Thực tế cho thấy giải pháp quy hoạch đô thị kiểu phân khu chức năng, phân định “rạch ròi” các chức năng đô thị đã bộc lộ một số bất cập, việc mở rộng không gian đô thị (cả chiều rộng lẫn chiều cao) đồng nghĩa với việc làm tăng khoảng cách kết nối, hoạt động đô thị bị phân tán phát sinh nhu cầu đi lại khiến tổ chức giao thông luôn là bài toán nan giải cho các đô thị lớn. Trong khi tài nguyên thiên nhiên dành cho phát triển đô thị (đất, nước, không gian xanh,…) đã trở nên khan hiếm, năng lượng có nguồn gốc từ dầu mỏ đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, môi trường ngày càng ô nhiễm và nhu cầu cuộc sống luôn đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quy hoạch và quản lý đô thị: Phát triển đô thị tạo động lực tăng trưởng kinh tế cùng với nhiệm vụ bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, xu hướng tổ chức khu trung tâm đô thị ngày càng nhiều công trình, không gian kiến trúc hoành tráng nhưng ngược lại là sự thiếu vắng các hoạt động giao tiếp xã hội vốn rất cần thiết cho cuộc sống hiện đại. Với những vấn đề nêu trên, tôi xin tham gia một số ý kiến nhằm giúp chúng ta có thêm một cách tiếp cận trong tổ chức các khu trung tâm, không gian công cộng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sống đô thị.
1. Quy hoạch khu trung tâm, kết hợp giải pháp tập hợp và phân tán
Có quan điểm cho rằng, khu trung tâm đô thị phải là một tổ hợp không gian lớn, tập hợp nhiều công trình có quy mô và hình thức đặc biệt, tạo sức hút về mặt thị giác cũng như độ nén nhất định về mặt không gian và công năng. Tuy nhiên, việc đặt tầm quan trọng vào vấn đề tập hợp không có nghĩa là phải cố gắng tập hợp trong mọi hoàn cảnh, kiểu như phải hình thành những trung tâm có quy mô lớn với các khu chức năng đơn lẻ (trung tâm hội nghị, làng đại học, khu công nghiệp, trung tâm thương mại triển lãm,…). Giải pháp này mặc dù phù hợp với thời đại công nghiệp, chuyên môn hóa cao nhưng ngược lại là sự đơn điệu về không gian, cự ly kết nối quá lớn đồng nghĩa với việc làm tăng thời gian đi lại. Đáng nói hơn ở đây là sự lãng phí khi một số chức năng khu trung tâm có hiệu suất khai thác không cao, đôi khi chỉ sử dụng vào những thời điểm nhất định gắn với sự kiện, còn lại là khoảng trống không gian do thiếu vắng hoạt động đô thị. Sự tập trung quá mức các tòa nhà cao tầng như ta thấy ở khu trung tâm của các thành phố hiện đại là ví dụ minh họa của sự tập trung là bất lợi khi con người cảm thấy lạc lõng trước không gian quá to lớn, tâm trạng bất an khi nguy cơ mất an toàn rất cao hay vấn đề an ninh luôn rình rập. Một phần nữa vì những quy hoạch giáo điều đã hướng tới sự hình thành các khu đô thị “ngủ” hay các điểm “đen” đô thị (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) do các khu văn phòng ngoài giờ làm việc và tệ hơn là các khu công nghiệp chỉ chú trọng yếu tố sản xuất trong khi đó quy hoạch thiếu vắng tiện ích tối thiểu cho công nhân (nhà ở, công trình giáo dục, chợ, công viên,…). Do đó, đôi khi sự phân tán các chức năng, khu trung tâm đô thị là tập hợp các công trình công cộng đơn lẻ nằm rải rác xen lẫn trong các công trình nhà ở trong bối cảnh đô thị đan xen giữa cũ và mới, giữa những lô đất nhỏ và con đường lớn cũng là sự lựa chọn cần thiết. Xu hướng quy hoạch đô thị đang hướng đến các không gian đa năng, sử dụng đất đai kiểu hỗn hợp, kiến trúc xanh gắn với giao thông xanh trong đó kết nối bằng phương thức đi bộ là sự lựa chọn tối ưu, hoạt động giao tiếp trở thành nhu cầu cần thiết khi cuộc sống quá nhiều áp lực do mặt trái của thời đại công nghệ 4.0 tạo ra.
2. Tổ chức không gian công cộng, tạo sức hút và chú trọng hoạt động giao tiếp
Ở bất cứ xã hội nào, dù cổ sơ hay hiện đại, giao tiếp trực tiếp giữa con người với nhau bao giờ cũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội. Mặc khác, với tư cách là một sinh vật xã hội, con người bao giờ cũng cần phải hợp tác với người khác và cũng có thiên hướng hợp tác với người khác. Các nghiên cứu xã hội học cho thấy, ở các xã hội hiện đại, khi con người ngày càng khẳng định “cái tôi” và cá tính của mình, thì họ càng cảm thấy cô đơn và càng có nhu cầu giao tiếp, giao lưu trực tiếp với người khác, càng có nhu cầu tìm sự bù đắp ở cộng đồng. Thực tế cho thấy xu hướng tổ chức không gian cảnh quan đô thị ngày càng nhiều nhà cao tầng, nhiều con đường 6 – 8 làn xe và nhiều quảng trường có sức chứa hàng vạn người với mong muốn tạo ra sự hoành tráng cho đô thị. Tuy nhiên, với kiểu không gian bị pha loãng và lan rộng như thế hoàn toàn trống vắng hoạt động giao tiếp xã hội. Các hoạt động riêng tư và công cộng bị phân tán vì không gian có kích thước quá lớn, khó hình thành các không gian giao tiếp – điều kiện để con người tìm đến với nhau, bộc lộ mối quan hệ giữa họ với nhau, đồng thời cùng nhau thỏa mãn những nhu cầu xã hội. Đường dành cho giao thông không thiếu nhưng không gian dành cho người đi bộ thì hạn chế, sự kết nối không gian bị ngăn cản do sự mất an toàn khi băng qua con đường quá rộng và xe lưu thông tốc độ quá nhanh, người dân không thể thiết lập những hoạt động thân tình và sử dụng kém hiệu quả các dịch vụ đô thị. Trong lịch sử phát triển đô thị, các đường phố và quảng trường có kích thước phù hợp với nhân trắc học từng là yếu tố cơ bản tạo nên sức sống cho đô thị (đô thị châu Âu thời trung cổ; Hội An, Huế hay 36 phố phường của Hà Nội). Đường phố dựa trên mô hình tuyến tính theo sự vận động của con người và quảng trường dựa trên cơ sở khả năng của mắt có thể quan sát một khu vực, tai có thể nghe các âm thanh và mũi có thể phân biệt được các cửa hàng dọc phố. Giải pháp tổ chức không gian kiến trúc có thể tạo sức hút và tăng cường giao tiếp xã hội nhờ xác định kích thước của đường phố và quảng trường một cách cẩn trọng trong mối quan hệ với tầm nhìn, tương quan nhân trắc học và số người sử dụng không gian, cụ thể như sau:
– Về quy hoạch: Đó là việc lựa chọn địa điểm quy hoạch, tiết kiệm diện tích xây dựng do tăng mật độ và chọn cấu trúc xây dựng, tạo nhiều khoảng xanh và can thiệp ít nhất vào thiên nhiên, là việc gìn giữ mặt nước và tổ chức không gian trống hai bên, là việc gìn giữ và bảo vệ nguồn nước ngầm,… Là một thành phố môi trường, việc tiết kiệm đất tạo mảng xanh cần phải đề ra và đặc biệt trong điều kiện đất đai quý hiếm ở Đà Nẵng. Kiểu bố cục tập trung xung quanh một quảng trường hay sân tập trung truyền thống nên được chú trọng. Cường độ của sự trải nghiệm cũng tăng lên khi kích thước giảm. Ở không gian nhỏ bao giờ cũng thú vị hơn vì có thể nhìn thấy cả tổng thể và cả chi tiết, tìm ra một quán cà phê nhờ nghe rõ âm thanh phát ra hay nhận biết một cửa hàng ăn uống khi ngửi được mùi vị món ăn đặc trưng lan tỏa. Bán kính hoạt động thông thường cho đa số người đi bộ nằm trong giới hạn 400 – 500m cho một chuyến đi, khả năng gặp những người khác và tiến trình của sự kiện giới hạn cự li trong khoảng 20 đến 100m tùy thuộc vào những gì sẽ được trông thấy.
– Về kiến trúc, xây dựng: Đó là việc xác định giới hạn hợp lý của khu đất, là tận dụng những đặc điểm khí hậu của vùng xây dựng, là việc bố trí các hướng công trình. Hướng của công trình được xác định do điều kiện khí hậu. Ở Đà Nẵng, hướng của nhà xuất phát từ điều kiện che nắng và thông gió để đón gió mát về mùa hè và che gió bão lạnh về mùa đông. Hướng nhà phù hợp nhất nằm trong giới hạn 45 độ từ hướng Nam đến Đông Nam. Trong cả quần thể có thể dùng những công trình cao tầng ở chu vi để che gió lạnh về mùa đông cho toàn khu. Những giải pháp được đề xuất là chọn cấu trúc xây dựng hợp lý, tạo sự liên kết về sinh học giữa không gian xã hội và sinh học cũng như chọn giải pháp cụ thể trong thiết kế nhà bằng những vật liệu sinh thái và quan trọng nhất là tổ chức cây xanh.
– Về giao thông: Đó là những giải pháp cụ thể để chọn phương tiện giao thông hợp lý, phân vùng giao thông, tổ chức bề mặt giao thông, bề mặt của những con đường, giảm thiểu tối đa những bề mặt bê tông thay vào đó là những bề mặt lát. Bề rộng trung bình của đường phố khu trung tâm nên từ 10,5 – 15m, chọn hình thức giao thông hỗn hợp; bề rộng đường phố khu đi bộ nên từ 5 – 7m, kích thước đó là đủ chỗ cho người đi bộ lưu thông từ 40 đến 50 người/phút. Cường độ của sự trải nghiệm cũng tăng lên khi kích thước bề mặt của những con đường giảm.
3. Tạo lập không gian, tăng cường sự hòa nhập giữa các nhân tố cảnh quan
Không gian cảnh quan tạo sự hòa nhập thu hút nhiều người sử dụng, hoạt động cùng nhau và truyền cảm hứng cho nhau. Ở khu phố cũ, giao thông đi bộ cho phép hình thành một cơ cấu thành phố mà các thương gia và những người thợ thủ công, người giàu và người nghèo, người trẻ và người già đều nương tựa, sống và làm việc sát bên nhau tạo ra hệ sinh thái đô thị bền vững. Trái lại cơ cấu quy hoạch thành phố theo chủ nghĩa chức năng thể hiện sự tách biệt và kết quả là thành phố được chia thành các khu vực đơn lẻ.
– Về quy hoạch: Tổ chức KTCQ tạo sự hòa nhập là làm sao có thể pha trộn tất cả các chức năng không gây mâu thuẫn với nhau hoặc không gây phiền cho nhau. Sự hòa nhập còn tạo ra sự kết nối giữa các nhân tố tự nhiên và nhân tạo, giữa không gian kiến trúc và không gian xanh, giữa yếu tố lịch sử với yếu tố đương đại. Sự hòa nhập sẽ cho con người cảm nhận được không gian cảnh quan một cách trọn vẹn. Bằng việc khai thông những không gian ngăn cách bờ biển hiện nay sẽ giúp cho du khách khi di chuyển trên tuyến cảnh quan ven biển, không chỉ được nhìn thấy màu xanh của biển mà còn được nghe được tiếng sóng biển, ngửi thấy vị mặn của biển hay cảm nhận độ nóng rát của nắng,… Tất cả mang lại sự thú vị, hấp dẫn và khó quên.
– Về giao thông: Sự hòa nhập còn mang lại cảm giác an toàn khi khai thác không gian cảnh quan. Đường phố với nhiều loại phương tiện, di chuyển với nhiều tốc độ khác nhau đảm bảo mức độ an toàn cao nhất, tạo ra sự an tâm khi tham gia giao thông hay an toàn cho bộ hành băng qua đường. Không gian cộng đồng có sự hòa nhập về thành phần, đối tượng và văn hóa sẽ xóa bỏ sự kỳ thị, mang lại sự bình đẳng cho mọi người.
– Về kiến trúc, xây dựng: Việc khai thác các vật liệu xây dựng có nguồn gốc từ thiên nhiên (đá tự nhiên, gỗ, gạch không nung,…) xen lẫn nhiều mảng xanh (cây xanh, mặt nước) trong thiết kế kiến trúc sẽ mang lại cho con người không gian sống gần gũi với thiên nhiên, là xu hướng đúng nên tăng cường khai thác.
Kết luận: Giải pháp điều chỉnh quy hoạch với mong muốn hình thành những khu trung tâm đô thị xứng tầm về quy mô và tính chất của một đô thị trung tâm khu vực, tầm cỡ quốc tế trong tương lai là vấn đề cần thiết đặt ra trong bối cảnh đô thị Đà Nẵng hiện nay. Tuy nhiên, việc tạo dựng khu trung tâm, không gian công cộng không chỉ chú trọng về hình thức, quy mô, vị trí hay chức năng cụ thể mà rất cần đến giải pháp tổ chức hoạt động trên quan điểm lấy yếu tố con người làm trung tâm, vấn đề thẩm mỹ đô thị luôn gắn liền với các yếu tố về mặt văn hóa, xã hội. Xu hướng thế giới hiện nay chú trọng vào việc tạo dựng nơi chốn chứ không chỉ dừng lại ở việc thiết kế không gian, trong đó quy hoạch, thiết kế chỉ là một công việc cơ bản. Xây dựng một đô thị hiện đại, văn minh là mục tiêu cần hướng đến, nhưng quan trọng hơn đối với nhiệm vụ của các nhà quy hoạch đô thị là tạo dựng một thành phố an bình và đáng sống.
TS.KTS Tô Văn Hùng
Trưởng ban Đô thị – HĐND TP. Đà Nẵng