Sáng 26/11/2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi Hội thảo về “Quy hoạch phát triển các đô thị ven sông, ven biển và quản lý môi trường các đô thị – khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam”. Chủ trì Hội thảo Ông Nguyễn Khánh Toàn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Khánh Toàn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống đại bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn; Quảng Nam đã có sự bứt phá ngoạn mục, trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; công nghiệp, thương mại, du lịch và xây dựng chiếm 88%GDP, thu ngân sách, chỉ số PCI luôn nằm trong top 10 các tỉnh, thành phố.
Hiện nay, tính cả các đô thị đang thành lập thủ tục nâng loại đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam có 21 đô thị gồm: 01 đô thị loại II: Tam Kỳ; 01 đô thị loại III: Hội An; 02 đô thị loại IV: Điện Bàn, Núi Thành; và 17 đô thị loại V gồm: A Tiêng, P’Rao, Thạnh Mỹ, Trà My, Tắc Pỏ, Ái Nghĩa, Đông Phú, Tân An, Phú Thịnh, Nam Phước, Hà Lam, Khâm Đức, Tiên Kỳ, Trung Phước, Hương An, Duy Hải – Duy Nghĩa, Bình Minh.
Nhìn chung hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được đầu tư, phát triển theo đúng định hướng của tỉnh, quy mô và chất lượng đô thị được cải thiện ngày càng tốt hơn theo hướng hiện đại. Một số đô thị được xây dựng và phát triển theo hướng bền vững, có bản sắc riêng, đóng vai trò là các trung tâm động lực phát triển của Vùng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, bên cạnh những lợi thế so sánh và cơ hội của một tỉnh có nhiều thế mạnh, Quảng Nam cũng đang phải đối mặt với những hạn chế và thách thức như:
– Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với bình quân của cả nước. Động lực phát triển đô thị còn nhiều hạn chế và chưa có tính đột phá phát triển mạnh.
– Chiến lược phát triển đô thị dài hạn chưa khai thác hết thế mạnh và lợi thế của tỉnh với kinh tế biển, tiềm năng phát triển du lịch và cửa ngõ ra biển, cùng hành lang kinh tế Đông – Tây.
– Tính liên kết Vùng để cùng phát huy lợi thế cạnh tranh còn rất hạn chế. Việc đa dạng hoá và mở rộng các ngành trọng điểm của tỉnh chưa rõ nét.
– Phát triển đô thị Quảng Nam còn trong tình trạng thiếu điều phối và gắn kết nhất là trong phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Kết nối đô thị vùng yếu đang làm gia tăng khoảng cách phát triển kinh tế giữa vùng phía Đông và phía Tây của Quảng Nam. Việc phát triển đô thị vùng phía Tây của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn, thu hút đầu tư dẫn đến có sự chênh lệch trong phát triển, thành hai vùng rõ rệt của tỉnh Quảng Nam.
– Hiệu quả huy động vốn vào phát triển kinh tế địa phương vẫn còn thấp. Chính sách đất đai của Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập nhất là trong chuyển đổi đất đai nông nghiệp sang phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.
Quang cảnh Hội thảo
– Việc nâng cấp, đầu tư cho chiến lược du lịch văn hóa – sinh thái, chiến lược phát triển đô thị hiện đại, thông minh, các cụm sinh thái, hiện đại… chưa tương xứng làm giảm sự hấp dẫn và dẫn đến mất vị thế của tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
– Nguy cơ tiềm ẩn cho các đô thị ven biển, đó là việc quy hoạch chia lô ven biển làm hạn chế các không gian giao lưu cộng đồng, xây dựng đường giao thông sát bên biển có nguy cơ ngập lụt cao, phá vỡ các khu vực cây xanh phòng hộ…
– Thiếu sự gắn kết giữa các ngành công nghiệp của tỉnh, chưa tạo tính đột phá trong chuỗi giá trị kinh tế địa phương, cũng như triển vọng phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh.
– Quảng Nam cũng đang phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng với thời tiết cực đoan và dự báo khó lường. Sự mở rộng các đô thị, nạn phá rừng đầu nguồn, xây dựng các cơ sở hạ tầng dày đặc trong đó có các công trình thủy điện nhỏ đã góp phần làm tăng ngập úng tại các đô thị trong tỉnh. Đặc biệt là các khu kinh tế động lực của tỉnh nằm ở khu vực ven biển phía Bắc gồm: Đô thị Hội An và đô thị Vĩnh Điện đang bị ảnh hưởng dưới tác động tổ hợp của lũ và triều cường. Một phần các đô thị Tam Kỳ, Núi Thành và Tam Hoà ở khu vực ven biển phía Nam cũng đang bị tác động bởi nước biển dâng và xâm nhập mặn.
– Tính ổn định trong phát triển theo quy hoạch xây dựng được duyệt chưa cao. Quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đầu tư xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị chưa theo đúng quy hoạch được duyệt.
Từ những khó khăn, thách thức cùng những cơ hội đầy tiềm năng để phát triển bền vững. Hội thảo lần này là cơ hội giúp tỉnh Quảng Nam tìm kiếm các giải pháp để nâng cao chất lượng đô thị, xây dựng chương trình phát triển đô thị, kết nối đô thị với đô thị ven sông, ven biển, có bản sắc, theo định hướng phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới đô thị xanh, đô thị thông minh. Xây dựng mô hình phát triển bền vững trên cơ sở sử dụng không gian ven biển, phát huy tối đa chiến lược phát triển kinh tế biển, tổ chức không gian đảm bảo hài hòa và cân bằng sinh thái. Quy hoạch không gian khai thác kinh tế cảng biển, khu công nghiệp không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cộng đồng dân cư.
PV