Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Nhà ở công nhân Cơ sở khoa học tổ chức không gian sống

Nhà ở công nhân Cơ sở khoa học tổ chức không gian sống

Nhà ở công nhân Cơ sở khoa học tổ chức không gian sống 1

Nhà ở công nhân đang là mối quan tâm của toàn xã hội, được nhà nước khuyến kích đầu tư và phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhà ở công nhân không những chưa chú trọng mà còn rất thiếu những mô hình, giải pháp thiết kế hiệu quả.

Để tối ưu hóa các giải pháp tổ chức không gian sống cho người công nhân, cần thiết lập một hệ thống các tiêu chí cơ bản, quyết định không gian ở của người công nhân. Các tiêu chí này dựa vào điều kiện lao động, sản xuất; tâm sinh lý, nhu cầu, nguyện vọng của người công nhân; môi trường xây dựng nhà ở; vệ sinh môi trường và tiện nghi ở; công nghiệp hóa, điển hình hóa nhà ở với xuất vốn đầu tư thấp.

Đề tài cũng đưa ra những mẫu nhà ở và mô đun phòng ở điển hình vừa có tính minh họa cho các lập luận khoa học, vừa có tính đề xuất áp dụng cho thực tiễn.

Thực trạng nhà ở công nhân và các vấn đề về thiết kế

Nhà ở công nhân Cơ sở khoa học tổ chức không gian sống 2

Nhà ở công nhân Cơ sở khoa học tổ chức không gian sống 3

Nhà ở và vấn đề đời sống của công nhân, người lao động (sau đây gọi chung là người công nhân) là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Các khu công nghiệp, khu đô thị, đặc biệt là khu công nghiệp tập trung và các đô thị mới là những nơi có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… thu hút nhiều lao động, việc làm do vậy, nhà ở công nhân được quan tâm chủ yếu ở hai khu vực chính, là khu công nghiệp và khu đô thị.

Thực trạng về nơi ở của người công nhân và các cơ hội cải thiện

Theo thống kê của ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, năm 2011 có khoảng 1.6 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trong cả nước, trong đó có trên 70% là người ngoại tỉnh đến làm việc và có nhu cầu thuê nhà ở. Trong đó chỉ có 7-10% số lao động được ở trong các khu nhà ở được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc từ doanh nghiệp, còn lại trên 90% số lao động có nhu cầu thuê nhà ở phải tự thu xếp thuê nhà trọ của các hộ dân tự xây dựng trong các khu dân cư lân cận các khu công nghiệp. Có căn nhà trọ 9m2 mà tới 7 người gồm 3 thế hệ. Điều đáng bàn là từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khắc phục, tuy nhiên cho đến nay, kết quả thực hiện vẫn còn rất nhỏ bé. [5] Nghị Quyết 18/NQ-CP ngày 07/05/2009 “về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh và phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị” đặt mục tiêu đến 2015 có khoảng 50% số công nhân lao động có nhu cầu được đáp ứng chỗ ở.

Những năm gần đây, vấn đề phát triển nhà ở xã hội được quan tâm, đặc biệt việc chuyển đổi hàng loạt nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để đối phó với sự đóng băng của bất động sản hiện nay đem lại cơ hội hiếm có cho sự phát triển hàng trăm dự án nhà ở xã hội tại hầu hết các đô thị lớn trong toàn quốc. Tuy nhiên, nhà ở xã hội mới chỉ hướng tới mục tiêu giải quyết quỹ nhà ở cho cư dân đô thị nói chung, với giải pháp là bán nhà với giá thấp hơn nhà thương mại và kèm theo những thủ tục liên quan tới những tiêu chuẩn, quy định bó hẹp khiến người công nhân, đặc  biệt là lao động nhập cư khó có thể tiếp cận được. Mặc khác, nhà ở xã hội bao hàm nhiều đối tượng (người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, công nhân…) mà chưa phân biệt đối tượng là người công nhân.

Thực trạng về giải pháp thiết kế nhà ở công nhân

Mặt bằng điển hình một số mẫu đơn nguyên nhà ở công nhân hiện nay:

Nhà ở công nhân Cơ sở khoa học tổ chức không gian sống 4

Mẫu căn hộ 52m2

Nhà ở công nhân Cơ sở khoa học tổ chức không gian sống 5

Mẫu tập thể 48m2

Các mẫu thiết kế nhà ở công nhân phổ biến hiện nay gồm 2 loại chính là nhà chung cư căn hộ độc lập, khép kín (dành cho gia đình) có cơ cấu không gian, chỉ tiêu diện tích được áp dụng như đối với nhà chung cư, nhà ở xã hội và nhà ở tập thể kiểu kiến trúc xá (dành cho người độc thân ở ghép) không có phòng ngủ riêng, có buồng vệ sinh khép kín (hoặc vệ sinh chung cho nhiều phòng), không có bếp nấu. Các mẫu thiết kế hiện nay chưa có sự thống nhất chung, hoàn toàn tùy thuộc vào sự đề xuất của các đơn vị, cá nhân tư vấn thậm chí, những mẫu nhà này có tổ hợp mặt bằng còn tiện nghi hơn cả những chung cư cao cấp hiện nay.

Cơ sở khoa học để tổ chức không gian nhà ở công nhân.

Nhu cầu cơ bản của con người     
Theo Abraham H. Maslow (1908- 1970) “Văn hóa xã hội có ảnh hưởng tới con người nhưng sức mạnh nội tại của bản thân con người là quan trọng hơn”. Ông cho rằng hệ thống giá trị của con người tồn tại nhu cầu có nhiều tầng khác nhau, có thể xếp thành 5 lớp theo mức độ quan trọng như sau: nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu quan hệ xã giao, nhu cầu tôn trọng, nhu cầu tự thực hiện. Điều này đặt ra yêu cầu về nơi ở phải đáp ứng tính riêng tư, sự an toàn, thân thiện, đem lại cảm giác thoải mái, tự tin cho con người.   
Độ tuổi và giới tính      
Độ tuổi lao động ở Việt Nam được quy định từ 15- 55(nữ)/60(nam). Những người trẻ tuổi thích hoạt động, đàn hát, hội nhóm…trong khi những người lớn tuổi có xu hướng thích sự yên tĩnh, độc lập. Nữ giới thường ưa cái đẹp, sự sạch sẽ gọn gàng ngăn nắp, thích trang trí, bày biện nhà cửa, có nhu cầu không gian để trang điểm, để quần áo, giày dép, tập thể hình…Nam giới thường thích sự tiện ích, kinh tế và hiệu quả, có nhu cầu không gian để thư giãn (đọc sách báo, chơi cờ, hút thuốc lá, đàm luận, trồng cây, nuôi chim cảnh…). không gian để thờ cúng. Người đa giới tính là một vấn đề cần được nhìn nhận và cần có sự quan tâm thích đáng trong việc tổ chức môi trường ở cho người công nhân.  
Thói quen sinh hoạt     
Người công nhân phần lớn xuất phát từ nông thôn, đem theo những thói quen làm nông nghiệp và sinh hoạt nông thôn vào môi trường đô thị và công nghiệp chắc chắn không tránh khỏi những lệch lạc, thiếu hiểu biết trong sinh hoạt hàng ngày. Việc tổ chức những không gian quá phức tạp cũng như việc ứng dụng các thiết bị tự động, công nghệ cao, thang máy…có thể gây nên những bất tiện trong sinh hoạt, làm giảm tuổi thọ của thiết bị. Công nhân có thể cùng thời điểm đi làm, về nhà, tạo nên những khoảng thời gian “chết” trong khu ở. Các hoạt động tại nơi ở có thể bao gồm nấu và ăn tập thể, học tập, hội họp, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…
Điều kiện vệ sinh môi trường ở      
Một nghiên cứu cho thấy khối tích của phòng lớn hơn 20m3/người thì độ nhiễm bẩn của không khí đặc biệt là khí CO2 cũng giảm đi thậm chí không còn đáng kể nữa (khoảng 0,055% đến 0,1%).(2) Phân tích các chỉ tiêu hiện hành của các nước khác nhau cho thấy các nước có diện tích tối thiểu cho một người thường từ 9- 14m2. Còn ở các nước thế giới thứ ba thì chỉ số này dao động trong phạm vi 6-9m2 /người.(1)

Những nghiên cứu và kinh nghiệm chỉ ra rằng con người sẽ cảm thấy dễ chịu trong vùng nhiệt độ từ 22- 27oC, độ ẩm không khí khoảng 50% thì sẽ tạo cảm giác dễ chịu cho cơ thể. Để tạo cảm giác dễ chịu thì tốc độ của không khí khoảng 0,25- 0,5m/s. Để đảm bảo sức khỏe cho con người, sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng và ngoài trời không nên vượt quá 6oC. Người Việt Nam và người châu Á nói chung, có khả năng thích nghi với khí hậu nóng ẩm hơn là người phương Tây.
Điều kiện tiện nghi cơ bản của con người
Không gian ở phải đảm bảo tính độc lập và khép kín. Có không gian giao tiếp để kết nối các thành viên ở chung. Có không gian nấu ăn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của một gia đình và nhu cầu cải thiện khẩu phần ăn của người độc thân. Không bố trí khu vệ sinh dùng chung cho nhiều người ở tập thể để tránh hiện tượng quá tải cùng một thời điểm, thiếu ý thức giữ vệ sinh chung “cha chung không ai khóc”, đồng thời hạn chế được chi phí thuê người làm vệ sinh thường xuyên. Mỗi buồng vệ sinh riêng biệt (có một hoặc gộp các chức năng tắm, rửa tiểu tiện, đại tiện…) có năng lực đáp ứng tối đa 2 người lớn.
Không gian ở phải đảm bảo tính cộng đồng và sự riêng tư tối thiểu. Mỗi cá nhân cần có không gian riêng biệt, bảo đảm tính riêng tư và không bị người khác xâm phạm, làm phiền (sự theo dõi, tò mò, tiếng ồn, ánh sáng đèn, vô tuyến…không mong muốn). Mỗi không gian ở có số người ở thường xuyên không quá 4 người nhằm giảm tần suất sinh hoạt, khai thác các tiện nghi ở (giao tiếp, đi lại, sử dụng khu vệ sinh…) và giảm các tác động không mong muốn giữa các thành viên khi sinh hoạt, nghỉ ngơi trong cùng một không gian hẹp và trong khoảng thời gian dài (hàng ngày, hàng tháng, hàng năm).
Đặc thù và môi trường ở của công nhân  
Người công nhân chủ yếu sử dụng sức lực, chân tay, làm việc theo ca kíp (ngày/ đêm;) môi trường lao động tập trung trong các khu công nghiệp và khu đô thị. Người công nhân làm việc tự do hoặc làm việc trong một tổ chức nghề nghiệp theo hợp đồng dài hạn, ngắn hạn hoặc vụ việc. Do vậy, có nhóm đối tượng cần được định cư lâu dài, nhưng cũng có nhóm đối tượng chỉ có nhu cầu định cư ngắn hạn (thuê trọ).        
Ở khu công nghiệp, do mục tiêu kinh doanh và kế hoạch sản xuất được xác định là dài hạn, cần tập trung một số lượng lớn công nhân nên có điều kiện để tổ chức thành những khu ở đồng bộ bao gồm nhà ở, sân, vườn, cổng tường rào, nhà bảo vệ, nhà để xe, căng tin, bếp nấu tập thể, phòng giặt là công cộng… đảm bảo an ninh và những tiện nghi cơ bản cho toàn khu ở. Các tòa nhà ở chỉ có chức năng cơ bản nhất là dùng để ở (có thể không cần bếp nấu riêng).         
Ở khu đô thị, quy hoạch trước đây thường chưa có dự phòng quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở công nhân, mặt khác người công nhân có xu hướng thường xuyên di chuyển tới sống gần nơi có nguồn việc nên việc tổ chức các khu nhà ở công nhân tập trung quy mô lớn thường khó tổ chức hơn ở các khu công nghiệp, chủ yếu là khai thác các quỹ đất hạn hẹp để xây những tòa nhà ở đơn lẻ, khai thác các công trình phụ trợ sẵn có tại khu vực lân cận nơi xây nhà ở công nhân.

Các tiêu chí cơ bản về không gian chức năng nhà ở công nhân 
Căn cứ vào các nhu cầu cơ bản của con người, đặc thù chung sinh hoạt và làm việc của người công nhân, các yêu cầu về không gian sống tối thiểu cho người công nhân được tính toán trên cơ sở khối tích tối thiểu đảm bảo vệ sinh để đề xuất các chỉ tiêu ở như sau:

Không gian chức năng của khu ở:         
Tùy theo điều kiện quy hoạch khu ở, có thể bố trí các không gian chức năng cơ bản tại mỗi khu ở (tiêu chuẩn tính toán theo quy định hiện hành) như sau: không gian đa năng phục vụ hội họp, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ…Không gian nấu ăn, căng tin, thực phẩm, tạp hóa…Phòng giặt là công cộng, sửa chữa quần áo, đồ gia dụng. Phòng nhân viên quản lý, bảo vệ. Khu để xe, khu cây xanh và thể dục, thể thao…
 Không gian chức năng của Phòng ở tập thể:    
Số người tối đa trong một phòng là 4 người (người lớn). Chiếu sáng, thông gió tự nhiên. Chỗ ngủ riêng biệt, đọc lập, diện tích chỗ ngủ tối thiểu 3m2/người. Chiều cao phòng không dưới 2,7m. Chiều cao không gian bếp, vệ sinh không dưới 2,4m. Khối tích ở 20- 25m3/người. Diện tích ở (tổng hợp) 9m2 (với chiều cao phòng không dưới 2,7m). Diện tích bếp nấu 4,5m2. Có 2 buồng vệ sinh riêng biệt để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đồng thời của 4 người (lớn). Có không gian đa năng dành cho giao tiếp, thư giãn, ăn…  
 Đề xuất về kích thước đồ nội thất chính trong nhà ở công nhân:
Các đồ nội thất chính trong nhà ở công nhân gồm: giường cá nhân 1,8m x 0.9m/người; tủ đầu giường 0,6m x0,4m/người; tủ để quần áo và tư trang 0,9mx0,6m/người (có thể tận dụng tủ dưới giường nằm 0,5m3/người); mắc treo quần áo (2 bộ) những giá kho để đồ 1m3/người; kệ vô tuyến (có thể kết hợp với tủ bày đồ/ giá sách) 1.8 x 04/1-4 người; 1 khu vệ sinh (có 1 tắm hoặc 1 bồn cầu) / 2 người lớn.   
Suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở công nhân điển hình

Công nhân lao động không có nhiều tiền, cũng ít có nhu cầu mua nhà, phần lớn họ đang trọ tại các ngôi nhà cấp 4 do dân tự xây dựng xung quanh các KCN, nơi có việc làm để làm việc vài năm rồi lại về quê. Do vậy, nhà ở công nhân phải được thiết kế sao cho có suất đầu tư xây dựng thấp để phù hợp với khả năng chi trả của người công nhân.

Để giảm suất vốn đầu tư xây dựng, số tầng nhà được kiến nghị là 5 đến 7 tầng để có thể ứng dụng được nhiều công nghệ thi công đơn giản (móng nông, kết cấu gạch chịu lực, công nghệ 3D, công nghệ tiền chế, lắp ghép…) không cần dùng thang máy; giải pháp kiến trúc để tổ chức không gian ở hợp lý, tiết kiệm được diện tích cũng làm giảm đáng kể suất đầu tư công trình.

Nghiên cứu đề xuất mẫu điển hình nhà ở công nhân

Dựa vào các cơ sở khoa học về đặc điểm và nhu cầu ở của người công nhân dựa vào tiêu chí diện tích tại “ Bảng 1. Tổng hợp đề xuất diện tích tối thiểu các không gian chức năng của một Mô đun phòng ở trong nhà ở công nhân”, mẫu điển hình một đơn nguyên nhà ở công nhân được đề xuất có 5 tầng, mỗi tầng có khoảng 12 Mô đun phòng ở (tập thể/căn hộ)

Kết luận và kiến nghị

Đề tài đưa ra những luận cứ, cơ sở khoa học nhằm xác định những yêu cầu về cơ bản để tổ chức không gian sống cho người công nhân trong các khu công nghiệp và đô thị. Những chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể đối với không gian ở của công nhân mà đề tài đưa ra là những căn cứ có tính nguyên tắc để tổ chức nơi ở cho công nhân nhằm đảm bảo tái tạo sức lao động, phù hợp với văn hóa, tập quán và điều kiện kinh tế của người công nhân Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ làm tăng hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia tạo dựng không gian ở cho người công nhân, đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý tham khảo đưa ra những chính sách phát triển nhà ở công nhân phù hợp với đời sống thực tiễn và thống nhất trong toàn quốc.

Nhà ở công nhân Cơ sở khoa học tổ chức không gian sống 6

Đề tài có hạn chế về thời gian, về mức độ đầu tư nghiên cứu nhân lực và tài chính và chưa được kiểm chứng trong thực tế nên có thể kết quả chưa đủ độ tin cậy cao. Nếu được đầu tư nghiên cứu thêm, chắc chắn sẽ đạt được những kết quả xác đáng hơn, có tác động tích cự hơn tới các hoạt động nghiên cứu, thiết kế và công tác quản lý và phát triển nhà ở công nhân nói riêng, nhà ở tập thể cho sinh viên , học sinh và nhà ở xã hội nói chung.

Nhà ở công nhân Cơ sở khoa học tổ chức không gian sống 8

Nhà ở công nhân Cơ sở khoa học tổ chức không gian sống 9

Tài liệu tham khảo

1.Nguyễn Dũng, Phát triển kiến trúc nhà ở đô thị Hà Nội dưới tác động của các yếu tố tâm lý xã hội trong thời kỳ mới, Luận án tiến sỹ kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Hà Nội, 2005, tr.70.

  1. Nguyễn Văn Đỉnh (R), “Cơ sở khoa học để xác định kích thước các phòng trong căn hộ của nhà chung cư”, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (6), 2001, tr. 15-18.
  2. Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Mô hình và giải pháp quy hoạch, kiến trúc các vùng sinh thái đặc trưng của Việt Nam, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Hà Nội, 2000.
  3. Abraham Maslow “A theory of human motivation”, Psychological Review (50), 1943, pp.370 – 396, UK.
  4. http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/Nha-o-cho-cong-nhan-Loay-hoay-tim-loi-thoat/51641.bld.

 TS.KTS Nguyễn Dũng – ĐT&PT số 57

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *