Home / QUY HOẠCH / Đô thị của những hy vọng lớn

Đô thị của những hy vọng lớn

    Đà Nẵng là đô thị đang sở  hữu một quỹ kiến trúc được tạo nên qua hơn 100 năm phát triển, khá lớn về giá trị vật chất, hàm chứa những giá trị kiến trúc và nhân văn. Kiến trúc của hầu hết các công trình mới xây cất toát lên tính hiện đại, thể hiện sự đề cao tính hợp lý, tính tiện lợi… Sự nghiêng hẳn về thẩm mỹ kiến trúc hiện đại đã thực sự góp phần tạo dựng khuôn mặt tương xứng cho một đô thị phát triển nhanh như một hiện tượng.

    Xác lập vị trí và diện mạo Đà Nẵng
Ngắm nhìn bản đồ thành phố – vùng Đà Nẵng, ta kinh ngạc nhận ra một điều: Không một đô thị nào ở nước ta mà lại sở hữu một tài nguyên thiên nhiên, sinh thái – nhân văn phong phú và đa dạng như Đà Nẵng. Quả vậy, Đà Nẵng mở rộng đang tọa lạc trên một vùng đất – giang sơn gấm vóc thu nhỏ: Núi cao, núi thấp, đồi, rừng, hồ, suối, sông, cửa sông, đèo, cù lao, vịnh, bãi biển, thềm biển, cánh đồng, bản làng người dân tộc, làng cổ, làng mỹ nghệ, khu du lịch núi, khu du lịch biển, khu bảo tồn… Một phức hợp tự nhiên-sinh thái- nhân văn không đâu sánh nỗi! Có nhiều đô thị chỉ sở hữu vài ba nhân tố trong cái chuỗi và hệ diệu kỳ kia. Được cái này lại thiếu cái nọ.
Phát triển nhanh và hiện đại lên, song chớ để cho cái gia tài Trời cho ấy suy suyển, chớ để cho một nhân tố nào đó trong cái chuỗi và hệ diệu kỳ kia bị triệt tiêu. Hãy để cho tất cả chúng có mặt trên mặt đất, cộng tồn và cộng sinh, tạo nên một đô thị duy nhất – đô thị sống chung với tự nhiên. Đi ngược lại cái triết lý bao trùm ấy, Đà Nẵng sẽ chỉ còn là cái mà nó đã từng làm, chiếm vị trí lọt thỏm trong hằng hà những đô thị khác.
Ta hãy chăm chú ngắm nhìn bản đồ Đà Nẵng, nhận dạng hình thái trời đất như một bức chân dung, hiểu thấu và bao quát tất thảy, trước khi bắt tay vào sắp đặt, bắt tay vào can thiệp.
Bởi, can thiệp vào thiên nhiên, là động chạm đến muôn đời.
Đà Nẵng còn sở hữu một tài nguyên thứ hai, nhỏ bé và kém đặc sắc hơn – đó là quỹ kiến trúc đô thị cùng các truyền thống văn hóa đô thị. Khiêm nhường về tầm vóc và giá trị, song đó cũng đã là một vốn liếng, là cái để dựa, vịn vào mà phát triển theo một dòng chảy, để hòa nhập đặng tạo nên một cơ thể đô thị lành mạnh và thống nhất, để phát huy mà tạo được diện mạo đô thị duy nhất.
Cái vốn liếng kiến trúc đô thị và văn hóa đô thị ấy đã nảy sinh, đã tích hủy và hun đúc cả trăm năm trước khi Tourane ra đời vào nửa sau thế kỷ XIX. Nó đã góp phần tạo nên một vùng văn hóa đặc trưng mà thời xưa các cụ mệnh danh là xứ Quảng. Nó chính là cái cốt lõi tạo nên cái dáng vẻ riêng, cái bề dày riêng của đô thị Tourane – Đà Nẵng.

     Hôm nay, Đà Nẵng đang xây dựng, đang xác lập vị trí và diện mạo của mình trên nền tảng: Ba nhân tố chủ đạo, ba xuất phát điểm chi phối nhất quán, đó là:
– Đô thị – Trung tâm lớn nhất miền Trung về kinh tế, văn hóa, giáo dục và du lịch.
– Đô thị sở hữu một vùng đất rộng lớn và đặc trưng bởi sự hiện hữu của những nhân tố tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan sinh thái phong phú có một không hai.
– Đô thị sở hữu một quỹ kiến trúc được tạo nên qua hơn một trăm năm phát triển, khá lớn về giá trị vật chất, hàm chứa những giá trị kiến trúc và nhân văn.
Nếu nhân tố đầu nêu trên tác động và quyết định tầm cỡ, quy mô và tốc độ phát triển của thành phố, thì 2 nhân tố nêu sau lại chi phối và quyết định tính chất của đô thị, diện mạo kiến trúc của nó, chất lượng sống mà nó đem lại. Dĩ nhiên, chất lượng sống chỉ tạo ra, khi cả hai nhân tố này được nhận ra thấu triệt và được đưa vào các bài tính xây dựng đô thị, ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô.

    Thẩm mỹ kiến trúc hiện đại tạo dựng khuôn mặt đô thị
Công cuộc xây dựng Đà Nẵng trong các năm qua bộc lộ rõ hai khía cạnh:
– Hệ thống kỹ thuật hạ tầng, được coi là ưu tiên một trong phát triển, đã vươn qua sông, thâu các vùng đất ven bờ biển, các vùng đất mới, tiến vào núi, bước vào nông thôn, tạo điều kiện để đô thị chiếm lĩnh những không gian mới, rộng lớn gấp bội so với quy mô cũ của Đà Nẵng. Tuy nhiên ở nhiều nơi, đường đã mở song phố thì chưa thành. Chưa thành không chỉ bởi nhà hai bên chưa lấp kín, mà bởi phố chưa có mặt mũi.
– Kiến trúc của hầu hết các công trình mới xây cất ở Đà Nẵng toát lên tính hiện đại, thể hiện sự đề cao tính hợp lý, tính tiện lợi đường nét vuông vắn và thẳng, không rườm rà, không nhại lại các kiểu cách trang trí cũ kỹ đang thịnh hành khắp nơi. Bên cạnh đó là chất lượng thi công và hoàn thiện cao cũng góp phần biểu lộ cái tinh thần kiến trúc mới đầy sức sống. Sự nghiêng hẳn về thẩm mỹ kiến trúc hiện đại đã thực sự góp phần tạo dựng khuôn mặt tương xứng cho một đô thị phát triển nhanh như một hiện tượng.
Nếu sự bùng nổ về kiến tạo hạ tầng kỹ thuật nói lên nghị lực và quyết tâm của những người lãnh đạo và quản lý của thành phố, sự tuân thủ kỹ cương phép nước từ phía người dân, thì sự lựa chọn nghiêng hẳn về ngôn ngữ kiến trúc hiện đại (có thể với người dân thường chỉ đơn thuần là hợp lý), nói lên thói quen hoặc cái nếp tư duy thực tế thiết thực của người Đà Nẵng, ít bị ràng buộc bởi mọi biểu hiện của lực quán tính. Đây có thể coi là một biểu hiện bản sắc của người Đà Nẵng.

    Đánh giá quỹ kiến trúc đô thị
Công cuộc mở mang Đà Nẵng có lẽ đang diễn ra theo một quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Mỗi quy hoạch xây dựng dài hơi đều có thể bổ sung và hoàn thiện. Bởi vậy tôi xin đưa ra một vài gợi ý. Cần thiết tiến hành một cuộc Tổng điều tra tài nguyên thiên nhiên và lãnh thổ Đà Nẵng từ phương diện quy hoạch xây dựng đô thị. Việc này cần được tiến hành một cách hết sức cơ bản nhằm xác định đầy đủ các nhân tố và các đặc điểm tự nhiên – sinh thái – cảnh quan, các nhân tố nổi trội và chủ đạo, các nhân tố độc hiếm, các nhân tố có nguy cơ bị hủy hoại hoặc bị thách thức, các khả năng khai thác, các nhu cầu về hồi phục v.v… Những kết quả điều tra sẽ cho phép ta giải quyết một cách khoa học những vấn đề quan trọng như sự lợi dụng và khai thác từng nhân tố tự nhiên – môi trường, sự chiếm dụng hợp lý đất ở từng giai đoạn phát triển, sự xác định hình thái và cấu trúc đô thị, sự phân bố các khu xây dựng tập trung và phân tán, sự bảo tồn quỹ thiên nhiên ít bị can thiệp trong tương quan hợp lý với đô thị v.v… Ở đây, nội dung thật sự có tầm và độ chiến lược sẽ là vấn đề sử dụng tiết kiệm, dè xẻn quỹ đất đai và quỹ tự nhiên, dành những mảnh đất cho thiên nhiên và cho con cháu.
Phung phí đất tệ hại chẳng kém phung phí tiền của và thời gian.
Trong công cuộc xây dựng. chớ nên sao nhãng quỹ kiến trúc đô thị của Đà Nẵng hơn trăm tuổi. Việc cần làm kịp thời và ưu tiên là thực hiện một cuộc Tổng điều tra, kiểm kê và đánh giá quỹ kiến trúc đô thị hiện hữu của thành phố. Đối tượng ở đây là toàn bộ gia tài vật chất, được tạo lập trong quá trình xây dựng thành phố, với một bộ phận cấu thành và nổi trội là quỹ kiến trúc đô thị. Quỹ này bao hàm những đường phố, những cụm và quần thể kiến trúc, các công trình, các nhân tố cảnh quan đô thị v.v…
Mục đích chung của việc điều tra quỹ kiến trúc đô thị là sự đánh giá nó từ các phương diện quy mô, chất lượng sử dụng, giá trị khai thác, đặc điểm cấu trúc không gian đô thị, đặc điểm hình thái học, đặc điểm diện mạo kiến trúc, những nhân tố nổi trội về nhận dạng đô thị v.v…
Kết quả của cuộc Tổng điều tra, tổng nhìn nhận này sẽ là sự nhận biết đặc điểm và giá trị của toàn bộ khối kiến trúc Đà Nẵng của từng ô phố, đường phố, cụm công trình … và đặc điểm của những cấu trúc đô thị, cấu trúc cảnh quan, những công trình và ngôi nhà được coi là thuộc di sản kiến trúc thành phố. Chúng là những thành phần cấu thành di sản kiến trúc của thành phố. Những thành phần cấu thành này không chỉ là đối tượng của những nổ lực duy trì lâu dài, cải tạo và thích ứng mà còn là những cái cột mốc – kỷ niệm trên chặng đường đời của một đô thị có tuổi tác. Hơn thế nữa, chúng là những cái chuẩn kiến trúc – thẩm mỹ và tinh thần mà từng bộ phận cấu thành cùng toàn bộ đô thị mới phải dựa vào, căn vào, ngoái nhìn vào. Thiếu sự căn vào và sự ngoái nhìn ấy, đô thị nay mai sẽ mất đi sự khăng khít trong một cơ thể, bị phai mờ đi diện mạo mà nó đã có được qua suốt quá trình tồn tại dài lâu.
Theo cách nghĩ này, những đường phố như Bạch Đằng, Trần Phú, Phan Châu Trinh v.v… cần được nhìn nhận như những chuẩn không gian đô thị và những diện mạo kiến trúc đô thị. Đòi hỏi sự phát triển tiếp nối trong quy hoạch và xây dựng các đường phố, các ô phố lân cận.
Thành phố cần ban hành những văn bản mang tính pháp quy, ấn định các công trình nào, tòa nhà nào, khu vực và đường phố nào cần được giữ lại hoặc cần được tôn trọng trong quá trình cải tạo hoặc xây mới.

    Dãy phố có giá trị đặc biệt đối với Đà Nẵng – đường Bạch Đằng:
– Bảo vệ những kiến trúc còn lại từ cuối thể kỷ XIX và của các giai đoạn sau, tránh việc phá bỏ đã từng xảy ra mấy năm gần đây. Có thể ngôi nhà nào đó ỏ đây chưa hẳn đã có giá trị đặc biệt, chưa hẳn đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sử dụng mới, song nó là dấu ấn lịch sử của thành phố, cùng những tòa nhà khác tạo nên diện mạo đáng nhớ của một bộ phận đô thị – khuôn mặt thành phố.
– Xác định những đặc trưng hình thái học của đường phố này như diện mạo kiến trúc chủ đạo, độ cao và độ dài của các công trình, cấu trúc không gian, vai trò của hệ cây xanh và thành phần cây xanh, yếu tố địa hình, nối liên quan giữa kiến trúc – mặt đường và diện nước sông Hàn, hệ tỷ lệ xích không gian v.v…
– Giải pháp ứng xử chủ yếu với đường Bạch Đằng phải được coi là đối tượng ưu tiên trong việc duy trì hình ảnh Đà Nẵng trăm tuổi. Đồng thời nó phải được tính tới một cách đầy đủ khi thiết kế kiến trúc phía bên kia sông. Chỉ một khi bài toán kiến trúc Bạch Đằng Đông và Bạch Đằng Tây được xử lý tốt ta mới có được một không gian kiến trúc đô thị đích thực. Tương tự như kiến trúc hai bờ sông Siene và sông Neva ở Paris và Saint – Peterburg.
Không gian kiến trúc đường Bạch Đằng cũng như toàn khu cũ của Đà Nẵng , cần có những sự chuyển tiếp êm ái về độ cao của những tòa nhà, sự chuyển tiếp hình thái cấu trúc các không gian đô thị.
Một quyết định mang tính đột phá – bắc cầu sang ở bên kia sông Hàn, vươn trực tiếp ra và bao quát lấy bán đảo Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn – đã mở toan Đà Nẵng lâu nay bị kiềm chế, hướng hẳn ra biển, chiếm hữu lấy vùng đất bốn bề là nước, dành đất phía sau lưng cho đồng ruộng, cho núi đồi không bị băm bổ, cho rừng – đó là quyết định duy nhất đúng.
Tuy nhiên con đường lớn mang tên Nguyễn Tất Thành chạy dọc biển tới Liên Chiểu, xem chừng lại chưa hợp lý bởi nó chạy sát mép bờ, không còn đủ đất để xây nhà nghỉ mát và làm bãi tắm. Đành rằng Đà Nẵng chẳng thiếu gì bờ biển, song để cho nhiều cây số bờ biển vĩnh viễn bị con đường xóa đi thì quả là một điều đau xót. Đối với đất ruộng, đất đồi và núi rừng cũng vậy. Làm sao giải quyết được bài toán mà ở đó đô thị chiếm dụng đất, làm sao để các vùng đất tự nhiên được thu hút vào phức hợp đô thị hiện đại mà không bị loang lỗ, không  trở thành những công viên.
Đất và núi rừng tự nhiên cần cho chúng ta hơn là chúng ta nghĩ. Chúng ta chỉ là một thế hệ. Còn có những thế hệ đến sau.
Trong sự phát triển ồ ạt đáng thán phục như Đà Nẵng hôm nay, ta cần vươn tới ý tưởng tạo nên một đô thị của sự giảm thiểu các mâu thuẫn đối kháng. Sự cân bằng giữa cái cũ và cái mới, giữa đô thị và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản địa và ngoại nhập, giữa con người và cộng đồng, giữa cộng đồng này và cộng đồng kia, giữa tiêu thụ và tích lũy, giữa ngày nay và ngày mai, giữa vĩ mô và vi mô, giữa cái nhìn về phía trước và nhu cầu ngoái lại v.v… Một khi sự cân bằng đô thị được thiết lập, những mâu thuẫn đối kháng của đô thị cũng giảm đi. Con đường đến với mô hình đô thị sinh thái thật gần, thật khả thi đối với Đà Nẵng.
Những suy ngẫm và tính toán đủ tầm, đủ sâu và đủ xa mong sao sẽ đi trước những quyết định đầu tư lớn về sức lực, về tiền của và nghị lực cho kiến tạo đô thị Đà Nẵng.
Đà Nẵng đang trở thành đô thị của những hy vọng lớn.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
ĐTPT Số 18/2009

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …