Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Kiến trúc đình làng Huế và những vấn đề bảo tồn di sản trong bối cảnh hiện nay

Kiến trúc đình làng Huế và những vấn đề bảo tồn di sản trong bối cảnh hiện nay

  1. Đặc điểm văn hóa và đình làng Huế.
    • Văn hóa

Huế từng là kinh đô của Việt Nam trong vòng 143 năm (1802-1945) dưới triều Nguyễn và được thừa hưởng từ thời kỳ này các giá trị văn hóa để góp phần tạo nên bản sắc riêng được gọi là “văn hóa Huế”. Từ những sơ khởi của Đại Việt, nơi địa đầu giao lưu với Chăn Pa đến chỗ thành dinh của chúa Nguyễn, rồi kinh đô của Vương triều Tây Sơn, kinh sư, thượng kinh của nhà Nguyễn cùng những điều kiện tự nhiên đã tạo nên một Huế rất riêng (Trương Tiến Dũng, 2016).

Văn hóa Huế đã được hình thành từ việc tiếp nhận “ các dòng văn hóa đô thị – văn hóa làng (chùa) và văn hóa cung đình (bác học) – văn hóa dân gian không có sự đối lập, loại trừ”. Hai dòng văn hóa dân gian và bác học vừa song song tồn tại vừa tác động lẫn nhau (Ngô Đức Thịnh, 2005). Các công trình này được xây dựng bảo đảm các yêu cầu về phong thủy, cân đối trong tổng thể chung của kinh đô xưa, hài hòa trong sự bao bọc của thiên nhiên, đảm bảo cân bằng âm dương.

Nói tới xứ Huế là nói tới một hệ Kinh thành còn giữ được tương đối hoàn chỉnh với Hoàng thành, Tử cấm thành, điện Thái Hòa, Long An, và Ngọ Môn, đồng thời cũng nhắc đến hệ lăng tẩm Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, hay lăng Tự Đức… Huế được mệnh danh là kinh đô Phật giáo của Việt Nam với hằng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, hình thành dòng sông văn hóa chùa, tiêu biểu cho di sản văn hóa Huế. Hệ thống chùa chiền ở Huế có đầy đủ các loại hình chùa ở Việt Nam:từ tổ đình như tổ đình Từ Hiếu, Tổ đình Từ Đàm; quốc tự như quốc tự Thiên Mụ, quốc tự Diệu Đế đến hằng trăm Niệm Phật đường. Như vậy, hệ thống chùa Huế có đầy đủ tính chất cung đình và dân gian, lần lượt được thể hiện qua các quốc tự và Niệm Phật đường. Ngoài ra, ở Huế còn có hệ thống đình làng như Phú Xuân, Dương Nỗ,…

(Hiếu SS)Đình cổ Kim Long với hơn 300 năm tồn tại

1.2 Kiến trúc đình làng.

Vai trò của kiến trúc đình làng là kiến trúc công cộng của làng xã, các đình ở Huế có đặc điểm như đình làng ở ngoài Bắc, song có nhiều điểm mà ở Huế mới có. Đình làng Thừa Thiên Huế rất ít khi có kết hợp lễ hội. Đình làng ở Huế không nhiều. Trong số ít ấy, người ta thường nhắc đến ngôi đình ven đô như đình Tây Lộc hay Kim Long nằm ngay mặt phố, đình Lại Thế xã Phú Thượng cạnh Vĩ Dạ và đình Dương Nỗ xã Phú Dương, trên đường ra biển Thuận An.

Về tổng thể kiến trúc đình làng Huế, thường rất giản đơn bao gồm một đại đường có 5 hay 7 gian (đình Dương Nỗ), đôi khi có thêm nhà tiền tế hoặc nhà “trù” (bếp) phía sau bên cạnh tàu đại đường. Về chi tiết kiến trúc, đình thường được chống đỡ bởi hệ cột mà mỗi một cột có đường kính khoảng 0.5m. Hệ vì kèo được liên kết với nhau bằng hệ “chồng rường – giả thủ” tạo thành kiểu thức đặc thù của kiến trúc cổ điển Trung Bộ. Toàn bộ hệ khung sườn kiến trúc đình Trung Bộ , đặc biệt ở Thừa Thiên Huế được đặt ngay trên tản đá, trên nền đất lát gạch đất nung. Các chi tiết kiến trúc khác như “tay thủ”, “câu đầu”, “con rường”, “lá mái” với nhiều chi tiết khác nhau thường được chạm khắc rất tinh vi. Thân đình có vươn cao hơn so với đình Bắc Bộ. Càng về sau, nhất là sau những lần đại trùng tu xuất hiện nhiều chi tiết chạm khắc tinh vi hơn nhưng diện tích đình lại bị thu hẹp hơn (Trần Anh Dũng, 2013); Kiều Thu Hoạch, 2017).

Đình làng Huế cơ bản thống nhất với đình làng Việt Nam nói chung: thứ nhất về công năng là ngôi nhà công cộng thờ thành hoàng và là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa công cộng của làng xã. Về quy mô, đình Huế vượt hơn hẵn nhà dân với bộ khung gỗ chắc chắn mái ngói dày đè ấn xuống chống sự phá hoại của mưa nắng. Là bộ mặt của làng xã, đình làng vẫn xây dựng ngay đầu làng, nhìn ra sông nước và ruộng đồng thoáng đãng, hòa với cảnh quang chung.

Đình làng Huế rất đơn giản, thường chỉ có một tòa đại đình, không có dấu vết sàn, thành hoàng thờ ngay cạnh nơi sinh hoạt của dân làng. Nhìn từ bên ngoài vào đã thấy mái đình không lượn cong để tạo các đầu dao bay lên, nhưng vẫn nhẹ nhàng nhờ phần thân khá cao và do đó trong đình luôn sáng. Mái đình thường được lợp ngói âm dương , một số đình dùng ngói bản. Trên các bờ nóc và bờ giải được trang trí tứ linh được gắn kính, sư như khảm lên vữa. Bên trong đình, có bộ khung gỗ được bố trí theo kiểu nhà rường “vì chồng”, mặt gỗ được chạm trang trí với đề tài như rồng, mây, hoa cúc, vân xoắn, bát bứu. Cửa đình làng Huế luôn có bức bình phong xây làm án và cũng là diện phẳng rộng để nghệ thuật gắn kính, sứ gây sự chú ý của mọi người khi vào đình (Nguyễn Hữu Thông, 1992).

  1. Xu hướng bảo tồn di sản văn hóa đình làng
    • Phương pháp

Có rất nhiều phương pháp bảo tồn khác nhau, trong hoàn cảnh cụ thể Hiến chương Venice năm 1964 chỉ ra phương pháp bảo quản, nhằm bảo vệ di tích kiến trúc ở dạng mà nó còn giữ được đến nay, với những bổ sung một số bộ phận ban đầu đã bị mất. Phương pháp bảo quan không vi phạm tới tính chất nguyên gốc và không đe dọa xóa bỏ bất cứ một yếu tố nào hoặc giá trị nào, khi chưa được làm sáng tỏ (Nguyễn Khởi, 2002). Với kiến trúc đình làng Huế, phương pháp này tương thích cho các di tích kiến trúc được công nhận theo Điều 28 của Luật Di sản Văn hóa.

Tiếp đến, phương pháp trùng thu từng phần: cho phép việc mở rộng một số mặt riêng biệt nào đó của phương pháp bảo quản, nó có mục đích làm sáng tỏ những đặc điểm bị che khuất của kiến trúc kết cấu hoặc lịch sử xây dựng. Trong những trường hợp cụ thể, phần bị mất của các yếu tố ban đầu là không lớn lắm, những dấu vết còn lại của chúng đủ để phục hồi chính xác về mặt tư liệu nên ta có thể trả lại cho di tích hình dáng ban đầu của nó, công việc thi công không vượt quá khuôn khổ của việc tu bổ phục hồi di tích (Nguyễn Khởi,2002). Đây là tình huống xảy ra rất nhiều đối với kiến trúc đình làng ở Huế, khi mà các lịch sử, di tích ấy vẫn được sử dụng bởi những “chủ nhân” có rất ít kiến thức bảo tồn.

Cũng theo các chuyên gia phương pháp trùng tu toàn bộ được áp dụng cho toàn bộ di tích, khi mà việc phục hồi toàn bộ vì một lý do nào đó đã trở nên cần thiết. Phương pháp này được coi là “giả cổ” mô phỏng các kiểu phong cách. Nó nên thực hiện rất hạn chế đối với trường hợp đặc biệt và ngoại lệ. Như vậy, một số phương pháp bảo tồn được nêu trên là cơ sở cần thiết, quan trọng để duy trì sự tồn tại các giá trị văn hóa, nhất là giá trị nội hàm truyền thống mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Việt Nam thêm bền vững.

unnamed        unnamed (1)

Đình An Cựu và Đình Lại Thế

unnamed (2)Kiến trúc đình Lại Thế

2.2 Định hướng bảo tồn di sản đình làng Huế

Quá trình tìm hiểu và nhận thức về đình làng là quá trình truyền đạt thông tin, mà con người có thể biết được một cách sâu sắc về đời sống của chính bản thân mình nhằm làm biến đổi sự phát triển toàn diện về mỗi thời kỳ lịch sử. Vì vậy, định hướng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình làng tại mỗi cộng đồng cụ thể có nghĩa là phát huy đặc trưng văn hóa. Riêng với đình làng Huế, việc định hướng bảo tồn và phát huy giá trị của thực thể này là công việc rất có giá trị đối với cộng đồng và văn hóa bản địa. Việc bảo tồn những nét riêng biệt của từng vùng miền, là cách bày tỏ sự tôn trọng truyền thống, nó còn góp phần tạo nên sự phong phú cho văn hóa dân tộc (Đặng Vinh Dự, 2017).

Để việc định hướng, bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng, trước tiên cần trùng tu và bảo vệ nó, bảo vệ môi trường đang tồn tại. Trong thời đại phát triển công nghệ 4.0, khi không gian của các đình làng đang dần bị thu hẹp địa điểm xây dựng, sự tồn tại giữa cộng đồng dân cư, xóm làng bị lấn chiếm, xâm hại bởi người dân, cùng với những công trình dân dụng khác. Việc quy hoạch, xây dựng hàng rào di tích  là bắt buộc dù biết nó phá bỏ đặc tính vốn có của đình làng…  Do đó, Nhà nước cần kiểm tra lại nạn lấn chiếm di sản đình làng bằng cách sắp xếp quy hoạch, phân khu chức năng đô thị và nông thôn, với những quỹ đất đáp ứng nhu cầu tinh thần và tâm linh cho cộng đồng cho trình tôn giáo (Đặng Vinh Dự, 2017). Thêm vào đó, rất cần điều chỉnh và xây dựng một lộ trình trong quy hoạch di sản kiến trúc đình làng cũng như hướng dẫn cụ thể trong công tác trùng tu di sản văn hóa, để luôn đảm bảo  những giá trị văn hóa lịch sử và nhận biết được sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại trong cảnh quan kiến trúc (Nam Quốc, 2011). Trong trường hợp những đình làng bị hư hại nguy cấp, cần được trùng tu khẩn cấp, thì cố gắng giữ nguyên hiện trạng những chi tiết có thể giữ lại. Bởi vì, đình làng dù có cũ kỹ bao nhiêu, thì sự rêu phong,  màu thời gian vẫn có tiếng nói riêng của nó.

Với những trường hợp phải đụng đến các kiến trúc của đình làng thì đội ngũ các nhà tư vấn, thực hiện phải đạt chuẩn chuyên môn quốc tế, vì nghề trùng tu di tích đòi hỏi rất nhiều kiến trúc, vật liệu xây dựng, lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nghệ thuật. Trong quá trình phục hồi, di sản kiến trúc đình làng cần đặt trên tình thần mức độ an toàn và tính phục nguyên, hơn là sự thay thế bằng những yếu tố, vật liệu hiện đại. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng cần chú ý đến việc tái tổ chức không gian và cảnh quan kiến trúc. Với các chi tiết kiến trúc cần thay thế, nên có cái nhìn cẩn trọng và đánh giá tỉ mỉ, khoa học về các loại vật liệu trong trùng tu xây dựng, bởi sử dụng xi măng, sắt thép đồng nghĩa với việc phá hoại di tích.

Tùy theo từng công trình cụ thể mà chúng ta cần sử dụng loại vật liệu nào cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ và thay thế những chi tiết kiến trúc bằng gỗ không còn giữ lại được, bằng một chất liệu khác, bền vững hơn trong điều kiện cụ thể của khí hậu ở Huế là một việc làm có thể chấp nhận được. Như vậy, cần có một hội đồng, cơ quan chuyên môn độc lập am hiểu về văn hóa, lịch sử, tôn giáo trong việc tạo dựng các bộ quy tắc này.

Những di sản được công nhận di tích văn hóa, cấp quốc gia phải đưa vào danh sách quan tâm đặc biệt. Bất cứ sự trùng tu xây mới nào, thậm chí là sơn phết, tu bổ di vật … đều phải nghiên cứu kỹ luật di sản, cùng kết hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, để có một giải pháp tối ưu, tránh sự vội vàng, chủ quan vì ứng xử với di sản là ứng xử với văn hóa, ứng xử với tâm linh (Nam Quốc, 2017).

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cụ thể mô hình du lịch tâm linh (hành hương), gắn đình làng với hoạt động du lịch, nhằm khai thác lợi thế về tâm linh ở Huế. Từ đó, thông qua đội ngũ hướng dẫn viên du lịch để tuyên truyền, quảng bá đến du khách hiểu đúng về đình làng cũng như giá trị đặc trưng tiêu biểu của các đình làng ở Huế.

Trong những giải pháp được nhắc đến ở trên, những người có trách nhiệm là những thành tố gắn chặt, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với sự tồn tại và phát triển với đình làng. Cần phát huy vai trò cũng như ý thức tự quản, tự chịu trách nhiệm. Mọi sự can thiệp từ bên ngoài, cơ quan bảo tồn chỉ mang tính chất hỗ trợ, tham khảo, cố vấn trong vấn đề bảo tồn, trùng tu và định hướng chuẩn về bảo tồn di sản kiến trúc đình làng.

news_1482367481Đình Phú Xuân trong kinh đô Huế đã được trùng tu, bảo tồn

  1. Tạm kết

Phải nhìn nhận rằng, di sản kiến trúc đình làng Huế đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khách nhau với các chủ đề về nguồn gốc, về nghệ thuật tạo hình khiến chúng ta tưởng như vấn đề đã cạn mòn, nhưng trên thực tế, cái đích cuối cùng của nó vẫn còn rất xa, vì hầu hết các ý kiến đã nêu đều mới chỉ đề cập tới từng mảng vấn đề hoặc là một phần trong công trình chung (Phạm Anh Dũng, 2013). Nói như vậy, chúng tôi tự cho mình cái quyền đánh giá về thành quả của người đi trước và coi tài liệu của mình, điều mà chúng tôi mong muốn là tạm chỉ được như một cách đi để rút ra đôi điều thuộc lĩnh vực nghề nghiệp này.

Hiện nay, đang có sự nhận thức lại vai trò vị trí của các kiến trúc truyền thống và cộng đồng, trong đó có việc khôi phục, bảo tồn những ngồi đình làng. Điều quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các kiến trúc cộng đồng chính là việc khôi phục, tu bổ, bảo tồn về mặt kiến trúc, cũng như lưu giữ giá trị, vai trò ẩn trong kiến trúc ấy.

Để xã hội nhận thức đúng về đình làng và vấn đề định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản nên có chính sách về giáo dục nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, tôn giáo và đưa vào giảng dạy ở các cấp học phổ thông cũng như lồng ghép trong mọi sinh hoạt văn hóa. Song song với quá trình này cần đẩy mạnh nghiên cứu, công bố trên các tạp chí, phương tiện truyền thông về những ý nghĩa chuẩn của đình làng đang tồn tại ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

TS.KTS. Ngô Minh Hùng
ThS. Quảng Văn Sơn

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …