Trong khoảng hai thập niên gần đây, Đà Nẵng có bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển với tốc độ nhanh chóng. Cùng với tốc độ tăng trưởng đó thì việc xây dựng một thành phố môi trường, thành phố du lịch trong tương lai là chiến lược phát triển mang tính lâu dài. Theo quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013: “Phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại, bền vững, là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng miền Trung và Tây Nguyên”. Để trở thành trung tâm kinh tế xã hội của vùng, ngành Giao thông vận tải đã tiến hành xây dựng quy hoạch giao thông vận tải thành phố với tầm nhìn phát triển: Đà Nẵng thành phố Xanh – Hiện Đại – Thân thiện. Đồ án quy hoạch giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5030/QĐ-UBND ngày 28/7/2014.
Nhờ công tác quy hoạch được triển khai một cách bài bản, khoa học nên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố được đầu tư, phát triển khá đồng bộ. Hạ tầng giao thông đường bộ của thành phố sau ngày trực thuộc Trung ương đã có những bứt phá đi lên, góp phần thay đổi diện mạo thành phố theo hướng văn minh, hiện đại. Những tuyến giao thông đối ngoại thông thoáng như Quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Yết Kiêu – Ngô Quyền-đường 2/9 – QL14B cùng với các tuyến ven biển Nguyễn Tất Thành, Trường Sa – Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp tạo tiềm năng, động lực phát triển cho thành phố; tuyến đường Điện Biên Phủ – Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh – Võ Văn Kiệt tạo nên trục giao thông xuyên tâm Đông – Tây; tuyến đường Võ Chí Công và đường vành đai phía Nam mới hình thành tạo nên các trục giao thông vận tải chính, mở rộng và phát triển đô thị về khu vực phía Nam, Tây-Nam thành phố; các công trình giao thông trọng điểm như cầu sông Hàn, Thuận Phước, cầu Rồng, cầu mới Trần Thị Lý, Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế… vừa nâng cao năng lực, tính liên thông của hệ thống giao thông thành phố vừa tạo thêm các điểm nhấn kiến trúc cảnh quan cho đô thị.
Sự bứt phá về phát triển hạ tầng giao thông đô thị đã tạo cho Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương được nhiều người biết đến và được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Các hệ thống giao thông này được quy hoạch phát triển hoàn chỉnh và phù hợp với sự phát triển của thành phố và sự giao thương đi lại trong khu vực cũng như sự thuận lợi giao thông liên kết phát triển đối với các nước nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây. Giao thông đô thị thành phố Đà Nẵng từng bước đổi mới mạnh mẽ, mang lại những lợi ích, hiệu quả to lớn trong việc hình thành và phát triển chuỗi đô thị – du lịch – công nghiệp cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Tuy nhiên, thực tế quy hoạch đô thị cũng như hệ thống giao thông Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại và thách thức, cần được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế và xu hướng phát triển trong tương lai, cụ thể như:
– Trên phương diện quy hoạch đô thị là thiếu diện tích dành cho giao thông tĩnh (hiện trạng diện tích hệ thống bến bãi, gara, điểm đậu, đổ… là 17,4 ha chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu trên tổng số phương tiện hiện có theo Quy chuẩn QCXDVN 01:2008/BXD). Hiện nay, vấn đề bãi đỗ xe ở khu vực trung tâm đã thực sự bức xúc, và chỉ khoảng 5 năm tới với sự tăng trưởng nhanh lượng xe ô tô gia đình, xe máy của người dân sống trong thành phố (giai đoạn 2010 – 2015 ô tô tăng trung bình 10,7%/năm và mô tô tăng 7,84%/năm) thì sẽ là vấn đề hệ trọng. Đó là chưa kể đến giao thông tĩnh dành cho các phương tiện giao thông công cộng đô thị và các phương tiện ngoại tỉnh khi vào thành phố;
– Quy hoạch phân khu chức năng, không gian đô thị chưa có sự gắn kết, đồng bộ với quy hoạch giao thông, dẫn đến tình trạng quy hoạch chi tiết, cấp phép xây dựng các công trình thương mại, công trình công cộng (trung tâm thương mại dịch vụ, bệnh viện, trường học…) chưa phù hợp với mạng lưới giao thông, đó là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc tại khu vực trung tâm thành phố;
– Một thách thức nữa là thành phố chưa có quy hoạch hệ thống công trình ngầm. Với quỹ đất hạn hẹp, lại được định hướng phát triển theo du lịch, Đà Nẵng nhất thiết phải khai thác mạnh về không gian ngầm và phát triển giao thông ngầm, trên cao;
– Cấu trúc đô thị Đà Nẵng có chiều ngang hẹp nên việc đảm bảo nhu cầu chuyến đi nội đô thường khoảng cách không lớn. Mặt khác thành phố có nhiều kiệt hẻm và chủ yếu là quy hoạch nhà phân lô liền kề, điều này tạo cho thói quen đi lại của người dân Đà Nẵng đến nay chủ yếu là phương tiện giao thông cá nhân (hiện nay tỷ trọng đảm nhận của GTCCthấp, chỉ gần 1%). Đây là một khó khăn lớn trong việc phát triển GTCC;
– Cơ cấu quy hoạch giao thông đô thị hiện đang còn nhiều bất cập, mạng lưới đường phân bố không đồng đều, phân loại đường không rõ ràng; Thiếu các tuyến đường liên kết trong hệ thống đường phố như đường vành đai và đường hướng tâm, các đường khu vực với các đường chính. Hệ thống đường sắt không kết nối với đường bộ; GTCC chưa liên lạc được với vận tải hàng không, với phương thức đi xe đạp, đi bộ;
– Nút giao chủ yếu là nút giao cùng mức; nhiều nút giao quy hoạch không đúng quy chuẩn xây dựng, điều này dễ dẫn đến ùn tắc, mất ATGT;
– Tuyến đường Yết Kiêu – Ngô Quyền – Cách Mạng Tháng 8(QL14B) là huyết mạch giao thông nối các địa phương với cảng biển nước sâu Tiên Sa. Hàng ngày lưu lượng xe có tải trọng lớn lưu thông qua tuyến đường rất cao (trung bình có 3.982 xe chở hàng và 979 xe chở container/ngày đêm lưu thông), điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của nhân dân đô thị dọc tuyến cũng như phát triển du lịch tại khu vực (trật tự ATGT, tiếng ồn, khói bụi…);
– Ngoài ra, còn có sự lệch pha đầu tư giữa đường bộ và đường thủy, tạo nên những hiện trạng chia cắt giao thông nội bộ, không khuyến khích phát triển lợi thế ngành kinh tế như du lịch, vận tải đường sông.
Giao thông luôn được xem là động lực, là tiền đề cho sự phát triển của mỗi thành phố, mỗi quốc gia.Muốn phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chúng ta cần tiếp tục củng cố, phát huy vai trò đầu mối giao thông quan trọng của thành phố đối với khu vực. Để hướng đến sự phát triển giao thông đô thị Đà Nẵng bền vững, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp chiến lược đột phá sau:
- Khảo sát nhu cầu và nghiên cứu triển khai quản lý nhu cầu giao thông
Quản lý nhu cầu giao thông (Traffic Demand Management – TDM) được mô tả như là một nghệ thuật có ảnh hưởng đến thái độ của người tham gia giao thông với mục đích làm giảm nhu cầu đi lại hoặc phân bổ lại nhu cầu tham gia giao thông trong phạm vi không gian và thời gian cụ thể. Vai trò của TDM đặc biệt hiệu quả với các nước đang phát triển, là giải pháp mang lại nhiều lợi ích và tốn ít chi phí. Do đó việc nghiên cứu, triển khai giải pháp này sẽ giúp thành phố đẩy mạnh việc chuyển đổi những phương thức giao thông bền vững, giảm ùn tắc;
Triển khai chiến lược TDM toàn diện với các biện pháp cụ thể: Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng; điều tiết giao thông tránh các điểm có xung đột và lưu lượng lớn để giảm tắc ngẽn và tai nạn;phân bố lại luồng giao thông trên các trục chính; xây dựng cơ sở vật chất và môi trường thân thiện với GTCC, xe đạp; tăng giá lệ phí cầu đường, phí đậu đỗ để từng bước hạn chế các phương tiện cá nhân tham gia giao thông…
- Rà soát, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch giao thông vận tải thành phố
– Tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên nguyên tắc mạng lưới giao thông phải đi trước một bước theo hướng hiện đại hoá và làm tiền đề cho sự phát triển đô thị, thu hút các nguồn đầu tư. Quy hoạch giao thông đô thị phải gắn với quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất phải được xây dựng tổng thể, nhất quán, đồng bộ và hợp lý cho một thời hạn phát triển dài nhằm định hướng phát triển đô thị. Quy hoạch cần lưu ý ưu tiên sử dụng đất phát triển giao thông công cộng;
– Bổ sung nội dung định hướng quy hoạch phát triển giao thông ngầm, giao thông trên cao vào Quy hoạch chung của thành phốĐà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
– Triển khai lập quy hoạch và tập trung phát triển các loại hình vận tải, dịch vụ cảng – logistics, phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực và cả nước;
– Nghiên cứu, quy hoạch các phân khu chức năng để phát triển không gian đô thị về phía Tây của thành phố sau khi hình thành tuyến đường vành đai phía Tây, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan và Ga đường sắt mới tại quận Liên Chiểu.
- Nghiên cứu thực hiện đồng bộ 3 đầu mối giao thông quan trọng của thành phố: Cảng Hàng không quốc tế, Ga đường sắt và Cảng nước sâu
- a) Sân bay quốc tế Đà Nẵng nằm trong khu vực thành phố là lợi thế cạnh tranh nhưng đồng thời cũng hạn chế đô thị vận hành và phát triển (vì nó cắt dọc đô thị làm hai và chiếm nhiều đất phát triển). Do đó, cần sớm nghiên cứu xây dựng tuyến đường giao thông kết nối Đông – Tây qua khu vực này;
Tiếp tục nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng lượng khách ngày càng tăng nhanh (dự báo đến năm 2020 là 13 triệu hành khách/năm). Ngoài ra, cần lưu ý phương án kết nối, tiếp cận giao thông nội bộ sân bay với hệ thống giao thông đô thị bên ngoài của thành phố.
- b) Ga đường sắt Đà Nẵng là ga cụt, lại nằm giữa trung tâm thành phố, điều này ảnh hưởng lớn đến giao thông qua lại, khả năng phát triển đô thị. Ngoài ra việc lưu thông hàng hóa rất hạn chế do vị trí nhà ga không kết nối được với các tuyến quốc lộ. Vì vậy, cần đẩy nhanh triển khai dự án di dời Ga Đà Nẵng cùng hệ thống hạ tầng liên quan lên vị trí mới theo đúng quy hoạch (tại phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).
- c) Tập trung đẩy nhanh triển khai xây dựng Cảng biển Liên Chiểu để giảm tải cho Cảng Tiên Sa và giúp kết nối tuyến vận tải hàng hóa hiệu quả hơn với tuyến đường bộ QL1A, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (QL 14B, QL 14G) và tuyến đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt cao tốc trong tương lai; đồng thời khi Cảng Liên Chiểu hình thành sẽ tạo môi trường du lịch tốt cho khu vực phía Đông thành phố.
- Nghiên cứu triển khai hệ thống giao thông kết nối
Cần nghiên cứu để vận dụng giải pháp quy hoạch phát triển định hướng theo vận tải công cộng (Transit Oriented Development – TOD) đã được áp dụng hiệu quả ở nhiều đô thị. Đây là biện pháp quy hoạch sử dụng đất, cụ thể việc tăng mật độ phát triển thương mại và dân cư dọc các hành lang và trạm GTCC.
– Phát triển dân cư và thương mại mật độ cao hơn dọc các hành lang của phương tiện VTCC và xung quanh các nhà ga; sử dụng đất hỗn hợp, đặc biệt các cửa hàng bán lẻ ở tầng trệt trong các cao ốc chung cư và văn phòng;
– Xây dựng các trung tâm đi bộ, trên cơ sở phát triển đô thị mới và đô thị vệ tinh theo mô hình TOD; Cải thiện khả năng tiếp cận xung quanh nhà ga, điểm dừng của hệ thống GTCC qua việc thiết kế cải thiện điều kiện hạ tầng dành cho người đi bộ và đi xe đạp.
- Tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống GTCC theo quy hoạch
Theo kế hoạch, đến năm 2020 thành phố Đà Nẵng phát triển GTCC đảm nhận 20% chuyến đi của người dân (xe máy còn chiếm đến hơn 60%). Chỉ tiêu này là còn thấp so với các đô thị phát triển trên thế giới. Với mục tiêu phát triển thành một “Thành phố môi trường, hiện đại”, Đà Nẵng phải tiếp tục xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống GTCC.
– Đầu tư xây dựng các tuyến GTCC mới theo quy hoạch: Tuyến BRT và các tuyến buýt thường nội đô trước năm 2020. Ưu tiên sử dụng phương tiện hiện đại, thân thiện với môi trường; từng bước cho thay thế mới toàn bộ các xe buýt cũ hiện trạng; mua sắm thiết bị, phương tiện vận tải công cộng phải đảm bảo tiêu chí tiếp cận cho người khuyết tật, người già yếu. Đến năm 2025, nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm kết nối các điểm: Khu công nghệ cao, ga đường sắt, sân bay Đà Nẵng và phố cổ Hội An.
– Áp dụng chính sách trợ giá cho xe buýt; có chính sách giá vé hợp lý, tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho các đối tượng sử dụng GTCC; triển khai kế hoạch truyền thông hệ thống VTCC.
– Cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng, tăng tiện ích công cộng là việc nâng cao được chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, cả về độ an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường và tính thẩm mỹ tại các trạm dừng nghỉ.
– Tích hợp hạ tầng GTCC với kiến trúc cảnh quan đô thị; áp dụng thiết bị giao thông thông minh trong vận hành, quản lý;
– Sau khi di dời Ga Đà Nẵng hiện tại, đề xuất cải tạo khu vực ga đường sắt cũ và dọc tuyến đường sắt hiện trạng thành tuyến đường vận tải công cộng (như đường sắt nội đô, tuyến buýt) để giải quyết nhu cầu đi lại giữa trung tâm thành phố và kết nối với khu vực đô thị đầy tiềm năng phía Tây – Bắc.
- Hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành giao thông
– Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý, điều hành giao thông; đặc biệt là vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics để nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá thành nhằm tăng năng lực cạnh tranh; kiềm chế tiến tới giảm gia tăng tai nạn giao thông và giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình khai thác vận tải;
– Nâng cấp, mở rộng hệ thống điều hành giao thông bao gồm: mở rộng hệ thống các nút tín hiệu giao thông; tăng cường hệ thống camera giám sát giao thông CCTV; nâng cao tính năng của hệ thống phần mềm quản lý và tích hợp quản lý điều hành vận tải công cộng; ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong công tác giám sát giao thông, quản lý đậu đỗ; nghiên cứu ứng dụng và phát triển hệ thống thu phí tự động, hệ thống phân tích lưu lượng giao thông, hệ thống bảng quang báo tự động hóa công tác điều khiển giao thông…
- Nghiên cứu, triển khai phát triển GTVT với biến đổi khí hậu
Là thành phố ven biển lại nằm ở hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn nên Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan và nước biển dâng. Những năm qua, BĐKH đã tàn phá, làm hư hỏng rất nhiều công trình xây dựng, cảng biển, đường bộ, đê kè ven sông, biển… Những tác động và thiệt hại gây ra do BĐKH tới sự phát triển đô thị, hệ thống GTVT là không thể tính hết. Chính vì vậy, ứng phó thế nào với tác động của BĐKH đến giao thông thành phố là điều cần đặt ra một cách cấp thiết.
– Khuyến khích phương tiện sử dụng năng lượng mặt trời, điện; phương tiện hiện đại, ít phát thải; hoặc sử dụng nhiên liệu có thể tái tạo được;
-Áp dụng các công nghệ mới trong công trình, trong đó có sử dụng các loại vật liệu bền vững với biến động thời tiết, chịu đựng được những khắc nghiệt do thiên tai gây ra;
– Sử dụng vật liệu xây dựng có khả năng tái chế hoặc không cạn kiệt;
– Cần xây dựng kế hoạch khảo sát, nghiên cứu thiết kế bổ sung và xây dựng những công trình nhằm kiên cố hóa toàn bộ các điểm có nguy cơ xói lở, sụt trượt trên các tuyến đường bằng cách làm tường chắn, neo đá; tiêu thoát nước mặt, nước ngầm; sử dụng vật liệu địa kỹ thuật; trồng cỏ bảo vệ bề mặt mái dốc…
– Xây dựng bản đồ GIS tích hợp ứng phó với BĐKH, nước biển dâng cho hạ tầng giao thông đường bộ; đánh giá, dự báo ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng đối với hạ tầng và vận tải đường bộ theo kịch bản do Cơ quan chuyên môn công bố.
LÊ VĂN TRUNG
ĐT&PT Số 64/2016