Home / QUY HOẠCH / QUY HOẠCH / Những chủ trương và giải pháp để đảm bảo lộ trình Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” đến năm 2020

Những chủ trương và giải pháp để đảm bảo lộ trình Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” đến năm 2020

Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng ban hành và triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” (Đề án). Bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng chú ý, được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, như: Năm 2011, thành phố đáp ứng tiêu chí thành phố bền vững về môi trường ASEAN đối với nước sạch, đất sạch và không khí sạch và đạt danh hiệu “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”; Năm 2012, Đà Nẵng được APEC đánh giá là thành phố phát thải cacbon thấp; Năm 2013, thành phố được trao giải thưởng “Phong cảnh thành phố Châu Á” do tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại Châu Á (UN Habitat Châu á) bình chọn với chủ đề “Thành phố, niềm tự hào của người dân”; Hiệp hội các đô thị Việt Nam bình chọn là một trong hai mươi thành phố xanh – sạch – đẹp; Năm 2014, Đà Nẵng trở thành  thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ) khởi xướng.

Các tiêu chí cần đạt được để công bố Đà Nẵng – thành phố môi trường

TT Tiêu chí Hiện trạng năm 2005 Cần đạt được vào năm 2020
1 Chỉ số đầu tư cho BVMT 0,8 % GDP > 1.5 % GDP của thành phố
2 GDP bình quân đầu người 15 222 000 đồng > 40 000 000 đồng (2500 USD)
3 Tốc độ tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng:13,91 %

Quốc gia: 8,43 %

> tốc độ tăng trưởng trung bình quốc gia (7,38 % – giá trị trung bình từ năm 2000-2005)
4 Tốc độ gia tăng dân số tự nhiên 1,179 % < kế hoạch mục tiêu quốc gia (1,1 %) – Chiến lược phát triển dân số VN 2001-2010
5 Nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho 1 đơn vị GDP Chưa có số liệu < trung bình quốc gia
6 Nhu cầu tiêu thụ nước cho 1 đơn vị GDP 3,6 m3/ 01 trviệu đồng GDP < trung bình quốc gia
7 Chỉ số ô nhiễm không khí Chưa có số liệu API < 100 đo đạc bằng các trạm quan trắc tự động và liên tục.
8 Tỷ lệ chất lượng nước đạt yêu cầu tại các trạm cung cấp nước sạch 98,5% > 96 %
9 Tỷ lệ dân nội thành sử dụng nước sạch 57,36% > 95%
10 Tỷ lệ dân ngoại ô sử dụng nước sạch 4,1 % > 70 %
11 Tỷ lệ chất lượng nước đạt yêu cầu tại các vùng chức năng Chưa có số liệu 100 % và không tệ hơn chất lượng nước tại khu vực đô thị
12 Giá trị độ ồn trung bình tại các quận Chưa có số liệu < 60 dB(A)

 

13 Giá trị độ ồn tại các đường phố lớn Chưa có số liệu < 75 dB(A)

 

14 Diện tích che phủ của các khu bảo tồn tự nhiên 19,2 % > 5 % diện tích của thành phố
15 Diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị (TCXDVN 362 : 2005) 0,8 m2/người > 10-12 m2/người
16 Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý Chưa có số liệu > 50 %
17 Tỷ lệ nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải Chưa có số liệu 100 %
18 Tỷ lệ sử dụng khí gas ở đô thị Không có số liệu > 90%
19 Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt 86% > 90 %

 

20 Tỷ lệ tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp Chưa có số liệu > 70 %, và không phát thải chất thải công nghiệp độc hại
21 Các khu vực có khói và bụi được kiểm soát Chưa có số liệu > 90 %

 

22 Tỷ lệ các khu vực trong thành phố có môi trường tiếng ồn đạt yêu cầu Chưa có số liệu > 60 %

 

23 Tỷ lệ hài lòng về môi trường đô thị của công chúng

 

Chưa điều tra

Điều tra không nhỏ hơn 0,01 % dân số và tỷ lệ hài lòng > 60 %

Để giữ vững được các thành quả nêu trên và tiếp tục lộ trình thực hiện Đề án Thành phố môi trường, theo đó đến năm 2020 thành phố công bố thực hiện 23 tiêu chí được nêu tại Đề án, ban hành Chỉ thị 43 CT/TU ngày 25/12/2014 trong đó xây dựng thành phố môi trường là một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm, và nhóm hành vi quảng cáo rao vặt sai quy định cần xóa bỏ cũng thuộc lĩnh vực môi trường cảnh quan đô thị. Việc triển khai thực hiện Đề án đã đạt nhiều mục tiêu quan trọng tuy nhiên theo 4 mục tiêu tổng quát và 9 mục tiêu cụ thể tại Đề án thì vẫn còn một số chưa đạt như: Công tác xử lý các điểm nóng môi trường vẫn chưa triệt để, tất cả các khu, cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định, song thực tế chất lượng nước thải sau xử lý tập trung chưa ổn định, đôi lúc còn vượt quy chuẩn (theo báo cáo 371/BC-BCĐ ĐA ngày 04/5/2016 của Ban chỉ đạo Đề án về kết quả thực hiện năm 2015 thì tình trạng xả trộm nước thải ra môi trường tại các KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, cụm công nghiệp Thanh Vinh ra thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên thì mẫu xét nghiệm nước đều vượt tiêu chuẩn cho phép đối với các thông số COD, Amoni, chất rắn lơ lửng, Cadimi, Coliforrm). Tỷ lệ đấu nối nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình vào hệ thống thoát nước còn thấp. Hệ thống thoát nước và thu gom nước thải còn bị mùi hôi tại các cửa xả ven sông biển. Hệ thống quan trắc còn thiếu và yếu, cả về số lượng trạm lẫn các chỉ tiêu thông số cần đo. Chưa tổ chức triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố. Tỷ lệ rác được phân loại, tái chế còn rất thấp so với chỉ tiêu cần đạt được là 50% vào năm 2015. Tỷ lệ người dân sử dụng phương thức hỏa táng trên địa bàn rất thấp so với chỉ tiêu cần đạt được là 50% vào năm 2015. Ngoài ra, một số chỉ tiêu khác như độ che phủ rừng hệ thống xử lý nước thải y tế, tỉ lệ chi ngân sách sự nghiệp môi trường của các quận huyện chưa đảm bảo 1% theo Đề án…

1. Mục tiêu tổng quát

  Để đến năm 2020 có thể công bố “Đà Nẵng – thành phố môi trường”, thì mục tiêu tổng quát cần đạt được là:

1.1. Tạo nên một “thương hiệu – thành phố môi trường” cho Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời tạo được cảm giác an toàn về sức khoẻ và môi trường cho các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Đà Nẵng.

1.2. Ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường tại các khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên và khu du lịch trọng điểm; Đảm bảo chất lượng môi trường nước, đất, không khí đặc biệt chú trọng đến vấn đề ô nhiễm không khí do giao thông vận tải, xử lý nước thải công nghiệp và chất thải nguy hại.

1.3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

1.4. Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành thói quen, đi sâu vào nếp sống của mọi tầng lớp xã hội.

2. Các mục tiêu cụ thể:

2.1. Giai đoạn 2007 – 2015: giai đoạn từ nay đến năm 2015 tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách hiện nay, cụ thể:

  1. a) 100% chất lượng nước thải của các khu công nghiệp, khu chế xuất đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường.
  2. b) 50% nước thải sinh hoạt của tất cả các quận nội thành được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
  3. c) Kiểm soát được các nguồn phát sinh chất thải nguy hại và thực hiện xử lý hợp vệ sinh (Hoàn thành việc điều tra thống kê chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố; hoàn thành việc xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại; xây dựng khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung).
  4. d) Xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Phân loại chất thải tại nguồn, 90% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh.
  5. e) Hình thành và phát triển công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng, phấn đấu 50% chất thải thu gom được tái chế.
  6. f) 90% dân số nội thành và 70% dân số các xã ngoại ô được sử dụng nước sạch.
  7. g) Kiểm soát ô nhiễm không khí: từ các nguồn phát sinh gồm giao thông đường bộ, khí thải công nghiệp và khí thải từ các khu vực đô thị. Đảm bảo chỉ số ô nhiễm không khí (API) nhỏ hơn 100 (các thông số bụi: PM10, PM2,5; ôzon; SO2; CO đạt tiêu chuẩn).
  8. h) Quy hoạch và phát triển cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thị (cây xanh công viên, cây xanh vườn hoa, cây xanh đường phố), hợp lý về tỷ lệ và chủng loại cây, phấn đấu đạt 10-12 m2/người.
  9. i) Bảo tồn đa dạng sinh học rừng của thành phố. Tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng nghiêm ngặt và đẩy nhanh tiến độ trồng rừng để nâng độ che phủ của rừng lên 50,6% vào năm 2015.

2.2. Giai đoạn 2016-2020

  1. a) Tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu ở giai đoạn 2007-2015, đảm bảo đạt được tất cả các tiêu chí thành phố môi trường.
  2. b) Hoàn thiện cơ sở dữ liệu đánh giá và công bố thành phố môi trường sau khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí.

Trên cơ sở đánh giá chặng đường đã qua và để tiếp tục thực hiện đảm bảo lộ trình đã đặt ra, thành phố cần tiếp tục triển khai theo 8 quan điểm chỉ đạo tại Đề án, trong đó nhằm tập trung triển khai thực hiện các vấn đề như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm về môi trường; Nguyên liệu và năng lượng được sử dụng có hiệu quả; Kiểm soát và cảnh báo nguy cơ ô nhiễm và chất thải phải thật sự tốt hơn nhiều so với các thành phố bình thường về tất cả các môi trường khí, nước, chất thải rắn; Tái sử dụng và tái chế chất thải; Gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học…

3. Quan điểm chỉ đạo

  1. Xây dựng thành phố môi trường trên cơ sở phát huy nội lực, huy động toàn dân kết hợp với quản lý đa ngành, đa mục tiêu.
  2. Giải quyết tốt và hài hoà mối quan hệ giữa khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế xã hội gắn với công tác bảo vệ môi trường.
  3. Kết hợp giữa phân vùng và qui hoạch giao thông trong đó ưu tiên cho các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, các giải pháp môi trường và sự gia tăng mật độ đô thị.
  4. Xây dựng các khu đô thị mới chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
  5. Bảo vệ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, tính đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển các di sản văn hoá, làm đẹp cảnh quan đô thị.
  6. Xây dựng và hình thành lối sống văn minh, văn hoá đô thị bảo vệ môi trường trong công đồng người dân thành phố.
  7. Việc xây dựng thành phố môi trường phải được tiến hành trên cơ sở hệ thống chính sách, pháp luật thống nhất của Nhà nước, có tính kế thừa và được sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của UBND thành phố, UBND các quận huyện. Trong công cuộc xây dựng thành phố môi trường cần ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để xử lý các chất thải theo hướng triệt để và hiệu quả.
  8. 8. Cần tranh thủ nguồn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đồng thời mở rộng, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế nhưng có lựa chọn trọng điểm nhằm thu hút đầu tư của các nước, các tổ chức quốc tế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và tiếp thu công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của thành phố Đà Nẵng.

Để thực hiện các vấn đề có hiệu quả thực tiễn, chúng ta cần có định hướng và giải pháp đối với từng nhóm nhiệm vụ. Theo đó đối với hệ thống hạ tầng cơ sở như: Hệ thống cấp nước cần cung cấp đầy đủ số lượng nước cho cư dân trong sinh hoạt và cả trong phòng chống thảm hoạ, đồng thời nâng cao chất lượng nước uống. Nước trong khu vực đô thị có thể uống được trực tiếp từ vòi. Cụ thể cần: xây dựng hệ thống khử trùng nước tiên tiến hiện đại; Thiết lập hệ thống lọc nước tại các bể nước cấp của đô thị; Hệ thống ống dẫn nước cấp được làm từ vật liệu chống hao mòn. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cần: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải y tế và nước thải sinh hoạt tại các khu chức năng đô thị đáp ứng tốt về cả khối lượng và chất lượng xử lý; Toàn bộ hệ thống ao hồ cống rãnh sẽ giảm thiểu vấn đề nước xoáy mòn cần được duy tu bảo dưỡng tốt; Hệ thống tách riêng nước mặt, nước mưa,… với nước cống rãnh để tiện việc xử lý nước. Môi trường không khí cần: Trong đô thị tuyệt đối cấm sử dụng những sản phẩm có hoá chất gây tác hại đến tầng ôzôn trên địa cầu; Hạn chế sự phát thải chất Methanne và sulfure dioxide trong không khí; Giảm thiểu tối đa lượng carbon dioxide trong không khí. Môi trường âm thanh cần: Tổ chức hệ thống cây xanh đô thị như là một giải pháp kết hợp rất hữu hiệu; Các nguồn gây tiếng ồn trong đô thị phải đươc kiểm soát chặt chẽ, trong đó hạn chế việc sử dụng còi xe trong tham gia giao thông nội thị; quản lý tốt nguồn âm thanh từ các cơ sở dịch vụ trong khu dân cư. Hệ thống thu gom chất thải rắn cần: Giảm bớt rác; Tái sử dụng rác do từng hộ gia đình tự thực hiện; Chế biến lại rác; Tổ chức mạng lưới các điểm thu gom với các thùng rác 2 ngăn trong đô thị, vận chuyển đến các điểm trung chuyển rác trước khi tập trung về nhà máy xử lý rác thải. Hệ thống quan trắc cần: Đầu tư mạnh cho tất cả các lĩnh vực nêu trên. Đối với nhóm giải pháp về quản lý như: Quản lý về pháp lý cần: Tuân thủ Luật BVMT (2005) được Quốc hội nước CHXHXNVN khoá XI kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005, được Chủ tịch nước ký lệnh số 29/2005/L/CTN ngày 12/12/2005 về công bố luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006 thay luật BVMT 1993; Tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn môi trường được ban hành kèm theo cách thức chế tài, cơ chế giám sát việc thực hiện của Trung ương và địa phương; Tập trung công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm nghiêm minh, trong đó tập trung: Kiểm soát nguồn thải từ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, sinh hoạt; Kiểm soát việc sử dụng đất và các công trình xây dựng trong quá trình phát triển đô thị; Kiểm soát việc sử dụng nguồn nước trong đô thị. Quản lý về kinh tế: Căn cứ trên các cơ sở quy định pháp luật, thành phố cần giao các ngành xây dựng và áp dụng các công cụ quản lý như: Phí và thuế: Phí xả thải chất ô nhiễm, phí sử dụng tài nguyên thiên nhiên, lệ phí người sử dụng, lệ phí hành chính, thuế và phí đánh vào sản phẩm, thuế phân biệt; Tạo ra thị trường mua bán “quyền” xả thải ô nhiễm: giấy phép có thể bán được, bảo hiểm trách nhiệm, sự can thiệp của giá cả thị trường; Hệ thống đặc cọc hoàn trả: ký quỹ – đặc cọc, ký quỹ – hoàn trả; Những khuyến khích về tài chính; Trợ cấp, hỗ trợ; Dán tem nhãn sinh thái…

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đạt được nhiều thành tựu to lớn tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về diện mạo đô thị và chất lượng sống cho cư dân, trong đó lĩnh vực môi trường được cải thiện đáng kể. Có được thành quả nêu trên là nhờ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với các chủ trương chính sách của chính quyền các cấp của thành phố.

Trên tinh thần lấy người dân làm trọng tâm, là chủ thể của đô thị, thành phố đã có nhiều giải pháp chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng để người dân thực hiện các hành vi nên và không nên trong quá trình sống, học tập, làm vệc tại đô thị trở thành thói quen thường xuyên; Đồng thời phát huy các nguồn lực trong cộng đồng nhằm góp phần xây dựng phát triển thành phố.

KTS Nguyễn Văn Duy

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …