(NXD) – Nhà ở xưa nay là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia, và luôn tồn tại những bất cập ở mỗi thời kỳ phát triển, nhà ở thành phố Đà Nẵng cũng không ngoại trừ. Muốn có được một giải pháp hữu hiệu về nhà ở cần khảo sát, đánh giá một cách tổng thể trên nhiều mặt kinh tế, xã hội, chính trị, và thái độ không chủ quan, áp đặt, bao cấp. Hình thành cho được một chính sách, một chủ trương của chính quyền địa phương trong chiến lược chung phát triển nhà của quốc gia. Chỉ ở góc độ Quy hoạch Đô thị mà nhìn vấn đề nhà ở, như bước đầu cho sự tìm kiếm giềng mối của nó.
Nói đến nhà ở thường ta chỉ nghĩ đó là việc tạo ra mặt bằng và kiến trúc ngôi nhà cho gia chủ. Làm như vậy ta đã tách ra khỏi toàn bộ tính hệ thống của một cấu trúc ở của Đô thị , một mắt xích để mà thao tác, thật ra việc bài trí nơi ở, ý thức tổ chức điểm dân cư đầu tiên xuất hiện, không phải việc mới có bây giờ, bởi đó là kỹ năng của con người. Sự phát triển liên tục của xã hội, của công nghệ đã làm xuất hiện Đô thị và Đô thị trở thành dạng quần cư văn minh nhất, cũng phức tạp nhất mà con người đã đạt tới. nhà ở ngày nay không đề cập thuần nhất về ngôi nhà với không gian để trú ngụ cú nó, mà là có vấn đề của tổ chức ở của cộng đồng cư dân. Ở được xem là chức năng của Đô thị. Đất đai Đô thị dành đến 60-70% cho xây dựng khu dân dụng trong đó đất xây dựng nhà ở là chủ yếu. Từ ý tưởng về lối sống, mục tiêu về mức sống, mà hình thành phương cách quy hoạch, cơ cấu, tổ chức không gian, bố cục khu ở và sắp xếp nhà ở. Xây dựng từng khu nhà, khâu sau cùng khi đã tạo ra một cấu trúc thỏa mãn được các yêu cầu ở (tức hoạt động sống) của thị dân.
Những năm xây dựng nền kinh tế theo “ bao cấp”, Đô thị Việt Nam cũng đã xây dựng nên những khu ở, tổ chức theo “ bao cấp”. người ta đem toàn bộ nhu cầu của thị dân “khung” hóa thành 3 loại sử dụng. Thường kỳ (thường xuyên), định kỳ và bất kỳ làm cơ sở xây dựng một hệ thống phúc lợi công cộng và dịch vụ theo 3 mốc thời gian sử dụng thành 3 cấp công trình. Công trình phục vụ công cộng cấp I (cấp thường) là cơ sở hình thành một đơn vị nhà ở, trong đó lấy việc đáp ứng nhu cầu cho lứa tuổi đến trường tiểu học làm hạt nhân. Cần đảm bảo cự ly từ nhà đến trường trong bán kính 500m và không được giao cắt với các tuyến giao thông cơ giới. Tiểu khu nhà ở ra đời với vai trò là một đơn vị ở. Sự nhân lên các tiểu khu để thành khu nhà ở và sự phân chia nó ra thành các nhóm nhà ở. Chính quan điểm cứng nhắc, máy móc bắt nguồn từ nguồn kinh tế “bao cấp” đã “Tầng bậc hóa” nhu cầu con người theo “kiểu nhành cây” trong khi đó nó là “dạng bán liên hợp” cho nên tạo tình trạng vừa thiếu vừa thừa khi sử dụng mạng lưới công trình dịch vụ. Mặc khác không gian hoạt động ở của cư dân Tiểu khu hướng nội chính, đã gây sự buồn tẻ, đơn điệu ngày càng không đáp ứng được yêu cầu đa dạng, phức tạp của thị dân và càng không thích hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay.
Những năm đổi mới với nền kinh tế nhiều thành phần đã tạo cơ hội cho nhà ở khu vực tư nhân và bình dân xuất hiện và ngày càng phát triển. Nhà chia lô đang lên ngôi và khuynh hướng độc tôn. Phải thừa nhận nhà phố (chia lô) tạo sự tiết kiệm đất đai, đơn giản về kỹ thuật, đặc biệt tạo sự cố kết của gia đình và phát triển kinh tế đô thị, lại càng thích hợp với thị dân Việt Nam mang nặng tính tiểu thương. Dù vậy, cũng cần sớm nhận ra mặt hạn chế của mô hình nhà ở liền kế tạo phố này. Các đô thị Việt Nam đang trong thời kỳ đô thị hóa với nhịp độ ngày càng cao, dòng chuyển cư từ ngoài vào đô thị sẽ ngày một tăng là với một không gian đông đặc người. Cùng với thời gian, độ dày đặc càng tăng cao và sẽ đạt bão hòa. Sẽ bắt đầu thời kỳ suy thoái của môi trường, kiến trúc lộn xộn. Sự cơi nới nhà theo chủ, tự do thay hình đổi dạng, hỗn tạp, làm biến đổi mô hình có tổ chức thành một khối liên u, liên minh, không hình thể, không phương hướng. Không gian công cộng mất dần, và cảnh quan đô thị biến dạng. Giá trị kinh tế từ ngôi nhà mặt phố, chỉ thời gian ngắn và sẽ nghèo nàn, tụt hậu là di chứng lâu dài của nhà chia lô, liền kề, nối phố.
Vậy ta chọn mô thức nhà ở nào cho TP. Đà Nẵng? Vươn lên trời cao; chui xuống tầng sâu; hay kéo tràn theo mặt phố. Không thể từ đơn phương nào mà trả lời được. Phải xuất phát từ chiến lược phát triển nhà ở của Đà Nẵng mà hoạch định cho cả một thời kỳ thuộc khung thời gian quy hoạch. Sự tạo dựng lối sống và sử dụng không gian cho một phát triển bền vững sẽ là yếu tố then chốt, cấu thành một mô thức nhà ở lâu dài cho TP. Đà Nẵng. Nói cho cùng thì con người phải sống khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh là cái đích của sự lựa chọn.
Theo “Dịch lý” con người phải sống hòa hợp với môi trường phải nhận được “thiên khí, địa khí” để tạo ra “vượng khí” cho con người mới mong khỏe mạnh, phát đạt. Âm dương phải quân bình, hợp nhất mới trường tồn. Vì vậy việc xây nhà ở vươn lên cao hay sâu xuống sâu lòng đất đều không hợp với con người. Nếu phải làm thì đó là lợi nhuận tối đa của việc khai thác đất đai và tính tự phát của đô thị hóa vượt khỏi tầm kiểm soát chứ không xuất phát phục vụ con người.
Mấy khuyến nghị
– Lấy việc xây dựng một trường tiểu học có quy mô, chất lượng, đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn quốc gia làm hạt nhân để xây dựng một đơn vị ở. Các đơn vị sẽ là cấu trúc cho quy hoạch và xây dựng khu dân dụng đô thị. Tổ chức phường của đô thị Việt Nam hiện nay phù hợp với đơn vị ở này nhưng cần khống chế quy mô của nó trong mức trên dưới vạn dân.
– Nhà phố tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới, sẽ cùng với sự xuất hiện dần một lượng nhà chung cư, một số công trình dịch vụ, không gian xanh và công cộng được dành thích đáng, tạo nên những quần thể kiến trúc hài hòa thay cho các dãy phố u u minh minh cứ kéo dài ra mãi.
– Không thể có sự chia đều vận tải và quy mô giao thông trên toàn bộ bình diện đô thị. Phải quy hoạch đường nhánh đổ về đường khu vực, đường khu vực nối về đường chính đô thị, có vậy mới tạo được sự yên tĩnh, hạn chế ô nhiễm và quấy nhiễu của giao thông cơ giới với người ở.
– Nhà đấu lưng nhau, mặt cố quay ra đường, dù có phương hướng nào cũng được miễn là nhà mặt phố. Lối quy hoạch này đã chia đất xây dựng thành những thanh dài, 30- 40m rộng, và rồi chỉ còn việc đem các “thanh đất” này “thát lát” ra gọi là quy hoạch chia lô đang hiện hành. Đây thực chất là quy hoạch sử dụng đất (địa dụng) được phóng to ở tỷ lệ 1/500 thay vì phải tiến hành công việc thiết kế đô thị cho nó. Cho nên cái đó được chỉ là các lô đất giao cho người đầu tư còn cái mất lớn là môi trường hình thể đô thị. Vậy cần phải trở về với đích thực chức năng của người kiến trúc sư trong nhiệm vụ thiết kế.
Lời kết: Đô thị hóa của thế giới, đặc biệt ở các nước phương Tây đã đạt điểm đỉnh và cũng là lúc con người thức tỉnh, nhận ra rằng: “ Đô thị hóa thế kỷ qua là sai lầm”. Đến nỗi các nhà tiên phong đã nghĩ đến việc: Giả sử bắt tay làm lại từ đầu thì nên thế nào! Mong tìm lối thoát có thể cứu vãn môi trường, môi sinh của chúng ta đang rơi vào thảm họa.
Cần cân nhắc lại rằng: Không phải chuyện lo “Bò trắng răng” đâu! Mà là sự trả giá thật sự đang diễn ra ngày ngày của mỗi người dân Đô thị.
Điều có thể làm được ngay bây giờ là: Không chỉ quan tâm đến cơ hội mà lô đất đem lại đã bỏ qua ý đồ quy hoạch đã vạch ra và ý thức rằng chính sự sử dụng không gian là yếu tố cấu thành văn hóa Việt Nam.
Nguyễn Cửu Loan
Theo Tạp chí Người Xây dựng số tháng 4/2023