Nói đến kiến trúc cho dù ở nông thôn hay đô thị tức là nói về định cư của con người. Mục tiêu của định cư chính là phát triển xây dựng đô thị và nông thôn hợp lý trên mối quan hệ song hành cùng quy hoạch không gian và kiến trúc công trình. Phát triển định cư tức là thiết kế tổng thể không gian hợp lý, thiết kế công trình hoàn thiện đồng bộ, môi trường sạch, tĩnh, cảnh quan đẹp, điều kiện sống ngày càng cao.
Hoà hợp tự nhiên:
Môi trường tự nhiên là một thế giới tương đối tĩnh, vô hồn và không sinh động nếu không có sự tồn tại và phát triển của loài người. Ngược lại, nếu mọi hoạt động của con người trong sản xuất, hoạt động xã hội ở trạng thái mù quáng, thiếu tỉnh táo, thiển cận làm xâm hại và cạn kiệt tự nhiên, tất yếu dẫn đến kết cục bi thảm. Nhận thức thật sâu sắc quan hệ “con người với thiên nhiên” là một yêu cầu thực tiễn không chỉ riêng đối với một hoạt động sống nào mà trong đó có trách nhiệm của kiến trúc sư chúng ta. Con người cùng tiến hoá phát triển, cùng tồn tại với tự nhiên trở thành mục tiêu lý tưởng mà loài người tiếp tục theo đuổi. Giữ gìn chiếc nôi sinh ra con người, bảo tồn hay tự mình huỷ hoại nó phụ thuộc vào trình độ lý trí của con người trong nhận thức, sử dụng cải tạo thiên nhiên.
Tương lai bền vững:
Để có một tương lai bền vững là ước muốn của tất cả chúng ta. Vấn đề này không mới nhưng cần đổi mới trong nhận thức và hành động.
Ngày 5/3/1950, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã sớm ra lời kêu gọi trước toàn thế giới “Cần phải nghiên cứu thiên nhiên, xã hội, sinh thái, kinh tế cùng mối quan hệ cơ bản trong quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo xác đáng cho phát triển bền vững toàn cầu”.
Khi đó hình như người ta có phần chưa hiểu được lời kêu gọi ấy của Liên hợp quốc do đó cũng chưa có lời phản hồi nào trên phạm vi toàn cầu. Cho đến năm 1987, khi Uỷ ban môi trường và phát triển thế giới do bà Thủ tướng Nauy làm chủ tịch công bố cuốn sách môi trường “Tương lai của chúng ta” mới dấy lên làn sóng phát triển bền vững ở các nước trên thế giới. Tháng 2 năm 1990, Tổng thống Canada đích thân thành lập Viện nghiên cứu phát triển bền vững quốc tế (llSO). Đến nay phát triển bền vững đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các chủ đề khoa học, là nguyên tắc cơ bản khi xây dựng kế hoạch phát triển của mọi quốc gia. Sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường được nhấn mạnh là nguyên tắc cao nhất làm thước đo trình độ phát triển của quốc gia và khu vực. Qua đó cũng chứng tỏ rằng trong tương lai gần, tiêu chí cơ bản nhất cho phát triển kiến trúc công trình, quy hoạch điểm dân cư nông thôn là sự hoà hợp với tự nhiên, sự cân bằng môi trường.
Đổi mới nhận thức về phát triển cần phải được hiểu là sự thay đổi về chất của hệ thống kinh tế, xã hội, của phát triển đô thị, phát triển định cư ở khu vực nông thôn, không phá vỡ cân bằng môi trường. Nhận thức về phát triển bền vững còn có hàm nghĩa tính “đúng hướng”, tính “tiện ích” trong một không gian cụ thể. Phải làm cho nội dung của phát triển bền vững trở thành một tiêu chuẩn xem xét, đánh giá, kiểm tra mức độ lành mạnh của hình thái đô thị, khu định cư tương lai.
Đặc điểm phát triển:
Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng để đến giai đoạn phát triển bền vững, loài người đã qua ba thời kỳ trước đó là : giai đoạn tiền phát, giai đoạn hạ phát, giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn có các đặc điểm của: tư duy, không gian ảnh hưởng, thái độ cư xử, yêu cầu tiêu thụ, tác động môi trường khác nhau. Bảng tổng hợp các đặc điểm theo các tiêu chí quan tâm và xem xét.
Mục so sánh giai đoạn |
Tiền phát | Hạ phát | Phát triển |
Phát triển bền vững |
Tư duy về tự nhiên | Nhận biết thấp | Tìm hiểu “là cái gì” | Tìm hiểu “Vì sao” | Tìm hiểu “sẽ xảy ra điều gì” |
Không gian | Phạm vi cá thể hoặc bộ lạc | Khu vực, quốc gia | Quốc gia, châu lục | Châu lục, toàn cầu |
Thái độ ứng xử | Sùng bái tự nhiên | Phục tùng tự nhiên | Chế ngự thiên nhiên bằng ưu thế nhân văn | Thiên- đại- nhân hòa, bổ sung cho nhau |
Yêu cầu tiêu thụ | Nhu cầu tồn tại của cá nhân | Nhu cầu sinh tồn của cộng đồng | Đảm bảo duy trì phát triển cao | Nhu cầu phát triển toàn diện…, tự nhiên – kinh tế – xã hội. |
Tác động môi trường | Không có ô nhiễm cho con người | Thoái hóa mức độ thấp | Ô nhiễm ngắn hạn, hiệu ứng sinh thái lâu dài | Hài hợp tự nhiên, tái sinh nguồn tài nguyên |
Qua phân tích đánh giá, chúng ta buộc phải có hành động thích ứng cho các bước phát triển trong tương lai. Hướng phát triển đô thị và dân cư nông thôn đồng thời phải thoả mãn các yêu cầu trong giai đoạn sau đây:
– Quản lý quá trình phát triển đô thị và các khu định cư.
– Xây dựng cơ sở hạ tầng (hạ tầng kỹ thuật xã hội) và cải thiện chức năng tại các khu vực định cư.
– Cải thiện môi trường ở các điểm dân cư
– Cung cấp chỗ ở hợp lý cho tất cả mọi người
– Phát triển bền vững ngành công nghiệp xây dựng- Bảo tồn năng lượng và tăng cường hiệu quả năng lượng trong các khu dân cư.
Các chương trình trên phải được thực hiện thông qua các hoạt động quản lý, nghiên cứu đồ án quy hoạch xây dựng và tư vấn thiết kế xây dựng công trình.
Những nội dung trên đặt một sứ mệnh vinh quang và nặng nề cho giới kiến trúc trước tiến trình phát triển của đất nước. Những trách nhiệm có tính chuyên môn đòi hỏi giới kiến trúc cần có một thái độ ứng xử mới hơn, cao hơn, nhân bản hơn nữa trong hoạt động nghề nghiệp.
TS. Lê Đình Tri
ĐTPT số 14/2008