Home / QUY HOẠCH / BẤT ĐỘNG SẢN / Những chặng đường đến với mô hình nhà chung cư

Những chặng đường đến với mô hình nhà chung cư

Cao ốc chung cư là xu thế, là giải pháp duy nhất có thể, đối với những nơi đất chật người đông. Sự chấp nhận, sự lên ngôi của mô hình này phụ thuộc vào chất lượng sống mà nó đem lại. Chất lượng sống mới sẽ xóa dần nếp sống và thói quen cũ, nỗi sợ hãi chung đụng của nhà tập thể một thời, giảm bớt sức níu kéo của nhà chia lô mặt phố. Chất lượng sống mới sẽ cuốn hút người ta vào cuộc cách tân nền nếp và phong cách sống, cũng giống như việc đất nước ta bước vào hội nhập quốc tế.

Những chặng đường đến với mô hình nhà chung cư

1. Cách nay trăm năm, hiện thân của đô thị Việt vẫn là phố. Thị dân ngụ tại nhà mặt phố: liền kề, hẹp bề ngang, rộng bề sâu, trước bán hàng, sau ở, sau cùng là khu phụ. Ở tỉnh lẻ, thêm nơi nuôi lợn gà, vườn rau, đôi khi cái ao con.
Thành ra, sống nơi thị thành, nửa già người vẫn để lại quê, cách nghĩ và cách xử sự vẫn chân chất.
Từ những người mở tiệm, làm hàng, làm công chức và giáo học, dần dà tạo nên tầng lớp tiểu tư sản kiểu Việt, – tác nhân văn hóa thành thị thời cận đại.
Tiến trình chuyển đổi từ quê sang phố, từ thôn dân sang thị dân, từ thị dân sang tiểu tư sản và trí thức, diễn ra ở Hà Nội, ở Sài Gòn – Gia Định và ở các thành thị khác, chậm rãi. Chưa có chuyển động kinh tế – xã hội mạnh mẽ nào đẩy nhanh tiến trình này.Hàng thế kỷ trôi đi, cái chuỗi phố – nhà phố – dân phố cùng lối tư duy tương ứng vẫn tồn tại bền lâu. Trong thẳm sâu xã hội thành thị Việt, róc rách những dòng chảy ngầm.

2. Sau năm 1954, ở phía Bắc ra đời mô hình cư trú chưa từng thấy: nhà tập thể, – con đẻ của thời những thử nghiệm xã hội cũng chưa từng thấy: thời bao cấp. Các đô thị tràn ngập bởi đội ngũ cán bộ, công nhân và bộ đội. Họ được cấy ghép vào quỹ nhà ở có sẵn, biến những nhà mặt phố một chủ và những biệt thự thành những nhà tập thể miễn cưỡng.
Nhà nước ôm trọn trách nhiệm chu cấp chỗ ở, một việc hoàn toàn không tưởng. Từ đấy phải xây nhanh, nhiều và rẻ, tối thiểu hóa diện tích và tiện nghi. Nhà tập thể và khu tập thể, nhà lắp ghép và khu lắp ghép mọc lên khắp nơi. Phân phối theo mét vuông trên đầu người, tương tự tiêu chuẩn tem phiếu thực phẩm. Căn hộ khép, song mỗi hộ nhận một buồng hoặc hai buồng, chung bếp, chung vệ sinh. Lắm khi người ở chung, chung cả nơi công tác. Thành ra nơi trú ngụ chẳng khác gì cơ quan, từng nấy vấn đề, từng nấy cách ứng xử. Những cuộc “thập tự chinh” ngầm và nổi, diễn ra triền miên để giành giật lấy chút ít không gian. Trời còn trống: đội lên. Phía trước, phía sau còn hở, – nống ra. Hết cách, – thêm gác xép. Sống ở nhà mình, vẫn cứ phải khom lưng, cúi đầu.
Mới nhận chỗ ở, hồ hởi. Ở lâu, chịu đựng. Chịu đựng lâu hóa thành mặc cảm, một thứ hội chứng “nhà tập thể”.Những ai rời bỏ được nhà tập thể, hạnh phúc chẳng kém đất nước vào Đổi mới.

3. Đổi mới làm được trước hết hai việc: bỏ tem phiếu, mà ăn vẫn no vẫn đủ; bỏ bao cấp nhà, mà ở lại đàng hoàng hơn.
Ở đàng hoàng hơn, không chỉ bởi tiến bộ khoa học công nghệ, không chỉ bởi xây nhiều chung cư và khu đô thị mới, mà bởi Nhà nước đã để cho dân tự lo chỗ ở cho mình. Đã tự lo, phù hợp hơn cả vẫn là kiểu nhà mặt phố, chia lô.
Nhà chia lô thời nay không khác gì mấy nhà hàng phố xưa kia. Khác là ở chất lượng và thẩm mỹ kiến trúc, ở ngay chất lượng sống. Những con phố thời nay cũng chẳng khác gì mấy những con phố xưa kia. Chúng khác nhau như nhà chia lô khác nhà hàng phố vậy.
Kiểu nhà chia lô đáp ứng cơn khát nhà ở, đem lại khuôn mặt tươi sáng cho các đô thị. Song, về phương diện tiến hóa mô hình cư trú và hình thái đô thị, đó lại là cuộc cách mạng giật lùi. Thay vì xây dựng đô thị cởi mở (communicate), đô thị của cộng đồng (community) hiện đại, cấu trúc phố – nhà mặt phố lại kéo dài tuổi thọ cho mô hình có từ thời Trung cổ.
Phương thức nhà chia lô không chỉ giải thoát người ta khỏi mặc cảm, khỏi nỗi sợ hãi nhà tập thể. Quan trọng hơn, nó còn là kế sinh nhai trong thời buổi kinh tế chuyển đổi, với tầng trệt và vài ba mét mặt phố là cửa hàng, là diện tích cho thuê. Khuôn mặt các con phố, bởi vậy, là bức tranh ghép chân dung của những tiểu chủ.
Cũng phương thức chia lô, một khi trở thành lối mòn trong tư duy của giới quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị, dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Đi dọc bờ biển miền Trung, những chỗ đẹp nhất, đã đem chia lô mất rồi! Biển cả mênh mông cũng phải chịu vấn nạn tư duy nhỏ hẹp.Hội chứng xã hội, nảy sinh không chỉ trong lĩnh vực quản trị đô thị.

4. Hơn chục năm nay ở Hà Nội, ở TP. HCM và một vài nơi khác, xuất hiện ngày càng nhiều cao ốc chung cư, xây xen kẽ vào các khu phố cũ hoặc ở các khu đô thị mới. Cả hai mô hình này đem lại những thời cơ mới cho vấn đề cư trú, đồng thời khẳng định xu thế ngày nay trong tạo lập hình thái đô thị.
Cao ốc chung cư hấp dẫn những ai không bị trói buộc bởi “nền” kinh tế tại gia, những ai có khả năng thích ứng với lối sống hiện đại. Chúng là mối ngại ngần lớn cho những ai có thu nhập thấp, những ai thuộc diện đền bù do giải phóng mặt bằng.
Cao ốc chung cư là xu thế, là giải pháp duy nhất có thể, đối với những nơi đất chật người đông. Sự chấp nhận, sự lên ngôi của mô hình này phụ thuộc vào chất lượng sống mà nó đem lại. Chất lượng sống mới sẽ xóa dần nếp sống và thói quen cũ, nỗi sợ hãi chung đụng của nhà tập thể một thời, giảm bớt sức níu kéo của nhà chia lô mặt phố. Chất lượng sống mới sẽ cuốn hút người ta vào cuộc cách tân nền nếp và phong cách sống, cũng giống như việc đất nước ta bước vào hội nhập quốc tế.
Chất lượng sống ở đây được hiểu là điều kiện sống và văn hóa sống. Nếu điều kiện sống là cơ sở để người ta chọn mô hình chung cư, thì văn hóa sống là những gì làm người ta cảm thụ đầy đủ giá trị cuộc sống mà môi trường cư trú đem lại. Điều kiện sống là khoảng cách tiện lợi trong đi lại, môi trường tự nhiên và môi trường đô thị, diện tích và chất lượng phòng ốc, những tiện nghi, dịch vụ, an ninh v.v…
Văn hóa sống bao gồm hai phần: những gì mà nhà chung cư hoặc khu chung cư tạo sẵn cho sự hình thành văn hóa sống tại chỗ, và những gì bản thân cộng đồng dân cư tạo ra trong cuộc sống chung.
Ngược với sự khép kín cổ điển của kiểu nhà chia lô, sự xáo trộn của kiểu nhà tập thể ấu trĩ, nhà chung cư thời nay đứng ở giữa hai thái cực trên, đảm bảo sự khu biệt nhất thiết cho những nhu cầu cuộc sống riêng tư mỗi gia đình, đồng thời lại tạo ra những không gian trung chuyển mềm mại từ sự khu biệt sang sử dụng chung có hạn chế và sử dụng chung cho toàn thể cộng đồng. Ngay mỗi căn hộ chung cư cũng đảm bảo sự phân chia thành những không gian nhỏ độc lập dành cho từng thành viên gia đình và không gian rộng mở đa năng cho cả gia đình. Giải pháp nhà chung cư hiện đại có tính đến sự kết hợp những cách sử dụng khi khép và khi mở, giải quyết hài hòa cái Riêng và cái Chung – cốt lõi của tính nhân văn và của bản thân chất lượng sống ở đô thị hiện đại. Con người, sống trong xã hội ngày càng đông đúc, ngày càng nhiều phúc lợi và ngày càng nhiều chuyển động, cần nhận ra tính tương đối của tự do cá nhân bên cạnh sự chung sống trong cộng đồng (mà văn hóa sống chính là cầu nối giữa hai cái đó).
Nhà chung cư tốt là nơi mà người ta không cảm thấy sự hiện hữu của ai đó trên đầu, dưới chân, bên cạnh. Nhà chung cư tốt là nơi mỗi sáng, gặp hàng xóm ở buồng thang máy, mắt chào và miệng nhoẻn nụ cười.
Mô hình chung cư thúc đẩy nhanh hơn quá trình định hình và tinh thể hóa nền văn hóa thành thị. Hơn thế nữa, nó thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập cộng đồng người Việt chúng ta với cộng đồng nhân loại, trên cơ sở đồng nhất hóa những chuẩn mực sống.
Trong công cuộc hiện đại hóa những mô hình cư trú đô thị, cần kết hợp những nỗ lực nhằm khắc phục lực quán tính trong nếp nghĩ và nếp sống với những nỗ lực của những người làm bổn phận tổ chức không gian sống.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *