Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / NGÔI NHÀ CŨ!

NGÔI NHÀ CŨ!

Hồi đó ba tôi thuê một căn nhà rất lớn, tuy là nhà phố nhưng có cái sân rộng ngăn cách nhà dưới và nhà trên, có phòng kho bên cạnh nhà bếp, một phòng thông ra công trình phụ phía sau và còn chút xíu đất đủ để đặt một chuồng gà và cho cây ổi xoè tán sum xuê. Tại phòng thông ra công trình phụ có chiếc bàn sinh, chúng tôi lần lượt được cắt rốn trên đó và nhau chôn dưới gốc cây ổi. Mỗi khi có tiếng khóc chào đời vang lên, ba tôi xé một tờ lịch ghi giờ và tên con vào đó rồi ép vào sổ nhật ký. Cái bàn sinh làm nhiệm vụ đỡ em út tôi ra đời xong bị dẹp vào một góc. Sau này trong trò chơi trốn tìm  lũ chúng tôi đứa nào lỡ nấp dưới gầm chiếc bàn sinh liền bị chọc là “u mê”!

Cái sân rộng là nơi cả nhà tập trung bữa cơm chiều hay chúng tôi tập đi xe đạp, có cánh cổng nhỏ mở ra miếng đất gò mả của một dòng họ. Tuổi thơ của chúng tôi quẩn quanh trong vòng bán kính chưa đến 100 mét là gò mả, cây ổi và chuồng gà thế nhưng đó là cả một thế giới để khám phá và ghi lại đậm nét trong ký ức; thích nhất vào mùa dế, tôi có nhiệm vụ xách nước cho anh đổ vào những hang dế  ở gò mả và sau đó la oai oái vì bị anh bứt mấy sợi tóc; hay những buổi sáng mắt nhắm mắt mở ra chuồng gà tranh nhau lượm đem vào những quả trứng. Ngôi nhà này đã chứng kiến nhiều niềm vui cùng những giọt nước mắt đau khổ đến tận cùng của ba mẹ tôi cõi lòng tan nát tiễn đưa em gái kề tôi lên chốn thiên đàng.

Trong nhật ký của ba tôi, ông có viết : “Hai năm sau ngày bé HT mất, ba mẹ quyết định chuyển nhà”.  Đó là năm tôi mười tuổi.  Để  làm kỷ niệm năm cất nhà mới, kỷ dậu – 1969, ba tôi đặt thợ đóng một khung tranh bằng gỗ, kích cỡ 60×80 (cm) và cắt bìa tờ báo xuân có hình một con gà trống lồng vào khung kính. Bức tranh con gà “độc đáo” ấy được ba tôi treo trang trọng ở phòng khách cho dù tường bên kia là những bức tranh rất đẹp và sang trọng của những người  bạn ông chúc mừng tân gia.

buc tranh con ga trống_cmykThời gian trôi đi, ngôi nhà dần xuống cấp. Ba tôi mất, gánh nặng đổ lên vai mẹ – một người cả đời ở nhà chồng nuôi. Để gùi đàn con đi tiếp chặng đường dài, mẹ tôi trưng phòng khách làm hai, một bên bà đặt cái tủ nhỏ bán đủ thứ từ tuýp kem đánh răng đến gói mì tôm, một bên cho bạn tôi thuê mở tiệm làm tóc. Ở cái thời mọi thứ đều thiếu thốn, bạn tôi nghèo chẳng sắm nổi cái gương soi. Bức tranh con gà cũng nhợt nhạt theo thời gian, mẹ tôi lấy xuống và tấm kính được đem đi tráng bạc làm tấm gương soi. Tấm kính có bề dày hơn 3 ly, cộng thêm được tráng bằng một công nghệ lạc hậu nên phản chiếu hình ảnh không thật. Vậy mà tiệm làm tóc cũng đông vui một thời cho đến khi căn nhà về tay người khác.

Ngày dọn nhà, tôi xí phần đem về nhà mình hai thứ làm kỷ niệm là tấm gương soi và cái ly cắm bút. Thời gian dần trôi tôi xây nhà mới. Màu vẹc-ni khung gỗ tấm gương bị ố, cũ kỹ trông rất xấu xí. Bỏ thì thương, tôi lấy tấm gương xuống định đem “tút” lại khung gỗ; khi gỡ miếng ván ép phía sau, một xấp giấy ố vàng trong đó rơi ra. Tôi cầm lên, những giòng chữ  thân thuộc của ba đọc mà nhòe trước mắt. Ba viết rằng ba để lại cho các con ngôi nhà này ba cất năm Kỷ Dậu,  bức tranh con gà tuy xấu xí nhưng ghi nhớ thành quả một đời lao động khó nhọc, chắt chiu dành dụm của ba. Một tờ lịch nhỏ xíu, mỏng tang ngày khởi công ngôi nhà, ba còn cẩn thận ghi chú vị trí từng hầm rút, khung, móng như thế nào có thể chịu lực mấy tầng… Nước mắt tôi tuôn rơi không kìm được. Tôi bỏ tất cả vào vị trí cũ và treo tấm gương ở vị trí phòng trước. Tôi muốn mỗi khi bước ra khỏi nhà hay trở về tôi đều ngắm tôi trong đó và nhớ lời nhắn nhủ của ba: “Bước ra khỏi nhà phải tươi tỉnh, về đến nhà phải bỏ lại tất cả mọi thứ  phiền não bên ngoài khung cửa gia đình”.

Cái ly cắm bút hiện diện trong nhà tôi vào khoảng năm 1973 khi cuộc chiến tranh vào giai đoạn nóng bỏng nhất. Đó là một đêm bầu trời đầy những trái sáng, tiếng  súng lẻ tẻ vang vọng, máy bay quần đảo trên bầu trời, thỉnh thoảng nhà cửa lại rung lên bởi tiếng đại bác; người lớn hoang mang lo lắng, bọn trẻ con thì tò mò háo hức chỉ chực người lớn sơ hở liền lẻn ra bên ngoài để nhìn hỏa châu  sáng rực mà không hề ý thức được rằng có những mối hiểm nguy đang rình rập sẵn sàng cướp đi mạng sống của con người. Đêm đó,  tên bay đạn lạc, một trái sáng đã rớt ngay trên mái tôn sân thượng nhà tôi. Một trong những đêm  không yên tĩnh của thời chiến tranh.

Sáng hôm sau, người lớn túa ra đường xôn xao bàn tán, anh em chúng tôi náo nức ùa lên sân thượng, có một lỗ thủng thật to trên mái tôn, lắt lẻo trên đó là vỏ một trái sáng. Anh tôi lấy cây phất trần  của mẹ khoèo xuống. Cái vỏ trái sáng có dạng ly hình tam giác, phần chân đế là một cái ngù màu đen giống như bánh răng trái khế. Tất nhiên đó là  chiến lợi phẩm của anh tôi, nó được anh lau chùi sạch sẽ và dùng để cắm viết. Nó là bạn đồng hành với anh tôi những đêm thức khuya học bài, những ngày đánh vật với cả ngàn câu trắc nghiệm dưới mái tôn nóng như đổ lửa giữa hai con đường vào đại học hay đi quân dịch.

Rồi nó lần lượt được chuyển giao cho từng thành viên trong gia đình khi người kế thừa đi học xa. Tôi nhìn kỹ những dấu thời gian trên đó, là nét mặt lo lắng của ba mẹ giang cánh tay bảo bọc cho đàn con tránh được  mũi tên, hòn đạn; là những tháng ngày ba vất vả ngược xuôi khắp nơi làm lụng kiếm tiền nuôi các con ăn học quên cả mình đang bệnh tật; là những ngày có mẹ  thức đêm cùng chúng tôi với mùa thi, hay đánh thức dậy học bài khi có tiếng chuông chùa công phu lần thứ nhất…

Những ngôi nhà cũ, kỷ niệm ngọt ngào hiện ra từng ngạch cửa, từng viên gạch, từng ngóc ngách… Nơi chúng tôi lớn lên, trưởng thành, háo hức đi xa, mệt mỏi trở về rồi cuối cùng xa nó!

*

Sau lưng ngày con gái, môi son đừng biếng lười (*), mỗi buổi sáng đi làm tôi nhìn mình trong gương. Có ánh mắt thương yêu của ba thấp thoáng: “Được rồi đó con gái. Và, hãy nhìn lại mình trên mỗi bước đi!”.

Bức tranh con gà và tấm gương soi – kỷ niệm hai trong một. Vẫn còn nguyên cái thuở lên mười, chân sáo, nũng nịu. Nhưng ba ơi, những lời của ba mãi đến hơn ba mươi năm sau con mới hiểu!

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

(*) Lời một bài hát của Trịnh Công Sơn

ĐT&PT SỐ 65/2017

 

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …