Mong sao những tài nguyên của miền Trung, cho đến nay chưa thâm canh, được hưởng sự ứng xử không chỉ từ những tính toán kinh tế, mà còn từ tư duy văn hóa. Vâng, chính ứng xử văn hóa sẽ cứu cho mảnh đất miền Trung thoát khỏi tai họa fast food.
1.Đất trời
Cái nghèo:
Hơn hai mươi năm trước, cùng với các bạn Ba Lan cứu vãn thánh địa Mỹ Sơn hoang phế. Thiếu thốn trăm bề. Thả dông dăm chú gà, làm đồ hộp. O cấp dưỡng chặt pha gà, đều đặn 1x1cm2. Rang muối thành ô mai gà.
Dọc miền Trung nhìn ai ai cũng xơ xác. Củ mì, trái bắp chỉ đủ duy dưỡng cái sự xác xơ. Con bò, thiếu ăn, chịu phận bê già. Ngọn rau, thiếu nước, còi cọc.
Đất còm, mùa còm cõi.
Biển rộng, đánh bắt ven bờ, tôm cá bỏ vào thúng còn vơi.
Cát, gió và nắng tung hoành, gieo rắc cái sự nghèo.
Nghèo độc địa.
Nghèo truyền kiếp.
Tên gọi miền đất đồng nghĩa với cái nghèo.
Cái đẹp:
Không đâu cái đẹp Đất Trời lại dày đặc như đây.
Không đâu cái đẹp Trời phú lại đối nghịch với cái nghèo nhân gian như vậy.
Thừa Thiên, đầm phá Tam Giang mênh mang. Núi, sông, hồ đầm, bãi biển, làng chài Lăng Cô,… – cõi để sống, để thương.
Đèo Cả, Đại Lãnh,… – cái đẹp khiến trời biển Adriatic, hễ biết phải nhún mình.
Sông Cầu, núi đồi, rừng dừa, sông ngòi, ruộng đồng, bãi biển, làng quê nhu mì,… – chốn địa đàng chưa nhận ra.
Vịnh Vân Phong hoang sơ, hùng vĩ vượt tầm bao quát của những kẻ khổng lồ.
Khánh Hòa – Nha Trang, hướng mắt về đâu cũng không nén nổi trầm trồ.
Ninh Thuận – Bình Thuận, có nơi đất đỏ như son, nước biển thăm thẳm xanh. Nói đùa: đem xuất khẩu, làm màu vẽ. Đất cằn, xương rồng thỏa sức mọc. Nói đùa: xuất sang Ấn Độ, gãi lưng cho voi.
Chà, nước Nam mình đẹp vô chừng. Miền Trung, cái đẹp lại có dư.
Cái giàu:
Đất miền Trung nghèo, đẹp và giàu.
Cái giàu Đất Trời ôm khư khư.
Cái giàu không biết nói.
Cái giàu cần nhận ra và gọi tên.
Cái giàu phải biết dụng.
Dụng sai một lần, giàu thành nghèo.
Dụng khéo cái giàu, sự giàu giàu thêm.
Tài nguyên, Trời Đất sinh ra chỉ một lần.
Nói đến sinh thái, khi thiên nhiên sắp hết tự nhiên.
Sự giàu của Đất Trời miền Trung nhận ra muộn.
Lo, song chớ vội ra tay. Suy ngẫm kỹ, như cách người miền Trung vậy, rồi hãy đụng chạm vào. Chớ làm cái việc bán lúa non.
Một vị lãnh đạo địa phương nọ khước từ sự giàu nhanh bằng kỹ nghệ, chọn sự giàu chậm, giàu bền bằng ngành du lịch nghỉ dưỡng. Ấy là cách xử sự của chủ nhân ông.
Một vùng đất, vốn nghèo cùng kiệt, bởi có dư thừa cồn cát, bãi cát, nắng nóng bốn mùa. Có người nhận ra: nghèo bởi trồng trọt và đánh bắt ven bờ. Cơ may phất lên chính lại từ những bất lợi ấy. Ngót nghét chục năm, san sát hàng chục khu nghỉ mát tân tiến. Người tứ xứ và tiền của dồn về. Mũi Né giờ chẳng ai né. Mùi mặn nồng của nước mắm, từng làm nổi danh địa phương, nay bị át đi rồi.
Mong sao những tài nguyên của miền Trung, cho đến nay chưa thâm canh, được hưởng sự ứng xử không chỉ từ những tính toán kinh tế, mà còn từ tư duy văn hóa. Vâng, chính ứng xử văn hóa sẽ cứu cho mảnh đất miền Trung thoát khỏi tai họa fast food.
2.Đô thị
Miền Trung đô thị thưa thớt, độ tuổi chưa cao. Hầu hết xâu chuỗi bởi quốc lộ 1. Hầu hết là những trung tâm hành chính. Hầu hết nằm bên sông, cận biển.Do đặt trên quốc lộ, cấu trúc của các đô thị ở dạng con phố dọc đường. Sau này, thêm nhiều phố, đô thị vẫn chỉ là trạm dừng chân. Thành thị chưa hẳn thị thành hóa.
Hành chính là nhân tố tạo thị chủ yếu, đô thị vẫn chưa thể nào lột bỏ diện mạo tỉnh lỵ. Những thị xã buồn tẻ, giông giống nhau. Thiếu đòn bẩy kinh tế, chúng dẫm chân trong sự quá độ.
Mang tiếng là những đô thị duyên hải, song chẳng khác là mấy những đô thị đứng bên sông. Chưa có động lực nào buộc chúng quay phắt mặt ra biển khơi.
Quán tính lịch sử níu kéo chân ông cha ta thâm canh ruộng đồng, bám víu vào những dòng sông. Hơn nửa bờ cõi vỗ về bởi đại dương, mà con mắt người mình cứ hướng hoài vào lục địa, lên núi.
Đã đến lúc chọn dứt khoát con đường đến với thịnh vượng bằng chiến lược hướng ra biển, mở toang các cánh cửa ra biển. Miền Trung có vận may thực thi sự lựa chọn ấy hơn cả.
Hướng và mở ra biển trước tiên phải bằng hệ thống các đô thị biển. Bước quá độ của phát triển đô thị trước tiên là sự chối từ dĩ vãng tỉnh lỵ: Đô thị dọc đường, đô thị hành chính, đô thị ven biển. Bước quá độ cũng là sự nhân gien, sự tích tụ vốn liếng văn hóa đô thị: Văn hóa kiến trúc, văn hóa sống nơi thành thị, sự nâng tầm bản sắc địa phương lên bản sắc đô thị.
Các đô thị có sẵn và đô thị quy hoạch mới vùng duyên hải miền Trung cần chọn dứt khoát và dựa hẳn vào yếu tố biển: Kinh tế biển và kinh tế du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Các cảng, đô thị cảng đang mở mang và định hình rồi. Song đô thị du lịch – nghỉ mát, ngoài Nha Trang ra, chưa hình thành. Đà Nẵng đang kiến tạo chuỗi cơ sở du lịch nghỉ mát dọc bờ biển, song có lẽ đó mới chỉ là một cái chuỗi resorts phân bổ theo các lô đất to nhỏ. Triển vọng Đà Nẵng có được hình ảnh thanh thản của một chốn đô thị văn hóa – du lịch trên biển xem ra khá xa mờ.
Mũi Né cũng chỉ là một chuỗi những resorts xâu vào tuyến độc đạo, giông giống các con phố chia lô. Quy hoạch thế nào đây, tập hợp thế nào đây, để Mũi Né có khuôn mặt thành phố nghỉ mát, như Đà Lạt đã từng có. Bờ biển châu báu duyên hải miền Trung, những nơi quý và đẹp nhất, đang được đầu tư hầu như theo cách thức chia lô đất.
Đi dọc miền Trung và coi bản đồ, nơi đây xem ra phải mọc lên hàng chục thành phố nghỉ mát, phải hình thành nhiều tiểu vùng kinh tế du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng. Thiên nhiên đã gợi mở sẵn rồi, chờ ta.Vâng, ở miền Trung có thể sống no đủ hơn nhờ vào canh tác. Có thể sống sung túc và tân tiến hơn nhờ vào công nghệ. Song, từ tất thảy những gì Trời Đất ban cho, miền Trung còn có thể trở thành cõi đất hứa, cõi thịnh vượng bởi du lịch thưởng ngoạn, bởi du lịch nghỉ dưỡng. Thịnh vượng lên từ chính sự nhận ra mình và bảo lưu bền vững chính những gì mình sở hữu.
Miền Trung ngày càng cần những cái nhìn khác.
GS. TS. KTS HOÀNG Đ ẠO KÍNH
ĐTPT số 14/2008