Home / QUY HOẠCH / Định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị thành phố Đà Nẵng

Định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị thành phố Đà Nẵng

I. Đánh giá chung

Thành phố Đà Nẵng, thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế, tài chính, chính trị, văn hóa, du lịch, xã hội, giáo dục đào tạo khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Trải qua 22 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, tốc độ đô thị hóa của thành phố phát triển rất mạnh làm thay đổi bộ mặt của thành phố thông qua việc cải tạo, xây dựng đô thị cũ và hàng loạt các khu đô thị mới, đặc biệt trong việc phát triển hạ tầng kỹ thuật trong đó công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đóng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng quá nhanh, tốc độ đô thị hóa quá cao do áp lực gia tăng dân số phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội cũng đã để lại nhiều tồn tại không gian trung tâm đô thị phát triển thiếu kiểm soát, làm tăng mật độ dân số quá cao ảnh hưởng đến môi trường sống, hệ thống giao thông không đáp ứng, hệ thống dự án đô thị ven biển thiếu kiểm soát với mức độ dày đặc các dự án ảnh hưởng đén môi trường, cảnh quan, thậm chí bức xúc trong dư luận. Vì vậy với chủ đề của hội thảo “Định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị Đà Nẵng” là một cuộc hội thảo mang ý nghĩa thiết thực nhằm tham mưu cho thành phố những ý kiến tâm huyết cảu của chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của thành phố, Đà Nẵng phải thực sự là thành phố Đáng sống: Văn minh, môi trường xã hội hạ tầng kỹ thuật hiện đại môi trường thiên nhiên tốt nhất cho người dân. Với hiểu biết hạn hẹp của mình nhưng với tâm huyết và một số kinh nghiệm khi được sống, làm việc ở một số thành phố lớn trên thế giới tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:

CauRong_CauSongHan

II. Định hướng quy hoạch và phát triển các khu vực đô thị Đà Nẵng

1. Quy hoạch cải tạo, chỉnh trang khu đô thị trung tâm cũ

Đô thị Trung tâm cũ của thành phố Đà Nẵng đã được hình thành hàng trăm năm hiện vẫn là đô thị trung tâm của thành phố. Trải qua nhiều giai đoạn tốc độ cải tạo chỉnh trang  xây dựng khu trung tâm đã phát triển rất mạnh theo tốc độ phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng, nhằm đáp ứng sự gia tăng dân số tự nhiên và cơ học rất lớn phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế.  Trong quá trình xây dựng cải tạo khu trung tâm này Đà Nẵng là một trong những thành phố có nhiều cố gắng quản lý việc cải tạo, chỉnh trang đô thị lõi trung tâm này. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau khu đô thị cũ này còn rất nhiều tồn tại đặc biệt là mật độ dân số ngày càng tăng quá lớn trong khi các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đáp ứng thiếu nhiều không gian sống phục vụ cho người dân như: tỷ lệ cây xanh trên đầu người rất thấp, thiếu công viên, điểm tập luyện thể thao, điểm vui chơi cho trẻ em, chỗ dạo cho người già, còn nhiều khu “ổ chuột kiểu mới”, nhà ở diện tích chật hẹp, còn nhiều ngõ xóm xe cứu hỏa, cứu thương không thể tiếp cận…

Khác với khu đô thị mới rất dễ quy hoạch, tổ chức không gian kiến trúc đô thị. Việc quy hoạch và triển khai việc cải tạo chỉnh trang khu đô thị cũ hết sức khó khăn đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn (bài học của Hà Nội khi mở đường trong nội đô đòi hỏi nguồn kinh phí cực lớn, những con đường đắt nhất hành tinh cần vài nghìn tỷ cho 1km đường. Bài học của thành phố Cần Thơ trong việc cải tạo mở rộng các con ngõ.

Việc cải tạo chỉnh trang đô thị mới theo quy hoạch đồng bộ cần được hết sức quan tâm vì đây chính là tiêu chí của người dân của đô thị đáng sống, con người bây giờ không chỉ là diện tích nhà ở m2 trên đầu người mà là môi trường sống xung quanh như thế nào? Các công trình phúc lợi công cộng thế nào, có nhiều vườn hoa cây xanh mặt nước, có chỗ vui chơi rèn luyện thể thao cho thanh niên và thiết nhi, chỗ dạo của người già, gần trường học, bệnh viên, siêu thị, giao thông thuận tiện…

Vì vậy đề nghị thành phố cần tập trung lập, duyệt, triển khai thực hiện quyết liệt các khu trung tâm cũ này theo các tiểu khu đô thị đồng bộ theo hướng:

– Mỗi tiểu khu đều là hệ thống công trình đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với môi trường,  xanh sạch đẹp theo hướng khu đô thị nén.

– Không xây dựng nhà ở đơn thuần mà là nhà đa năng các tầng 1 (kể cả tầng 2 có hệ thống nối đường liên kết) đều là cửa hàng đảm bảo cuộc sống của người dân đô thị có nơi buôn bán, dịch vụ.

Để thực hiện được điều này đề nghị thành phố cần quan tâm giành một khoản kinh phí đầu tư thỏa đáng.

Về quỹ đất ngoài quỹ đất hiện có (thực sự còn rất hạn hẹp khi di dời các cơ sở sản xuất, bến bãi, kho tàng… ra ngoại ô) cần nghiên cứu làm thí điểm làm ở khu ga tàu hỏa cũ khu sân vận động Chi Lăng khi di dời. Đặc biệt là việc di dời sân bay Đà Nẵng hiện có. Hiện rất bất tiện khi phát triển về phía Tây do bị chia cắt. Tại đây sẽ làm một tiểu khu đô thị trung tâm mới từ đó làm cuốn chiếu các khu còn lại. Dành toàn bộ khu này để tái định cư các tiêu khu đô thị cũ lân cận.

2. Định hướng quy hoạch phát triển khu cận đô thị

2.1. Khu cận đô thị (ngoại ô) là các vùng thôn xóm phường làng một thời gian dài phát triển tự phát, trong khi các dự án phát triển dô thị chỉ tập trung vào các vùng trống là ruộng vườn, ao hồ, rừng, đồi núi các thôn xóm ven đô thường bị khoanh vùng, quy hoạch đô thị khu vực này thường xem nhẹ, gần đây mới được nằm trong quy hoạch nông thôn mới. Tuy nhiên do không được quan tâm đúng mức dẫn đến hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầu tư không đồng bộ đặc biệt là hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước. Thiếu công trình công cộng phục vụ cộng đồng hệ thống hạ tầng  đầu nối không đồng bộ thậm chí trở thành vùng ngập nước do các khu đô thị mới xung quanh tôn lên cao hơn.

Vì vậy, quy hoạch, phát triển đồng bộ các vùng thôn xóm, phường làng có ý nghĩa rất lớn đến phát triển đô thị của thành phố. Việc định hướng quy hoạch khu vực này có nhiều phương thức khác nhau tuy theo mật độ dân số, điều kiện khác nhau với kinh nghiệm của các nước tiên tiến, gần đây là Trung Quốc đều rất quan tâm quy hoạch đến khu vực này thành các tiểu khu đô thị với hệ thống nhà vườn, liền kề. Một số nơi là chung cư cao tầng (dưới 9 tầng) nhưng hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi các nhà đều được tiếp cận với đường ô tô. Cũng cần lưu ý rằng dân số đang sống ở đây là rất lớn (30-40% dân số thành phố). Do vậy cần được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư đúng mức vì khu vực này đòi hỏi kinh phí lớn, khó làm vì trực tiếp đến hàng chục vạn gia đình; Trong khi đầu tư các đô thị khác như đô thị ven biển, đất trống đồi trọc… vừa dễ, vừa nhanh vừa hiệu quả, lợi ích nhà đầu tư và người có chức có quyền là rất lớn do chênh lệch địa tô (thu hồi đền bù theo giá thành phố ban hành, bán theo giá thị trường).

2.2. Các khu vực đô thị khác: Các nhà quy hoạch đã nêu khá đầy đủ với những định hướng phục vụ cho nhà ở, dịch vụ Du lịch – sản xuất kinh doanh ở đây tôi nêu lên một số ý kiến xung quanh việc quy hoạch vùng ven bờ biển. Rất tiếc rằng vì nhiều lý do khác nhau các dự án ven biển đã nằm san sát thậm chí không cho lối đi xuống biển cho người dân gây bức xúc trong dư luận. Muộn còn hơn không cần có sự điều chỉnh kịp thời, còn nhiều dự án chưa triển khai phải chăng phải chừa lại các khoảng rừng giữa các dự án vừa tạo lá phổi xanh cho thành phố vừa tránh được hình thành con đường của dự án kéo dài vài chục kim.

3. Quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông

Ở mỗi đô thị, đặc biệt là đô thị đang phát triển quy hoạch giao thông (kèm theo đó là các công trình hạ tầng kỹ thuật khác) giữ vai trò cực kỳ quan trọng: Tốc độ  phát triển dân cư kèm theo yêu cầu đi lại là rất lớn, tốc độ xe cá nhân (ô tô xe máy) tăng rất nhanh do các phương tiện đi lại công cộng phát triển không theo kịp, gần đây Đà Nẵng đã bắt đầu xuất hiện tượng ùn tắc giao thông. Vì vậy với bài học kinh nghiệm của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hiện tượng ách tắc giao thông gây lãng phí rất lớn cả vật chất và thời gian lao động và ô nhiễm môi trường. Vì vậy đề nghị thành phố cần tập trung quy hoạch và kinh phí triển khai để hệ thống giao thông đi trước một bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố đặc biệt là các nút giao thông khá tốt ở các vị trí quan trọng và hệ cầu trượt Sông Hàn. Càng để chậm càng tốn kém lãng phí.

4. Môi trường sống – Công trình sinh hoạt cộng đồng trong định hướng quy hoạch và phát triển

Hiện nay mức sống, điều kiện sống không chỉ là tăng diện tích nhà ở, diện tích nơi ở mà còn được đánh giá bằng tiêu chí môi trường sống trong đó có yếu tố rất quan trọng là không gian công cộng môi trường xung quanh nơi ở, làm việc: là chỗ luyện tập thể thao cho thanh thiếu niên, cho vui chơi cho các cháu, chỗ dạo và gặp gỡ của cộng đồng dân cư đặc biệt là chỗ dạo của người già, các công trình phúc lợi xã hội khác, là hệ thống giao thông tĩnh giao thông kết nối…

  Ở các nước phát triển trong quá trình đô thị hóa đã phải trả giá cho tình trạng thiếu không gian công cộng này họ đang tìm mọi cách sửa sai trong các khu đô thị cũ (điển hình là Seoul của Hàn Quốc, Liverpool của Anh, Melbourne của Úc) đồng thời đưa ra các tiêu chí rất cụ thể cho các tiểu khu, khu đô thị mới.

Vì vậy kiến nghị với thành phố cần có cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện với các quy định cụ thể trong việc dành kinh phí, quỹ đất đảm bảo thực hiện môi trường sống trong thành phố văn minh, hiện đại thực sự là thành phố đáng sống.

Trần Ngọc Hùng

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

ĐT&PT số 74 – 75/2018

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …