Home / QUY HOẠCH / Những chặng đường kiến tạo đô thị

Những chặng đường kiến tạo đô thị

Đà Nẵng từ thế kỷ XVI đến nay và cho mãi muôn đời sau vẫn giữ riêng cho mình một vị thế về phát triển kinh tế và quốc phòng của khu vực miền Trung và cả nước.

Với nhiều ưu thế về địa điểm, thiên nhiên, địa lý, văn hóa… Đà Nẵng được nhìn nhận là một vị trí kinh tế, quân sự yết hầu của miền Thuận Quảng kể từ thời Nguyễn Hoàng vào giai đoạn 1570 – 1606, và tới đầu thế kỷ 20, Đà Nẵng thực sự thay thế Hội An để trở thành thương cảng và trung tâm thương mại, du lịch – một đô thị lớn, quan trọng của miền Trung Việt Nam.

Do có vị trí trọng yếu về mặt quân sự đối với cả nước, nên Đà Nẵng cũng là một vùng đất nhạy cảm mà ngoại bang thường nhòm ngó và chọn điểm để tấn công đầu tiên. Trong suốt giai đoạn từ 1858 -1975, đặc biệt từ 1954 – 1975 có thể nói Đà Nẵng thực sự là một “Đô thị quân sự”. Các chức năng thương cảng, du lịch đã nhường chỗ cho các dịch vụ quân sự. Đây cũng là những lý do thúc đẩy tiến trình đô thị hóa của Đà Nẵng. Hàng loạt căn cứ quan trọng được xây dựng kiên cố đáp ứng mục tiêu quân sự đã mọc lên… Và chính các cơ sở vật chất đó đã trở thành hệ thống đầu mối hạ tầng kỹ thuật cơ bản, là nền tảng để tạo dựng đô thị những năm sau chiến tranh.

Kể từ năm 1975, Đà Nẵng cùng với cả nước được hoàn toàn giải phóng và bước sang một giai đoạn lịch sử mới – giai đoạn khắc khục hậu quả do chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định xã hội. Những định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng liên tiếp được nghiên cứu xây dựng bởi viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn, Bộ Xây dựng và các cơ quan chuyên ngành của địa phương.

Giai đoạn 1980 – 1985, Bộ Xây dựng cử Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn cùng phối hợp với địa phương khảo sát, nghiên cứu và chủ trì quy hoạch tổng thể thành phố Đà Nẵng. thời kỳ này, Đà Nẵng được xác định là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh với vị trí là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Chức năng chủ yếu là thành phố cảng, du lịch, nghỉ mát, đầu mối giao thông và an ninh – quốc phòng. Mật độ dân cư phát triển đòi hỏi có sự mở rộng không gian thành phố. Và do vậy ngoài khu vực cũ đã hình thành thêm khu đô thị Hòa khánh, và khu đô thị Mỹ Khê – Mỹ An. Bên cạnh các cảng Tiên Sa, cảng Sông Hàn, hình thành các khu công nghiệp tập trung như Hòa Khánh, khu Bắc Mỹ An, khu tổng kho An Đồn – Tiên Sa, phát triển thêm cảng Nam Thọ và khu công nghiệp Nam Thọ. Các điểm du lịch nghỉ mát được xác định tại các khu Thanh Bình, Non Nước, bán đảo Sơn Trà, dọc bờ biển Hòa Khánh.

Các tuyến giao thông liên hệ giữa thành phố với các khu vực khác cũng đã đặt vấn đề dịch chuyển ra bên ngoài. Ngoài cầu Nguyễn Văn Trỗi, đề nghị xây dựng cầu mới qua sông Hàn từ đường Thống Nhất (Lê Duẩn hiện nay).

Giai đoạn 1991 – 1993, Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn – Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì đồ án. Đồ án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/12/1993, với những nội dung cơ bản sau:

Ngoài vị trí là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nó còn giữ vai trò là thành phố công nghiệp tổng hợp, trung tâm kinh tế của vùng khu vực các tỉnh Trung – Trung Bộ, là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng về cảng biển, sân bay quốc tế, giao thông quốc lộ xuyên Việt, xuyên Á và đường sắt quốc gia, trung tâm thương mại, du lịch và dịch vụ của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và của vùng các tỉnh miền Trung Trung Bộ và giữ vị trí trung tâm, chủ chốt về quốc phòng của khu vực miền Trung Trung Bộ – Tây Nguyên và cả nước.

Lúc này, cũng do áp lực gia tăng dân số, Đà Nẵng cần được mở rộng hơn với nhu cầu đất xây dựng đô thị là 5980 ha (đến năm 2010). Hướng phát triển chính về phía Tây Bắc, lấy vịnh Đà Nẵng làm bố cục không gian cho khu đô thị mới Liên Chiểu – Hòa Khánh. Hướng nam chủ yếu phát triển từ Mỹ Khê theo đường đi Hội An, nối liền không gian đô thị từ Bắc xuống Nam gắn với khu du lịch Non Nước, một hướng phụ theo đường 14B, từ ngã tư Hòa Cầm tới khu nhà máy nhiệt điện cũ.

Hệ thống đường sắt, ga và quốc lộ 1A được dịch chuyển sáng phía Tây, đi áp sát chân núi Phước Tường. Bổ sung thêm các tuyến giao thống chính đô thị, đưa bán đảo Sơn Trà vào việc tổ chức du lịch nghỉ dưỡng. Từng bước đưa sân bay Nước Mặn kết hợp với Mỹ Khê, Non Nước, Ngũ Hành Sơn tạo thành chuỗi các bãi tắm – khu nghỉ dưỡng dọc theo bờ biển Thái Bình Dương.

Từ những ý tưởng của quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/12/1993, diện mạo đô thị đã từng bước được khởi sắc. Hàng loạt các dự án từ đó được hình thành. Hệ thống các công trình công cộng, khách sạn, dịch vụ, liên tiếp được xây dựng với tốc độ nhanh, đặc biệt đạt tiêu chuẩn quốc tế là khu Furama. Các điểm du lịch núi bước đầu được quan tâm khai thác như Bà Nà, Suối Mơ…

Giai đoạn 1999 – 2000

Những năm thực hiện đồ án được chính phủ phê duyệt năm 1993, cũng là giai đoạn mà tình hình phát triển kinh tế xã hội mới, đã đặt Đà Nẵng trong một bối cảnh mới.

Ngày 6/11/1996 kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX đã quyết định chia và tách Quảng Nam – Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng chính thức trở thành Thành phố trung tâm cấp Quốc gia đồng thời là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đặc biệt, ngày 23/1/1998 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2002”, trong đó khẳng định thành phố Đà Nẵng là một trong ba đô thị trọng điểm đại diện cho ba vùng kinh tế động lực của cả nước.

Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, một lần nữa Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn, Bộ Xây dựng lại phối hợp chặt chẽ với Viện Quy hoạch Xây dựng Đô thị – Nông thôn, Sở Xây dựng Đà Nẵng, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

Với nhiệm vụ quy hoạch lần này, không gian phát triển của thành phố Đà Nẵng không chỉ giới hạn trong phạm vi ranh giới hành chính, mà được xem xét trong mối quan hệ gắn kết hài hòa với các khu vực cửa ngõ, với chuỗi đô thị ven biển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (TĐMT), với các mục tăng trưởng kinh tế Bắc, Nam và quan hệ quốc tế.

Từ dó khẳng định, phát triển cảng Liên Chiểu với công suất 8 – 8,5 triệu tấn/năm, nâng cấp cảng Tiên Sa lên công suất 3,6 – 3,9 triệu tấn/năm để trở thanh cụm cảng tổng hợp lớn nhất của khu vực miền Trung, nâng cấp sân bay Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nâng cấp các tuyến đường giao thông chủ đạo như trụ Bạch Đằng Đông, trục Liên Chiểu – Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn và đầu nới với hệ thống đường xuyên Á, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất, đường bộ và đường sắt quốc gia.

Phát triển khu công nghiệp tập trung tại Tiên Sa – An Đồn, Liên Chiểu – Hòa Khánh và Hòa Khương với quy mô khoảng 1700 ha, một trung tâm công nghiệp lớn thứ hai sau Dung Quất tại khu vục TĐMT.

Hoàn chỉnh và tăng cường bổ sung các khu du lịch biển, du lịch núi, du lịch sinh thái sông, du lịch thắng cảnh, du lịch văn hóa lịch sử… gia tăng các khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Các trung tâm cấp vùng sẽ tiếp tục được bổ sung trên địa bàn thành phố như trung tâm bưu chính viễn thông, trung tâm hội chợ thương mại, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm du lịch, Bắc Mỹ An, Furama, trung tâm thông tin, trung tâm thị trường chứng khoán, trung tâm ngân hàng tài chính, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo.

Từ cách nhìn trên, Đà Nẵng trong những năm 2020 sẽ được phát triển mở rộng mạnh hơn về các phía đảm bảo như cầu đất đô thị xây dựng đô thị khoảng 11.000 ha. Hướng phát triển chính về phía Nam, qua Non Nước giáp Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam), phía Tây tiếp tục mở rộng từ ngã tư Hòa Cầm tới đường Hồ Chí Minh dự kiến. Ngoài 5 Quận hiện tại mở rộng thêm các xã Hòa Phát, Hòa Thọ, Hòa Xuân, Hòa Liên, Hòa Khương thuộc huyện Hòa Vang, tạo thành 3 khu phố lớn: Khu thành phố phía Bắc, khu thành phố trung tâm và khu thành phố phía Nam, với tổng dân số khoảng 1,2 triệu người (nội thị khoảng 1,05 triệu).

Hình thái phát triển đô thị sẽ được tổ chức theo hệ thống các tuyến dài từ Tây sang Đông: rừng phòng hộ – sinh thái rừng, công nghiệp, kho bãi, giao thông Bắc Nam, cây xanh cách ly, đô thị, nghỉ dưỡng, cảng công nghiệp, dịch vụ cảng.

Nhìn lại và cân nhắc để có sự lựa chọn cho những kịch bản trong sự phát triển không ngừng. Đà Nẵng từ thế kỷ XVI đến nay và cho mãi muôn đời sau vẫn giữ riêng cho mình một vị thế về phát triển kinh tế và quốc phòng của khu vực miền Trung và cả nước.

Tuy nhiên thành phố cũng còn phải đối mặt với những thách thức lớn về vốn, cơ chế, chính sách, năng lực quản lý, khả năng phát huy các nguồn lực sự hợp tác và chia sẻ vai trò với các đô thị trong khu vực …

Nhận thức một cách đúng đắn các mâu thuẫn cơ bản trên và có được những kịch bản sáng suốt, chúng ta sẽ có quyền hy vọng Đà Nẵng sẽ trở thành một đô thị phát triển, một đô thị hạt nhân, là động lực thúc đẩy sự phát triển cả một vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững như vị thế mà tạo hóa đã đem lại từ thuở nào.

(ĐT&PT số 78-79/2019)

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …