Home / QUY HOẠCH / Định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố xanh – bền vững

Định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố xanh – bền vững

Sau khi trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tập trung nghiên cứu lập quy hoạch và triển khai đầu tư theo quy hoạch và triển khai đầu tư theo quy hoạch được duyệt.  Hầu hết các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối tạo nên bộ khung phát triển của Đà Nẵng đã được đầu tư như các trục đường Quốc lộ 1A, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Thọ, Điện Biên Phủ, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, đường Hoàng Sa, Trường Sa, đường Lê Văn Hiến – Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Hữu Thọ, và nhiều tuyến đường khác…

Định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố xanh – bền vững

Nhiều khu đô thị mới được hình thành như Khu Tây Bắc, Thuận Phước, Khu đô thị Nam Cầu Cẩm Lệ, các khu đô thị mới thuộc quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn… Các khu du lịch như Bà Nà – Suối Mơ, bán đảo Sơn Trà, Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, các khu nghĩ dưỡng ven biển cũng được đầu tư xây dựng và một số khu đã đưa vào sử dụng như Hyatt Regency Danang, Vinpearl Luxury, Life Resort, Silver Shores International Resort, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort…

Cùng với cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Tuyên Sơn, những điểm nhấn cao tầng và các công trình có kiến trúc hiện đại như tòa nhà Azura, Khách sạn Novotel, tòa nhà Indochina, Trung tâm Công nghệ phần mềm, cung thể thao Tiên Sơn, tạo dấu ấn đậm nét trong lòng du khách đến với thành phố Đà Nẵng.

Để phát huy thế mạnh sẵn có, nâng cao tính cạnh tranh, tiếp tục đưa Đà Nẵng trở thành thành phố xanh, hướng đến phát triển bền vững, Đà Nẵng có những định hướng phát triển phù hợp trong thời gian sắp tới. Thành phố Đà Nẵng xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, trong đó phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 15 đến 16%. Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch có giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, công nghệ cao, theo nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu về môi trường.

Trong công tác quy hoạch xây dựng, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây Dựng, Viện Quy hoạch xây dựng phối hợp với các ngành, các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước triển khai  có kinh nghiệm trong và ngoài nước triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, hiện đã gửi Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có cơ sở triển khai thực hiện. Qua đó, UBND thành phố cũng chỉ đạo lồng ghép các nội dung định hướng chính nhằm bảo đảm tính bền vững trong công tác phát triển đô thị như sau:

  1. Sử dụng đất cẩn trọng có hiệu quả, phát triển đô thị nén một số khu vực cần thiết, tạo thêm quỹ đất cây xanh cho khu vực cần thiết, tạo thêm quỹ đất cây xanh cho khu vực trung tâm. Phát huy cảnh quan thiên nhiên, tổ chức đô thị hướng ra sông ra biển, kéo dài bờ sông bờ biển. Dành quỹ đất để đầu tư cây xanh, công viên, mặt nước, nâng cao chất lượng và số lượng cây xanh đô thị. Trong đó, chú trọng cây xanh phòng hộ, cây xanh thích ứng với điều kiện khí hậu, nhất là khu vực ven biển.
  2. Quy hoạch hệ thống bến du thuyền, phát triển các tuyến du lịch đường biển, đường sông. Khơi thông sông Cổ Cò đi Hội An, quy hoạch đầu tư công viên vui chơi giải trí quy mô lớn tại khu vực Đông Nam Đài tưởng niệm với quy mô 83ha. Tiếp tục quy hoạch đầu tư các làng nghề truyền thống như Làng nghề đá Non Nước, Làng Chài… tạo công ăn việc làm cho nhân dân, tạo sản phẩm đặc trưng cho du lịch.
  3. Quan tâm đặc biệt đến môi trường, cảnh quan đô thị tại các khu vực nhạy cảm như Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, vệt ven sông ven biển. Chú trọng tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng… Định hướng phát triển kiến trúc sinh thái, kiến trúc đặc trưng, tạo giá trị nhân văn cho đô thị.
  4. Chú trọng dành quỹ đất phát triển các công trình y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, phục vụ đề án có nhà ở của thành phố, nhằm cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí và bảo đảm an sinh xã hội.
  5. Quy hoạch và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Ninh 1.200ha, Khu công nghiệp thông tin 350ha. Có chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp, tạo điều kiện cho các loại hình công nghiệp sạch và giá trị cao phát triển. Tiếp tục di chuyển các cơ sở sản xuất trong khu dân cư về các khu công nghiệp tập trung, bảo đảm môi trường đô thị.
  6. Tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải, nhất là khu vực ven sông, ven biển, xây dựng các trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, Liên Chiểu, từng bước thu gom nước thải đến từng cụm dân cư, đồng thời tách hệ thống nước thải và nước mưa riêng.
  7. Phát triển giao thông công cộng như xe bus chất lượng cao, xe bus nhanh, xe điện ngầm…, hạn chế sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân, tránh ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Hiện nay thành phố đang nghiên cứu lập dự án triển khai xây dựng để phục vụ nhu cầu người dân, từng bước giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Ngoài các định hướng nêu trên, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng còn quyết tâm đưa Đà Nẵng đi đúng hướng với nhiều chương trình mục tiêu như thực hiện Đề án xây dựng Thành phố môi trường; tiếp tục thực hiện chương trình Thành phố “5 không”, “3 có”; triển khai Đề án phân bổ dân cư trên địa bàn thành phố; Đề án phát triển cây xanh, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu trở thành “Thành phố Xanh – Phát triển bền vững” trong tương lai.

KTS. NGUYỄN NGỌC TUẤN 

PCT UBND thành phố Đà Nẵng, PCT Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *