Home / QUY HOẠCH / ĐÔ THỊ BIỂN VIỆT NAM – TIẾP CẬN VẤN ĐỀ VÀ SUY NGẪM VỀ ĐƯỜNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN

ĐÔ THỊ BIỂN VIỆT NAM – TIẾP CẬN VẤN ĐỀ VÀ SUY NGẪM VỀ ĐƯỜNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Việt Nam minh châu trời Đông

Việt Nam nước thiêng tiên rồng

Non sông như gấm hoa uy linh một phương

Xây vinh quang sáng trưng lên Thái Bình Dương.

    Lời thanh niên ta hát cách nay chừng 70 năm. Niềm tự hào giống nòi chan chứa. Khát vọng tự chủ cháy bỏng tâm can. Ý chí vươn ra đại dương như một tiềm thức ngàn đời.

  ….Đã là đầu thế kỷ XXI, ý chí ấy vẫn chưa là chủ đạo trong nhận thức, chưa biến thành lực đẩy trong phát triển quốc gia.

      Quán tính lịch sử ghìm níu!

Nhìn về dĩ vãng

     Tổ tiên ta từ trung du xuống đồng bằng, vật lộn với nước bùn, đào kênh, đắp đê, làm ruộng, dựng nhà trên nền đất, cắm cúi thâm cư, thâm canh châu thổ Nhị Hà. Chuyển dịch về phương Nam, chiếm cứ duyên hải Trung Bộ, làm ruộng và làm mắm. Khai khẩn châu thổ sông Cửu Long, vẫn cứ trồng lúa và đánh bắt tôm cá trên sông, trên kênh rạch. Ra biển, chỉ loanh quanh ven bờ. Bởi thế bản đồ giữa thế kỷ XIX, chưa thấy ghi cảng – thị nào.

     Vân Đồn, trên đất Quảng Ninh tồn tại từ Lý sang Trần, theo vết tích, phải chăng chỉ là bến hàng đến, hàng đi, thị cảng chưa hình thành.

      Phố Hiến, trên đất Hưng Yên, hiếm hoi trong lịch sử đô thị Việt, chỉ là giang cảng.

     Hội An, thị cảng phồn vinh bậc nhất trong nền văn minh dân tộc, chưa hẳn là hải cảng, là đô thị trên biển.

     Đô thị thể loại này chỉ hình thành nửa sau thế kỷ XIX, với Tourane (Đà Nẵng), Vũng Tàu và Nha Trang, muộn hơn.

    Người Việt chúng ta trong suốt tiến trình lịch sử ít nhiều giao thương qua đường biển, song chưa bao giờ coi biển là yếu tố quan trọng sống còn trong đời sống quốc gia. Làm chủ giang sơn 2 phía biển, ông cha ta ít hướng ra biển, co cụm trong đất liền, kiến tạo một gia tài lục địa.

    Sinh thời, giáo sư Trần Quốc Vượng nhận xét sắc sảo: Bởi không định hướng dứt khoát ra biển mà dân tộc mình muôn thủa nghèo.

Đô thị biển – nhìn từ giác độ văn hóa

     Chiêm nghiệm lịch sử nhận ra, các quốc gia biển bao giờ cũng phát triển nhanh hơn và giàu hơn các quốc gia ở sâu trong lục địa.

    Địa Trung Hải, cái nôi của nền văn minh 3 lục địa, là minh chứng sáng chói cho hiện tượng ấy. Thời cổ đại, Alexandria của Ai Cập, Pirey – Split – Chersones của Hy Lạp, Constantinopole của Bizantine… tọa lạc trên bờ biển, duy trì những mối bang giao khi nhân loại còn ở trong bóng đêm mịt mù. Xuyên suốt ngàn năm, từ thời cổ đại sang thời trung đại và đến thời cận đại, Địa Trung Hải luôn là tâm điểm của sự phát triển và phồn vinh lan tỏa. Nếu ví đại khu vực này của thế giới là cái làng vĩ đại, thì Địa Trung Hải chính là cái ao vĩ đại ở giữa.

   Thời tư bản chủ nghĩa phát triển, Pháp có Marseille, Đức có Hamburg, Hà Lan có Antverpen, Thụy Điển có Stockholm, Anh có Liverpool, Mỹ có New York.

     Thế kỷ XVII, Pie đệ nhất nhận ra: Nếu chỉ với Moscow nằm sâu trong đất liền, nước Nga không sánh vai cùng Âu Châu được. Ông quyết định, táo bạo và thiên tài, xây Sankt – Peterbourg ngay trên bờ biển Baltic. Đại thi hào A.Puskin gọi cái việc tày trời ấy là “đục cửa sổ vào Châu Âu”.

    Đô thị – cảng biển không chỉ là đầu mối, là cầu nối trong sự phát triển mỗi quốc gia. Không chỉ là pháo đài tiền tiêu trong sự phòng thủ. Đô thị – cảng biển, đô thị biển còn là một hiện tượng lịch sử – xã hội – văn hóa – nhân văn.

    Chúng là những cơ chế đặc trưng hấp thụ và tiêu hóa các nền văn minh trong sự tuần hoàn, chuyển hóa cũng như cộng sinh.

     Chúng kích thích, thúc đẩy sự chuyển động của các xã hội, vốn luôn thiên về sự tĩnh tại, kìm hãm bởi những hệ tư duy và những thể chế xã hội quán tính. Chiêm nghiệm: Cộng đồng dân cư các đô thị biển bao giờ cũng nghĩ năng động hơn, ứng xử linh hoạt hơn, giàu sức đề kháng hơn.

      So sánh Huế và Đà Nẵng theo giác độ này, sự chiêm nghiệm trên không phải không có cơ sở.

Đô thị biển và các cấu trúc dân cư dạng đô thị trên bờ biển ở nước ta.

      Ở phần trên chúng tôi đã thử phác họa bức tranh toàn cảnh sự phát triển đô thị duyên hải trong lịch sử, với những đặc điểm sau:

      – Hầu hết đô thị đặt trên bờ các con sông, ít khi trên sông (tức là trên 2 bờ sông).

     – Một số ít đô thị thương cảng thời trung đại đặt trên sông hoặc cửa sông, chứ không trực tiếp trên bờ biển.

      – Hình thái đô thị – hải cảng, đô thị trên bờ chỉ xuất hiện ở nửa sau thế kỷ XIX.

Sự phân bố dọc tuyến bờ biển

      Sự phân bố đô thị và các cấu trúc đô thị trên bờ biển bộc lộ rõ 3 đặc điểm sau:

     – Sự phân tán;

     – Mật độ thấp;

     – Thiếu sự liên kết.

    Nghiên cứu bản đồ Việt Nam (Tập bản đồ hành chính của Nhà xuất bản bản đồ năm 2004), đếm được 27 tỉnh thành có biển trên cả thảy 64 tỉnh thành. 10 đô thị trên bờ biển, 8 khu nghỉ mát nhỏ và vừa trên bờ biển, 2 đô thị biển thực thụ – Đà Nẵng và Nha Trang, 3 đô thị biển loại vừa là Hạ Long, Quy Nhơn, Vũng Tàu. Một số đô thị từ hình thái kề biển đang chuyển sang tiếp cận biển như: Phan Rang – Tháp Chàm, Phan Thiết, tương lai không xa là Thanh Hóa và Vinh, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh, tuy sở hữu những cảng lớn và là 2 cái “cửa sổ” “rộng mở” ra đại dương, vẫn nằm trong danh sách các đô thị duyên hải.

     Các đô thị biển phân bố không đều, với những khoảng cách nhiều trăm km. Phân bố này phản ánh sự phân chia lãnh thổ có từ thời vua Minh Mạng và thời Pháp thuộc. Nó không phản ánh đầy đủ những tiềm năng của tài nguyên thiên nhiên và những như cầu phát triển của đất nước. Nó cũng không thể hiện tầm tư duy chiến lược về công cuộc mở mang, phát triển quốc gia.

      Các đô thị to nhỏ ven bờ biển nằm trong sự liên kết rời rạc cả về không gian địa lý lẫn giao thông trên đất liền và trên biển. Trên tuyến bờ biển kéo dài 3230km, chỉ hiện hữu 3 thành phố lớn là Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, Hạ Long, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu chưa thể liệt kê vào hạng những đô thị biển lớn và mạnh về kinh tế biển.

      Mạng lưới đô thị biển ở ta có lẽ là khâu yếu trong tổng quy hoạch phát triển kinh tế dài hạn, trong tổng quy hoạch phát triển các đô thị. Do đó, việc xây dựng quy hoạch mở mang các đô thị, các cấu trúc dân cư trên biển và duyên hải đang cần đặt ra một cách nghiêm túc. Nó phải đi trước không chỉ một bước vấn đề quy hoạch các đô thị biển.

Phân loại đô thị và các cấu trúc đô thị biển

     Để phục vụ cho việc phân tích và vạch ra các hướng ứng xử, có thể thực hiện sự phân loại theo những tiêu chí khác nhau:

     – Theo niên đại xây dựng;

     – Theo quy mô phát triển;

     – Theo hình thái;

     – Theo công năng;

     – Theo sự sắp xếp hành chính;

     – Theo tiềm năng phát triển .v.v…

     Trong trường hợp này, chúng tôi thực hiện việc xem xét chủ yếu từ cục diện tính chất đô thị biển. Theo đó, phân thành:

     – Đô thị biển đa năng, với tư cách là những trung tâm kinh tế – hành chính  – dịch vụ;

    – Đô thị – trung tâm hành chính trên bờ biển;

     – Các khu nghỉ mát.

     Đô thị biển đa năng, mà ở phần trước tôi tạm gọi là “đô thị biển thực thụ”, là những thành phố trên bờ biển, là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế và văn hóa của một vùng hoặc một tỉnh, trong đó có nhân tố biển với tư cách là động lực phát triển, nhân tố quyết định tính chất và hình thái đô thị, Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu có thể được liệt vào nhóm này.

     Đô thị nằm trên bờ biển, chủ yếu là trung tâm hành chính của tỉnh, hoặc một đơn vị hành chính nào đó, với các nhân tố kinh tế, dịch vụ và văn hóa phát huy biển ở mức hạn chế như một lợi thế, một động lực phát triển. Nhóm này bao gồm Móng Cái, Đồng Hới, Tuy Hòa, Phan Rang – Tháp Chàm, Phan Thiết, Rạch Giá, Hà Tiên. Nhóm sau cùng bao gồm những khu nghỉ mát trên bờ biển, trong quá trình phát triển trở thành những cấu trúc đô thị, cũng có thể trở thành những thị xã. Đó là Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Mũi Né, .v.v…

     Gần đây đang hình thành những hạt nhân đô thị biển mới, mà động lực phát triển chính là công nghiệp và cảng, điển hình là Vũng Áng ở Hà Tĩnh, Chân Mây ở Thừa Thiên Huế, Dung Quất ở Quảng Ngãi, Nhơn Hội ở Bình Định.

     Việc phân loại trên phần nào mang tính ước lệ, bởi các đô thị và các cấu trúc dân cư đô thị biển ở ta đều trong quá trình kiện toàn và định hình.

Vài nhận định về hiện trạng

     Các đô thị và các cấu trúc đô thị ven biển có những đặc điểm sau:

    – Hầu hết các đô thị cũ và mới, to và nhỏ, đều có quy hoạch ở dạng phôi thai kéo dài hoặc chưa hoàn chỉnh; quỹ kiến trúc đô thị không lớn và nghèo nàn, trong xuống cấp nặng, đặc biệt yếu kém về hạ tầng kỹ thuật.

    – Nằm ngay trên bờ biển hoặc sát kề bờ biển, các đô thị chưa định hướng và trực diện ra biển; quy hoạch chưa phản ánh sự tác động chủ đạo của nhân tố biển. Ngoại trừ các công trình du lịch nghỉ mát, diện mạo kiến trúc nói chung ít thể hiện tính chất đô thị biển, mà mang nặng dấu ấn của những thị xã hàng tỉnh.

    – Ngoại trừ Nha Trang và Vũng Tàu ở mức độ nào đó, các đô thị trên biển vẫn chưa tạo dựng cho mình diện mạo đặc trưng. Chúng chưa có thương hiệu.

Những xu hướng cải tạo và phát triển

     Hai thập niên gần đây, cùng với công cuộc đô thị hóa, các đô thị và các khu dân cư ven biển hiện đại hóa nhanh chóng theo những chiều hướng sau:

    – Mở rộng quy mô, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, cải tạo và nâng cấp quỹ kiến trúc, nhân lên gấp bội khối lượng xây dựng mới.

    – Xu hướng phát triển kinh tế du lịch và dịch vụ, trở thành nhân tố kích thích và thúc đẩy mạnh sự “đổi đời”, “đổi hướng” của các đô thị, tạo cho chúng diện mạo hiện đại, với những biểu hiện rõ nét hơn về tính văn hóa, tính nhân văn và sinh thái.

      Sự phát triển đột biến của Đà Nẵng trong ngót 10 năm qua là một ví dụ. Sự đầu tư ưu tiên cho hiện đại hóa và mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, lan tỏa về các phía, đặc biệt việc mở đường nối kết những không gian vốn bị xé lẻ của tuyến bờ biển, từ Nam chân đèo Hải Vân, sang Sơn Trà, Mỹ Khê, Non Nước, đến Điện Ngọc và Hội An, cùng với những chiếc cầu vượt sông Hàn, đã cơ bản biến Đà Nẵng thành đô thị biển đích thực.

      Quy Nhơn là một ví dụ điển hình về sự chuyển đổi lột xác từ vị thế thị xã – tỉnh lỵ khép kín sang mô hình đô thị hiện đại trong tương lai gần, chính bởi việc tái định hướng dứt khoát ra biển. Với những việc như giải tỏa và nâng cấp cảnh quan dải đất ven biển, mở toang các không gian đô thị, xây cất hàng loạt khác sạn, khu nghỉ mát sinh thái, các công trình khác có kiến trúc hiện đại, cùng dự án khu kinh tế Nhơn Hội, – Quy Nhơn có thể trở thành hình mẫu trong công cuộc hiện đại hóa và phát triển chuỗi các đô thị biển ở miền Trung.

     Phan Thiết là một ví dụ khác biệt. Trăm năm là thị xã – tỉnh lỵ với nghề nước mắm mang lại thương hiệu cho bản thân đô thị nhỏ bé này, Phan Thiết nhanh chóng trở thành một trung tâm du lịch nghỉ mát lớn, khai thác thế mạnh bị lãng quên là biển và thế mạnh không nghĩ tới là nắng khô và sự sa mạc hóa.

     Phân tích quá trình phát triển Phan Thiết sẽ cho ta những kinh nghiệm về việc cải tạo và hiện đại hóa một đô thị hàng tỉnh cũ thành một đô thị du lịch nghỉ mát, – một hình thái đô thị sẽ có sự phổ cập trong những năm tới ở nước ta.

Những vấn đề trong phát triển đô thị biển

     Dễ dàng nhận ra những thay đổi tích cực về hướng hiện đại hóa ở các đô thị và các cấu trúc đô thị biển trong những năm qua. Tuy nhiên, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đang xuất hiện, một số trong đó đã trở thành những thách thức nghiêm trọng cho cả hôm này lẫn ngày mai.

     Vấn đề thứ nhất: Việc xây dựng tổng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng duyên hải, trong đó có việc nghiên cứu và quy hoạch hệ thống các đô thị biển, chưa được chú trọng. Chúng ta quan tâm đến xây dựng và phát triển Tây Nguyên hoặc các vùng miền khác nhiều hơn vấn đề xây dựng duyên hải, nhất là từ giác độ tổng thể và hệ thống. Chẳng hạn, cần phải xác định hợp lý sự phân bố các cảng và đô thị cảng, sự lựa chọn ưu tiên trong khai thác tài nguyên bờ biển, sự xac lập những khu vực và những tuyến bờ biển cho các hoạt động kinh tế du lịch hiệu quả nhất .v.v…

    Vấn đề thứ hai: Văn hóa ứng xử với tài nguyên thiên nhiên, Bờ biển nước ta đặc biệt giàu có và đa dạng về tài nguyên, trong đó tài nguyên cảnh quan là một thế mạnh chưa thể đánh giá đầy đủ. Trong đà xây dựng các đô thị biển hiện nay, bộc lộ rõ một cách thách thức: sự lạm dụng quá mức đất đai, sự xâm hại các giá trị cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan kiến trúc, nạn ô nhiễm môi trường bởi xây dựng và chất thải .v.v… Cần nghiên túc cảnh báo việc hạ thấp độ cao đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) lấy đất lấn biển, việc xây dựng với mật độ quá cao ở đây, tổn hại đến cảnh quan của vùng vịnh là thắng cảnh tầm cỡ thế giới. Cũng ở Hạ Long đang diễn ra tình trạng xẻ núi, lấn biển lan tràn ở ngay những vị trí tiền tiêu của thành phố.

     Vấn đề thứ ba: Hầu hết các đô thị vốn là trung tâm hành chính và kinh tế, nhất là về khí hậu và cảnh quan, song do tọa lạc ở những vùng đất có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, nên được đầu tư nhiều và nhanh về các công trình du lịch và nghỉ mát. Tuy nhiên, thấy rõ ở Phan Thiết, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng, quy hoạch xây dựng các khu du lịch – nghỉ mát hoặc chưa có hoặc không được tuân thủ. Bờ biển bị chia nhỏ vụn thành lô, thành thửa. Điều này bộc lộ rõ ở Mũi Né, – hàng chục công trình du lịch – nghỉ mát chỉ được nối với nhau bằng một tuyến đường dài hàng chục km. Bãi biển vô giá này chung số phận của các đô thị, nơi người sở hữu quyết định thay nhà quản lý. Nhà nghỉ mát thì có, kiến trúc của khu nghỉ mát không thành, đô thị lại càng không ra đô thị biển.

      Như vậy, 3 vấn đề nêu trên đều liên quan đến những bài học về khai thác tài nguyên bờ biển. Ông cha ta ít đoái hoài đến biển (bài học lịch sử), nên bờ biển ít bị suy xuyển. Nay chúng ta khai thác mạnh tay hơn, mà thiếu tính toán và tham lam thì nguy cơ của sự cạn kiệt hiện ra nhãn tiền (bài học thời nay).

Cần có chiến lược quốc gia về sử dụng tài nguyên bờ biển

      Bàn về quy hoạch và xây dựng các đô thị biển, không thể không đề cập tới một nhận thức và luận điểm ở tầm vĩ mô: Phi lục địa hóa.

     Trong lịch sử ông cha ta đã kiên trì tư duy lục địa (do ảnh hưởng của quốc gia láng giềng có lãnh thổ lục địa và do đó có truyền thống tư duy lục địa chăng?), nên hướng lên núi và lên rừng nhiều hơn là hướng ra biển, chăm chú kinh tế trồng trọt mà sao nhãng kinh tế biển, chăm chú xây đắp xóm làng phố thị mà ít đầu tư xây dựng những cảng, những điểm dân cư trên bờ biển. Hậu quả từ lịch sử thế nào, đã rõ.

     Ngày nay, chúng ta chưa thoát khỏi lực quán tính của tư duy này. Thể hiện vĩ mô: Chiến lược khai thác bờ biển và biển chưa được vạch ra một cách toàn diện và đủ tầm; đầu tư cho sự phát triển địa bàn này chưa đủ tập trung; công cuộc cải tạo và mở mang các đô thị biển phần nào mang tính cục bộ và tự phát; những định hướng cho sự phát triển của chúng chưa được xác định ở phạn vi quốc gia. Thể hiện vi mô: Các đô thị gần biển trong sự phát triển đang khai thông ra biển bằng cách mở trục lộ đâm thẳng ra biển, được “khang trang hóa” bằng những giải cây cỏ, những hàng cột đèn giả cổ đắt tiền, song chúng lại dẫn đến những khu du lịch nghỉ mát manh mún mang tính tự phát. Quy hoạch dạng này vẫn chưa phản ánh đầy đủ tư duy về định hướng và tổ chức không gian đô thị biển, tư duy dựa hẳn vào sự lựa chọn biển như là một động lực chính cho phát triển kinh tế, cho quy hoạch và cho việc tạo lập tính chất kiến trúc đô thị biển.

       Một ví dụ thái cực nữa theo chiều hướng tư duy quán tính này: một thị xã nằm giữa biển và núi với những khoảng cách bằng nhau, các nhà lãnh đạo chọn hướng phát triển vào núi!

       Cùng với công cuộc phát triển của đất nước, để thực sự hội nhập với nhân loại, chúng ta cần khắc phục lối mòn trong tư duy truyền thống, thực hiện phi lục địa hóa tư duy (decontynentalisation), cả đối với quốc gia nói chung, cả đối với cùng đất ven biển nói riêng.

       Ngưới Nhật, sống trên các hòn đảo giữa biển khơi, nhiều thế kỷ duy trì tư duy lục địa, tư duy co khép vào mình. Thời Minh Trị, thế kỷ XIX, họ vứt bỏ, một cách đau đớn, sự ràng buộc muôn kiếp đó, họ đã phi lục địa hóa tư duy và từ đó, – phi lục địa hóa kinh tế cùng văn minh. Họ đạt được gì, ai cũng rõ.

      Chúng ta, e nói có phần to tát, cần phải thực hiện phi lục địa hóa. Với công cuộc khai thác tài nguyên bờ biển, cần phi lục địa hóa tư duy, kinh tế và xây dựng.

      Phi lục địa hóa tư duy về phương diện biển, trước hết ám chỉ sự điều chỉnh cái nhìn và cách nhìn cố hữu, cân bằng sự đánh giá tài nguyên đất nước, xác định hợp lý hợp thời hơn “phần lưng” và “phần mặt” của quốc gia, dành sự ưu tiên cho xây dựng mở mang vùng đất ven biển, nhất là thời nay đang có sự tái định hướng địa lý kinh tế khu vực và toàn cầu.

       Phi lục địa hóa về phương diện kinh tế trước tiên ám chỉ sự đánh giá toàn diện và đầy đủ những tiềm năng của tài nguyên bờ biển, sự nhận thức phát triển kinh tế bờ biển như một đòn bẩy nền kinh tế quốc gia, trong đó thương mại và công nghiệp như những yếu tố đương nhiên bắt buộc, trong đó kinh tế du lịch như một thời cơ mang tính chất vận hội của tài nguyên thiên nhiên Việt Nam, được nhận ra từ phía ngoài nhiều hơn và trước hơn là từ phía trong.

       Phi lục địa hóa xây dựng vùng đất ven biển là việc đề ra trên cơ sở khoa học một chiến lược thiết lập hệ thống các đô thị và cấu trúc đô thị trên bờ biển và vùng duyên hải, với sự xác định các động lực phát triển là lợi thế, là nhu cầu và là đặc trưng cho toàn tuyến bờ biển, cho từng đại vùng và từng tiểu vùng; với sự phân bố hợp lý từ đấy các thể loại đô thị to và nhỏ trên cơ sở những định hướng, định tính cụ thể.

Kinh tế du lịch và đô thị sinh thái với tư cách loại hình đô thị phù hợp và đặc trưng trong hệ thống đô thị biển Việt Nam

        Luận điểm này được đưa ra trên những cơ sở sau:

        Thứ nhất: Các đô thị cảng, các đô thị thương mại và công nghiệp, khai thác trực tiếp lợi thế và tiềm năng biển, là thể loại đô thị đương nhiên được quy hoạch xây dựng trước tiên ở các nước và ở nước ta. Các đô thị cảng là những trung tâm kinh tế hiện hữu: Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Các đô thị cảng tầm vừa như: Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Rạch Giá. Các cảng mới là hạt nhân của những đô thị cảng nay mai; – Vũng Áng, Chân Mây, Dung Quất.

       Thứ hai: Sự phát triển nổi trội của kinh tế du lịch trong những năm qua cho thấy Việt Nam có thể lấy nó làm một trong những thế mạnh để làm giàu và phồn vinh. Cơ sở khách quan:

a) Tài nguyên thiên nhiên phong phú và còn tương đối nguyên vẹn;

b) Các điều kiện khí hậu phù hợp và khác biệt;

c) Cảnh sắc thiên nhiên muôn hình muôn vẻ và hiếm thấy;

d) Di sản văn hóa và đặc biệt văn hóa sống ở trạng thái tiền công nghiệp hóa có sức hút lớn. Tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn dẫn đến những hình thức du lịch tham quan, nghỉ mát và nghỉ dưỡng.

       Xu hướng du lịch văn hóa đang khẳng định hiện nay hoàn toàn phù hợp với những điều kiện nêu trên. Về phía chủ quan, phát triển du lịch văn hóa ít làm tổn hại đến quỹ tài nguyên thiên nhiên, ít phá hoại gốc rễ văn hóa dân tộc.

        Quan sát: Công cuộc phát triển du lịch những năm qua đã dẫn đến sự thay đổi về bản chất nhiều đô thị ven biển. Lấy Vũng Tàu, Phan Thiết, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hạ Long làm ví dụ. Các đô thị này không chỉ bổ sung nhiều khách sạn du lịch ở thành phố mà, đặc biệt hơn, đều nối dài bởi chuỗi các khu nghỉ mát dọc bờ biển, thậm chí có thêm những cấu trúc đô thị dạng sputnic với công năng chính là du lịch và nghỉ mát. Sự chuyển đổi này là do các đô thị đều tọa lạc nằm trên những vùng đất giàu tiềm năng về du lịch.

       Trong chiều hướng này, các đô thị – thị xã vốn cũ kỹ và khép kín nay đã bước vào giai đoạn đổi đời thay sắc, hầu như tự phát, trở thành loại hình đô thị đặc trưng của tuyến bờ biển Việt Nam.

       Cải tạo thích ứng với các nhu cầu hiện đại hóa và trước tiên nhu cầu phát triển du lịch – nghỉ mát, các đô thị ven biển đồng thời với sự nâng cấp kiến trúc và cải thiện môi trường, đang đi theo xu hướng sinh thái hóa.

       Công cuộc sinh thái hóa các đô thị biển hoàn toàn mang tính khả thi. Chúng ta cần xác lập các quan niệm, tiêu chí tương thích, nhất là mô hình chuyển đổi một đô thị lạc hậu về tổng thể, thiếu tiện nghi toàn phần sang đô thị sinh thái, dễ chịu cho cả chủ nhân lẫn cho khách.

Những bất lợi của thiên nhiên đang trở thành lợi thế

        Ở miền Trung, do chỉ chăm chú trồng trọt và đánh bắt thủy sản ve biển mà đồng bào ta nghèo đến cùng kiệt và muôn đời. Bão, lũ, hạn hán biến mọi công sức và sự nhẫn nại tột định, chỉ thấy ở người dân miền Trung, thành những thu nhập tối thiểu hóa. Ninh Thuận và Bình Thuận nắng nóng và khô cạn quanh năm là hiện thân của sự cùng kiệt của các cơ may sống khá lên.

      Thực tiễn cho ta những lối ra bất ngờ: Chính những bất lợi ấy trở thành lợi thế. Nắng quanh năm, độ khô, sự sa mạc hóa và những bãi biển vô cùng tận, cùng nước biển sạch và thủy sản tươi sống là xuất phát điểm lý tưởng cho ngành du lịch nghỉ mát tắm biển. Mũi Né là một minh chứng.

       Miền Trung nghèo có cơ may biến thành miền Trung giàu có, bằng kinh tế du lịch, với công cuộc đô thị hóa theo hướng kinh tế du lịch.

       Vấn đề ở chỗ chúng ta chủ động bài toán tổng thể này ra sao?

       Bằng sự tự phát và chia thửa như hiện nay?

       Hay bằng một sự tiếp cận thấu đáo, giải quyết đủ tầm và đủ khoa học, như những ông chủ đích thực?

       Hội thảo này được mở ra với hy vọng đó.

Miền Trung – miền đất hứa cho những đô thị biển sinh thái.

      Trên suốt chiều dài 3260km bờ biển nước ta, miền Trung có những thuận lợi nhất để thiết lập chuỗi đô thị biển, đặc biệt đô thị có định hướng dịch vụ du lịch nghỉ mát.

        Những tài nguyên thiên nhiên đặc sắc và nhiều tiềm năng khai thác:

–     Cửa Tùng à Quy Nhơn (450km): Phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, phá Thị Nại, mũi Chân Mây, mũi Hải Vân, mũi Ba Làng An, bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm.

–     Quy Nhơn à Mũi Dinh (200km): vũng Hòn Khói, vũng Văn Phong, Vũng Rô, Sông Cầu, vũng Cam Ranh.

–     Mũi Dinh trở vào (800km): Sa Huỳnh, Ninh Chữ, Cà Ná, Mũi Né và Vũng Tàu.

     Những dải vùng này đặc trưng bởi địa hình địa thế, bởi cảnh quan thiên nhiên muôn hình muôn vẻ, bởi những thông số khí hậu càng về hướng Nam càng ít biến động theo mùa, bởi những di sản văn hóa và truyền thống cuộc sống cộng đồng dân cư.

      Trên cơ sở này ta cần phân định ra những đại vùng và những tiểu vùng; xác định quy mô và mật độ phân bố đô thị cùng các cấu trúc dân cư đô thị; xác định vùng lan tỏa chi phối của các đô thị hạt nhân.

Biển hóa quy hoạch và kiến trúc các đô thị biển

       Ngoại trừ Nha Trang và Đà Nẵng ở mức độ nhất định, các đô thị biển ở nước ta hầu hết về quy hoạch và kiến trúc chưa bộc lộ rõ đặc điểm hết sức cơ bản này.

      Biển hóa quy hoạch đô thị biển bao gồm trước tiên việc định hướng lại và khẳng định sự quay mặt ra biển của đô thị; việc cải tạo mạng lưới đường phố với những trục chính hướng ra biển; việc tạo không gian phân cách biển với thành phố; việc nhấn mạnh các đặc trưng hình thái bờ biển trong tồng cảnh quan đô thị .v.v…

      Biển hóa kiến trúc đô thị biển được hiểu là việc tạo nên hình ảnh diện mạo kiến trúc tổng thể và diện mạo kiến trúc từng công trình theo tinh thần thoáng và mở ra biển và thiên nhiên, trang nhã, tinh thần nhiệt đới nóng ẩm. Đặc biệt cần coi trọng việc lồng ghép hữu cơ kiến trúc đô thị vào nền cảnh thiên nhiên với tư cách là xuất phát điểm. Coi trọng việc chỉnh trang, điều tiết và tạo lập diện mạo đặc trưng cho những đường phố chính quay mặt ra biển.

      Kiến trúc đô thị biển, cũng như kiến trúc đô thị miền núi, thường khá dễ dàng có được diện mạo riêng, dễ dàng có thương hiệu. Điều này phụ thuộc hoàn toàn ở cách ứng xử, cách làm của ta. Một phạm trù văn hóa.

      Đô thị biển, hễ dựa hẳn vào tài nguyên và khung cảnh trời phú cho, hễ được xây dựng từ bản chất và hình thái mà chúng phải có, ắt hẳn sẽ là một sự đóng góp quan trọng đặc biệt vào việc tạo lập diễn mạo mới cho đất nước ta, cho bản sắc hệ thống đô thị Việt Nam thời nay.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …