Home / QUY HOẠCH / Đà Nẵng – Những cơ hội và thách thức phát triển

Đà Nẵng – Những cơ hội và thách thức phát triển

Đà Nẵng -  Những cơ hội và thách thức phát triển

Đà Nẵng – Thành phố được bao bọc và hòa quyện bởi thiên nhiên

Đà Nẵng là một thành phố mà yếu tố Núi và Nước đều tụ và khởi xuất từ phía Tây. Núi tỏa từ Tây sang Đông. Có 3 mạch núi chạy từ phía Tây sang. Nhánh trên cùng tụ lại tại dãy Sơn Trà, dãy giữa nhô lên tại Bà Nà, tụ xuống trung tâm Đà Nẵng, dãy dưới chạy từ phía Tây Nam bọc lại. Theo chuyên gia phong thủy Mạnh Linh, 3 mạch núi trên tạo thành đồ hình quẻ Ly, trong đó hai mạch núi trên – dưới tạo thành mạch liền, hai mạch núi ở giữa đứt quãng, biểu thị từ trung tâm hướng ra ngoài, như nguồn năng lượng tỏa sáng ra xung quanh. Núi tạo nên ở Đà Nẵng một vùng biển lặng, sóng yên, nơi thuyền bè yên tâm neo đậu. Biển phía Bắc còn tạo nên một cảnh quan mở cho một số tuyến phố trung tâm hướng biển. Nó hơi giống Vũng Tàu có Bãi Trước – Bãi Sau nhưng lại khác Vũng Tàu cũng như các thành phố biển khác của Việt Nam bởi có hai nhánh sông Cẩm Lệ và Đô Toa tụ lại hợp thành dòng sông Hàn hiền hòa ở phía Nam thành phố trước khi chảy ngược lên phía Bắc ra vịnh Đà Nẵng.

Một thành phố được hưởng luồng sinh khí từ Tây sang Đông, rồi tiếp tục lan tỏa lên phía Bắc, đã hứa hẹn rằng đây là một thành phố của mặt nước, nơi Sông tiếp cận Biển, tuy hai mà một. Một thành phố với cấu trúc hỗn hợp của thiên nhiên đã tạo nên sự đa dạng của cấu trúc hình thái. Theo luồng sinh khí, khu vực có tiềm lực phát triển là hành lang ven biển phía Đông Nam, và khu vực dọc theo sông Hàn lên phía Bắc.

Dãy núi Sơn Trà là điểm khác biệt trong cấu trúc Núi – Biển của Đà Nẵng. Giả sử nếu như không có dãy Sơn Trà thì Đà Nẵng không có gì khác các đô thị hướng biển khác ở Việt Nam. Nhưng với sự hiện diện của Sơn Trà, một vùng tụ khí của mạch núi thiên nhiên ôm vòng ở trên, với dãy núi từ Tây Nam chạy tới, tạo nên vùng tụ khí ven biển khá độc đáo: Chúng tạo nên một dải đất dọc biển – kết tinh của những huyết mạch trời cho.

Như vậy, theo chỉ báo của thiên nhiên, thành phố Đà Nẵng đã kiến tạo hai trục phát triển: Trục thứ nhất chạy dọc biển từ dãy Sơn Trà tới Ngũ Hành Sơn, đây là trục Núi – Biển. Trục thứ hai chạy từ đất liền ra biển, nối biển với sông đây là trục Sông – Biển; Cả hai hệ trục này kết nối với nhau thành một cấu trúc hỗn hợp, mang trong mình ba thông điệp nhận thức rõ ràng: Sông – Núi – Biển.

1. Tuyến ven biển là một trong những cơ hội và thách thức đầu tiên.

Đối với các chủ đầu tư, sự hấp dẫn nằm ở chỗ các bãi tắm chạy dài, hình thái hơi uốn cong, với cảnh quan tuyệt đẹp bởi núi hai bên và sau lưng. Sóng và nước đều có khả năng tạo một môi trường du lịch biển hoàn hảo. Cũng chính bởi sự hấp dẫn của thiên nhiên, bởi sự hứa hẹn tốt đẹp cho môi trường đầu tư nên tại đây đã xuất hiện những nhà doanh nghiệp dồi dào tiềm năng. Những khách sạn và resort sang trọng bậc nhất mọc lên, tạo cho Đà Nẵng trở thành nơi hội tụ và họp mặt của các hội nghị hội thảo quốc tế quan trọng nhất. Tuy nhiên các dự án đang có xu hướng chia lô bãi biển, bịt mặt biển. Bãi biển trở thành địa phận riêng, cộng đồng không thể tiếp cận tới bãi biển và không gian biển trên cả một đoạn dài.

Vấn đề tổ chức cảnh quan trên các tuyến đường ngày càng trở nên khó khăn, khi mà các chủ đầu tư đã hàng rào hóa cả tuyến đường ven biển. Một số khu resort, do việc tạo độ dốc hướng biển nên đã có cốt cao khá lớn tại khu vực tiếp giáp giao thông. Lẽ dĩ nhiên, với những khối nhà cho dù không cao ngất ngưỡng nhưng do được đặt ở độ cao chênh vênh cũng đủ làm cho mối quan hệ  kiến trúc – cảnh quan dọc tuyến biển trở nên xa lạ và không hòa nhập. Một vài công trình phủ cây xanh trên mặt đứng – tường rào  cũng chỉ khỏa lấp được phần nào sự khô khan của chúng. Để giải quyết được vấn đề này, chính quyền thành phố có thể điều chỉnh xử lý theo hai biện pháp sau:

  • Một là: mở các tuyến đường nhỏ thông ra biển từ mặt đường bên này. Có nghĩa là các dự án không liền kề nhau, mà nên để một khoảng cách (2,5–3m) đủ cho con đường nhỏ lưu thông ra biển của tuyến cộng đồng.
  • Hai là: tạo ra một mặt đứng thứ hai hài hòa trên trục giao thông. Đây được xem như một điều kiện căn bản mà các dự án phải có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển cộng đồng và đô thị.

Đối với cộng đồng, bãi biển kéo dài từ Sơn Trà tới Ngũ Hành Sơn đã tạo ra một cảnh quan thiên nhiên đa dạng và sinh động trong tổ chức không gian công cộng. Nếu khu vực phía Nam nối với Hội An là khu vực hấp dẫn cho các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch thì khu vực phía Bắc còn lưu giữ những dấu ấn văn hóa lịch sử, về bán đảo Sơn Trà và những làng chài ngày xưa rất có ý nghĩa cho phát triển cộng đồng. Thành phố đã có lý khi đã sáng suốt xây dựng tượng Đức Phật Bà Quan Âm ở đây…

Hai khu vực này tạo ra sự tương phản và giữa chúng là bãi tắm cộng đồng (bãi tắm Phạm Văn Đồng).

Như vậy là bài toán cân bằng phát triển giữa yếu tố kinh tế, văn hóa và xã hội được đặt ra ngay trên dải hành lang ven biển. Nếu theo ý tưởng đó, thì khu vực phía Bắc có điều kiện trở thành một địa điểm văn hóa – một “nơi chốn” của Đà Nẵng.

Đà Nẵng có thể làm “mềm hóa” không gian sống bằng sự bảo tồn không gian xanh, không gian mặt nước và không gian tâm linh. Người ta cho rằng: sự phát triển của Đà Nẵng thừa sự trật tự và hợp lý, nhưng vẫn có vẻ thiếu sự lãng mạn, nên thơ của cảnh quan thiên nhiên. Đó là điều có thể nghĩ tới trong tương lai nhằm tổ chức tốt hơn không gian cảnh quan của khu vực Sơn Trà – Điện Ngọc.

2. Các tuyến đường ven sông và vượt sông hướng biển đều liên quan tới sông Hàn. Chúng tạo nên các trục cảnh quan hết sức đa dạng.

Các tuyến đường ven sông, với các vỉa hè rộng (đường Bạch Đằng) làm chậm lại những tuyến đường ngang hối hả băng qua sông. Các tuyến đường Quang Trung, Lê Duẩn, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Linh là các tuyến nằm ngang kết nối trung tâm với biển . Những tuyến đường này không dài, có thể dừng lại bởi con đường Bạch Đằng nằm ven sông Hàn, có thể vượt sông vươn thẳng ra biển nhờ các cây cầu bắc ngang sông, cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Tuyên Sơn…

Đây là một trong những tuyến đường ven sông đẹp nhất Việt Nam, kể cả ban ngày và ban đêm. Tầm nhìn không bị che khuất, thiên nhiên rộng mở, mặt đất và bầu trời hiển thị, ánh sáng và sự khúc triết luôn hiện ra. Đó là những gì mà không gian ven sông mang lại cho con người khi tới đây

Từ đất liền, Thành phố vươn ra biển nhờ những cây cầu. Cầu được xây dựng trên sông kể cả cầu trên đường bộ đều có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết bế tắc về mặt giao thông. Tuy nhiên, cầu còn là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc tạo dựng cảnh quan đô thị. Nó có thể làm giàu lên hoặc làm nghèo đi cảnh quan Thành phố. Đó là điều cần phải cân nhắc, ngay cả việc cố gắng tạo cho cầu một hình thức biểu tượng. Đó chưa hẳn là một giải pháp tốt nếu không được xem xét trên phương diện tổng thể.

Trong trường hợp của Đà Nẵng, sông Hàn với không gian hai bên bờ sông, và hệ thống cầu sẽ tạo nên một cảnh quan đặc trưng gắn liền với mặt nước, với các công trình kiến trúc hai bên sông rất đa dạng. Khác với một số thành phố ở Châu Âu – trục trung tâm là các đại lộ, thì ở Đà Nẵng, trục trung tâm là dòng sông Hàn. Ở Đà Nẵng, sức hút của khu vực trung tâm nằm ở không gian mặt nước – chính là sông Hàn, chứ không phải ở sự kỳ vĩ của công trình kiến trúc. Sự khiêm nhường có sức lan tỏa lớn hơn sự phô trương.

3. Những vấn đề của Đà Nẵng

Trước khi trở thành Thành phố sông biển đẹp như ngày nay, Đà Nẵng dưới thời Mỹ ngụy được biết đến như một cứ điểm quân sự. Vì vậy, sân bay Đà Nẵng – một yếu tố hết sức quan trọng được nằm ở vị trí trung tâm thành phố. Ngày nay nó trở thành như một rào cản của sự phát triển. Thành phố, vì thế đã bỏ mất nhiều cơ hội để kết nối với khu vực phía Tây. Và thực tế là, khu vực này đã chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình phát triển, cho dù quỹ đất vẫn còn có thể khai thác.

Ở một góc độ khác, thành phố đang nghiêng về các đối trọng phát triển kinh tế, chú trọng đầu tư về phía Nam hướng về Hội An, mà chưa quan tâm thích đáng tới khu vực phía Bắc, hướng về Huế. Thành phố cần một nét riêng, một sức hút quay vào bên trong, chứ không chỉ mở ra quốc tế. Nói tóm lại, cần chú trọng yếu tố văn hóa đô thị, tạo sự cân bằng âm dương trong quá trình phát triển đô thị.

Vững tin vào tương lai, Đà Nẵng sẽ trở thành một Thành phố có sức hấp dẫn đầu tư to lớn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ các hoạt động quốc tế và cộng đồng, một Thành phố phát triển vững bền…

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *