Thực sự khởi sắc, khi chính Đà Nẵng biết được tiềm năng của mình và có chiến lược khai thác các thế mạnh của bản thân cũng như mối quan hệ ảnh hưởng vùng để phát triển.
Cái mốc quan trọng, chính là sau khi được trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và định hướng là đô thị biển trung tâm quốc gia và trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phát huy mũi nhọn về cảng, công nghiệp, du lịch dịch vụ thương mại tài chính, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…và từ đó Đà Nẵng như có động lực quyết định để lên bệ phóng cất cánh.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển trên, Đà Nẵng đã cố gắng đáp ứng được quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch phát triển đô thị một cách đổi mới, sáng tạo mạnh dạn, đúng hướng (như mở và tiếp cận tối đa biển, khai thác thế mạnh tổng hợp của địa hình cảnh quan núi, đồng bằng, sông biển, thế mạnh của di tích, di sản văn hóa…) làm cho không gian và hình thái đô thị Đà Nẵng quyện vào môi trường cảnh quan vốn có, tạo nên sự đa dạng phong phú, hấp dẫn, tiền đề cho sự phát triển đúng định hướng, hợp thời đại và có diện mạo đặc thù.
Trên đà phát triển đô thị, xây dựng bùng nổ khắp nơi, không gian kiến trúc và hình ảnh đô thị thay đổi nhanh chóng từng ngày, từng giờ. Điều dễ nhận biết đối với Đà Nẵng là sự đổi mới ở các không gian hoành tráng như ở các bờ sông, bờ biển, các nút giao thông lớn, các cầu, các khu đô thị mới, các khu có tiềm năng du lịch, có cảnh quan (núi, di tích…) các trục đường phố chính.
Đà Nẵng đã nhanh chóng xây dựng hình ảnh đô thị hiện đại, đẹp, văn minh, có đặc thù bản sắc phong phú, hấp dẫn, dễ thực hiện đồng bộ ý tưởng. Nhưng cũng dễ dàng xảy ra khả năng là làm hỏng đô thị mà Đà Nẵng vốn có cũng như ước muốn tương lai nếu không lập hệ thống kiểm soát quy hoạch phát triển và hậu quả là những sai lầm mà nhiều đô thị ở nước ta đã phải trả giá là:
– Phá bỏ những gì ưu đãi từ thiên nhiên, lịch sử để lại, cơ sở cho việc thuận lợi tạo nên môi trường cảnh quan ưu việt và hình thái đô thị có nét đặc thù.
– Do lệ thuộc quá nhiều vào thực tế, nên quên hoặc bỏ qua mất “cái tầm” của không gian, của kiến trúc đối với một đô thị mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà theo xu thế lập lại cái nhỏ bé, vụn vặt, cá thể, thủ công, nông nghiệp từ trong suy nghĩ đến hậu quả kiến trúc đô thị, làm cho ý tưởng quy hoạch lâu dài bị phá vở (ví dụ vấn đề khai thác tối đa quỹ đất cho các dự án xây dựng công trình, gây mâu thuẫn lợi ích đô thị ở góc độ môi trường và chất lượng cuộc sống).
– Chưa nhận biết được cái đẹp, cái hay cái thích ứng của kiến trúc, của văn hóa vốn có hoặc cần xây dựng, mà thích du nhập cái mới, thiếu sàng lọc dẫn đến pha tạp, chắp vá, lai căng lệch hướng hoặc trở lại cái cũ (hồi cổ) một cách máy móc, vô tình theo ý thích. Quan niệm sự thay đổi kiến trúc như thời trang, để chứng tỏ sành điệu.
Bài học hay của Đà Nẵng và cũng là niềm hy vọng không chỉ riêng đối với người dân Đà Nẵng mà của cả nước, nhìn nhận kết quả đô thị hôm nay và phát huy trong quá trình phát triển trong tương lai, đó là:
– Về đại thể, đã định hướng được không gian chung, không gian cơ bản cuả đô thị, hợp lý hiện đại và thích hợp, phát triển tương lai đúng tầm, trên cơ sở khai thác tiềm năng vốn có về tự nhiên, hình thái đô thị; Gầy dựng hạ tầng làm tiền đề cho sự phát triển, đồng thời là cái mốc giới để khống chế trước, thích ứng với điều kiện đầu tư dần dần, từng bước, hạn chế sự tự phát tất yếu khi chưa có dự án, khi khả năng quản lý chưa với tới hết.
– Đang giữ được cái riêng của mình, kiềm chế khá tốt sự du nhập tiêu cực các trào lưu, thị hiếu văn hóa và thẩm mỹ kiến trúc từ các nước lân cận, các nước có nền văn minh khác lạ điều kiện Việt Nam, các vùng miền đất nước vào Đà Nẵng (kiến trúc nhái cổ). Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân.
Để có được thành quả trên, yếu tố quyết định xuyên suốt là có tính chiến lược, tiếp nhận được cái lẽ phải của xu thế, sự quyết tâm cứng rắn và sáng tạo của lãnh đạo các cấp Đảng, chính quyền thành phố Đà Nẵng đồng thời thổi được hơi thở cộng đồng làm cho người dân Đà Nẵng đồng lòng với lãnh đạo, vì lợi ích chung đô thị.
Tuy nhiên, tăng trưởng nóng trong thời gian qua của Đà Nẵng cũng để lại nhiều hệ lụy, những vấn đề về cạn kiệt đất xây dựng, áp lực gia tăng dân số, nhà ở, hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng xã hội quá tải nhanh, ô nhiễm môi trường, cây xanh, công ăn việc làm….đang thật sự là những thách thức khó khăn của thành phố trong tương lai khi dân số tăng gấp đôi, gấp ba so với hiện nay được nhận định nhiều vấn đề như sau:
-Áp lực tái định cư, nhu cầu thị trường và xuất phát điểm kinh tế còn thấp nên các khu dân cư mới vẫn chủ yếu là đất ở chia lô diện tích xấp xỉ khoảng 100m2. Việc nghiên cứu các đồ án quy hoạch, nhất là các khu dân cư, khu tái định cư, khu đô thị mới hiện nay chỉ mới đáp ứng đảm bảo cân đối đủ các loại đất thương phẩm, hệ thống hạ tầng đấu nối. Công trình hạ tầng xã hội chưa được quan tâm cân bằng sử dụng đất đúng mức.Các khu dân cư thường giống nhau về giải pháp chia lô và có không gian lặp đi lặp lại. Một số đồ án có yêu cầu tổ chức cảnh quan cũng còn sơ sài, chưa được nghiên cứu kỹ, mới chỉ hướng tới cái đúng chứ chưa tìm đến cái đẹp… Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tính hấp dẫn và giá trị thương mại sử dụng đất chưa cao cần thiết phải xem xét lại.
– Diện tích đất dành cho cây xanh, mặt nước, phúc lợi công cộng khác rất hạn chế, có nơi bị cắt xén chia lô hoặc chuyển mục đích sử dụng. Chưa nâng cao chất lượng và số lượng cây xanh đô thị. Chưa dành quỹ đất để đầu tư cây xanh, công viên, mặt nước, chưa chú trọng cây xanh phòng hộ, cây xanh thích ứng với điều kiện khí hậu, nhất là khu vực ven biển.
– Tỷ lệ cây xanh trong khu dân cư còn thiếu, chưa hình thành được Công viên trung tâm cấp thành phố và các khu vực đô thị khác.
– Trong các khu dân cư cũ tuy đã bê tông hóa kiệt hẻm tương đối đồng bộ song mật độ xây dựng trong các khu này đa số còn rất cao, loại nhà diện tích nhỏ còn nhiều chưa đáp ứng được nhu cầu ở, giao thông, PCCC.
– Đất quân đội đặc biệt trong các khu phố cũ còn hàng trăm hecta chưa được quy hoạch sử dụng phát triển đô thị hợp lý.
– Một số điểm nhấn kiến trúc ven sông, ven biển và các loại hình quảng cáo chưa quản lý tốt, chưa tạo được bộ mặt kiến trúc đặc sắc cho khu vực trọng điểm của thành phố.
– Công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng của các dự án còn nhiều hạn chế dẫn đến việc tồn tại một số vấn đề kỹ thuật, hạ tầng chưa khớp nối đồng bộ giữa khu quy hoạch và khu vực giữ lại chỉnh trang.
Hạ tầng giao thông trung tâm phát triển hạn chế chưa xây dựng tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tại khu vực trung tâm đô thị cũ việc tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, hiện tượng ùn tắc giao thông giờ cao điểm đã bắt đầu xuất hiện và diễn ra tương đối thường xuyên tại một số khu vực. Vấn đề đậu đỗ xe ô tô tại các tuyến đường chật hẹp tại khu vực trung tâm đô thị đã trở nên phức tạp và gây ùn tắc giao thông cục bộ, chưa có giải pháp xử lý thích hợp, chưa đầu tư hệ thống giao thông tĩnh thích hợp, phương tiện giao thông cá nhân vẫn đóng vai trò chính trong giao thông đô thị. Còn thiếu nhiều gara, bãi đậu xe cho các phương tiện giao thông.
-Thoát nước và thu gom nước thải theo phương thức “nửa riêng” (thu gom nước thải theo cống bao) vẫn chưa triệt để, đặc biệt là các khu vực trọng yếu như các bãi biển thuộc khu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.
– Thành phố tuy ít người thất nghiệp nhưng chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ các vùng lân cận. Thực tế cho thấy các Khu công nghiệp tại Đà Nẵng phát triển chậm, quy mô nhỏ, tiền lương trả thấp, đồng thời hoạt động dịch vụ khác chưa phát triển để tạo nhiều việc làm.
– Đà Nẵng đang hưởng nhiều ưu đãi của thiên nhiên nhưng đồng thời đang bị thách thức bởi các nguy cơ tác động thường xuyên của mùa mưa bão, lũ lụt, cản trở không nhỏ cho sản xuất và tác động đến tâm lý đầu tư phát triển. Biến đổi khí hậu không còn là câu nói cảnh báo nữa, nó đã và đang đến ngày càng gay gắt. Nước biển dâng cao, nước mặn thâm nhập ngày càng sâu vào nội địa. Nước ngọt ngày càng khan hiếm, do hạn hán và xây dựng thủy điện. Thiếu nước ngọt không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu đối với Đà Nẵng. Cần phải nghĩ đến giải pháp hồ chứa nước đủ lớn, vừa lo nước ngọt trong mùa khô nóng vừa điều tiết nước mưa trong mùa lũ đồng thời cải thiện khí hậu nóng bức trong mùa khô hạn.
– Đà Nẵng là thành phố trẻ, di sản kiến trúc không nhiều, có thể kể đến như bảo tàng Chăm, Thành Điện Hải, một số đình làng Nại Nam, Hải Châu… và các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, thành phố đang sở hữu những di sản thiên nhiên có giá trị như Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Vân… và những bãi biển đẹp. Mỗi di sản, di tích ở Đà Nẵng có những nét đặc thù, giá trị và sự hấp dẫn riêng. Song trong quá trình quản lý, bảo tồn, tôn tạo và khai thác Đà Nẵng cũng đang đối đầu với những thách thức. Vì vậy, cần xác định các mục tiêu để quản lý, bảo tồn, phát huy tốt các giá trị.
– Đà Nẵng cần phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực về cung ứng các dịch vụ tài chính, kinh doanh, công nghệ thông tin, vận tải, để đem lại lợi ích cho các tỉnh bạn và cùng chia sẻ phồn vinh, tăng trưởng, không cạnh tranh theo kiểu cũ. Cần có chính sách vượt trội về thu hút nhân tài, một không gian khoa học sáng tạo, nghiêm túc. Xây dựng các thể chế chuyên nghiệp và trong sạch trong bộ máy nhà nước, trường học, bệnh viện…
Những nhận định được nêu trên là thực trạng còn tồn tại, chưa có giải pháp điều chỉnh thực sự khoa học với tầm nhìn tương lai. Có chăng cũng là sự chắp vá vội vàng!
Nếu Đà Nẵng buông lỏng, thiếu tầm kiểm soát trong tạo lập quy hoạch, không đánh giá và nhìn lại cái được, cái chưa được để tiếp tục tìm một hướng mới. Hay cứ hào nhoáng vung tay và say sưa trong những ngôn từ mỹ miều tán tụng dựa trên ánh hào quang của quá khứ đã đi qua. Chắc chắn, Đà Nẵng khó để vươn cao, vươn xa ra biển lớn sánh vai với các đô thị phát triển trong khu vực và quốc tế..
Đánh giá – Phân tích – Mổ xẻ những mặt được và chưa được của thành phố hôm nay và đưa ra những thách thức với những dự đoán nguy cơ trong quá trình phát triển bền vững thật sự khó khăn và càng khó hơn khi chưa tìm ra giải pháp. Song tất cả mọi thứ không có nghĩa là không có lời giải…
Hy vọng qua Hội thảo lần này sẽ mở ra cho mỗi người chúng ta những suy nghĩ, những giải pháp nhằm tham mưu lãnh đạo thành phố đưa ra những quyết sách cho sự phát triển bền vững Đà Nẵng trong tương lai.
Nguyễn Cửu Loan
Chủ biên tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển
Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng