Sau ngày 01/01/1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển đô thị. Đà Nẵng vừa chủ trương chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh, vừa tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị. Với quyết sách đúng đắn, táo bạo của Đảng bộ cùng với chủ trương hợp lòng dân, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, Đà Nẵng đã thực hiện tiến trình đô thị hóa trên cả mặt quy mô và chất lượng. Và Đà Nẵng thực sự phát triển mạnh sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33 vào ngày 16/10/2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
The Sunrise Bay được xem là siêu dự án lấn biển đầu tiên, vừa sở hữu diện tích đất liền (171 ha), vừa sở hữu diện tích mặt biển (18 ha) tại Đà Nẵng.
Với quan điểm lấy phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, đến nay hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ. Hơn 100.000 hộ dân nằm trong vùng giải tỏa được đền bù và bố trí tái định cư ổn định cuộc sống. Hàng chục ngàn hộ dân còn đóng góp ngày công lao động để bê-tông và nhựa hóa các tuyến giao thông nông thôn. Việc quy hoạch đồng bộ cả vùng đô thị và nông thôn giúp cho đời sống kinh tế – xã hội, văn hóa của người dân ở vùng nội và ngoại thành ngày càng tiến gần nhau hơn, tạo sự cân bằng cho quá trình phát triển. Nhiều công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, hiện đại được đầu tư đưa vào sử dụng như: cầu quay sông Hàn, đường Lê Duẩn, đường Nguyễn Tất Thành, đường Nguyễn Văn Linh, đường Phạm Văn Đồng. Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của thành phố. Các khu đô thị mới, các khu tái định cư, các khu công nghiệp, các khu du lịch nghỉ dưỡng cũng đã được hình thành. Không gian đô thị được mở rộng theo hướng: mở rộng bờ sông, kéo dài bờ biển. Với quy mô hơn 20.000 héc-ta, gấp hơn 3 lần so với thời điểm năm 2003. Toàn bộ dải bờ biển gần 100 km được mở thông để trở thành các chuỗi du lịch. Những tuyến đường vành đai được đầu tư xây dựng và nhiều công trình giao thông đã trở thành biểu tượng, mang dấu ấn của sự năng động, sáng tạo của thành phố. Điều này đã làm thay đổi bộ mặt thành phố, thu hút các nhà đầu tư, tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Theo đánh giá của Lãnh đạo TP Đà Nẵng: “Tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, được xem là nổi bật nhất. Từ chỗ quay lưng với biển, chúng ta đã kiến thiết để xây dựng Đà Nẵng có 2 mặt tiền là biển và làm cho sông Hàn ngày càng đẹp hơn. Vận hành cùng nhịp thời gian hối hả, cả TP như một đại công trường, ở đó mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên đều hăng hái xây dựng, làm cho TP ngày càng thay da đổi thịt, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, diện mạo TP ngày càng thay đổi rõ nét… Lịch sử TP rồi sẽ ghi nhận đây là một thời kỳ phát triển đầy ấn tượng trên chặng đường đã qua…”.
Thách thức của Đà Nẵng trong công tác phát triển đô thị cho giai đoạn mới sẽ có nhiều khó khăn. Bởi thành phố sẽ đối mặt với vấn đề môi trường, dân số tăng, mỹ quan đô thị và áp lực của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đà Nẵng sẽ phát triển sao cho cân bằng, vừa là thành phố công nghiệp, vừa là thành phố du lịch, dịch vụ. Thành tựu 20 năm qua sẽ là nấc thang vững bền nhưng cũng cho Đà Nẵng những kinh nghiệm quý để xây dựng và phát triển. Để 10 hay 20 năm và lâu hơn nữa, người dân Đà Nẵng và những ai một lần đặt chân đến đây vẫn sẽ cảm nhận được Đà Nẵng với một đô thị hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ dáng vẻ của thành phố đầu biển cuối sông , thành phố sinh thái và yên bình.
KTS Hoàng Quang Huy
Nguyên Chủ tịch Hội QHPTĐT. Đà Nẵng
(ĐT&PT Số 78-79/2019)