Home / TIN HOẠT ĐỘNG / HỘI THẢO: TÁC QUYỀN TRONG SÁNG TÁC KIẾN TRÚC TẠI VIỆT NAM.

HỘI THẢO: TÁC QUYỀN TRONG SÁNG TÁC KIẾN TRÚC TẠI VIỆT NAM.

Hướng tới chương trình Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Kiến trúc sư thành phố Đà Nẵng diễn ra trong năm 2021 và kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam, ngày 10/04, Hội Kiến trúc sư thành phố Đà Nẵng phối hợp với CLB Kiến trúc sư trẻ Việt Nam  tổ chức Hội thảo về “Tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam” và Gặp mặt Kiến trúc sư trẻ Vùng Nam Trung Bộ và Tây nguyên.

Tham dự sự kiện có TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; KTS Nguyễn Thu Phong – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam; đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Đà Nẵng… và CLB KTS trẻ 12 tỉnh thuộc vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên,  các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các diễn giả là Luật sư, các cơ quan báo chí trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

IMG_20210410_153959

TS.KTS Tô Văn Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng phát biểu khai mạc

Khai mạc Hội thảo KTS Tô Văn Hùng, Chủ tịch Hội KTS TP. Đà Nẵng cho rằng: Quyền tác giả là vấn đề không mới,  Chủ đề này đã nhiều lần Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. Tuy nhiên trước thực trạng hiện nay, tình trạng vi phạm tác quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm kiến trúc đang làm xấu đi môi trường cạnh tranh trong ngành xây dựng. Chính vì vậy, rất cần có hệ thống luật pháp chặt chẽ và nghiêm khắc nhằm bảo vệ sản phẩm trí tuệ nói chung và tác quyền kiến trúc nói riêng. Hội thảo hôm nay, với nhiều diễn giả là Luật sư, các nhà khoa học, các kiến trúc sư có nhiều đồ án và tác phẩm kiến trúc hy vọng rằng những đề xuất trao đổi, tranh luận các vấn đề liên quan để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đội ngũ kiến trúc sư. Từ đó có những kiến nghị phù hợp trong các chế tài bảo vệ quyền lợi chính đáng của kiến trúc sư…

          Hiện nay hệ thống luật pháp liên quan đến Bản quyền Kiến trúc với rất nhiều nội dung như: Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 02/12/1994; Bộ Luật Dân sự 2005 (2015) về quyền tác giả và quyền liên quan; Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, hợp nhất 2019); Luật Xây dựng 2014 và 2020 Điều 81. Thi tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng Điều 86, Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình; Luật Kiến trúc 2019; và một chuỗi luật pháp liên quan đến Bản quyền Kiến trúc… tuy nhiên, về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc phải cần được bổ sung và làm rõ, nhất là đối với tác phẩm kiến trúc là công trình xây dựng. Bởi, công trình được xây dựng có sự tham gia của các tác nhân, như: Tác giả (KTS); tổ chức, cá nhân đầu tư (nhà đầu tư); chính quyền (nhà quản lý). Do đó, các tác nhân tham gia có thể thỏa thuận về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này là cần thiết để bảo vệ tác phẩm kiến trúc khi trong thực tế có những can thiệp vào tác phẩm kiến trúc, như: Sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang hay phá bỏ.

IMG_20210410_154035

KTS Nguyễn Thu Phong – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam

Theo KTS Nguyễn Thu Phong – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam cho rằng, tác quyền trong sáng tác kiến trúc là vấn đề không mới, tuy nhiên thời gian qua nổi lên nhiều tranh cãi liên quan đến việc sử dụng bản quyền. Vấn đề tác quyền tác giả trong tác phẩm kiến trúc đang bị vi phạm nghiêm trọng. Không chỉ vậy, vấn đề này đang rất nhạy cảm, đụng chạm đến quyền lợi sát sườn của các bên, nên dù đã có hành lang pháp lý nhưng để việc bảo vệ tác quyền kiến trúc đi vào đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc bảo vệ tác quyền kiến trúc vẫn chưa được quan tâm đúng mực, hầu hết còn thờ ơ, thậm chí tình trạng “vay mượn” tác quyền sử dụng khi chưa được phép thường xuyên xảy ra khiến các kiến trúc sư có tâm lý buông xuôi… đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cũng như tính sáng tạo của kiến trúc sư…

Theo Luật sư Nguyễn Cao Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Trọng Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội); Diễn giảng chính của Hội thảo Bảo vệ quyền trong sáng tác kiến trúc Việt Nam nhận định:Trước những thử thách làm xấu đi môi trường cạnh tranh trong ngành xây dựng, vấn đề cần kíp hiện nay là phải có hệ thống luật pháp chặt chẽ và nghiêm khắc nhằm bảo vệ sản phẩm trí tuệ nói chung và tác quyền kiến trúc nói riêng. Vì vậy, hội thảo “Tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam” là cách tiếp cận rất hay, rất ý nghĩa của CLB KTS trẻ Việt Nam đồng hành cùng các KTS trong quá trình hành nghề.

Để bảo vệ và kiểm tra tác quyền các đại biểu cũng đặc vấn đề là đầu vào sớm phát hiện “sao chép, lai tạp hình thái kiến trúc” là trách nhiệm công tác quản lý nhà nước của ngành xây dựng.

IMG_20210410_161218

KTS Trần Phước Hoà Bình – Phòng Quản lý cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng

Theo KTS Trần Phước Hoà Bình – Phòng Quản lý cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, Uỷ viên Ban chấp hành Hội KTS Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội KTS TP Đà Nẵng – Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam cho rằng: để bảo vệ tác quyền kiến trúc, cần xem hồ sơ thiết kế xây dựng là một loại tài sản và cần được bảo vệ tính toàn vẹn. Bên cạnh đó, cần giám sát quyền tác giả của tác phẩm kiến trúc, cũng như tư vấn pháp lý liên quan đến các vấn đề về quản lý trật tự xây dựng, có như vậy thì vấn đề tác quyền mới được bảo vệ toàn vẹn…

Chuyện sao chép, nhân bản các công trình kiến trúc có giá trị không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, việc bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực kiến trúc là rất khó. Thực tế, trên thế giới đã có tiền lệ nhiều công trình kiến trúc sao chép bị đưa ra tòa án và yêu cầu trả tiền bản quyền hoặc bị phá dỡ. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa từng có một vụ tranh chấp về bản quyền kiến trúc. Nói như vậy, không phải vì ở ta không có hiện tượng sao chép, nhân bản các công trình kiến trúc, mà là do thiếu cơ sở pháp lý.

600_Chup_Anh_Luu_Niem

Ban tổ chức cùng các diễn giả, các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hiện nay với thời đại thông tin mở rộng, các công trình kiến trúc đẹp từ trong nước đến nước ngoài đều được trải dài mênh mông, chỉ cần cú nhấp thì tài liệu tha hồ tra cứu thì việc vi phạm bản quyền lại càng khó kiểm soát. Vì vậy, việc sao chép tác quyền sáng tác kiến trúc khó định lượng, luật sư, cơ quan hành pháp không có cơ sở và thiếu chuyên môn để giải quyết các vụ việc. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ của Hội đồng Kiến trúc sư đủ năng lực thẩm định.

Trong nền kinh tế thị trường tại Việt Nam, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, phạm vi không chỉ giới hạn trong nước mà là quốc tế. Việc bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ cần coi đồ án kiến trúc, công trình kiến trúc là những tác phẩm để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp bản quyền. Vì vậy Hội thảo kiến nghị, thứ nhất, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các chuyên gia đầu ngành kiến trúc, các kiến trúc sư đang hành nghề cần tổ chức các hội thảo khoa học để góp ý và đề xuất sửa đổi quy định pháp luật liên quan. Thứ hai, cơ quan chức năng giải quyết thủ tục hành chính liên quan cần có công cụ tra cứu để xác định vi phạm tác quyền.Thứ ba, nội dung vi phạm tác quyền sáng tác kiến trúc ngoài những cơ quan hành pháp cần phải có sự hỗ trợ của Hội đồng Kiến trúc sư đủ năng lực thẩm định.

Cửu Loan

 

 

 

 

 

 

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …