Home / QUY HOẠCH / Đà Nẵng thực trạng và giải pháp quản lý quy hoạch và xây dựng trong khu đô thị cũ

Đà Nẵng thực trạng và giải pháp quản lý quy hoạch và xây dựng trong khu đô thị cũ

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong nước đã làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế xã hội ở nhiều địa phương và các thành phố lớn. Nhiều khu đô thị mới mọc lên với điều kiện hạ tầng đồng bộ tạo ra không chỉ một bức tranh đô thị hiện đại mà còn là động lực to lớn để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan như không đủ nguồn lực, hạn chế về công tác dự báo, thiếu tầm nhìn trong công tác quy hoạch dẫn đến tình trạng “ xôi đỗ” trong quá trình phát triển đô thị. Hàng ngày trên các phương tiện thông tin chúng ta đã quá quen thuộc với những hình ảnh đối lập giữa một bên là những nhà cao tầng chót vót với những tiện nghi đầy đủ với một bên là những khu đô thị cũ thường xuyên chịu cảnh ngập nước bốn mùa, giao thông đi lại hết sức khó khăn do lấn chiếm đất công, điều kiện vệ sinh thấp kém. Sự tồn tại của các đô thi cũ, đặc biệt là đô thị ở các khu vực trung tâm của các thành phố lớn là một vấn đề khách quan, lâu dài. Làm thế nào để có thể đảm bảo được điều kiện sống cơ bản cho người dân ở các đô thị cũ là thách thức thường xuyên của những người làm công tác quản lý.

1. Thực trạng

Đà Nẵng từ khi trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997 cho đến nay đã có 3 lần điều chỉnh quy hoạch vào các năm 2002, 2010 và 2013. Sau mỗi lần quy hoạch được điều chỉnh diện mạo đô thị có những biến đổi sâu sắc, nhiều khu đô thị mới đã được hình thành trở thành động lực chính cho sự phát triển, đáp ứng nhu cầu về ở, sinh hoạt và kinh doanh của người dân. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2010, thành phố đã phê duyệt 1.200 đồ án quy hoạch mới, chọn 334 địa điểm xây dưng công trình, phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2000 và 1/500 với tổng diện tích là 8000 ha, triển khai 1.300 dự án với diện tích đất phải thu hồi, giao và cho thuê là 17000 ha. Bên cạnh việc đầu tư các khu đô thị mới theo đúng qui hoạch đã được duyệt, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến việc quản lý và cải tạo các khu đô thị cũ.  Rất nhiều các tuyến đường trong các khu dân cư được bê tông hóa, hệ thống thoát nước được cải tạo, đấu nối tương đối đồng bộ. Mạng lưới chiếu sáng  kiệt, hẻm được quan tâm đầu tư.  Công tác quản lý lộ giới và cấp phép xây dựng được tiến hành chặt chẽ. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập nước, đổ rác thải bừa bãi, lấn chiếm không gian công cộng  trong các khu đô thị cũ từng bước được cải thiện và giảm đi rõ rệt. Khoảng cách về chất lượng hạ tầng giữa khu đô thị mới và các khu cũ mặc dù có tồn tại nhưng đã được thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, sự tồn tại của các khu đô thị cũ là một vấn đề khách quan. Một mặt các nhà quy hoạch và quản lý đều muốn giữ gìn một di sản, nhưng mặt khác chúng ta không có đủ nguồn lực để xóa bỏ nó. Những các khu đô thị cũ , đặc biệt là ở khu vực trung tâm hàng ngày hàng giờ đang chịu một áp lực rất lớn về điều kiện hạ tầng. Lực hấp dẫn của các khu đô thị cũ ở trung tâm đang kéo theo sự tăng trưởng rất “nóng” về dân số dẫn đến sự quá tải về hạ tầng, về chỗ ở, về giáo dục và y tế mà nếu không có giải pháp hiệu quả chúng ta sẽ phải đối mặt với sự hình thành những khu “ổ chuột” mới ở khu vực trung tâm. Số liệu thống kê cho thấy trong vòng 10 năm (1997 -2009) dân số Đà Nẵng đã tăng từ  672,5 nghìn người lên 890,5 nghìn người, mật độ dân cư ở các quận trung tâm là 18,38 nghìn người/km2. Đây chính là thách thức to lớn mà chính quyền thành phố  Đà Nẵng phải đối mặt giải quyết.

2. Các giải pháp về quản lý và đầu tư cải tạo trong các khu đô thị cũ

a. Nâng cao ý thức của người dân : Người dân đô thị chính là người chủ sở hữu không gian đô thi, người chủ sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Vì vậy họ cần phải biết được quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân và gia đình đối với vấn đề này. Để dân có thể hiểu và nắm rõ những nguyên tắc bắt buộc phải tuân theo khi sống trong đô thị thì rất cần sự hướng dẫn một cách đầy đủ từ chính quyền cấp cơ sở. Công tác tuyền truyền nếp sống đô thị cho người dân không phải là vấn đề mới, nhưng để làm sao cho có hiệu quả thì không phải ở đâu cũng làm được.  Ở Đà Nẵng để nâng dần ý thức đô thị cho người dân, thành phố đã ban hành và triển khai Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị” với rất nhiều tiêu chí cụ thể qui định các hành vi được làm và không được làm của người dân đô thị. Chính quyền cấp quận, phường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về trật tự đô thị, môi trường…cho đội ngũ cán bộ làm tổ trưởng dân phố (hình 1). Và các tổ trưởng tổ dân phố có nhiệm vụ hướng dẫn giới thiệu cho từng hộ gia đình và từng người dân cách thức giữ gìn vệ sinh chung, giữ gìn trật tự khu phố … Thông qua cách làm này ý thức về lối sống trong đô thị của người dân dần được nâng lên. Họ tự mình và hướng dẫn những người ở nơi khác đến cách giữ gìn môi trường sống, hình thành nên nét văn hóa của một thành phố du lịch.

b. Ban hành các văn bản phục vụ công tác quản lý : Nhằm quản lý các khu đô thị cũ có hiệu quả trước yêu cầu tăng nhanh của dân số, đồng thời không tạo ra những điểm quy hoạch treo gây bức xúc cho đời sống của nhân dân. Thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản qui định phục vụ công tác quản lý như Quyết định 198/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2010 về quản lý lộ giới kiệt hẻm, Quyết định 47/2012/QĐ-UBND  ngày 12/10/2012 của UBND thành phố Đà Nẵng về ban hành Quy định quản lý kiến trúc công trình, Đề án về thu gom và xử lý rác thải … Đến nay, 100% các kiệt hẻm, 100% diện tích vỉa hè của các tuyến đường trong thành phố đều được đưa vào quản lý về lộ giới xây dựng, về diện tích sử dụng. Các trường hợp xây dựng mới, xây dựng cải tạo nhà ở, đấu nối thoát nước, cấp nước  tại các khu đô thị cũ đều phải lập thủ tục cấp phép xây dựng, đảm bảo xây dựng đúng lộ giới, quy mô và các quy định quản lý kiến trúc.

c. Nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy : Có ba vấn đề cần được quan tâm trong nội dung này. Thứ nhất, hoàn thiện bộ máy quản lý về đô thị ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Trong khi chờ đợi chủ trương về xây dựng chính quyền đô thị thì hiện nay việc quản lý đô thị ở cấp thành phố được giao cho 3 sở Xây dưng, Giao thông – Vận tải, và Tài nguyên – Môi trường, ở cấp quận giao cho phòng Quản lý đô thị và phòng Tài nguyên – Môi trường, còn ở cấp phường thì giao chung cho cán bộ Xây dựng- Nhà đất. Sự chồng chéo về nhiệm vụ gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân, cũng như cho công tác quản lý ở chính quyền địa phương. Vì vậy cần nhanh chóng rà soát điều chỉnh, hình thành nên bộ máy gọn nhẹ, chuyên sâu theo hướng chỉ có một cơ quan làm nhiệm vụ quản lý đô thị. Thứ hai, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác quản lý đô thị. Bên cạnh việc tuyển dụng chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu về trình độ thì việc hàng năm đưa đi đào tạo, tập huấn đã được chính quyền thành phố hết sức quan tâm. Hiện nay, hầu hết cán bộ làm công tác quản lý đô thị ở các cấp kể cả cấp cơ sở đều có trình độ đại học hoặc trên đại học. Thứ ba,tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân. Thành phố đã triển khai ứng dụng nhiều phần mềm hiện đại trong việc quản lý hệ thống hạ tầng, quản lý đất đai, môi trường, từ đó giảm bớt được thời gian cấp phép, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế do phải đào xới công trình hạ tầng nhiều lần, quản lý chặt chẽ tình trạng lấn chiếm không gian công cộng phục vụ mục đích cá nhân.

d. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: Các số liệu thông kê cho thấy tỷ lệ số lần vi phạm về trật tự đô thị, xây dựng nhà trái phép…trong các khu đô thị cũ giảm dần qua các năm. Ví dụ, tại quận Hải Châu là quận trung tâm của thành phố, số lượng nhà xây dựng không phép: 19 trường hợp, số lượng nhà xây dựng sai nội dung giấy phép: 50 trường hợp trong năm 2013. Trong khi số liệu tương ứng trong năm 2014 là 16 trường hợp và 10 trường hợp. Có ba giải pháp đã được thực hiện trong nội dung này. Thứ nhất, tăng cường tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ thông qua một loạt các cuộc vận động. Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra ngay từ cơ sở bằng cách giao cho dân tự kiểm tra và nhắc nhở lẫn nhau, đặc biệt là phát huy tốt vai trò của tổ trưởng dân phố. Thứ ba, xử lý nghiêm, kịp thời tất cả các trường hợp vi phạm đảm bảo tính công bằng, công khai tạo sự tin tưởng cho người dân (hình 2).

e. Tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân. Trong các khu đô thị cũ hệ thống hạ tầng không những đã hết sức lạc hậu mà còn luôn phải làm việc trong tình trạng quá tải kéo dài. Trong khi chính quyền luôn có tâm lý e ngại tiến hành chỉnh trang do vướng giải phóng mặt bằng, do khó khăn trong việc đầu tư có tính động bộ, do ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt và kinh doanh của người dân. Đây chính là nguyên nhân làm cho khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống của người dân giữa các khu đô thị mới và cũ ngày càng lớn dẫn đến những bức xúc trong xã hội. Để khắc phục, hàng năm chính quyền thành phố đầu tư một khoản ngân sách đáng kể để nâng cấp, duy tu hệ thống hạ tầng cho các khu đô thị cũ. Điều đáng nói ở đây là không chỉ có nhà nước đầu tư mà nhân dân ở khu vực có dự án thường tham gia hiến đất theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhờ đó mà các công trình được tiến hành một cách hết sức nhanh chóng (hình 3).

   III. Kết luận

Sự tồn tại của các đô thị cũ ở các khu vực trung tâm là vấn đề khách quan. Trong khi chưa đủ điều kiện để tiến hành cải tạo triệt để hoặc đầu tư xây dựng một khu đô thị mới thì việc quản lý và vận hành có hiệu quả hoạt động đô thị tại các khu đô thị cũ là một việc làm cần thiết trước mắt.  Việc làm này không chỉ đem lại những hiệu quả kinh tế to lớn về sau mà còn gián tiếp nâng cao ý thức cho người dân đô thị. Vai trò của chính quyền đô thị có ý nghĩa quyết định trong công tác quản lý xây dựng đô thị ở các khu dân cư cũ và các đô thị cải tạo, trong đó các bài học của thành phố Đà Nẵng rất cần được nghiên cứu trao đổi.

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *