Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Đô thị có nhiều cái xếp thứ ba và có ba cái xếp thứ nhất

Đô thị có nhiều cái xếp thứ ba và có ba cái xếp thứ nhất

Trong hệ thống các đô thị Việt Nam, Đà Nẵng ngày nay được biết đến không chỉ về văn hóa, lịch sử và cảnh đẹp của một thành phố có vị trí chiến lược quan trọng của Miền Trung – Tây Nguyên, một trong ba trung tâm kinh tế phát triển của đất nước,v,v, mà còn là một đô thị thể hiện rất nhiều đổi thay, sự “lột xác” tích cực do có bước phát triển liên tục trong những năm gần đây.

Đô thị có nhiều cái xếp thứ ba và có ba cái xếp thứ nhấtĐà Nẵng thay đổi nhanh chóng về nhiều mặt trong thời gian khoảng mươi năm nay đã làm cho không chỉ những người từ xa đến, đi xa về mà ngay cả người đang sống trong lòng thành phố này đôi khi cũng tự hỏi nguyên do nào để Đà Nẵng trở thành thành phố biển năng động và phát triển vào bậc nhất Miền trung – Tây Nguyên. Và cũng không mấy khó khăn để tìm hiểu, chiêm nghiệm những thành tựu của Đà Nẵng trong tầm nhìn quy hoạch và các bước đi kiên quyết của chính quyền và người dân nơi đây cùng đồng lòng làm “thay da đổi thịt” thành phố của mình. Chỉ cần dạo quanh khu vực trung tâm thành phố cũng  nhận ra ngay được sự thay đổi rất khác trước về diện mạo đô thị, những tiềm năng được đánh thức và theo đó cũng còn có cả những vấn đề nảy sinh đang cộm lên sau một thời tưng bừng xây cất…

Đô thị được quy hoạch bài bản, kiến trúc xây dựng hiện đại.

Cơ hội cho Đà Nẵng phát triển nhanh kể từ năm 1997, khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Đến nay, sau thời gian hơn 15 năm xây dựng đã khác trước rất nhiều, thành phố rộng ra và đẹp lên, liên tục phát triển trong quyết tâm tự làm mới mình và bước đầu là từ khâu thực hiện quy hoạch bài bản. Cùng với việc chỉnh trang đô thị, khai thác tốt những lợi thế có sẵn, việc mở mang cơ sở hạ tầng là nội dung được tập trung thực hiện quyết liệt và thành công có thể thấy rõ nhất ở thành phố này.

Sau những năm tháng đầu tư cho phát triển đô thị, nội dung cải tạo và xây dựng hạ tầng được chính quyền coi trọng nên thành phố hiện có một mạng lưới giao thông tốt, được đầu tư đồng bộ và ngày một hoàn thiện khang trang. Đến nay, người dân  hoặc du khách đều đi lại thuận tiện trong khu vực nội thị hoặc từ trung tâm tỏa ra các hướng là nhờ có hệ thống đường sá bố trí mạch lạc, thông thoáng và dễ nhận biết. Đó là những tuyến phố kết nối từ Tây sang Đông để từ sân bay nhanh chóng tiếp cận thành phố hoặc dễ dàng đến với biển như các phố Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Duy Tân. Những tuyến phố theo hướng Bắc Nam rất đặc trưng về cảnh quan sông, biển như các tuyến đường Bạch Đằng, Ngô Quyền và Hoàng sa – Trường sa…

Quy hoạch giao thông phát triển, đường sá thông suốt…cũng chính là cuộc cách mạng mở ra cho thành phố cơ hội mới, làm tiền đề cho Đà Nẵng thực hiện những bước phát triển nhanh chóng làm thay đổi lớn cục diện đô thị và cảnh quan kiến trúc trong thời gian qua cũng như trong tương lai.

Kiến trúc là bộ mặt của đô thị và ở Đà Nẵng kiến trúc đã gần như đồng nhất thể hiện nổi bật lên tính mới, tính hiện đại. Trong dòng chảy của thời gian và từng bước đầu tư xây dựng, chính quyền và người dân Đà Nẵng đã cùng chung tay, góp sức làm nên diện mạo kiến trúc hiện nay mà không phải đô thị nào nước ta cũng có được. Nhiều loại hình kiến trúc xuất hiện mà đa số là công trình kiến trúc công cộng phục vụ dân sinh và dịch vụ, dù cải tạo cũng như xây mới đều biểu hiện tốt tinh thần thời đại. Có thể kể đến những gương mặt kiến trúc tiêu biểu như tòa nhà  Trung tâm công nghệ phần mềm, nhà thi đấu 5000 chỗ, Trung tâm hành chính Thành phố và một số khách sạn, resort…đã phần nào thể hiện tinh thần hội nhập với khu vực và quốc tế. Kiến trúc nhại cổ, nệ cổ là xu hướng tiêu cực của nhiều đô thị Việt Nam đã không xuất hiện ở Đà Nẵng. Mảng kiến trúc nhà ở, nhà dân tự xây cũng xuất hiện nhiều nét mới và sự đơn giản hiện đại là xu hướng chính. Do vậy, Đà Nẵng có nhiều cái xếp thứ ba nhưng cũng có đến 3 cái xếp thứ nhất: Xếp thứ ba sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về vị trí và tầm quan trọng, về cảng biển, sân bay, bưu chính viễn thông, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo…nhưng lại nhất nước về thực hiện quy hoạch đô thị bài bản, kiến trúc sáng sủa và quản lý xây dựng chặt chẽ.

Quy hoạch và kiến trúc Đà Nẵng nhìn chung đã thể hiện một đô thị phát triển đúng hướng, năng động và vững chắc trên con đường đi đến văn minh và hiện đại, xứng đáng trở thành một “thành phố đáng sống”,…

Thành phố hiện diện bên dòng sông nhộn nhịp đôi bờ.

Đến với Đà Nẵng không thể không đến và ngắm sông Hàn, dòng sông hợp lưu từ hai sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò đổ về cửa biển Thuận Phước dài khoảng 4km với 5 cây cầu bắc qua… để tận mắt thấy những đổi thay của thành phố. Từ các góc quan sát dù ở trên đường, trên cầu hoặc đi thuyền trên sông đều có thể ngắm được khá đủ những nét mới của đô thị, nhất là khi thành phố lên đèn, cầu Rồng phun lửa… thì vẻ đẹp của sông Hàn lại càng bừng lên hấp dẫn. Từ khi nâng cấp mở rộng đường phía bờ Tây, khai mở đường phía bờ Đông và xây dựng những cầu mới, dòng sông Hàn như thức dậy và trở thành chủ thể một không gian đẹp nhất thành phố. Dòng sông giờ đây mỗi khi đêm xuống là rực sáng đôi bờ nhộn nhịp dòng người và in bóng những cây cầu, lung linh khoe mình giữa lòng thành phố. Không gian tổ hợp một chuỗi các thành phần gồm 5 cầu, từ cầu Trần thị Lý đến cầu Thuận Phước, 2 con đường và một công viên ven sông bên tuyến bờ Đông rộng 12m dài gần 2,5 km.. là không gian sử dụng hiệu quả, đặc trưng và rất ấn tượng, là một trong những thành quả xây dựng đáng ghi nhận trên đường phát triển của Đà Nẵng.

Thành phố rộng mở và những tiềm năng được đánh thức.

Qúa trình đô thị thị hóa, mở mang thành phố diễn ra nhanh nhất từ năm 1997 đến 2004, đặc biệt như trên bản đồ cho thấy đến năm 2010 đã gấp đến chục lần. Đến nay thành phố Đà Nẵng đã hình thành 6 quận và 12 huyện.

Tiềm năng được đánh thức trọng tâm là khu vực sông Hàn và tiếp đến là tuyến ven  biển. Với tính chất là đô thị biển, quy hoạch tổng thể Đà Nẵng về cục diện chiến lược là hướng ra phía biển và đang hình thành dần một không gian đô thị mới khá rõ ở khu vực phía Đông, trải dài từ bờ Đông sông Hàn đến tuyến ven biển là Sơn Trà – Điện Ngọc. Quy hoạch mở rộng với hạ tầng đồng bộ đã đánh thức cả một vùng đất rộng lớn vốn xây dựng manh mún trước đây để tăng lên nhiều lần khả năng khai thác tiềm năng biển, phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế du lịch…

Nằm trong địa hình đặc biệt có núi rừng, trung du, đồng bằng và sông, biển…nên Đà Nẵng mang trong mình vẻ đẹp rất đa dạng, lại được bao bọc xung quanh bởi ba di sản văn hóa thế giới là Huế, Hội An, Mỹ Sơn, nên phát triển du lịch thăm quan là cơ hội lớn mở ra, làm thức dậy những tiềm năng sẵn có. Bờ biển Đà Nẵng được đánh giá là nằm trong tốp bảy bờ biển đẹp nhất thế giới, dài khoảng 30 km với nhiều bãi tắm lý tưởng cùng các đặc trưng tự nhiên, rất hấp dẫn đầu tư…Nhiều nhà hàng, resort, khách sạn cao cấp đã được xây dựng và nổi tiếng như Furama Resort, Pullman Resort, Crowne Plaza Danang,…Nhiều dự án sẽ được tiếp tục triển khai theo quy hoạch trong thời gian tới, đặc biệt là dự án đô thị lấn biển “Trăng lưỡi liềm” Đa Phước trên tuyến ven biển Nguyến Tất Thành sẽ thể hiện một bước phát triển mới, mở ra một chiều cạnh mới trong không gian kiến trúc thành phố.

Các địa chỉ: Sông Hàn, bờ biển Sơn Trà – Điện Ngọc, núi Ngũ Hành và bán đảo Sơn trà, đèo Hải Vân, Bà Nà- núi Chúa…là những điểm đến tuyệt vời, là thương hiệu của Đà Nẵng. Những giá trị này cần được nghiên cứu lồng kết chặt chẽ trong quy hoạch tổng thể để phát triển cân đối, phát huy tốt nhất khả năng hoạt động của đô thị.

Để Đà Nẵng trở thành một đô thị xanh, phát triển bền vững  

Đà Nẵng phát triển nhanh, đã trở thành một hiện tượng đô thị được chú ý ở nước ta. Từ những kết quả đạt được cho đến nay, cũng cần nghĩ đến triển vọng của thành phố khi quy hoạch được phủ đầy và dân số tăng theo. Cứ đà phát triển đô thị liệu có nguy cơ “nén” và có cần một số vệ tinh để “nở” ? Xây dựng nhanh và ngày một nhiều thì để kiểm soát có cần đến một chính quyền đô thị ?

Một số vấn đề đang diễn ra cần cân nhắc xử lý, đó là quy hoạch các dự án trên tuyến ven biển che chắn biển quá nhiều, chiếm hữu không gian bãi tắm, gây ô nhiễm môi trường như các resort nối nhau liên tục và các nhà hàng nằm phía biển, là nguy cơ cần tháo gỡ. Ví dụ như về phía Đông tuyến đường Trường Sa trong số các dự án khách sạn, resort trên dọc tuyến dài khoảng 10km hiện có gần 20 khách sạn, resort đang hoạt động, gần chục dự án xây xong phần thô và đang chậm tiến độ, hơn 20 dự án chưa triển khai. Tiếp đến là bán đảo Sơn Trà đặc biệt quý giá, cần ứng xử phù hợp để gìn giữ bảo tồn sinh thái, cảnh quan thiên nhiên cho cộng đồng được thụ hưởng. Nhân tình hình xây dựng đang chững lại do ảnh hưởng đầu tư, nên xem đến việc điều chỉnh giảm các dự án phía mặt biển trên tuyến Hoàng Sa – Trường Sa, thu hồi đất những dự án chưa kịp triển khai để giữ lại bãi biển cho cộng đồng, con cháu muôn đời là điều cần suy nghĩ thực hiện. Không vì lợi ích trước mắt làm mất cảnh quan biển,…

Ngoài việc thích ứng với biến đổi khí hậu, Đà Nẵng cũng cần có một kế hoạch hướng đến việc xây dựng cho mình những công trình kiến trúc xanh, trước mắt là khuyến khích và sau là bắt buộc thực hiện để trở thành một xu thế chung trong toàn thành phố. Cơ hội và khả năng là nhiều do công tác quản lý xây dựng ở Đà Nẵng đang là tốt nhất nước. Tuy nhiên trong số 13 nhà cao tầng hiện có, nhà lâu nhất là xây từ năm 2005 và gần đây nhất là Tòa Trung tâm Hành chính TP. cao 34 tầng mới khánh thành ngày 30/4/2014 vừa qua, không có nhà nào thuộc loại kiến trúc xanh. Ngay cả khách sạn có tên Green Plaza cao 19 tầng ở đường Bạch Đằng xây vào năm 2008 cũng không xanh gì…Hiện tại chưa có công trình xanh nào khác nhưng từ những lợi thế của mình, Đà Nẵng có nhiều cơ hội thực hiện được những công trình xanh, kiến trúc xanh để sớm trở thành một đô thị xanh trong một ngày không xa.

TS.KTS.Ngô Doãn Đức

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *