Home / QUY HOẠCH / Hướng đến điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Hướng đến điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013. Qua gần 5 năm thực hiện, Đà Nẵng đã triển khai nhiều dự án ở các mức độ khác nhau, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Không gian đô thị được mở rộng về phía Đông Nam và Tây Bắc theo định hướng chung. Hệ thống giao thông chính trong đô thị được đầu tư nhanh chóng, các tuyến đường vành đai đang dần hoàn thiện. Hệ thống thoát nước cũng như các trạm xử lý nước thải đô thị được đầu tư kịp thời, đã giải quyết nhiều vấn đề tồn tại lâu nay của đô thị.

Căn cứ Quy hoạch chung được duyệt, thành phố đã phát triển thêm nhiều dự án với quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng lan rộng đến sự phát triển của mọi ngành nghề trong xã hội như: Khu du lịch Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân, Khu Công nghệ cao; hàng loạt các khu khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf,… với các thương hiệu hàng đầu thế giới.

TMB QHC TPDN 2030 DC HOA PHUOC- HOA KHUONG

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cũng đã nảy sinh những vấn đề mới mang tính tổng thể, có tác động lớn đến sự phát triển của đô thị, ảnh hưởng đến định hướng Quy hoạch chung đã được phê duyệt trước đây. Cụ thể là:

1. Cùng với xu thế phát triển các đô thị tiên tiến trên thế giới, quan điểm phát triển đô thị của Đà Nẵng đã có sự thay đổi: Đề cao việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; nhu cầu tiếp cận các mô hình liên kết vùng đô thị để nâng cao cạnh tranh, đô thị có mật độ cao gắn kết giao thông công cộng, đô thị xanh, đô thị nông nghiệp, đô thị sân bay, đô thị đại học,… tương ứng cho từng khu vực đô thị.

2. Thời gian qua đô thị phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng tỷ lệ lớn đất đai dành cho chức năng ở, trong bối cảnh Đà Nẵng hạn chế về quỹ đất tự nhiên nên cần có chiến lược phát triển không gian đô thị tốt hơn nữa để đảm bảo sử dụng đất lâu dài, hiệu quả nhất. Do vậy, cần tiến hành rà soát lại các đô thị cũ, không đảm bảo điều kiện về hạ tầng thiết yếu để có các giải pháp tái thiết hữu hiệu vừa đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số vừa đáp ứng được văn minh, hiện đại và thông thoáng. Đồng thời, xem xét có lộ trình mở rộng đô thị trong các giai đoạn tiếp theo, trong đó có đặt vấn đề tìm kiếm ý tưởng phát triển vịnh Đà Nẵng và khu vực đô thị lân cận; xem xét ý tưởng phát triển phía Tây khi việc phát triển đô thị ra các hướng Đông, Tây Bắc, Đông Nam của thành phố đã cơ bản hoàn thành. Các vấn đề đặt ra cần nghiên cứu một cách khoa học và hiệu quả.

3. Sự phát triển quá nhanh về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có nhiều thay đổi. Các khu vực trước đó được xác định thuộc ngoại vi như các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt,… nay bị bao vây bởi các khu vực phát triển đô thị mới. Yêu cầu đặt ra là Đà Nẵng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại và điều chỉnh cấu trúc, đồng thời điều chỉnh các chỉ tiêu đô thị cơ bản liên quan đến quy mô dân số, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu của cư dân Thành phố cũng như lượng dân số không chính thức đang ngày càng gia tăng mà chủ yếu là khách du lịch.

4. Quá trình đô thị hóa khu vực ven đô chưa phù hợp với quy luật chuyển đổi cấu trúc từ mô hình nông thôn sang mô hình đô thị mới dẫn đến những bất cập về không gian sống, sinh hoạt và sản xuất cũng như những kết cấu xã hội truyền thống. Quá trình đô thị hóa cũng làm suy giảm bản sắc tự nhiên các khu vực nông thôn.

5. Ngành du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, xuất hiện nhiều loại hình lưu trú mới dẫn đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng tại một số khu vực không đáp ứng kịp nhu cầu thực tế. Các khu vực nhạy cảm của đô thị, đặc biệt là bán đảo Sơn Trà cần tìm kiếm quan điểm, giải pháp bảo tồn sinh thái, đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững.

6. Vấn đề phát triển sân bay Đà Nẵng trong mối tương quan trong tổng thể phát triển đô thị khi mà công suất sân bay liên tục quá tải so với dự báo; vấn đề nhà ga và đường sắt đi xuyên tâm đô thị, qua các khu dân cư và giao cắt đồng mức; vấn đề quá tải cảng Tiên Sa và vấn đề tuyến vận tải xuyên tâm đô thị…

7. Khi quy mô dân số và du khách ngày càng đông, phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện vận tải du lịch phát triển dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm tại một số thời điểm, xuất hiện nhu cầu đầu tư các nút giao thông khác mức để đáp ứng. Tình trạng quá tải giao thông các cây cầu kết nối đôi bờ Đông – Tây sông Hàn cũng cần được nghiên cứu thấu đáo.

8. Nhu cầu phát triển đa dạng không gian công cộng, không gian mở vừa nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng vừa tạo dựng thương hiệu hay bản sắc cho đô thị là đòi hỏi cấp thiết, thành phố đã triển khai nghiên cứu quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, quy hoạch quảng trường trung tâm, thiết kế đô thị khu vực xung quanh Thành Điện Hải. Tuy nhiên, cần có quan điểm, tầm nhìn tổng thể hơn cho toàn đô thị thay vì phân mảnh, phân khu vực để xem xét như là các giải pháp tình thế.

9. Về nhu cầu cấp thiết xây dựng thành phố thông minh khi mà Đà Nẵng là một trong ba địa phương cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được nghiên cứu triển khai thí điểm ở Việt Nam. Hiện nay Đà Nẵng đã có những tiền đề về hạ tầng thông tin và công nghệ quản lý đảm bảo đáp ứng tiến độ.

10. Việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san nền tác động nghiêm trọng đến cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái của các khu vực đồi núi. Trước đây, thành phố quản lý nó như một đối tượng của khoáng sản, chưa quan tâm đúng mức đến tác động gây suy giảm về chất lượng môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên, cảnh quan đô thị.

11. Đà Nẵng có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, tuy nhiên trong quá trình phát triển đô thị, thời gian qua xuất hiện nhiều dự án có yếu tố nước ngoài có tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia, đặc biệt là các dự án ven biển. Từ việc hình thành các dự án này kéo theo các vấn đề phức tạp, đặc biệt là khả năng hình thành các khu vực khó kiểm soát do không có người dân bản địa sinh sống hoặc có nhưng tỉ lệ thấp. Việc chuyển đổi các dự án từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác một cách hợp pháp và dễ dàng cũng là một vấn đề cần cảnh báo về an ninh, quốc phòng. Do vậy, cần có sự rà soát và điều chỉnh quy hoạch đối với các khu vực nhạy cảm nhằm tạo ra các yếu tố khống chế và công cụ quản lý hữu hiệu.

IMG_0393

Trước những yêu cầu của thực tế đặt ra, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương cho phép điều chỉnh quy hoạch chung thành phố tại Công văn số 680/TTg-CN ngày 17 tháng 5 năm 2017.

Hiện nay, Đà Nẵng tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị để đánh giá lại chặng đường đã qua, xác định các lợi thế và các nguồn lực cũng như các nhu cầu phát triển mới phát sinh, đề ra hướng phát triển cho giai đoạn tiếp đến; tiến tới điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Quy hoạch tỉnh, với mục tiêu phát triển đô thị có bản sắc, xanh (sinh thái, môi trường), thông minh và hiện đại với một số gợi ý chính yếu cho tư vấn xem xét và đề xuất:

1. Phát triển hệ thống không gian xanh và mặt nước trên nền cấu trúc thiên nhiên, đặc trưng sẵn có của đô thị (biển, sông, núi,…) kết hợp với quy hoạch xanh, kiến trúc xanh (ưu tiên các tiêu chí gắn kết với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường); phát triển hệ thống quảng trường và các không gian cộng đồng, xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng, sinh động.

a) Thay vì ưu tiên lựa chọn đất phát triển đô thị thì cần thay đổi tư duy theo hướng sinh thái, bản sắc và bền vững hơn, đó là lựa chọn hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên, lựa chọn các giải pháp thân thiện môi trường và bền vững trước (bản sắc và môi trường); thực hiện một “quy hoạch âm bản” hướng đến phát triển bền vững.

b) Quan điểm phát triển đối với các con sông trên địa bàn như là các vùng đệm cảnh quan đô thị, tham gia vào quá trình thoát lũ, phát triển nông nghiệp đô thị và kết hợp du lịch sinh thái. Các khu vực đồi núi nói chung, trong đô thị nói riêng xem như là công viên rừng để có giải pháp bảo vệ.

2. Phát triển đô thị trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chú trọng về vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng(1) trong nghiên cứu quy hoạch đô thị và dự trữ các vùng đệm thoát lũ. Có giải pháp bảo vệ và làm giàu thiên nhiên cho các khu vực nông thôn và đồi núi. Quản lý tốt việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khắc phục và hoàn thổ các khu vực đã bị xâm hại.

a) Tìm kiếm ý tưởng phát triển vịnh Đà Nẵng một cách cẩn trọng, hết sức khoa học và có lộ trình(2) trong bối cảnh thay đổi khí hậu toàn cầu, và xâm thực nghiêm trọng đã và đang từng ngày diễn ra tại bờ biển phía Đông thành phố.

b) Tiếp tục tích cực phối hợp với Quảng Nam triển khai dự án khơi thông sông Cổ Cò như là một chiến lược “trả lại nước cho dòng sông”.

c) Phát triển có lộ trình phía Tây thành phố theo mô hình đô thị xanh, sinh thái, đô thị nông nghiệp. Gắn phát triển các vùng nông nghiệp năng suất cao với phát triển du lịch sinh thái xem như là các vùng đệm cảnh quan đô thị, tham gia vào quá trình thoát lũ khi cần thiết.

3. Từng bước nghiên cứu xây dựng đô thị thông minh(3), lấy người dân làm trung tâm với các nội dung ưu tiên: quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh; cung cấp các tiện ích đô thị thông minh; hệ thống hạ tầng đô thị thông minh,…(4)

4. Xem xét mô hình đô thị có mật độ dân cư cao, kiến trúc hiện đại, kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian mở, phục vụ cộng đồng gắn với giao thông và phương thức vận tải công cộng số lượng lớn, hiện đại cho khu trung tâm thành phố.

a) Tái cơ cấu sử dụng đất, tái thiết các khu vực đô thị cũ, khu chỉnh trang, hạ tầng không đảm bảo tại các quận trung tâm; di dời mồ mả, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư, ưu tiên quỹ đất phát triển công trình phúc lợi, không gian công cộng, công viên cây xanh.

b) Thiết kế đô thị để định hướng phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan các khu vực trung tâm của Thành phố.

c) Phát huy quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, hình thành điểm nhấn không gian, cảnh quan đô thị. Tiến tới quy hoạch cảnh quan dọc các tuyến ven sông, ven biển sau khi điều chỉnh quy hoạch chung được phê duyệt.

d) Xúc tiến nghiên cứu giao thông công cộng nội đô, giao thông công cộng kết nối Hội An song hành với việc ban hành chính sách, lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc. Nghiên cứu đầu tư công trình giao thông ngầm, nút giao thông khác mức, tiến tới nghiên cứu không gian ngầm trung tâm đô thị.

Ngoài ra, cần phát huy tối đa mối quan hệ liên kết vùng với chuỗi đô thị Lăng Cô, Điện Bàn, Hội An, bên cạnh việc xác định khả năng dung nạp, ngưỡng phát triển tối ưu phù hợp với đô thị Đà Nẵng.

Có thể nói, trong gần 5 năm xây dựng, đô thị Đà Nẵng đã tiếp tục phát triển tạo nên cấu trúc khung cơ bản cũng như một lượng quỹ đất đáng kể để tiếp tục phát triển những bước tiếp theo. Tuy nhiên, thời gian đến cấp thiết cần một kịch bản phát triển đô thị hợp lý, cần có sự chỉnh hướng kịp thời về quan điểm, mục tiêu phát triển đô thị với một tầm nhìn chiến lược dài lâu, hướng đến một trong những thành phố thân thiện, hấp dẫn và đáng sống.

Chú thích:

(1) Xu thế của các nước phát triển, trong lĩnh vực chống chịu biến đổi khí hậu trên thế giới mà Hà Lan là điển hình, họ đã hủy dự án lấn biển, thay vào đó là phát triển dự án “thêm chỗ cho dòng sông” để “sống chung với lũ” thay vì “giành đất từ nước” trên diện rộng.

(2) Do quy mô diện tích đất/dân số của Đà Nẵng hiện nay khoảng 978 km2 (không tính huyện Hoàng Sa) trên 1,04 triệu dân; so với Hà Nội chưa mở rộng 922 km2, song dân số khoảng 7 triệu (gấp khoảng 7 lần Đà Nẵng); thành phố Hồ Chí Minh, diện tích 2.095 km2 gấp đôi Đà Nẵng, nhưng dân số hơn 8 triệu (gấp khoảng 8 lần).

(3) Theo IBM, đô thị thông minh là đô thị sử dụng tối ưu tất cả các thông tin được kết nối lẫn nhau có được để có thể nhận thức và kiểm soát tốt hơn sự vận hành của đô thị và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực”.

(4) Đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Vũ Quang Hùng

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.Đà Nẵng

ĐT&PT số 74 – 75/2018

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …