Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Đình Làng

Đình Làng

Từ bao đời nay, đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến mọi sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Kiến trúc đình làng vì vậy mang đậm dấu ấn văn hoá, độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc điêu khắc Việt truyền thống. Đến thế kỷ 18, Việt Nam có chừng 11.800 làng xã. Mỗi làng có một cụm kiến trúc nghệ thuật tôn giáo đình đền chùa với hàng trăm pho tượng và nhiều đồ trang trí thờ cúng khác nhau. Đền thường thờ thánh, có thể là thánh mẫu tam toà hoặc một vị anh hùng dân tộc. Chùa thờ Phật. Còn đình thờ thần Thành hoàng làng và chủ yếu là nơi hội họp bàn việc làng, lễ hội có chức năng như uỷ ban, nhà văn hoá bây giờ. Ngô Thời Nhậm viết “Trời lấy đình để nuôi muôn vật – đất lấy đình để chứa muôn loài. Người ta lấy đình để làm nơi tụ họp”.

Theo quan niệm kiến trúc, đình là một kiến trúc công cộng, bỏ ngỏ. Thời xưa có rất nhiều loại đình: quán đình, dịch đình, trạm đình và thường được xây nơi biên ải, đường đi đón sứ giả nước ngoài, cho người qua đường tá túc. Giang đình – đình ven sông nơi bến đò, cũng có chức năng như vậy. Kiều đình là cầu có nhà thường gọi là cầu ngói. Phương đình – đình vuông, Viên đình – đình tròn, là các kiểu kiến trúc xây dựng trong vườn hoa hoặc lọt thỏm trong các kiến trúc đền chùa.

Đình làng là một loại kiến trúc đặc biệt, là sản phẩm của văn minh làng xã phát triển ở một mức độ dân chủ và tự ti tương đối với chính quyền phong kiến.

Nhiều học giả cho rằng, làng xã là một cộng đồng nhiều gia tộc có nguồn gốc từ công xã thị tộc kiểu như buôn của người Tây Nguyên, làng của người Mường. Đình làng là ngôi nhà chung giống như nhà Rông. Hình ảnh ngôi nhà công cộng như vậy thấy ngay trên các hoạ tiết của trống đồng. Thời Lý – Trần (thế kỷ 11-14) làng xã chưa phát triển mà hình thức phổ biến là điền trang – thái ấp với quan hệ quý tộc – nông nô. Sau khi thắng quân Minh năm 1427, nhà Lê lập quốc thúc đẩy quan hệ địa chủ – nông nô với quần cư làng xã – một ý tưởng có từ thời Hồ Quý Ly.

Dấu tích đình làng cũng không xuất hiện sớm trước thế kỷ 15 (đình Tây Đằng). Và trong đơn vị hành chính phong kiến gồm thôn, xã, tổng huyện, tỉnh, thì làng không thuộc đơn vị nào. Làng to tự thành một xã, làng nhỏ thì mấy làng ghép lại mới thành một xã. Trên một miếng đất nổi, xung quanh có luỹ tre xanh bao bọc, ngoài là đồng ruộng, làng là quần cư của vài hoặc nhiều dòng họ kết cấu theo địa lý tự nhiên. Từ làng này sang làng kia có đường liên xã, liên huyện rồi ra tỉnh. Làng là tế bào căn bản của xã hội Việt Nam. Mỗi làng có tập tục riêng, lề thói riêng, bộ máy hành chính và văn hoá riêng nhưng đều giống nhau ở phương thức trồng lúa nước và nghề phụ thủ công. Vua chúa chỉ quản lý được lãnh địa riêng này thông qua bộ máy hương lý chủ yếu nhờ thu thuế chứ không bao giờ nắm được đến tận người dân. Dù quốc gia có bộ luật nhưng hương ước và lệ làng vẫn trên hết, “ phép vua thua lệ làng” là vậy.

Đình làng là trụ sở hành chính của chính quyền dân cử trong một xã hội với giai tầng sĩ, nông, công, thương có thể chuyển đổi qua khoa cử. Cái trụ sở này tựu trung đủ mọi lề thói nông dân với toàn bộ nét văn minh và hủ lậu của làng xã: từ rước xách hội hè, khao vọng quan trên, đón người đỗ đạt, họp việc làng, xử kiện vụ tranh chấp ruộng đất, phạt vạ gái chửa hoang, nghĩa là tất cả các sự kiện chung của nông thôn đều kéo đến đình trình diễn. Ở đây cũng có những quy củ nhất định, có sự phân biệt chiếu trên, chiếu dưới. Khi ăn cỗ, bậc hương lão, hương lý ngồi giữa đình, thấp hơn ngồi hai bên, còn thường dân ngồi ngoài sân đình. Sự phân biệt không có ý nghĩa đẳng cấp, nhưng gay gắt trong những mâu thuẫn, ganh ghét cũng nảy nở từ đây.

Được xây dựng từ truyền thống kiến trúc gỗ châu Á, đình làng kết cấu chính bởi bộ vì kèo theo ba dạng chồng giường, giá chiêng, giá chiêng kết hợp chồng giường. Phía trên là bộ mái ngói dầy, toả thấp xuống hàng hiên và uốn cong vút ở bốn góc đầu đao, tạo cảm giác nhẹ nhàng bay bổng. Bộ mái chuẩn chiếm đến 2/3 chiều cao ngôi đình, ở các góc mái, người ta đắp những hình con đầu kìm, rồng phượng biến đường thẳng thành đường cong duyên dáng. Trước và hai bên đình thường có ao rộng, trông xa giống hình con thuyền bơi trên mặt nước.

Đình làng là hình ảnh hồn hậu và sống động nhất về người nông dân Việt Nam, là thành tựu nghệ thuật có một không hai của văn minh Việt Nam dưới chế độ xã hội phong kiến.

Hoa Anh

ĐTPT Số 14/2008

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …