Home / QUY HOẠCH / QUY HOẠCH / Nhật Bản: Kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai chiến lược biển

Nhật Bản: Kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai chiến lược biển

image009-1Thành phố cảng Yokohama

Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của đại dương, việc “Vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng cho tất cả quốc gia có biển và thậm chí cả các quốc gia không có biển.

Là quốc gia ven biển, Nhật Bản coi trọng xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về biển (National Ocean Policy of Japan). Chính sách biển của Nhật Bản hướng đến sự phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của công dân, thúc đẩy sự hòa hợp giữa đại dương và con người, giữa phát triển tích cực, hòa bình với sử dụng biển một cách bền vững thông qua hợp tác quốc tế, phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các điều ước quốc tế khác có liên quan.

Để đạt được mục tiêu này, Đạo luật Biển của Nhật Bản đưa ra các quy định chung liên quan đến: (1) Xác định trách nhiệm của quốc gia, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và công dân liên quan đến vấn đề biển; (2) Bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển và sử dụng biển với bảo tồn môi trường biển;  (3) Bảo đảm an ninh, an toàn trên biển; (4) Thúc đẩy kiến thức khoa học về biển; (5) Phát triển các ngành công nghiệp biển; (6) Quản trị toàn diện biển; (7) Hợp tác quốc tế về biển; (8) Thành lập Văn phòng xúc tiến chính sách biển tổng hợp Phủ Nội các (Headquarters for Ocean Policy) và xây dựng kế hoạch cơ bản nhằm thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp liên quan đến đại dương một cách toàn diện và hệ thống.

Cách tiếp cận mới của Nhật Bản nhằm trở thành quốc gia mạnh về biển trên các lĩnh vực an ninh, môi trường, công nghệ -nghiên cứu, hợp tác với các quốc gia xung quanh và phát triển nhân tài trong lĩnh vực hải dương. Đến nay, Nội các Chính phủ Nhật Bản đã ban hành 3 kế hoạch cơ bản thực hiện chính sách đại dương:

Kế hoạch cơ bản lần 1 (giai đoạn 2008 – 2013) đề cập các nội dung về thúc đẩy phát triển và khai thác nguồn tài nguyên biển; bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy phát triển vùng đặc quyền kinh tế, bảo đảm an ninh hàng hải, an ninh biển; thúc đẩy nghiên cứu và khảo sát biển; nâng cao nhận thức của công chúng và xã hội về biển; thúc đẩy hợp tác và điều phối về biển. Quan điểm xuyên suốt của Kế hoạch cơ bản lần 1 là tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về biển, nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong quản lý, phát triển biển, đại dương.

Kế hoạch lần 2 của Nhật Bản (giai đoạn 2013 – 2018) nhấn mạnh nội dung về tăng cường khai thác tài nguyên dưới mặt biển và tăng cường khả năng giám sát xung quanh các vùng biển của Nhật Bản bằng cách tái cơ cấu trang bị quân sự như máy bay, tàu thủy cho lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Kế hoạch cơ bản lần 3 (giai đoạn 2018 – 2023), thực hiện chính sách biển của Nhật Bản được thông qua ngày 15/5/2018, trong đó có những nhận định và chính sách mới với quốc sách: “Vượt qua thử thách để Nhật Bản trở thành quốc gia đại dương mới”.

Về nguyên tắc, Kế hoạch lần 3 xác định: (1) Tích cực tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho Nhật Bản phát triển; (2) Phát huy tiềm năng của đại dương để duy trì quyền lực quốc gia; (3) Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế – xã hội bền vững và bảo vệ môi trường biển; (4) Nâng cao hiểu biết về biển, đại dương của người dân Nhật Bản.

Như vậy, việc triển khai Chiến lược biển quốc gia của Nhật Bản nhằm tận dụng các nguồn lực của biển, khai thác và sử dụng hiệu quả biển đi liền với phát triển toàn diện các vùng lãnh thổ ven biển, đảo nhằm duy trì nền kinh tế phát triển nhanh, ổn định, góp phần đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có nền kinh tế quy mô đứng thứ 3 trên thế giới.

                                                                                                                             

Nguồn: Quản lý nhà nước – Học viện hành chính Quốc gia

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …