Kiến trúc đô thị Đà Nẵng – nhìn từ góc độ văn hóa nghệ thuật
Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật gắn liền với đời sống con người, của cộng đồng và của mỗi dân tộc. Dù mỗi công trình, mỗi thời đại có những quan điểm và lý tưởng thẩm mỹ khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến một điểm chung đó là cái đẹp. Có thể nói, kiến trúc là một thành tố rất quan trọng hình thành nên bản sắc văn hóa từng dân tộc. Ở nước ta, trong thời gian qua, khi đời sống vật chất và tinh thần ngày một được nâng cao, nhu cầu về cái đẹp trong kiến trúc được chú trọng hơn bao giờ hết. Đà Nẵng là thành phố căn tròn sức trẻ, có một không gian hài hòa giữa biển – sông – núi, vậy chúng ta cần phải nhận diện ra bản sắc đặc trưng cho kiến trúc Đà Nẵng là điều cần thiết.
Cũng như nhiều đô thị khác của nước ta, lịch sử hình thành và phát triển của Đà Nẵng đã chịu sự ảnh hưởng tác động của một thành phố quân sự. Từ trong ngổn ngang và bề bộn sau chiến tranh, bằng sự kiên cường và sáng tạo, Đà Nẵng từng bước vươn lên và trở thành một đô thị hiện đại nhất miền Trung – Tây Nguyên. Những đổi thay về diện mạo, về tầm vóc đã tạo ra một Đà Nẵng duyên dáng, trẻ trung và tràn đầy sức sống bên dòng sông Hàn thơ mộng. Sau hơn 13 năm trực thuộc trung ương, thành phố bên sông Hàn này đã thức giấc sau nhiều năm ngủ yên để sánh vai cùng với các đô thị lớn trong cả nước. Cùng với quá trình quy hoạch, chỉnh trang đô thị, những con đường mới được hình thành, những con phố mới khang trang sạch đẹp…
Nhìn nhận một cách chủ quan trong tổng quan đô thị, Đà Nẵng là thành phố sạch và đẹp.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa quá nhanh đã tạo ra sự không đồng bộ về kiến trúc của một đô thị mới. Sự xuất hiện của nhiều công trình với một lối kiến trúc tùy hứng, đơn điệu có tính vay mượn đã phần nào làm cho đô thị Đà Nẵng chưa thực sự nổi bật trong một không gian kiến trúc đầy lý tưởng mà thiên nhiên đã ban tặng. Sự thiếu hài hòa giữa các công trình xây dựng và cảnh quan thiên nhiên đã làm cho thành phố mất dần đi những bản sắc riêng về kiến trúc của một đô thị hướng biển, nhìn sông mà ít nơi nào có được. Kiến trúc sư Huỳnh Tòa cho rằng, may mắn là đô thị Đà Nẵng ít thấy những ngôi nhà hình chóp theo kiểu Hồi giáo mà nhiều đô thị khác đang gặp phải nhưng chúng ta vẫn nhận ra sự vay mượn từ nhiều nơi khác. Màu sắc cũng là yếu tố quan trọng của kiến trúc. Hiện nay, nhiều con đường, nhiều dãy phố với những màu sơn tùy hứng. Trong khi đó, nhiều thành phố đã chọn ra màu chủ đạo của kiến trúc như màu cà phê của thành phố Buôn Ma Thuộc; màu vàng của Hà Nội? Còn màu sắc chủ đạo của Đà Nẵng là màu gì trong sự hài hòa với thiên nhiên và điều kiện khí hậu của miền Trung?
Hiện nay ở Đà Nẵng, xu hướng vươn cao, chinh phục không gian của những ngôi nhà cao ốc rất cần thiết. Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Huỳnh Tòa, việc cho phép những ngôi nhà cao ốc nằm ở trung tâm thành phố hay ven sông Hàn là điều nên thận trọng bởi nó sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị chung quanh nó.
Kiến trúc là một phần của văn hóa và di sản của dân tộc. Mỗi công trình, mỗi kiến trúc còn chứa đựng trong đó những giá trị về lịch sử. Điều này có thể nhận thấy ở Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, tháp Chăm hay kinh thành Huế… Không phải ngẫu nhiên mà các công trình kiến trúc tiêu biểu của một số quốc gia được xếp loại kỳ quan của nhân loại; và tổ chức UNESCO xếp hạng di sản văn hóa của thế giới một số công trình kiến trúc có giá trị về văn hóa – nghệ thuật… Trong quá trình đô thị hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, kiến trúc nhất thiết phải xây dựng được một phong cách riêng, mang màu sắc văn hóa của từng vùng, miền là rất cần thiết để tạo ra được những nét riêng biệt. Vào tháng 12 năm 2007, lần đầu tiên trong cả nước, UBND thành phố Đà Nẵng và trường Đại học Kiến trúc TP.HCM đã tổ chức một cuộc hội thảo có chủ đề “Tầm nhìn quy hoạch phát triển Đà Nẵng hướng đến một đô thị hiện đại có bản sắc” có sự tham gia của hơn 200 nhà quy hoạch, kiến trúc trong và ngoài nước. Dù không phải sớm nhưng động thái đó đã phần nào cho thấy sự quan tâm của thành phó trong việc tạo ra một diện mạo chung về kiến trúc của đô thị Đà Nẵng.
Kiến trúc là sự biểu hiện sinh động cho văn hóa nghệ thuật. Nhưng có lẽ người kiến trúc sư và cả chủ nhân của những công trình cũng bị bó hẹp trong giới hạn tư duy của ngôi nhà hình ống. Bên cạnh những ngôi nhà đẹp, hài hòa thành phố cũng không tránh khỏi cảnh lô nhô từng mảng bê tông khô cứng cam chịu sự tác động của mưa dầm và nắng cháy của khí hậu miền Trung. Giới kiến trúc vẫn khát khao đi tìm một hình mẫu kiến trúc mới mang bản sắc riêng cho mảnh đất và con người Đà Nẵng nhưng tất cả cũng chỉ là ý tưởng ban đầu. Hằng ngày, hằng giờ, những ngôi nhà với đủ kiểu dáng, màu sắc và phong cách khác nhau vẫn chen chúc mọc lên trên những khu phố mới. Trong khi đó, những công trình kiến trúc mang phong cách Pháp khiêm nhường nhưng vẫn có một sức sống bền bỉ với thời gian và hình mẫu chọn lựa cho nhiều ngôi nhà đang được xây dựng. Theo giới kiến trúc sư Đà Nẵng, thị hiếu thẩm mỹ trong kiến trúc của người dân Đà thành đã được nhận diện đó là sự kín đáo, nhẹ nhàng. Địa hình của Đà Nẵng có biển – sông – núi, nên chăng bản sắc trong kiến trúc Đà Nẵng là nên hướng biển nhưng tựa lưng vào núi. Và màu sắc chủ đạo cũng có thể là màu xanh của biển – của sông hay cuả núi. Mong rằng, một ngày không xa, Đà Nẵng sẽ có một nét kiến trúc riêng cho mỗi công trình, tạo sự hài hòa cùng thế núi, hình sông và hòa hợp vào đời sống văn hóa của người dân đất Quảng. Và Đà Nẵng không chỉ là thành phố lớn mạnh về quy mô phát triển, một thành phố môi trường mà còn là đô thị đi đầu về quy hoạch và kiến trúc đô thị hiện đại và có bản sắc riêng.
Đỗ Vinh
Số 27 ĐT&PT