Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / ĐỀN THÁP MỸ SƠN – GIÁ TRỊ VÀ CÁC ẨN SỐ

ĐỀN THÁP MỸ SƠN – GIÁ TRỊ VÀ CÁC ẨN SỐ

    Với một bề dày về lịch sử, văn hóa của dân tộc Chăm là một trong những di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, là một mảng màu làm nên sự đa dạng, sinh động trên bức tranh toàn cảnh của bản sắc văn hóa Việt Nam. Với nhiều lớp văn hóa tích tụ, bồi đắp trong quá trình lịch sử dài lâu, văn hóa Chăm cho đến nay vẫn luôn là đối tượng hấp dẫn của các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đặc biệt là việc là nghiên cứu, giải mã nghệ thuật kiến trúc – xây dựng trên các Đền, Tháp,… còn lại trên suốt dãy miền Trung – Tây nguyên Việt Nam.

Hiện nay trên khắp đất nước ta đang tồn tại khoảng 40 ngôi đền và tháp Chăm nằm rải rác từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây nguyên. Các công trình này thể hiện nhiều phong cách kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và kỹ thuật xây dựng cùng các yếu tố văn hóa, tâm linh. Tuy nhiên, khi nói đến sự hội tụ đủ cả yếu tố nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật kiến trúc Chăm ở trong nước, thì trước hết phải nói đến thánh địa Mỹ Sơn. Mỹ Sơn có hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá. Mỗi thời kỳ lịch sử, kiến trúc mang phong cách riêng, tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn. Theo các nhà nghiên cứu tháp Chàm cổ, nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm tại Mỹ Sơn hội tụ được nhiều phong cách kiến trúc truyền thống trong khu vực. Sự hội tụ đa dạng này giúp cho chúng ta có thể đánh giá được những ảnh hưởng của điều kiện lịch sử, tư duy nghệ thuật, sự tiếp biến, giao lưu về mặt văn hóa, nghệ thuật và cả kỹ thuật với các quốc gia khác trong quá trình chuyển hóa của nghệ thuật Champa. Không những thế, giá trị đem lại trên các Đền, Tháp nói chung và tại Mỹ Sơn nói riêng còn thể hiện trên nhiều mặt của nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc; về kỹ thuật xây dựng, sử dụng vật liệu, bảo tồn và các ý nghĩa tâm linh – văn hóa.

I – Về nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc trên các Đền, Tháp

    Vẻ đẹp không thể bỏ qua
Trong số các loại hình kiến trúc, nghệ thuật Kiến trúc – điêu khắc trên các Đền Tháp đóng vai trò đặc biệt và thể hiện đặc sắc các giá trị nghệ thuật cũng như mối quan hệ  hữu cơ giữa Kiến trúc với kỹ thuật điêu khắc và các ý nghĩa tâm linh. Bởi từ xa xưa, các Đền, Tháp đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hoá và tâm linh của dân tộc Chăm. Vì thế ngoài giá trị văn hoá vật thể, các di tích này còn lưu giữ những giá trị văn hoá phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng.
Theo chiều dài lịch sử, sau những cuộc chiến tranh liên miên của vương quốc này với các nước lân cận và trải qua bao biến đổi của thời gian, thiên tai, địch hoạ cùng với tác động của môi trường và sự phá hoại của con người đã khiến nhiều công trình nói chung từ nền văn hóa này không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, chúng vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật cổ rất quan trọng. Trong đó bao gồm kỹ thuật chế tác vật liệu, kỹ thuật xây cất gạch đất nung và đá sa thạch cũng như nghệ thuật điêu khắc. Và khi đề cập tới tháp Chăm, nhà nghiên cứu mỹ thuật phương Đông, B. Groslier có viết : “…về cấu trúc, các tháp Chàm đẹp hơn các đền tháp Khơme” và nguyên nhân tạo nên vẻ đẹp của tháp Chàm, theo B. Groslier : “chắc chắn là do họ giữ được ý thức về chất liệu và biết tôn trọng bản chất của nó; trong khi đó, người Khơme có xu hướng dựng lên một khối bằng bất cứ vật liệu nào, rồi chạm khắc lên đó. Nghệ thuật kiến trúc Chàm cân bằng, có nhịp độ và sáng sủa hơn, nó tạo cho tháp Chàm có một vẻ đẹp không thể bỏ qua…”.
Nghệ thuật kiến trúc – trang trí trên các di tích còn sót lại chứng tỏ sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật (như kỹ thuật chạm khắc trên các tường tháp,…) và thẩm mỹ cũng như những ý nghĩa triết học, nhân sinh…, mà biểu hiện vật chất của nó chính là tỷ lệ, đường nét kết hợp với các dạng điêu khắc trang trí và biểu hiện giá trị phi vật thể là nội dung thờ tự, tâm linh và đó cũng còn là sự chứng minh sinh động sắc màu của nền văn hóa bản địa cùng với sự giao lưu, tác động qua lại giữa các nền văn hóa xa xưa. Đây có thể là nguồn tư liệu quý mà chúng ta có thể  chưa nghiên cứu được một cách đầy đủ và cho đến nay vẫn là một bí ẩn có sức hấp dẫn lớn, gây nhiều tranh luận và làm cho không ít các nhà nghiên cứu trên thế giới chú ý đến. Và giải mã điều này không chỉ có ý nghĩa đem lại các giá trị về lịch sử, nghệ thuật cũng như những bí ẩn về cách thức thực hiện nó mà còn có thể hé lộ những mối liên hệ giữa nó – nghệ thuật điêu khắc – và vật liệu cũng như phương pháp xây dựng trong các công trình Đền, Tháp… của người Chăm xưa.

II – Về kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu các công trình của người Chăm
    Đặc sắc và còn nhiều bí ẩn
Về nghệ thuật xây dựng, “… không phải cho đến bây giờ các nhà khoa học mới khâm phục trước tài nghệ xây dựng bằng vật liệu gạch của người Chàm cổ mà ngay từ những thế kỷ V-VI, sử liệu Trung Quốc đã phải công nhận người Chàm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch. Nhưng cho đến ngày hôm nay, kỹ thuật xây dựng tháp Chàm vẫn còn là một điều bí ẩn đối với các nhà khoa học, kiến trúc của thể kỷ XX…”(*). Điều đặc sắc thể hiện ở điểm các tháp đều được xây cất hoàn hảo, các viên gạch được xây xếp mài khít, liền khối, vững chắc như được dán chặt vào nhau vì giữa chúng không có một đường lằn chứng tỏ có sự diện diện của vôi vữa. Vấn đề càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn, vì kỹ thuật làm gạch và xây tháp Chăm xưa bởi những lý do mang tính lịch sử đã thất truyền từ lâu. Do đó, cho đến nay  kỹ thuật về phương pháp kết dính vẫn còn là điều đang bàn cãi, những câu hỏi về kỹ thuật sản xuất vật liệu và kỹ thuật xây dựng các Tháp chưa được giải đáp đầy đủ: Rằng thành phần chất kết dính của nó gồm những gì? Phương thức tạo ra nó như thế nào? Khi dùng kỹ thuật “dán” chặt những viên gạch lại bằng chất kết dính thì, ngoài mục đích làm tháp vững chắc người ta còn có mục đích gì khác? Vì sao phải cần loại hỗn hợp kết dính này mà không dùng vôi vữa để xây tháp?

III – Về nghệ thuật điêu khắc – tạo hình
    Đặc biệt và “rất ít xuất hiện” ở Đông Nam Á
    Có thể thấy, nghệ thuật tạo hình trên các Đền Tháp Chăm là một loại hình đặc biệt và “rất ít xuất hiện” ở Đông Nam Á. Nếu như ở các quốc gia khác người ta điêu khắc trên đá như Ăngko hay tráng lên tường một lớp vữa rồi trang trí lên như ở Ấn Độ và Chân Lạp vẫn thường làm thì những hình trang trí ở tháp Chăm được tạo tác ngay trên gạch của thân tháp hoặc được đắp bằng sa thạch. Những hình tượng nghệ thuật sống động  thể hiện một cách sinh động các nhân vật trong thế giới thần thoại Ấn Độ hoặc các hoa văn trang trí mang nhiều ý nghĩa nhân sinh. Và các hình tượng, các hoa văn này có thể được thể hiện qua việc khắc, chạm, hay dập…một cách hoàn hảo và chi tiết trên các mảng tường, trụ, mái, vòm dưới…trên các Đền, Tháp. Và chúng ta khó có thể lý giải  bằng phương pháp thủ công sơ khai ban đầu mà các họa tiết này được thể hiện đến từng chi tiết nhỏ nhất và liên tục ở các diện của tường, trụ Đền, Tháp trên chất liệu gạch nung mà hoàn toàn không bị sứt mẻ. Đặt biệt có những họa tiết nằm ở những vị trí như Vòm dưới đòi hỏi phải có kỹ thuật và thao tác đặt biệt để thực hiện – điều mà mà người Thợ ngày nay lành nghề đến mấy cũng khó có thể thực hiện nếu điêu khắc trên chất liệu gạch nung. Điều này cho thấy sự tinh vi đến tuyệt diệu của nghệ thuật điêu khắc Chăm, đặc biệt là nghệ thuật tạo hình trên gạch.
Và như vậy, có phải các nghệ nhân Chăm thực hiện kỹ thuật chạm trổ khi các tường gạch đã xây xong? Nếu như thế, những sai sót mắc phải trong quá trình tạo tác được giải quyết như thế nào? Những nghệ nhân điêu khắc là người kiêm luôn công việc xây dựng hay có hai nhóm thực hiện hai công đoạn nối tiếp nhau: xây dựng và trang trí? Phù điêu, tượng trên tháp được tạo tác như thế nào? Giữa hỗn hợp kết dính “bí ẩn” với nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo hình Chăm có liên quan gì không?

 IV.Về kỹ thuật bảo tồn
    Những khối  gạch khổng lồ nhưng không bị nghiêng lún
    Các tháp Chăm cao sừng sững nhưng dáng dấp thanh thoát; chỉ khi đến gần người ta mới thấy hết được vẻ đồ sộ của nó. Với chất liệu gạch và kiểu kiến trúc như thế chắc chắn sức nặng dồn lên nền móng là rất lớn.Tuy nhiên, qua mấy trăm năm trơ vơ giữa trời, cùng với việc hứng chịu biết bao trận mưa xối xả và những cơn gió mùa thổi tứ bề của sự khắc nghiệt khí hậu miền Trung nhưng các khối gạch khổng lồ này vẫn đứng yên, không có biểu hiện của sự cố nghiêng lún, không có dấu hiệu lộ ra chân móng hay bong tróc vật liệu… Các nhà kiến trúc Chăm đã xử lý móng, khối xây như thế nào để giữ tháp đứng vững qua hàng trăm năm mà vẫn“bình chân như vại”?  Và thành phần vật liệu, quy trình sản xuất vật liệu có gì khác thường và có mối liên hệ như thế nào với kỹ thuật xây dựng, kiến trúc để đạt được những điều kiện như vậy?…
Điểm đặc biệt nhất trong nghệ thuật kiến trúc – xây dựng các Đền Tháp của người Chăm xưa là vật liệu, là sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật xây dựng, vật liệu và kiến trúc – điêu khắc, là độ bền vững trước thời gian trong môi trường khắc nghiệt của miền Trung, là ý nghĩa tâm linh, niềm tin tôn giáo… Vì thế, việc lý giải cũng như nghiên cứu, đánh giá nghệ thuật xây dựng – kiến trúc một cách đúng đắn sẽ là cơ sở rất quan trọng giúp cho việc đưa ra được những phương tiện và phương pháp để việc bảo tồn trùng tu các công trình của người Chăm xưa được tối đa các giá trị chân xác và cũng là một bước tiến đặc biệt quan trọng trong quá trình nghiên cứu các tháp Chăm về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng suốt hơn một thế kỷ qua. Đồng thời qua đó có thể mở ra một hướng mới trong nghiên cứu để tìm ra một phương pháp xây mới phục vụ cho ngành xây dựng, có thể có nhiều ưu điểm hơn với lối xây thông thường hiện nay.

KTS. HỒ THẾ VINH
ĐTPT số 37/2012

Theo TS. Ngô Văn Doanh trong tham luận Tháp cổ Chămpa: Hiện trạng di tích, kỹ thuật xây dựng, chức năng và các phong cách tại hội thảo kỹ thuật lần thứ nhất trùng tu các di tích đền tháp Chămpa)

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …