Home / QUY HOẠCH / Đà Nẵng – Ý tưởng về một đô thị nước, cửa ngõ hướng biển quan trọng (*)

Đà Nẵng – Ý tưởng về một đô thị nước, cửa ngõ hướng biển quan trọng (*)

                                    Đà Nẵng – Ý tưởng về một đô thị nước,

                                     cửa ngõ hướng biển quan trọng (*)

Với ý tưởng lấy vịnh Đà Nẵng và sông Hàn làm bố cục chủ đạo trong tổ chức không gian, đô thị Đà Nẵng được mở rộng không gian về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam. Trước mắt ưu tiên phát triển theo hướng Tây Bắc, khu vực giữa Quốc lộ 1A và đường Liên Chiểu – Thuận Phước (đường Nguyễn Tất Thành). Đồng thời mở rộng đô thị trên cơ sở xây dựng các đô thị vệ tinh, các thị trấn, thị tứ và phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng để từng bước hình thành chùm đô thị vệ tinh Đà Nẵng… Phát triển các khu du lịch Nam Ô, Xuân Thiều, Mỹ Khê, Bắc Mỹ An (Furama), Non Nước..

(*) Trích tham luận “Đô thị ven biển- ý tưởng về một đô thị nước, cửa ngõ hướng biển quan trọng – cái nhìn từ lợi thế tiềm ẩn”tại Hội thảo Các ý tưởng xây dựng Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố của khu vực ASEAN và châu Á.

Đà Nẵng, một đô thị có vị trí đẹp bên bờ sông Hàn và bên bờ biển Đông, có nhiều lợi thế từ biển. Với tầm nhìn chiến lược, Đà Nẵng được xác định là một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế – xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính – ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo và công nghệ miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.

DSC_0010_optTrong Hội thảo “Đà Nẵng – Quy hoạch, xây dựng và phát triển đến năm 2020” do các Hội Quy hoạch phát triển đô thị – Kiến trúc – Xây dựng tổ chức tại Đà Nẵng, tháng 12/2003 đã có nhiều ý kiến cho rằng: Trong thời gian rất ngắn, nhất là sau khi trực thuộc Trung ương Đà Nẵng có những biến đổi to lớn, không ngừng, phát triển theo định hướng chung đã vạch ra nhiều năm trước đó và quy hoạch chung được chỉnh sửa theo diễn biến mới…; Đà Nẵng trong những năm qua đã chứng minh sự đúng đắn của quy hoạch chung, chứng minh tính thực tiễn của quy hoạch, quy hoạch đã đem lại đô thị mới, cuộc sống mới. Hàng chục vạn hộ gia đình đã được tái định cư trong trật tự và có kiểm soát trong quy hoạch (Tạp chí Quy hoạch – Kiến trúc – Xây dựng, Đà Nẵng 26/12/2003)… Đó là những tín hiệu đáng mừng cho những ai muốn tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng về quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là mặt tích cực ở những điểm mà các đô thị khác thường chưa giải quyết được… bởi phía trước Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc phải làm, phải suy ngẫm thấu đáo mới nhận hết vấn đề… Liệu chúng ta đã thật hài lòng với những gì đã có? Thực tế, còn có ý kiến nghi ngờ về sự phát triển bền vững của đô thị này.

Bởi Đà Nẵng dường như đang phát triển quá mạnh, quá “bạo”, đang làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng. Liệu Đà Nẵng có mắc phải những tồn tại giống như các đô thị khác (Nha Trang, Vũng Tàu) khi mở những tuyến đường đô thị quá lớn và đi quá gần sát với mép biển, tạo nên sự ngăn cách giữa biển và công trình (dịch vụ du lịch khách sạn, nhà hàng). Diện mạo kiến trúc Đà Nẵng, kiến trúc đôi bờ sông Hàn ở đâu, nhất là kiến trúc trên tuyến đường mới mở dọc theo sông Hàn và ven biển ở phía Đông, có nét nào riêng, ấn tượng cho Đà Nẵng? Các dự án quy hoạch đô thị, du lịch (nhất là du lịch) có bị xé nhỏ, khu biệt làm ảnh hưởng đến tổng thể chung và liệu có được nhanh chóng lấp đầy?… Đâu là bản sắc, là cái riêng của đô thị Đà Nẵng tạo nên sự khác biệt, đủ sức cạnh tranh, cạnh tranh có hiệu quả trong quá trình đô thị hóa có chất lượng…?

Trong bối cảnh chung, từ nhận thức và thực tiễn quy hoạch xây dựng, phát triển các đô thị, các chùm đô thị ven biển – Đô thị nước, gắn với các lợi thế có từ biển của Việt Nam, trong đó có đô thị Đà Nẵng chúng ta có thể rút ra một số nhận xét và kiến nghị sau:

– Chưa thật sự có tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển hệ thống các đô thị, các chùm đô thị ven biển trong chiến lược tổng thể phát triển đô thị Việt Nam gắn với xu hướng hội nhập, mang tính cạnh cạnh có đẳng cấp và bản sắc. Nhất là đối với các đô thị, các chùm đô thị ven biển đóng vai trò chủ chốt, là cửa ngõ quan trọng trong các vùng kinh tế trọng điểm và các vùng KT – XH khác của cả nước để giao lưu và hội nhập với khu vực và quốc tế;

– Chưa có kinh nghiệm và lí luận về quy hoạch xây dựng đối với các đô thị, các chùm đô thị ven biển;

– Chưa tạo dựng được dấu ấn riêng, đặc sắc cho các đô thị, các chùm đô thị ven biển trên cơ sở khai thác những lợi thế tiềm ẩn từ vị thế, điều kiện tự nhiên đến văn hóa – lịch sử, kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng;

– Cần quy hoạch phát triển các đô thị, các chùm đô thị ven biển theo quan điểm đô thị sinh thái và phát triển bền vững; tôn trọng cấu trúc tự nhiên, đảm bảo đô thị có cấu trúc gắn với đặc trưng đô thị nước; khai thác có hiệu quả các lợi thế có từ biển, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu;

– Các dự án phát triển đô thị, du lịch phải được khớp nối đồng bộ với tổng thể đô thị từ hệ thống hạ tầng kĩ thuật đến không gian đô thị; nâng cao tầm quan trọng của quy hoạch hợp nhất đa ngành (Cần tránh phát triển các dự án nhỏ, lẻ, tiềm ẩn sự khu biệt, lạc lõng khó điều chỉnh trong tương lai và phá vỡ tổng thể chung…);

– Tập trung vốn và nguồn lực để phát triển các khu chức năng đô thị được xếp loại ưu tiên đầu tư hoặc trọng điểm (các dự án chiến lược mang tính đột phá);

– Xem xét để bổ sung trong Tiêu chuẩn quy phạm ngành, các tiêu chí phát triển các đô thị ven biển với những yếu tố đặc thù; các tiêu chí để phân loại các đô thị, các chùm đô thị ven biển của Việt Nam trong nối tương quan quốc gia, khu vực và quốc tế;

– Tổ chức Hiệp hội các đô thị, các chùm đô thị ven biển Việt Nam – Đô thị nước của Việt Nam;

– Tổ chức các diễn đàn về quy hoạch xây dựng các đô thị, các chùm đô thị ven biển

 – Đô thị nước để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.Yếu tố đặc trưng đô thị ven biển

– ý tưởng cho phát triển cấu trúc, tổ chức không gian đô thị Đà Nẵng – đô thị nước cửa ngõ hướng biển quan trọng của Việt Nam

Với lợi thế tiềm ẩn có được từ biển (kinh tế biển trong đó có yếu tố nước), đô thị Đà Nẵng cũng như nhiều đô thị ven biển khác đã đến lúc các đô thị này phải được xem xét lại một cách cẩn trọng theo một chỉnh thể trong tầm nhìn chiến lược quốc gia, được coi như những cửa ngõ hướng biển quan trọng của Việt Nam để giao lưu và hội nhập với khu vực và quốc tế.

Đà Nẵng, một đô thị có vị trí đẹp bên bờ sông Hàn và bên bờ biển Đông. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Đà Nẵng nhiều lợi thế về cảnh quan đẹp, nổi tiếng: từ “cổng trời” Hải Vân – “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, Non Nước – Ngũ Hành Sơn đến bán đảo Sơn Trà tráng lệ. Nếu đứng từ “cổng trời” Hải Vân, nhìn xuôi về phía Nam nơi con sông Hàn chảy qua, đổ vào vùng cửa vịnh Đà Nẵng (với khoảng 30 km bờ biển có nhiều bãi biển đẹp) mới cảm nhận hết vẻ quyến rũ mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố này… Hơn nữa, Đà Nẵng lại nằm giữa vùng kề cận (trung điểm) 4 di sản văn hóathế giới: Phong Nha – Kẻ Bàng, Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn… Đây là những lợi thế hiếm có của một đô thị ven biển.

Địa hình đô thị Đà Nẵng vừa có đồng bằng vừa có núi, vùng núi cao tập trung ở phía Tây và Tây Bắc, từ đây có nhiều dãy núi chạy dài ra biển, một số đồi thấp xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp. Địa hình đồi núi chiếm diện tích lớn, độ cao khoảng từ 700-1500m, là nơi tập trung nhiều rừng đầu nguồn và có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái của thành phố. Hệ thống sông ngòi ngắn và dốc (các sông chính gồm sông Hàn, Cu Đê và sông Cổ Cò). Đồng bằng ven biển là vùng tập trung nhiều cơ sở nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, quân sự, đất ở và các khu chức năng của thành phố.

Trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây với điểm kết thúc là cụm cảng Tiên Sa – Liên Chiểu. Nằm ngay trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế, Đà Nẵng có một vị trí đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững.

Tôn trọng ý tưởng lấy vịnh Đà Nẵng và sông Hàn làm bố cục chủ đạo trong tổ chức không gian, đô thị Đà Nẵng được phát triển mở rộng về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam. Tuy nhiên, từ các yếu tố đặc trưng của điều kiện tự nhiên (đô thị ven biển), ý tưởng này cần được điều chỉnh, bổ sung để đô thị Đà Nẵng phát triển bền vững tốt hơn trong tương lai.

a/ Về phương pháp luận Đà Nẵng cần tiếp cận phương pháp quy hoạch cấu trúc chiến lược trên cơ sở kết hợp các lí luận về quy hoạch chiến lược và quy hoạch cấu trúc để giải quyết các vấn đề văn hóa, thể chế và công nghệ, kết hợp với các vấn đề mang tính KT – XH, sinh thái và không gian. Đây là một quá trình mang tính xã hội với mục tiêu định dạng không gian cho một tầm nhìn, bên cạch các công việc cần giải quyết (mang tính hành động) ngắn và trung hạn. Phương pháp này bao gồm cả các yếu tố cộng đồng và sự hợp nhất đa ngành để giải quyết các vấn đề chung hoặc chuyên ngành của đô thị.

b/ Về tầm nhìn, cần xác định một tầm nhìn (viễn cảnh tương lai) cho Đà Nẵng trên cơ sở khát vọng/mong muốn của cộng đồng về hình ảnh, chất lượng đô thị… nơi họ đã, đang và sẽ sống. Viễn cảnh ấy có thể trở thành triết lí sống, có khả năng dẫn dắt tình cảm, hành động của mỗi người dân hàng ngày làm một việc gì đấy tốt hơn, đẹp hơn cho thành phố thân yêu của họ. Thật đơn giản khi triết lí ấy hay tầm nhìn ấy có thể chỉ là một câu (mang tính khẩu hiệu) đơn giản, dễ hiểu, dễ đi sâu vào nhận thức của mỗi người dân. Chẳng hạn, Đà Nẵng – Đô thị của nước và ánh sáng; Đà Nẵng – Đô thị nước, cửa ngõ hướng biển hàng đầu; Đà Nẵng – Viên ngọc của biển Đông…

c/ Về ý tưởng tổ chức không gian. Từ các yếu tố đặc trưng của điều kiện tự nhiên (sông, biển, núi đồi…), ý tưởng đề xuất có thể là: Đô thị nước sống động. Lấy yếu tố mặt nước/sông, biển, các đặc điểm của địa hình tự nhiên/điều kiện tự nhiên của Đà Nẵng làm tư tưởng chính để tổ chức không gian…

Một “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” bao gồm lưu vực các con sông, suối, ao, hồ, mặt nước biển (ven bờ), đồi, núi, hệ sinh thái nông, lâm nghiệp cơ bản… cần được duy trì, bảo tồn. Đây là môi trường sinh thái/hệ sinh thái mền để liên kết các khu chức năng đô thị Đà Nẵng phát triển bền vững. Theo đó, trong cấu trúc đô thị cần tăng cường yếu tố “Nước” để phát huy lợi thế và tạo ra bản sắc cho đô thị.

d/ Về cấu trúc, tổ chức không gian đô thị. Với “Hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên” cơ bản được bảo tồn, yếu tố mặt nước là tư tưởng chủ đạo, đô thị Đà Nẵng được phát triển mở rộng về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam, sông Hàn là trục cảnh quan mặt nước chủ đạo với vịnh Đà Nẵng, bờ biển cảnh quan phía Tây (Sơn Trà – Mỹ Khê – Non Nước…), không bỏ qua cảnh quan các con sông Cu Đê, Cổ Cò, các hồ hiện có trong đô thị… làm nền tảng căn bản cho phát triển cấu trúc một đô thị nước ven biển, với việc khai thác thêm quỹ đất (có tính đặc thù) phía Tây Bắc và Đông Bắc (sườn đèo Hải Vân, một phần bán đảo Sơn Trà và gò đồi phía núi Bà Nà). Cấu trúc đô thị gồm khu vực đô thị lõi lịch sử; trục cảnh quan sông Hàn – trục hành chính, thương mại, văn hóa, lịch sử, đào tạo, TDTT; khu trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ ngơi giải trí chất lượng cao quận ba, một phần vòng cung vịnh Đà Nẵng; trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế Bà Nà; tạo dựng các trục cảnh quan lưu vực các con sông Cu Đê, Cổ Cò…; hoàn thiện các khu chức năng khác hiện có (như công nghiệp, TTCN, dịch vụ cảng hàng không, cảng biển…), nhưng với quy mô vừa phải. (Cơ cấu kinh tế Đà Nẵng cần điều chỉnh một cách căn bản, cần tập trung vào chất lượng dịch vụ, thương mại, du lịch, vận tải… đẩy nhanh chiến lược phát triển nền kinh tế tri thức…). Thiết lập nhiều không gian mở, cảnh quan thiên nhiên, mặt nước trong lòng đô thị, tạo dựng nhiều nêm xanh hướng biển. Bên cạnh đó cần lưu ý việc tạo dựng bản sắc riêng cho từng khu chức năng đô thị (thậm chí từng góc phố, từng con đường…). Với cấu trúc này cần xác định khả năng dung nạp/ngưỡng phát triển tối ưu, phù hợp với tầm nhìn của đô thị Đà Nẵng. Bởi Đà Nẵng không nhất thiết phải có quy mô dân số quá lớn, mà điều quan trọng là chất lượng của cư dân sống trong đô thị.                                                                                                        TS.KTS Trương Văn Quảng                                                                                                           Số 34 ĐT&PT

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …