Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / Hệ sinh thái các dòng sông dưới tác động của con người

Hệ sinh thái các dòng sông dưới tác động của con người

Các dòng sông gắn bó với con người từ bao nhiêu năm nay và con người đã từng bước chinh phục dòng sông. Nhìn chung, công cuộc chinh phục đó đã đạt được những thành tựu đáng kể đem lại cho loài người sự phồn vinh. Nhưng phải chăng mọi việc con người đã và đang làm đều là hợp lý và tốt đẹp?

Cách đây 4400 năm, hai thành phố Umma và Lagas của quốc gia Opherat và Tiger đào riêng một sông đào dẫn nước sông Tiger về và tai họa đã đến: con sông đem thêm quá nhiều nước cho đồng ruộng, ngấm vào lòng đất tới tận những mạch nước mặn dưới sâu và làm cho chúng dâng lên trên mặt đất. Những cánh đồng trù phú của miền Lưỡng Hà dần biến thành sa mạc và quốc gia Sume bị xóa tên trên mặt đất.

…Từ 1817 cho đến 1854 hàng ngàn người đã tham gia chinh phục sông Rine, nắm lại dòng chảy và vụ mùa đầu tiên bội thu trên những cánh đồng thoát khỏi ngập úng. Người ta tưởng rằng từ nay sông Rine không còn có thể đe dọa con người mỗi khi mùa xuân tới. Nhưng vui mừng ấy là quá sớm, do bị nắn thẳng, tốc độ dòng chảy tăng nhanh, lòng sông hẹp cho nên đáy sông bị bào mòn nhanh chóng. Chẳng bao lâu mực nước ngầm đã hạ thấp hẳn đi, các giếng nước khô cạn, cây cối thiếu nước, rồi nước sông chảy xiết khiến tốc độ chảy của các suối, lạch cũng tăng đất đai trong các thung lũng và các vùng lân cận bị bào mòn…những đồng cỏ xanh tốt thì bây giờ chỉ toàn một thứ cây bụi khô cằn.

…Hay như ở Việt Nam với công trình đê điều chống lũ lụt từ ngàn đời nay, nhưng cũng có những nghi ngờ về việc đắp đê chưa hẳn là biện pháp trị thủy tốt nhất. Do những đặc điểm về địa hình, khí hậu, lượng phù sa…phải chăng do việc đắp đê mà lòng sông Hồng càng ngày càng bồi cao hơn bề mặt đồng bằng?

Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1986 toàn thế giới đã xây dựng được 36240 đập lớn, trong đó gần một nữa số này được xây dựng tại Trung Quốc. Đập cũng như hồ nước đã gây nên những tranh cãi rất quyết liệt về môi trường, nhưng chúng lại vô cùng quan trọng nếu như được tận dụng một cách hợp lý. Phần lớn nước được dùng để tưới trong nông nghiệp, trong sản xuất năng lượng sạch phù hợp với môi trường thủy điện. Thế nhưng việc xây dựng cũng gây ra những đảo lộn tình hình như: di dân, tổn hại cho nghề cá và giao thông vận tải thủy, bệnh đường nước, phương hại với nông dân và ngư dân ở hạ lưu…

Xây dựng đập hủy hoại các hệ sinh thái sông:

Trong lúc những vấn đề nan giải về môi trường toàn cầu như rừng toàn cầu bị phá hoại, các nguồn cá đại dương bị suy thoái, đang là những chủ để rất được quan tâm trong các cuộc thảo luận thì các hệ sinh thái sông nước của thế giới đang bị hủy hoại ngày càng mạnh mẽ, lại bị lãng quên hoàn toàn. Sự suy giảm sức khỏe của hầu hết các hệ sinh thái sông quan trọng của thế giới là yếu tố cơ bản của các triệu chứng quan trọng nhất trong cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu, từ sự phá sản của nghànhngư nghiệp duyên hải đến tốc độ lan rộng các bệnh đường nước; từ những thiên tai lụt lội tồi tệ đến sự xuống cấp trong việc cung cấp nước uống; từ các bờ biển bị xói mòn đến các vùng đất ngập nước bị mất; từ các loài cá heo sông bị tuyệt chủng đến tình trạng ô nhiễm nặng các cửa sông.

Thực vậy, tính toàn vẹn các dòng sông của chúng ta đã bị lãng quên đến nỗi chúng ta có rất ít dữ liệu về quy mô và tốc độ các dòng sông bị suy thoái. Dynesins và Nilsson đã chứng minh rằng 77% hệ thống sông lớn thuộc một phần ba phía Bắc của thế giới hoặc bị tác hại nghiêm trọng hoặc ở mức độ vừa phải do những thay đổi về chế độ thủy văn.

Những tác động của các đập lớn

Các hệ sinh thái sông có thể bị hủy hoại do những can thiệp của con người như ô nhiễm, lưu vực sông bị hủy hoại và xây dựng các hệ thống kênh mương. Tuy nhiên, các đập lớn gây ra tác động trực tiếp và nhanh nhất. Chúng gây ra những biến đổi lớn về dòng chảy, thay đổi tính chất của các dòng sông này, như sông Nile hoặc sông Indus.

Nhiều năm qua, các nhà khoa học đã quan trắc những tác động của các đập và các con đê cao đối với sinh thái của các dòng sông, bờ sông và cửa sông. Họ cho rằng những thay đổi quan trọng các dòng chảy sẽ ảnh hưởng tai hại đến hầu hết các mặt khác của hệ vật lý mà cả còn người và sinh vật phụ thuộc vào đó, kể cả hình thái dòng sông, chất lượng nước, vận chuyển dưỡng chất và huy động lực học cửa sông. Những thay đổi này còn ảnh hưởng tới tình trạng xói mòn bờ sông, mực nước ngầm, xóa mòn bờ biển, đỉnh lũ, nhiễm mặn đất và nhiệt độ nước đã thống kê thành danh mục các tác động tăng thêm hàng năm. Mặc dù, kỹ thuật xây dựng đập đã được ứng dụng từ lâu đời, song thực tế chỉ 100 năm gần đây, chủ yếu là 50 năm gần đây, công nghệ đã làm cho loài người tạo ra rất nhiều kết cấu công trình đập gây ra những tác động với các dòng sông của chúng ta.

Hoa kỳ là nước đầu tiên xây dựng đập lớn và cũng là nước đầu tiên chịu đựng những vấn đề nan giải phát sinh, vì vậy ngày nay đã phải ngừng xây dựng đập ở một vài sông. Trên những dòng sông xây đập lớn quần thể cá Hồi giảm sút đến mức nghiêm trọng. Công trình kỹ thuật sông còn là nguyên nhân chính gây ra những tác hại đối với hệ sinh thái sông: biến đổi nơi cư trú tự nhiên, lòng sông và bờ sông, chẳng hạn ở Bắc Mỹ hệ động vật nước ngọt suy giảm tới 93% do bị ảnh hưởng liên can.

Ở nhiều nước đang phát triển do sự kết hợp không đúng giữa các dự án lớn về công trình nước với phát triển kinh tế, vẫn tiếp tục nhập khẩu công nghệ công trình sông lỗi thời. Hàng năm trên thế giới có khoảng 1200 đập cao hơn 15m được xây dựng.

Một chương trình xây dựng 6 đập thủy điện chính trên sông Mekong, là dòng sông chính đa dạng sinh học được coi là đứng thứ 2 sau Amazon, hỗ trợ nghề cá và thoát lũ cho đại đa số dân Campuchia.

Một kế hoạch xây dựng một kênh vận tải thủy Hidrovia, dài 3400km từ thượng lưu sông Paraguay và parana, vào vùng Patanal rộng 200.000km2, một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới.

Xây dựng đập Tam Hiệp, đây là dự án thủy nông lớn nhất thế giới, qua sông Dương Tử, phải di chuyển chỗ ở cho hơn 1,2 triệu dân và làm biến đổi hoàn toàn hệ thống sông. Dự án đập Bakam ở Sarawak (Malaysia) cao 210m, di chuyển 8000 dân, làm ngập 695km2 (rộng hơn Singapore) phá 80.000 ha rừng, phần lớn là rừng ẩm nguyên sinh. Ở Nepal với dự án Arun III – được WB tài trợ 760 triệu USD – tuy chỉ ngập 43ha đất nhưng sẽ mở 122km đường vào khu vực rộng 40.000 km2 ở thung lũng Arun – nơi hoang dã từ cổ xưa và có 450.000 thổ dân sinh sống. Đập Caraba trên sông Zambezer xây dựng xong khiến 50.000 dân da đen phải di cư và 5000 km2 đất trồng phì nhiêu chìm dưới mặt nước. Còn đập Guverov chắn ngang sông Colorado ở Bắc Mỹ tạo ra hồ Mit dẫn đến hệ quả hết sức bất ngờ, hồ nước đè lên lớp vỏ trái đất một trọng lượng 12.000 triệu tấn nước làm vùng 50km2 bị võng xuống trung bình 13cm/ 6 năm và vùng này thường xuyên xảy ra động đất, mới đầu các nhà địa chất còn không tin ở các số liệu về động đất tại hồ Mit nhưng rồi phải tin vì tại các vùng hồ nhân tạo lớn tại Châu Âu, Á và Phi đều xảy ra hiện tượng đó.

Những dự án này, cũng như nhiều dự án khác đã và sẽ gây ra những tác động dài hạn và tàn khốc đối với hệ sinh thái sông những tác động này kèm theo la những khoản chi phí kinh tế – xã hội trực tiếp. Song những người ủng hộ đã phớt lờ hoặc bỏ quên những vấn đề này. Một báo cáo điều tra gần đây của WB về các dự án xây dựng đập thủy điện cho biết rằng 59% số đập đã duyệt và đã xây dựng thậm chí không có lấy một cân nhắc đơn giản nhất về các tác động hạ lưu ngay cả khi có thể dự đoán được nguyên nhân gây ra tác động xói mòn và ô nhiễm bờ biển một cách nặng nề. Một vài thập kỷ tới, nếu không thay đổi chính sách một cách nhanh chóng thì mỗi hệ thống sông quan trọng như Amur, Dương Tử, Mekong, Salween và Amazon sẽ lại bị suy thoái và tàn lụi, như các sông Colorado, Nile, Columbia, Indus và Parana đã xảy ra trong vòng 50 năm vừa qua.

Đời sống vật chất và văn hóa của nhiều cộng đồng trên thế giới gắn bó chặt chẽ với tài nguyên chung cần phải gìn giữ, đó là hệ sinh thái sông lành mạnh. Cuộc đấu tranh của các cộng đồng này nhằm ngăn chặn xây dựng đập sông đã trở thành bộ phận của phong trào quốc tế, ảnh hưởng của họ nhằm bảo vệ các hệ sinh thái sông toàn cầu còn mạnh hơn các báo cáo của các chuyên gia và nghị quyết hội nghị nổi tiếng của LHQ. Đứng trước thách thức tư tưởng lỗi thời về phát triển công trình sông, những người dân ở các thung lũng đang đi tiên phong, đưa ra những ý tưởng mới để quản lý các dòng sông của họ, bảo vệ hệ sinh thái ở đây cho các hệ tương lai. Trong cuộc đấu tranh này sẽ không thể hiểu biết tường tận về nó cũng như mối quan hệ với các thành phần khác của tự nhiên; không thể nhìn thấy hiện tại mà quên mất tương lai; không thể hành động vội vã khi chưa lường hết mọi hậu quả.

Nguyễn Công Luận
ĐTPT số 11/2008

Check Also

Cover Mot nam nhin lai covid_0

VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TA ĐI TỚI

Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so …