Home / QUY HOẠCH / “Hệ thống BRT” Đà Nẵng cần phải “Chờ” lộ trình phát triển xã hội

“Hệ thống BRT” Đà Nẵng cần phải “Chờ” lộ trình phát triển xã hội

Năm 2012 Hội Cầu đường Đà Nẵng được mời tham dự Hội thảo dự án “Xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn cho TP. Đà Nẵng”. Do không có tài liệu, chủ dự án trình bày quá trình tóm tắt nên rất khó cho việc góp ý kiến.

Hiện nay dự án “Xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn cho TP. Đà Nẵng” đã đổi thành dự án “Hệ thống BRT”. Điều đó cho thấy mục tiêu của đề tài  đã có sự thay đổi rất lớn, do vậy tính bền vững của nó sẽ bị hạn chế rất nhiều. Nhân dịp này Hội Cầu đường Đà Nẵng cũng xin có 1 số ý kiến phản biện đối với mong muốn giúp cho Đà Nẵng luôn luôn phát triển đáp ứng được lòng tin yêu của người dân thành phố nói riêng và du khách đến với thành phố Đà Nẵng nói chung.

“Hệ thống BRT” Đà Nẵng cần phải “Chờ” lộ trình phát triển xã hội

1. Sự cần thiết phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn:

Đây là loại hình vận tải tiên tiến, đáp ứng tốt yêu cầu vận tải hành khách cho đô thị tương lai vì ngoài dịch vụ hoàn hảo do ra đời sau các phương thực vận tải hành khách truyền thống nên có nhiều cơ hội tiếp thu tiến bộ KHCN mới, mặt khác nó lại đảm bảo yêu cầu tốc độ cao và vận chuyển với khối lượng lớn nên đã đáp ứng rất tốt cho nhu cầu của thành phố Đà Nẵng khi đã phát triển cao trong tương lai.

Hiện nay quy hoạch của thành phố chưa xác định vị trí, quy mô, hình thức của tuyến vận tải tiên tiến này. Trong khi đó quy hoạch hạ tầng đô thị (trong đó có cả hạ tầng giao thông tuy chưa hoàn chỉnh nhưng gần như đã hoàn tất). Trong quá trình phát triển của thành phố sẽ không tránh khỏi việc xây dựng hệ thống này, nhưng quỹ đất lại không còn, dẫn đến việc lựa chọn phương án tối ưu là không thể. Vì vậy, ngay từ bây giờ nên đầu tư nghiên cứu hệ thống vận tải này để thành phố Đà Nẵng được phát triển bền vững trong tương lai là điều rất cần thiết và cấp bách.

2. Các nhược điểm của dự án hệ thống BRT:

2.1 Về thực chất hệ thống BRT cũng chỉ là hệ thống xe buýt được nâng cấp lên và hệ thống này vẫn bị khống chế bởi các yếu tố sau:

Xe buýt nhanh tuy được đi ở làn dành riêng, nhưng vẫn nằm trên trục đường otô như xe buýt thường (tức là vẫn phải giao cắt qua các nút giao thông như các phương tiện khác). Vì thế tốc độ bình quân xe buýt nhanh cũng chỉ nhanh hơn xe buýt thường khoảng 20–25km/h.

Số lượng hành khách trong xe buýt nhanh ( kể cả đứng ) cũng chỉ cao hơn xe khoảng 30 – 40 người/ xe.

Hạ tầng kỹ thuật của hệ thống xe buýt BRT có được là trên cơ sở lấy bớt hạ tầng giao thông của các phương tiện vận tải khác và có cải tạo, nâng cấp cho phù hợp.

2.2  Việc đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT khá tốn kém, nhưng dự án chưa xem xét các yếu tố ảnh hưởng bất lợi qua lại giữa dự án với thực tế và với các dự án khác. Cụ thể:

Về tâm lý người sử dụng phương tiện vận tải công cộng: Mặc dù xe buýt nhanh BRT có phương tiện chuyên chở đảm bảo thuận tiện, thoải mái cho hành khách khi lên xuống, ngồi trên xe. Tuy nhiên điều đó vẫn không phải là yếu tố thúc đẩy người dân thành phố bỏ các phương tiện giao thông cá nhân ( xe máy, ôtô con ) để đi xe buýt. Dự án đã không xét đến yếu tố tâm lý của người dân nên ngay cả khi một số tuyến đường đã quá tải thì xe buýt và cả xe buýt nhanh BRT vẫn không được phần lớn người dân thành phố lựa chọn. Với người dân thành phố có tâm lý sau giờ làm không đi thẳng về nhà ngay mà còn phải giao lưu bạn bè, đi đón con, đi mua sắm,… trong khi đó xe buýt lại không đáp ứng được những yêu cầu này nên không thể thu hút được họ đến với xe buýt. Thực tế hiện nay người dân đánh giá xe buýt thường không tồi, nhưng chỉ khi đi ra ngoài thành phố, đi xa họ mới sử dụng và các tuyến xe buýt hiện nay chỉ làm nhiệm vụ ngoại tỉnh là chủ yếu. Vì vậy việc đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT cũng sẽ không được người dân thành phố sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Về thực trạng giao thông ở thành phố: Cũng như các thành phố khác, thành phố Đà Nẵng tồn tại số lượng rất lớn xe 2 bánh với người điều khiển chưa có ý thức cao, việc chạy ẩu, chạy nhanh là điều khó tránh khỏi lại càng làm cho tình trạng giao thông qua nút hỗn loạn, thiếu an toàn, mất thời gian gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ di chuyển và sự an toàn của xe buýt nhanh.

Đối với hoạt động vận tải: Hệ thống xe buýt nhanh BRT phá vỡ khả nang lưu thông trong trước mắt cũng như tương lai đối với các phương tiện vận trên các trục đường mà xe buýt BRT chạy qua (khả năng thông xe bị giảm tối thiểu 33%, tối đa là 66% cho xe cơ giới). Bởi vì theo thiết kế quy mô mặt cắt ngang các trục đường, các công trình cầu lớn trong thành phố ( nhất là các trục chính) được xác định theo khả năng thông xe theo quy hoạch, trong đó không tính đến việc dành làn xe riêng cho bất kỳ phương tiện vận tải nào. Mặt khác tốc độ, khả năng lưu thông của các phương tiện vận tải chạy cắt qua hành lang tuyến xe buýt BRT sẽ bị giảm đi rất nhiều do: Đèn tín hiệu sẽ ưu tiên cho xe buýt; Tại các ngã 3, 4 trước đây không cần bố trí đèn tín hiệu nay đều có bố trí. Như vậy biết bao phương tiện vận tải bị kéo dài thêm thời gian chạy trên đường.

Đối với an toàn giao thông: Việc bố trí nhà chờ xe ở dải phân cách sẽ có nhiều bất lợi hơn trên vỉa hè do người qua lại giao cắt với xe cộ nhiều, ảnh hưởng đến vận tải và an toàn giao thông trong thành phố. Đặc biệt các tuyến đường, các công trình cầu qua sông Hàn hiện nay đã có sự quá tải thì khi dự án triển khai lại càng trở thành các điểm nóng về ATGT.

Đối với hoạt động dịch vụ, kinh doanh: Các tuyến đường quốc lộ đi qua thành phố như Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Hiến… hay những đường trung tâm, buôn bán sầm uất hai bên đường như Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương… bình thường giờ cao điểm đã quá tải, nay phải dành 33% mặt đường cho xe buýt nhanh thì không biết việc lưu thông trong ngày sẽ ra sao, nhất là khi có xe dừng đỗ lấy hay dỡ hàng. Như vậy toàn bộ tuyến vận tải nằm trên tuyến BRT và các đường ngang giao cắt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của hàng loạt các công ty, xí nghiệp nằm 2 bên đường và khu vực liên quan.

Đối với bộ máy quản lý: Do phát sinh thêm đèn điều khiển nên bộ máy quản lý, điều khiển sẽ rất phức tạp, tốn kém, không hiệu quả. Đặc biệt khi có xe cứu thương, cứu hỏa thì hệ thống đèn điều khiển có nhận biết được hay không?. Việc điều khiển đèn tín hiệu phụ thuộc vào xe buýt BRT đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lưu thông của các phương tiện vận tải khác do tốc độ di chuyển không tương thích…

Đối với các dự án giao thông khác: Dự án chưa có sự so sánh với các phương án vận tải hành khách công cộng trên cao hay đi ngầm dưới lòng đất để lựa chọn phương án tối ưu. Mặt khác cũng chưa xét tới sự kết nối với các hệ thống này.

Qua một số nội dung tồn tại đã nêu ở trên cho thấy việc đầu tư dự án xe buýt nhanh BRT rất tồn kinh phí nhưng chỉ giải quyết cho chiếc xe buýt chạy sẽ không được người dân thành phố hưởng ứng, nhưng đồng thời lại làm thiệt hại rất lớn cho hoạt động vận tải của thành phố, hoạt động kinh doanh của rất nhiều đơn vị thì có nên đánh đổi hay không là việc cần nên xem xét thấu đáo khi thành phố thực hiện dự án.

3. Kiến nghị:

Trong giai đoạn phát triển quá độ, thành phố trước mắt cần nâng cấp hệ thống xe buýt thường để tạo sự thoải mái, an toàn cho người dân khi đi xe.

Cần quy hoạch sớm tuyến xe vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn để đến khi có nhu cầu sẽ có ngay mặt bằng triển khai, không chống chéo, giẫm đạp lên các dự án khác.

Cần kết nối toàn bộ hệ thống giao thông trong thành phố thành mạng lưới đồng bộ, hoàn hảo, phát triển bền vững cho tương lai của thành phố Đà Nẵng. Tạo tiền đề tốt cho việc xây dựng hệ thống vận tải công cộng, tiên tiến để thu hút người dân tự nguyện tham gia.

Có giải pháp dần dần hướng người dân hạn chế sử dụng xe 2 bánh và thu hút họ sử dụng các phương tiện vận tải công cộng bằng cách tìm hiểu tâm lý và đáp ứng  tốt nhu cầu hàng ngày khi lưu thông của người dân thành phố.

4. Kết luận:

Hiện nay Nhà nước đã ban hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng, rất mong UBMTTQ thành phố Đà Nẵng có ý kiến với UBNDTP để có quyết định đúng đắn trước khi quá muộn nhằm tránh những lãng phí lớn về kinh phí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải, kinh doanh trong thành phố.

Hội Cầu đường TP. Đà Nẵng

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *