Hiện nay tình trạng ùn tắc, mất ATGT đang diễn ra ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Chính quyền thành phố đã triển khai nhiều dự án lớn để giải quyết nhưng kết quả thực tế không được như mong đợi.
Để tham mưu cho thành phố xử lý vấn đề này, GIAO THÔNG THÔNG MINH được kỳ vọng sẽ là cứu cánh. Chính vì vậy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cùng với tạp chí chuyên đề Đô thị và Phát triển đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp nào cho giao thông thông minh Đà Nẵng”.
Là người làm chuyên ngành GTVT lâu năm, nhận được lời mời từ Ban tổ chức với thời gian hạn hẹp tôi xin có vài ý kiến đóng góp cho hội thảo.
Để giao thông thông minh thực sự phát huy hiệu quả chúng ta cần xem xét lĩnh vực nào có ảnh hưởng qua lại nhiều nhất, lớn nhất, sâu sắc nhất tới giao thông thông minh, từ đó có cái nhìn tổng thể nhằm đưa ra các giải pháp đúng đắn, hữu hiệu nhất. Thực tế cho thấy giữa hạ tầng giao thông đô thị (viết tắt là HTGTĐT) và giao thông thông minh (viết tắt là GTTM) có sự tác động qua lại rất lớn và sâu sắc.
I. MỐI QUAN HỆ GIỮA HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐÔ THỊ VỚI HỆ THỐNG GIAO THÔNG THÔNG MINH
Trước tiên cần hiểu rõ GTTM là gì: Đó là giải pháp tổng thể, đồng bộ với việc ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến để giúp cho việc điều hành, quản lý, kiểm soát, điều tiết giao thông, thu phí… Việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông sẽ giúp liên kết giữa con người với hệ thống đường giao thông và phương tiện giao thông lưu thông trên đường thành một mạng lưới thông tin và viễn thông phục vụ cho việc lưu thông tối ưu trên đường bộ nhằm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Dễ nhận thấy rằng trong thời đại ngày nay quá trình phát triển GTTM với HTGTĐT có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ, gắn bó. Nếu HTGTĐT đồng bộ, hoàn chỉnh, tối ưu sẽ tạo điều kiện rất tốt cho GTTM phát triển vững chắc. Ngược lại nếu HTGTĐT không đồng bộ, chắp vá, bất hợp lý, còn nhiều vấn đề cốt lõi tồn tại sẽ là hòn đá tảng kìm hãm sự phát huy tác dụng của GTTM. Như vậy có thể coi HTGTĐT là nền móng và GTTM là ngôi nhà. Nền móng có vững chắc thì ngôi nhà mới đứng vững. Nền móng yếu thì ngôi nhà dù có đẹp mấy cũng bị nứt, lún, nghiêng và thậm chí đổ ngã. Đối với các nước phát triển thì HTGTĐT đã hoàn thiện, ổn định và tối ưu nên họ chỉ quan tâm đến phát triển GTTM. Riêng đối với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng thì cần đồng thời quan tâm đến cả 2 nội dung này và có sự ưu tiên cho HTGTĐT hơn với lý do sau:
1. Nếu không có tầm nhìn, định hướng tốt cho gốc HTGTĐT phát triển bền vững thì ngọn là GTTM cũng sẽ bị chao đảo, nghiêng ngả, không thể phát triển mạnh được. Như vậy GTTM muốn có hiệu quả tối ưu thì phải có được nền tảng HTGTĐT liên hoàn, trơn tru, thông suốt, hoàn chỉnh, thân thiện…
(VD: Việc xây dựng các hầm chui nếu phát sinh theo suy nghĩ chủ quan, duy ý chí mà không được bố trí trong hệ thống công trình ngầm theo quy hoạch tổng thể toàn thành phố để có thể liên kết, kết nối thành hệ thống liên hoàn, thông suốt và nếu cũng không có các giải pháp khả thi để xử lý những tình huống, sự cố có khả năng xảy ra trong quá trình sử dụng (bão lụt, thiên tai, dịch họa, biến đổi khí hậu, cháy nổ, kẹt xe…) sẽ là thảm họa gây mất ATGT, gây tê liệt giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mặt khác việc xây hầm ngầm rất tốn kém, vất vả, kéo dài nhưng nếu không hiệu quả, phá vỡ cảnh quan, điều kiện sinh hoạt cộng đồng, môi trường sống của người dân thì khi phá bỏ chúng càng tốn kém gấp bội, gây mất lòng tin đối với người dân và càng làm xấu đi hình ảnh của thành phố du lịch đáng sống.
2. Để có được HTGTĐT phát triển đúng hướng, bền vững sẽ rất khó khăn, gian khổ, khó làm do phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan, chủ quan (địa hình, cảnh quan, KT-VH-XH, tư duy, năng lực, sự minh bạch, cởi mở, dân chủ, công khai, sự cầu thị… của bộ máy QLNN). Còn GTTM tuy mới mẻ nhưng do là ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới, tiên tiến nên dễ tiếp cận, dễ triển khai hơn với việc tận dụng, học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm có chọn lọc của các nước đi trước chúng ta nếu có đội ngũ CBCC được đào tạo bàn bản.
3. Hiện nay HTGTĐT thành phố còn tồn tại rất nhiều bất cập, nếu không được phát hiện, xử lý sớm thì trong quá trình xây dựng HTGTĐT các tồn tại vẫn tiếp tục tiếp diễn, ngày càng nhiều hơn sẽ để lại hậu quả nặng nề cho quá trình phát triển thành phố và dù cho có xây dựng tốt GTTM nhưng tác dụng của nó cũng bị ảnh hưởng, hạn chế rất nhiều.
II. XU HƯỚNG XÂY DỰNG HỆ THỐNG GIAO THÔNG THÔNG MINH
Chính vì sự gắn kết mật thiết giữa phát triển GTTM với HTGTĐT nên để tìm ra giải pháp giúp phát triển GTTM tối ưu chúng ta phải xem xét chúng một cách tổng thể mối quan hệ này. Có 3 xu hướng xây dựng GTTM. Đó là:
1. Hướng 1: Xây dựng GTTM cùng song hành với phát triển HTGTĐT theo tư duy hiện tại.
2. Hướng 2: Xây dựng GTTM cùng song hành với phát triển HTGTĐT theo tư duy mới.
3. Hướng 3: Xây dựng GTTM độc lập với phát triển HTGTĐT.
III. ƯU, NHƯỢC ĐIỂM CỦA CÁC XU HƯỚNG:
1. Hướng 1: Xây dựng GTTM cùng song hành với phát triển HTGTĐT theo tư duy hiện tại: Đó là tư duy nhiệm kỳ, khép kín, xử lý chủ quan, thiếu toàn diện… thể hiện như sau:
1.1 Về tầm nhìn: Các dự án HTGTĐT lớn vẫn được triển khai trong khi quy hoạch cũ thiếu hoàn chỉnh, đã lạc hậu còn quy hoạch điều chỉnh chưa có. Các dự án này có thời gian sử dụng lâu dài rất cần sự đảm bảo tính tổng thể, hệ thống, tính liên hoàn, tính kết nối, tính đồng bộ… nhưng lại không có giải pháp để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực và được bổ sung vội vàng vào quy hoạch sẽ gây ra nhiều hệ lụy trong tương lai. Việc chỉ chú trọng xử lý cục bộ mà bỏ qua tính tổng thể, tính hệ thống sẽ không đem lại hiệu quả và làm lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Kết quả sự phát triển của thành phố sẽ bị chậm lại, không bền vững.
1.2 Chất lượng dự án: Các dự án phức tạp, rất nhạy cảm có quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài do có quá nhiều vướng mắc lớn ở nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung mặc dù thành phố đã nỗ lực mà vẫn không giải quyết được, gây dư luận không tốt nhưng vẫn được tiếp tục triển khai sẽ chứa đựng nhiều nguy cơ, hiểm họa cho sự phát triển của thành phố.
Thực tế cho thấy sự thành công của dự án giao thông phụ thuộc rất lớn ở sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo người dân. Sự công khai, minh bạch, dân chủ của các dự án sẽ giúp cho việc huy động được trí tuệ của người dân và các chuyên gia, tìm ra phương án tối ưu. Đó là nhân tố quan trọng giúp dự án thành công.
1.3 Chất lượng đội ngũ cán bộ: Còn tồn tại nhiều bất cập kìm hãm sự phát triển của thành phố. Thể hiện:
Các cuộc hội thảo chuyên môn do các Hội chuyên ngành tổ chức đã có nhiều tiếng nói tâm huyết, chất lượng nếu được các cấp chính quyền quan tâm lắng nghe, thấu hiểu và chắt lọc sẽ giúp rất nhiều cho sự phát triển vững chắc của thành phố…
Còn tâm lý coi ý kiến trái chiều của các chuyên gia gây cản trở công việc mà chưa có sự chân thành đối thoại trực tiếp để tìm ra giải pháp tối ưu. Do vậy dẫn tới xử lý công việc một cách chủ quan, duy ý chí gây mất lòng tin.
Các dự án giao thông phục vụ cho người dân, nhưng vì nhiều lý do các tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của người dân không được đáp ứng, nên hiệu quả khá thấp.
(VD: Thực tế cho thấy có nhiều dự án HTGTĐT đã và đang chuẩn bị triển khai nhưng không được các chuyên gia và người dân đồng tình, thậm chí còn phê phán như: Dự án Hầm chui nút giao thông phía Tây cầu sông Hàn, Hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương – Lê Độ, dự án xe buýt có trợ giá… Hiện các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực cũng đang lên tiếng về dự án 2 đang chuẩn bị đầu tư như Cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, đặc biệt dự án Hầm chui Nút giao thông phía Tây cầu Rồng…).
Còn tâm lý làm việc e dè, cầm chừng, không dám đối diện với những thách thức trong thực tế để xử lý, thiên về hành động an toàn cho bản thân.
Với những tồn tại trên của bộ máy QLNN thì khi đầu tư vào HT GTĐT sẽ thiếu ổn định, đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực. Do vậy GTTM dựa trên một nền tảng thiếu vững chắc cũng sẽ chao đảo, không thể phát triển nhanh, mạnh.
2. Hướng 2: Xây dựng GTTM cùng song hành với phát triển HTGTĐT theo tư duy mới:
Câu hỏi đặt ra tại sao mọi cố gắng của thành phố lại không đem lại kết quả tương xứng và trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, riêng đối với ngành giao thông đang nỗ lực xây dựng hệ thống GTTM thì điều gì giúp thành phố khắc phục các vướng mắc vừa qua và đồng thời xây dựng được hệ thống GTTM tối ưu nhất.
Đó là việc đưa tư duy mới vào phát triển HTGTĐT sẽ giúp điều chỉnh, khắc phục được các nhược điểm lớn tồn tại đã lâu, cản trở đến sự phát triển của thành phố trong thời gian dài. Đồng thời sẽ đưa luồng sinh khí mới làm các dự án sẽ thân thiện, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân hơn. Vì thế sự phát triển sẽ hiệu quả, bền vững hơn. Khi HTGTĐT phát triển đúng định hướng, bài bản, đồng bộ theo kịch bản quy hoạch tối ưu sẽ là cơ sở vững chắc làm nền tảng cho GTTM phát triển đúng hướng, nhanh, mạnh, hiệu quả.
3. Hướng 3: Xây dựng GTTM độc lập với phát triển HTGTĐT: Nếu không có sự gắn kết, hòa quyện giữa GTTM với HTGTĐT thì sự phát triển sẽ không đồng bộ, khó kiểm soát, lãng phí, kém hiệu quả.
Chính vì mối quan hệ khăng khít, gắn bó hữu cơ giữa HTGTĐT với GTTM nên nếu chỉ kỳ vọng dựa vào GTTM thôi không đủ, không thực tế. Do vậy không thể độc lập đưa ra các giải pháp xây dựng GTTM. Muốn có GTTM có hiệu quả, phát triển bền vững thì phải có các giải pháp đồng bộ liên quan đến cả HTGTĐT lẫn GTTM, trong đó chú trọng ưu tiên đến hạ tầng giao thông đô thị.
Trên cơ sở những phân tích ở trên cho thấy xu hướng 2 là tối ưu và cần lựa chọn. Từ đó xây dựng các giải pháp, các bước triển khai cho thích hợp, hiệu quả cao nhất.
IV. CÁC GIẢI PHÁP
1. Về xây dựng đội ngũ CBCC
Đây là khâu đầu tiên cần đột phá vì sự thành công của từng dự án nói riêng và sự phát triển bền vững của thành phố nói chung. Do vậy cần xây dựng bộ máy QLNN có quyết tâm và quyết liệt trong đổi mới tư duy cũng như hành động. Trong bộ máy đó mỗi CBCC thể hiện:
- Tâm huyết với nghề nghiệp, với công việc.
- Không chủ quan, duy ý chí, dân chủ, biết lắng nghe và cầu thị. Biết huy động trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân. Được doanh nghiệp và người dân tín nhiệm.
- Làm việc với tâm thế sáng tạo, hết mình, không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm.
- Dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân.
2. Về xây dựng hạ tầng giao thông đô thị
- Xây dựng tầm nhìn bền vững và rà soát quy hoạch tổng thể.
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch thành phố làm “ KIM CHỈ NAM “ cho sự phát triển bền vững. Quy hoạch chỉ phát huy hiệu quả tốt khi có sự công khai minh bạch, dân chủ với sự tham gia góp ý của các Hội chuyên ngành, các chuyên gia…
- Tổng kết, rút ra các bài học về đầu tư HT GTĐT, có giải pháp khắc phục các tồn tại, yếu kém. Đặc biệt các dự án lớn, tuy đã dành nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề lớn thì cần xem lại hướng đầu tư và có sự trao đổi với giới chuyên môn, các chuyên gia để tìm hướng giải quyết.
- Nên ưu tiên các dự án giải quyết tổng thể trước và xử lý cục bộ sau. Có xét tới diễn biến thực tế trong tương lai gần và xa.
3. Về xây dựng hệ thống giao thông thông minh:
- Việc học hỏi các nước thành công là cần thiết, nhưng cần có sự chọn lọc, hiệu chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn chủ quan, khách quan của Đà Nẵng ( tránh trường hợp áp dụng một cách máy móc như dự án xe buýt nhanh BRT…).
- Việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông phải phù hợp với khả năng tiếp cận trước mắt của đại đa số người dân và có khả năng nâng cấp trong quá trình sử dụng sẽ thu hút được đông đảo người dân tham gia.
- Cần xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng thông minh, thân thiện sẽ hỗ trợ hữu hiệu, đắc lực cho giao thông thông minh, đồng thời đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp vận tải và cho cả người dân (xem thêm chi tiết tại bài tham luận “Đà Nẵng – 20 năm quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông vận tải” ở phần V mục 1 tại Hội thảo “Đà Nẵng – 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị” do Liên Hội Quy hoạch – Xây dựng – Kiến trúc – Cầu đường Đà Nẵng tổ chức ngày 17/12/2016).
Đà Nẵng đang hướng tới thành phố thông minh, trong đó có giao thông thông minh… và nó chỉ thực hiện được khi có bộ máy QLNN biết phát huy sức mạnh của toàn dân nhằm khắc phục các tồn tại, biết tập hợp trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân, trí thức góp phần trong công cuộc xây dựng thành phố vừa thông minh (hiện đại, tiên tiến), nhưng lại vừa thân thiện (có bản sắc riêng của Đà Nẵng).
Với những ý kiến tâm huyết trên tôi rất mong nhận được những góp ý, trao đổi thẳng thắn, chân thành. Điều đó sẽ giúp hội thảo sẽ đem lại kết quả thiết thực, đóng góp cho sự phát triển mạnh, bền vững của thành phố trong thời gian tới./.
KS. Trần Thị Nam Phương
(Kỷ yếu Hội thảo “Giải pháp nào cho giao thông thông minh Đà Nẵng”)