơn vùng nội thị là những quần thể chùa chiền, thiền viện với các khu hành lễ tâm linh, các khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái và tín ngưỡng. Đà Nẵng 20 năm qua đã có quy hoạch là làng Đại học rộng 300 heta, và mới đây Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Ngành liên quan của Chính phủ, và chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã thảo luận về triển khai nhanh làng Đại học Đà Nẵng. Chúng ta cũng có quy hoạch công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn – đây là một trong những điểm nhấn cấu tạo nét riêng của Đà Nẵng. Tự nhiên đã cho Đà Nẵng sông và biển, núi và bán đảo… đẹp vô cùng. Vậy mà chúng ta vẫn chưa hình thành được những công viên, vườn hoa tự nhiên cũng như nhân tạo một cách đặc sắc. Chúng ta cũng chưa có những bãi biển chuẩn mực vừa kết hợp yếu tố tự nhiên và yếu tố cảnh quan do chúng ta phối hợp… Chúng ta chưa có được những vườn sinh thái biển… những làng nghề văn hóa biển tiêu biểu…v.v…
Những bất cập vừa nêu, thực tiễn cho thấy xuất phát từ ba lý do:
(1) Khi quy hoạch chiến lược, tư duy quy hoạch của chúng ta khá đơn giản. Thường là ý tưởng chỉ đạo khái quát từ cấp trên. Từ đó, những nhà quy hoạch phát thảo một quy hoạch tổng thể, theo những tỉ lệ mang tính hình thức, ước lệ. Bởi chưa nghiên cứu sâu đến những giá trị hữu hình và vô hình cấu thành tỉ lệ quan trọng này. Đến khi thực hiện chi tiết, các nhà chuyên môn, trong đó có đội ngũ kiến trúc sư, chúng ta lại phải tuân thủ một cái nếp phi chuyên môn: phóng đại tỉ lệ, ví dụ tỉ lệ 1/500, trông rất hoành tráng. Nhưng thực tế là thiếu trầm trọng những thông tin liên ngành, kể cả giá trị biến đổi do vị trí, địa điểm của đất. Để đối phó, chúng ta lại ‘tô màu’, vẽ vời cho ‘ được mắt’. Nhưng làm vậy là tự đánh lừa mình và sẽ có chỗ cho những nhà đầu tư thiếu lành mạnh lợi dụng. Từ đó quy hoạch gọi là chiến lược bị bóp méo.
(2) Trong quy hoạch chiến lược, ngoài các khái niệm cơ bản về lý luận, chúng ta thường coi nhẹ hay làm ngơ những khái niệm cần yếu như ‘kết nối’, ‘giá trị’, ‘phù hợp’ và ‘ bình đẵng’. Như chúng ta đã nhắc đến ở phần trên, Quy hoạch chiến lược cần sự kết nối hàng loạt các bản đồ về tự nhiên và về xã hội, quá khứ, hiện tại và tương lai. Chẳng hạn bản đồ văn hóa, lịch sử, khí hậu, thổ nhưỡng, đặc điểm xã hội, sinh thái, .. . Cụ thể hơn như giáo dục, y tế, du lịch… không chỉ là vấn đề chuyên môn mà là vị thế hôm nay và ngày mai, địa điểm, quy hoạch xây dựng như thế nào để thuận lợi cho giao thông, phù hợp cảnh quan và môi trường, tạo ra hiệu quả cao nhất cho mỗi ngành, và khi kết nối phù hợp, càng tạo ra những giá trị cộng hưởng… Giá trị khi nào có giá trị chỉ khi nào nó mang lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng, trải qua nhiều giai đoạn lâu dài, bền vững.
(3) Quy hoạch chiến lược thường không lường hết giá trị của Đất, trong đó có đất sử dụng và đất bảo tồn như trong khu tự nhiên mang tính giá trị đặc biệt (như Sơn Trà, Non Nước), văn hóa , lịch sử hay vì môi trường bền vững. Đất là một loại giá trị luôn biến đổi nhưng luôn có giá trị. Giá trị địa điểm và giá trị vị thế của đất theo cách quy hoạch chiến lược. Chính vì thế, vì lợi nhuận, các nhà đầu tư lớn có xu hướng lấn đất ra sông, khai thác triệt để quỹ đất, cách ly cộng đồng; cụ thể các khu biệt thự bên bờ đông gần cầu Nguyễn Văn Trỗi, những chiếc thuyền bê tông hoá làm ngăn chặn dòng chảy, sẽ ảnh hưởng lớn vùng bán ngập ven sông, ảnh hưởng mỹ quan và sinh hoạt cộng đồng của dân cư đô thị. Như vậy, hiệu quả kinh tế, giá trị đất đai, rốt cuộc, không lọt vào cộng đồng. Sự bất công liên tục xuất hiện vì quy hoạch bất cập.
III. Kết luận
Rõ ràng, quy hoạch đô thị mang tầm chiến lược cho thành phố Đà Nẵng còn rất nhiều thử thách. Nhất là trong tình hình biến đổi nhanh chóng của khu vực và trên thế giới về nhiều lĩnh vực. Định hình được xu thế phát triển bền vững thích hợp với sự thay đổi không lường trước được là một trong những khó khăn lớn nhất.
Ai cũng rõ là quy hoạch chiến lược một thành phố là định hình bước phát triển của một bộ phận dân tộc và đất nước, liên quan đến sinh mệnh nhiều thế hệ. Vì thế bản thân quy hoạch chiến lược là một đại công trình hội tụ tâm và tài của nhiều người từ nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, môi trường, xã hội…và phải có những điều kiện vật chất và tinh thần thỏa đáng.
Xu hướng chính hiện nay là tổ chức kiến trúc cảnh quan đa chức năng, thỏa mãn nhiều lợi ích xã hội, môi trường, kinh tế. Xu hướng coi việc hình thành kiến trúc cảnh quan là một quá trình liên tục, có sự xuất hiện và thay thế sao cho phù hợp với đời sống xã hội, với môi trường sinh thái ở mỗi giai đoạn phát triển.
Vậy thì, không thể không hội tụ toàn lực toàn tâm các ngành, theo một lịch trình khoa học, công khai, có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia liên quan, trong đó có ý kiến, sự theo dõi, giám sát từ nhân dân. Đó là những gì chúng tôi tự đặt ra cho mình phải tận tụy học hỏi từ những nhà khoa học và các vị chuyên gia từ Hội thảo quan trọng này.
Tài liệu tham khảo
Tiếng Anh
- Anders Kirk Ch. and Stephen E., (2009), Exploring the Value Universe: A Values- Based Approach to Design Management, Mathijs Prins and Ad den Otter ISBN: 978-1-405-17787-3
- Dramstad, W., Olson, J. D., & Forman, R. T. (1996).Landscape Ecology Principles in Landscape Architecture and Land-Use Planning, Island press.
- Jacobs S,W., (2014), Can We Insure a Future for the Past?, California Historical Society Quarterly, Vol. 38. No.2
- Hall, P.(1990), Cities of Tomorrow, Blackwell Publishing Ltd, London
- Moughtin, C.(1996), Urban Design: Green Dimensions, Architectural Press.
- Thomas L. Saaty, Mujgan Sagir, (2012), Global Awareness, Future City Design and Decision Making, J Syst Sci Syst Eng ( september 2012(3) 337-355
- Talor and Francis, (2010), New Ideas in City Design, online,03 Aug 2010.
- Corner, J. (1999), Recovering Landscape, Princeton Architectural Press, New York.
Tiếng Việt
- Bộ Chính Trị (2008), NQ số 33-NQ/TW về Xây dựng và Phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
- Lê Thị Ly Na (2017) Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan nhằm khai thác hiệu quả khu vực ven sông trong các đô thị duyên hải Trung Bộ (Áp dụng cho thành phố Đà Nẵng), Luận án Tiến sỹ.
- UBND thành phố Đà Nẵng (2010), Quyết định số 7099/QĐ/17/9/2010 về phê duyệt tổng thể ngành TT,VH và Du lịch đến năm 2020.
- Viện Quy hoạch Xây dựng TP Đà Nẵng, (2013), Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
TS.KTS Lê Thị Ly Na
Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng