Home / QUY HOẠCH / Giàu nghèo ở Miền Trung

Giàu nghèo ở Miền Trung

Tôi không phải là nhà kinh tế, song vừa qua có nhiều thời gian công tác ở miền Trung, và có một số suy nghĩ về phát triển kinh tế miền Trung. Sau đây xin mạnh dạn xin một đôi ý kiến, mong được trao đổi.

Khi nghĩ về phát triển ở miền Trung nói chung, cũng như phát triển kinh tế ở miền Trung, hẳn trước hết cần nghĩ đến những đặc điểm của khu vực này, ít nhất là so với phía Nam và phía Bắc.
Giàu nghèo ở Miền TrungNói đến miền Trung, thường người ta nghĩ ngay đến một vùng đất nghèo, nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, và thực tế hiện nay cũng đang là vùng nghèo, so với hai đầu của đất nước. Cho nên có lẽ điều đầu tiên đặt ra là: có thật miền Trung nghèo, như một định mệnh, do không được thiên nhiên ưu đãi bằng hai vùng kia, bao giờ cũng nghèo, nghèo nhất nước? Và từ đó còn một câu hỏi nữa, có thể còn có ý nghĩa chung và quan trọng hơn: thế nào là một vùng đất giàu, hay nghèo? Tiêu chí gì? Tài nguyên chăng? Như chúng ta đều biết ngày nay nhiều nước rất giàu mà hầu như hoàn toàn không có gì đáng kể về tài nguyên: Nhật Bản, Singapore, Đài Loan…, vậy tại sao miền Trung bị coi là nghèo, và đến nay vẫn nghèo?

Có phải miền Trung xưa nay vẫn nghèo, như một thứ “số kiếp” vậy? Thực ra đã từng có thời kỳ hoàn toàn ngược lại, từng có thời kỳ Miền Trung là vùng giàu nhất nước, thậm chí là trung tâm kinh tế và phát triển của đất nước, đóng vai trò lớn đối với sự phát triển, không chỉ về kinh tế, mà cả đối với vận mệnh lâu dài của dân tộc. Đó là thời các chúa Nguyễn ( thế kỷ 17-18), thời kỳ Đàng Trong. Lúc bấy giờ vùng đất Chân Lạp (Nam Bộ) còn chưa được chinh phục hoàn toàn, nên Đàng Trong chủ yếu gồm khu vực ta gọi là miền Trung ngày nay. Khi tiến vào và đứng chân, xây dựng cơ đồ ở miền Trung, các chúa Nguyễn đã có cái nhìn mới mẻ, thoát khỏi tư duy kinh tế và xã hội truyền thống, thậm chí có thể gọi là một cái nhìn có tính “cách mạng” đối với vùng đất này: họ tìm thấy chỗ mạnh đặc biệt, độc đáo của vùng đất này, không phải ở tài nguyên, mà là ở vị trí của nó trong thế trận kinh tế xã hội chung cả nước, và trong thế trận kinh tế toàn cầu. Đây là thời kỳ chủ nghĩa tư bản phương Tây đổ xô đi tìm thị trường ở phương Đông, gây ra cái có thể gọi là “cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất” . Biển Đông rộn rịp thương thuyền quốc tế. Chính trong điều kiện đó nổ bật lên vị trí của miền Trung nằm đúng trên đường trung chuyển quốc tế Đông Tây. Có thể nói công lao lớn của các chúa Nguyễn là đã sáng suốt nhận ra được điều đó và tận dụng nó cho sự phát triển của mình. Đó là cái nhìn mở rất đặc sắc. Cụ thể là dứt khoát từ bỏ phương thức kinh tế thuần nông truyền thống vốn mang từ Bắc vào, thực hiện một cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, để đối mặt với thách thức và tận dụng tối đa lợi thế đặc biệt do “toàn cầu hóa” mang lại: thiết lập một cơ cấu kinh tế lấy thương nghiệp, chủ yếu là ngoại thương, làm chính; với Hội An là trung tâm, biến đổi Hội An nguyên là một cái bến thuyền nghèo, trở thành điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng Đông Tây. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tài tình này không chỉ làm cho miền Trung, trong một thời gian rất ngắn, trở thành vùng đất phồn vinh nhất nước, mà còn tạo nên một động lực lịch sử kỳ lạ: nếu từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân dân tộc ta đã phải đi mất 600 năm, thì hoàn chỉnh giang sơn từ đèo Hải Vân đến Cà Mau, Hà Tiên cha ông ta chỉ phải mất có 200 năm, lại chủ yếu không phải dùng bạo lực. miền Trung, việc xác định và sáng suốt thực hiện một chiến lược kinh tế miền Trung đúng đắn đã tạo nên sức mạnh không chỉ cho miền Trung, mà cho cả đất nước như thế…

miền Trung đã rơi trở lại vào nghèo khốn với tự nhiên khô cằn của mình, là khi từ các chúa Nguyễn chuyển sang vua Nguyễn, u mê đóng cửa, quay lại với thuần nông… (Xem Christopho Bori, Li Tana, Cao Tự Thanh …)

Tất nhiên điều kiện lịch sử ngày nay không hoàn toàn giống với thế kỷ 17-18, nhưng cũng có thể có những tương đồng quan trọng, gợi cho chúng ta suy nghĩ lại về thế mạnh, yếu đặc trưng và con đường phát triển của miền Trung: nên quan niệm như thế nào đây về Công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở miền Trung trong thời kỳ toàn cầu hóa mạnh mẽ ngày nay?

Chỉ cần nhìn lướt qua, có lẽ cũng đã có thể nhận ra một số nét đáng chú ý trong phát triển ở miền Trung hiện nay:

Khác với Nam Bộ hay Bắc Bộ, ở miền Trung không có một trung tâm hội tụ và chi phối, như kiểu Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, mà trải dài thành một chuỗi sàn đồng đều.

Trong điều kiện như vậy, một ý đồ quy hoạch chung cho cả vùng của Trung ương có vai trò rất quan trọng để kết nối cả chuỗi đó lại thành một vùng kinh tế hoàn chỉnh, phát huy được chỗ mạnh đặc trưng, tạo ra “bản sắc” riêng của vùng, tạo chỗ đứng đúng đắn và xứng đáng trong thế trận kinh tế chung cả nước. Vấn đề của Miền Trung hiện nay có lẽ chính là ơ chỗ thiếu hẳn một quy hoạch chung như vậy, mạnh ai nấy làm, không có sự liên kết, phối hợp nào với nhau, không những không hỗ trợ được với nhau để tạo nên sức mạnh chung, mà chồng lấn lên nhau, thậm chí còn có thể phá hoại, triệt tiêu lẫn nhau. Những vấn đề nêu ra trong dự thảo nội dung hội thảo, như: Phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực này như thế nào? Có lạm phát cảng biển (và có thể sắp đến cả sân bay) ở vùng này không? Đã hình thành mạng cơ sở hạ tầng ở khu vực này chưa? Phát triển tổng thể vùng và phát triển từng tỉnh, thành phố trong khu vực như thế nào? Sự chia cắt và phân mảnh nhìn từ góc độ văn hóa v.v… đều nằm trong câu hỏi chung này.

Từ nhận thức không xác định về ưu thế của một vùng đất, cách hiểu máy móc về công nghiệp hóa- hiện đại hóa, chúng ta đã có ý định tác động vào Miền Trung – được coi là vùng nghèo khó “ có tính truyền thống”- bằng cách đưa vào một nhân tố công nghiệp mũi nhọn nhằm giúp “ vực” cả vùng lên – cụ thể là xây dựng khu hóa dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi, cho rằng một khu công nghiệp hiện đại như vậy đặt vào giữa vùng này tất sẽ kéo cả vùng lên…Dường như thời gian đã bước đầu cho thấy điều chờ đợi đó đã không diễn ra, và có nhiều dấu hiệu thậm chí có thể đang có hậu quả ngược lại. Như nhiều người đã nhiều lần liên tiếng, đây là một quyết định gượng ép, một quyết định chính trị hơn là kinh tế (đúng ra thì rốt cuộc cũng sẽ không lợi gì về chính trị). Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các đối tác quốc tế định vào hóa dầu ở Dung Quất cuối cùng đều bỏ đi hết. Hóa dầu Dung Quất lung túng, bỏ thương vượng tội, được tiếp tục một cách gượng gạo, và từ Dung Quất hóa dầu đã lỡ, Quãng Ngãi tiếp tục tự biến mình thành một tỉnh công nghiệp nặng ( với công nghiệp đóng tàu, thép v.v…).

Bàn về chiến lược phát triển kinh tế Miền Trung, đã đến cần nhìn thẳng vào vấn đề Dung Quất, còn tránh né thì sẽ rất khó nói cho đúng và cặn kẽ, sẽ tiếp tục lúc sâu hơn vào lúng túng, lẩm quẩn. Dung Quất và một Quảng Ngãi quyết đi vào công nghiệp nặng có nguy cơ phá vỡ toàn bộ quy hoạch phát triển cả trước mắt lẫn lâu dài của miền Trung. Tuy nhiên cũng sẽ ảnh hưởng đến không nhỏ đến cả nước.

Thế mạnh đặc trưng của miền Trung có thể nằm chủ yếu ở hai điểm:

  • Miền Trung có hàng nghìn km bãi biển tuyệt đẹp, không chỉ trong nước không nơi nào bằng, mà trên thế giới cũng không nhiều. Đây là khu vực lý tưởng để phát triển du lịch. Du lịch đang là thế mạnh của nước ta, với thiên độc đáo , lịch sử sâu đậm, văn hóa đa dạng, và nhất là chính trị xã hội ổn định. Thế mạnh đó thể hiện tập trung ở miền Trung. Miền Trung là đất vàng cho du lịch. Cần thiết và hoàn toàn có thể biến miền Trung thành một vùng trọng điểm du lịch liên hoàn, một thương hiệu du lịch tầm cỡ thế giới, đầy đủ khả năng cạnh tranh thắng lợi với các điểm du lịch nổi tiếng hiện nay ở Đông Nam Á và châu Á.
  • Dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang du lịch ( và dịch vụ) cũng thuận lợi và nhẹ nhàng hơn chuyển sang công nghiệp nặng (Quảng Nam đã có tính toán: một hecta đất nông nghiệp chỉ sử dụng 4 lao động, trong khi làm du lịch cấp cao sẽ sử dụng 40-50 lao động).

Như chúng ta đều biết, công nghiệp nặng mâu thuẫn gay gắt với du lịch. Đặt một điểm công nghiêp nặng vào giữa khu vực này chắc chắn sẽ phá vỡ thế mạnh đặc trưng của cả vùng, thậm chí có thể triệt tiêu mất thế mạnh đó. Một tính toán như vậy không thể coi là đúng đắn, mà còn nguy hiểm.

Một ưu thế đặc trưng khác của miền Trung là ở vị trí trung chuyển quốc tế của nó. Cách đây 300 năm các chúa Nguyễn đã sáng suốt nhận ra và tận dụng điều này tạo nên sức mạnh cho mình và cho sự phát triển của đất nước. Nhà nghiên cứu Li Tana có nhận xét: một trong những đặc điểm quan trọng của Hội An thời bấy giờ là ở đấy người ta nhập hàng hóa vào rồi xuất đi, tức Hội An đã thực sự trở thành không chỉ là một thương cảng nhập khẩu hay xuất khẩu mà còn là một thương cảng trung chuyển quốc tế. Và người Hội An bấy giờ sống chủ yếu bằng dịch vụ, tức một phương thức sống rất hiện đại. Ngày nay, trong những điều kiện mới, thế mạnh đó tăng lên chứ không giảm đi.

Cần quan niệm lại đúng đắn hơn về khái niệm công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Phát triển dịch vụ cao chính là công nghiệp hóa hiệu quả hơn cả, chứ không phải chỉ đi làm nhà máy công nghiệp nặng.

Như vậy miền Trung không phải là vùng đất nghèo khó một cách định mệnh. Nghèo hay giàu, khó khăn hay phồn thịnh, là vùng lạc hậu nhất hay tiên tiến nhất của đất nước, là tùy ở cách ứng xử của ta đối với vùng đất này, xuất phát từ một cách nghĩ, cách nhìn và từ đó những chủ trưng đúng đắn và kịp thời.

Miền Trung là đất vàng của những thời kỳ mở, lịch sử đã chứng minh điều đó. Ngày nay hoàn toàn có thể trở lại thời phồn thịnh đó ở miền Trung.

Nguyên Ngọc

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *