Ngôi làng này đã được ghi danh vào sách kỷ lục Guiness vì cư dân ở đây toàn các vị sư, sãi và ni cô với dân số lên đến hàng chục nghìn người.
Nằm giữa các ngọn đồi xanh mướt ở thung lũng Larung Gar là một ngôi làng với hàng ngàn căn nhà mang sắc đỏ. Nhưng đó chưa phải là điều đặc biệt nhất ở nơi này, bởi vì đây là ngôi làng phật giáo lớn nhất thế giới với 40 nghìn vị sư sãi, chú tiểu, ni cô đang tu tập.
Thực ra, đây không phải là một ngôi làng, mà nó là học viện phật học Larung Gar, nhưng vì quy mô quá lớn và đông người nên nơi này nghiễm nhiên được coi như một khu dân cư, những căn nhà gỗ đỏ được xây dựng san sát với nhau, tạo nên một cảnh quan đẹp đến kỳ lạ giữa thung lũng lộng gió.
Làng học viện này được thành lập từ năm 1980, nằm ở độ cao 3.800 mét so với mặt nước biển, cư dân của Larung Gar sống cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, họ phải chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt nơi đây để học tập và nghiên cứu về Phật giáo. Thành phố gần Larung Gar nhất là Thành Đô nằm cách xa nơi này 600 cây số, du khách muốn đến đây phải ngồi xe bus hơn 20 giờ liền.
Các tu sĩ trong làng Larung Gar sống với những điều kiện ăn ở cơ bản tối thiểu nhất, họ dùng chung những nhà vệ sinh công cộng, bị cấm xem TV, nhưng các tu sĩ được phép dùng Smartphone để cập nhật thông tin của thế giới bên ngoài.
Hoạt động hàng ngày của người dân nơi đây là học về phật giáo, tụng kinh, thiền tịnh. Trong làng cũng có vài hàng tạp hóa cung cấp nhu yếu phẩm, các nhà sư tự trồng rau để dùng trong bữa ăn hàng ngày.
Ngôi làng phật giáo Larung Gar là một trong những cộng đồng đa quốc tịch nhất ở Trung Quốc, nơi này có công dân của rất nhiều nước như Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc, bên cạnh những chú tiểu được gửi đến để tu tập, họ còn là những nhà sư đến đây để nghiên cứu sâu về triết học phương đông và Phật pháp.
Một số hình ảnh tại ngôi làng Phật giáo lớn nhất thế giới với 40.000 tu sĩ, nhà sư, chú tiểu và ni cô đang tu hành và học tập:
ĐT&PT SỐ 61/2016