Home / QUY HOẠCH / Nhiệm vụ, mục tiêu và các nội dung điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Đà Nẵng

Nhiệm vụ, mục tiêu và các nội dung điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Đà Nẵng

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung (QHC) xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 465/QĐ-TTg ngày 17/6/2002, đã thực hiện hơn 10 năm và đến thời điểm cần phải được rà soát, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và đất nước. Hiện nay, việc điều chỉnh QHC TP. Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng lập – dựa trên phương án thiết kế ý tưởng của đơn vị tư vấn Moore Urban Design (Mỹ), đã thông qua thường vụ Thành ủy và đang trình Bộ Xây dựng thẩm định để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


So với yêu cầu thực tiễn mới của đất nước, với vai trò là Thành phố động lực trong Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung – Tây Nguyên, hướng tới một đô thị hiện đại, phát triển bền vững, thành phố đáng sống … còn rất nhiều nhiệm vụ phải tiếp tục thực hiện và được thể hiện cụ thể nhất trong nội dung điều chỉnh QHC thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, cụ thể như sau:

Nhiệm vụ, mục tiêu và các nội dung điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Đà Nẵng

     1. Mục Tiêu

Xây dựng phát triển thành phố phù hợp với quy hoạch, hướng tới phát triển bền vững và có bản sắc;

Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội thành phố đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1866/QĐ-TTg ngày 08/10/2010 làm cơ sở để xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng;

Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam thời kỳ 1997 – 2020, định hướng quy hoạch tổng thể cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, định hướng phát triển công nghiệp cả nước đã được phê duyệt;

ụ thể hóa đề án xây dựng “Thành phố Đà Nẵng – thành phố môi trường”;

Làm cơ sở để triển khai các quy hoạch chi tiết xây dựng phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng;

Làm cơ sở pháp lý để kiểm soát và quản lý phát triển đô thị.

     2. Nhiệm vụ

Rà soát đánh giá việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 465/QĐ-TTg ngày 17/6/2002.

Thực hiện theo quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 23/06/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, cụ thể là định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng được xác định trong mối quan hệ kinh tế – xã hội với vùng duyên hải Miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, với cả nước, khu vực và quốc tế.

     3. Tính chất

Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm của Vùng miền Trung và Tây Nguyên; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quôc gia;

Là trung tâm vùng phát triển kinh tế biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng cấp quốc gia;

Là thành phố cảng, đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế;

Là trung tâm văn hóa thể dục, thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ Miền Trung;

Là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

     4. Quy mô dân số và đất đai

Quy mô dân số:

Hiện trạng 2010; dân số toàn thành phố là 926.018 người, trong đó dân số nội thị là 805.320 người; (Thống kê dân số 2010)

Dự báo đến năm 2030; dân số thành phố đạt khoảng 2.500.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 2.000.000 người;

Quy mô đất đai: diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 37.500 ha.

    5. Nội dung chính trong điều chỉnh quy hoạch

Định hướng phát triển không gian đô thị và phân khu chức năng

Mô hình phát triển không gian thành phố Đà Nẵng bao gồm: đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh … bảo đảm sự gắn kết đồng bộ và ổn định giữa các không gian, phát triển không gian đô thị phải có sự chuyển tiếp hài hòa giữa các khu đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới;

Các phương án phân khu chức năng: khu vực phát triển công nghiệp, khu vực phát triển sinh thái, nghỉ dưỡng, vùng bảo tồn môi trường thiên nhiên…

Phát triển phải đảm bảo đô thị gắn kết với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tổ chức không gian kiến trúc

Xác định vị trí và tổ chức không gian các khu trung tâm đô thị; xác định các vùng kiến trúc cảnh quan có tầm quan trọng trong không gian đô thị như các trung tâm, các cửa ngõ vào thành phố, các tuyến phố trục không gian chính, các hành lang ven sông và dọc bờ biển, các khu vực quảng trường, cây xanh … để có giải pháp tổ chức không gian phù hợp và tạo các điểm nhấn trong đô thị;

Định hướng quy hoạch cảnh quan và kiến trúc đô thị cho các khu vực đặc thù trong thành phố; đề xuất các giải pháp bảo vệ và tôn tạo các công trình di tích văn hóa lịch sử, các khu vực cảnh quan có vai trò quan trọng trong không gian đô thị….;

Tổ chức không gian các điểm dân cư nông thôn với mục tiêu đáp ứng yêu cầu về nâng cao điều kiện sống đồng thời giữ được bản sắc văn hóa riêng.

Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được quy hoạch hiện đại đáp ứng những mục tiêu và quan điểm phát triển của thành phố, đáp ứng nhu cầu sử dụng; bảo đảm mỹ quan, an toàn và vệ sinh môi trường, cụ thể:

  • Giao thông đô thị: quy hoạch hoàn chỉnh các công trình kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, quốc tế như cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt…, hoàn thiện hệ thống giao thông nội thị, bảo đảm kết nối phục vụ phát triển không gian đô thị và hoạt động của các khu chức năng; nghiên cứu đề xuất các mô hình giao thông vận tải công cộng (xe buýt, xe điện trên cao, metro…); xác định quy mô và quy hoạch bố trí hệ thống bến xe và bãi đỗ xe cho nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố;
  • Chuẩn bị kỹ thuật xây dựng: tận dụng địa hình tự nhiên, có tính tới những yếu tố bất lợi do khí hậu thay đổi xác định cao độ nền khống chế tại từng khu vực và các tuyến giao thông thông chính; đề xuất các giải pháp thoát nước mưa kết hợp hệ thống hồ điều hóa, hạn chế ảnh hưởng bất lợi từ bão lũ và nước biển dâng;
  • Cấp nước: xác định nhu cầu, nguồn cấp, vị trí và quy mô các công trình đầu mối cấp nước. Quy hoạch mạng lưới đường ống cấp nước chính cùng các thông số kỹ thuật chủ yếu, đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước và quản lý vận hành hệ thống cấp nước;
  • Cấp điện: xác định nhu cầu phụ tải, công suất, nguồn cấp, vị trí quy mô các trạm biến áp, các mạng lưới phân phối chính, đề xuất các giải pháp vận hành và bảo đảm an toàn mạng lưới;
  • Thoát nước và vệ sinh môi trường: xác định vị trí quy mô các khu xử lý chất thải rắn; đề xuất các giải pháp về mạng lưới thoát nước và các công trình đầu mối xử lý nước thải, các giải pháp bảo vệ môi trường;
  • Hệ thống thông tin viễn thông: xác định nhu cầu phát triển, các loại hình dịch vụ viễn thông hiện đại cần được cung cấp, đề xuất các giải pháp quy hoạch bố trí các công trình đầu mối, xác định các tuyến cấp chính cùng các trung tâm bưu chính cấp thành phố;

Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường chiến lược và đề xuất các giải pháp bảo vệ và hạn chế các tác động của việc điều chỉnh quy hoạch đến môi trường;

Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với dự báo nguồn lực; đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch theo các giai đoạn.

Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *