Đã 22 năm rồi, Đà Nẵng đã khác xưa rất nhiều. Cuộc cách mạng đô thị diễn ra một cách nhanh chóng, đầy thách thức cho con người Đà Nẵng. Đà Nẵng bất chấp những khó khăn, nghèo khó, cũ kỹ, lạc hậu để làm việc lớn. Đóng vai trò nơi đất lành chim đậu, di dân từ nhiều nơi về Đà Nẵng hội nhập sinh sống, phát triển, hoà bình, thịnh vượng. Sự thách thức, tích tụ, dồn nén nhiều thế kỷ hướng đến khát vọng, ý chí, lòng tự trọng, tập trung nội lực, tấm lòng người dân xây dựng thành phố như ngày hôm nay. Và khi thành công luôn kèm theo nhiều hệ lụy, nhiều thách thức mới, khó khăn nhiều hơn đòi hỏi phải phấn đấu không ngừng nghỉ.
Những cố gắng đầy kỳ tích của Đà Nẵng để phóng một bước dài qua bờ Đông sông Hàn mà ngàn đời lặng lẽ.
Ngày ấy, những năm 90 thế kỷ trước, khi chưa tách tỉnh, Đà Nẵng chẳng ai biết, chẳng ai hay ngoài những ký ức chiến tranh, một vài tin vắn chứa nhiều nỗi buồn, cái khó bó cái khôn, túng quẫn, muốn làm gì cũng khó, nhiều bất lực.
Sự “quê độ” một từ rất chất người xứ Quảng, thách thức lòng tự trọng, ý chí vươn lên thay đổi chính mình không thể trông chờ ai ban phát. Một quá khứ buồn. Ngày ấy, Đà Nẵng bất lực nhìn con dân lớn lên bằng công sức nhọc nhằn của bao gia đình nghèo khó tìm nơi chốn mới để mưu sinh lập nghiệp. Sự ra đi đem đến thịnh vượng nơi khác còn bản thân quê nhà thiếu hụt nhân lực, sức người, sức của. Đà Nẵng đã nghèo càng nghèo hơn. Mà cũng phải vậy thôi, sự chọn lựa nghiệt ngã ở lại sinh sống ra sao, làm việc thế nào với cơ sở hạ tầng xã hội thiếu thốn trăm bề. Chính quyền cũng vậy, cũng khó không kém, kêu gọi đầu tư, trải thảm mời chào. Họ đến, mừng lắm, và bằng cả chân tình tiếp đãi với bao nhiêu kỳ vọng, bao nhiêu niềm vui mừng ra mặt. Như cởi ngựa xem hoa đến rồi đi không trở lại, chỉ còn những nỗi buồn tiêng tiếc! Tại sao, vì sao? Câu hỏi nghe mãi, quen đến độ như không cần phải nghe vì biết rồi: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cơ sở dịch vụ, vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư, công nghiệp phụ trợ, y tế giáo dục… không đáp ứng. Những ước mơ nhỏ lắm luôn vẫn khó. Lãnh đạo thành phố từng mơ ước làm sao cho du khách chỉ cần lưu 2 ngày đêm thôi đã là tốt! Vì ngày ấy cơ sở du lịch chưa có gì, du khách chỉ quá giang qua sân bay, bến xe, nhà ga rồi vào Hội An, ra Huế, lên Mỹ Sơn… Đà Nẵng có gì giữ chân họ! Đau ốm thì đi Sài Gòn hay ra Huế. Cơ sở bệnh viện tồi tàn lạc hậu. Thương mại thời bao cấp không đủ cung cầu, câu nệ chậm tiến. Mọi thứ như ngừng lại. Quả là quá khứ buồn, bất lực. Con dân không dám kể quê hương mình nỗi “quê độ” làm mất tự tin trong cuộc sống.
Cầu Thuận Phước – Đà Nẵng
Năm 1997 – thời khắc lịch sử, cơ hội để Đà Nẵng vươn lên đổi đời. Đà Nẵng dốc toàn lực, huy động mọi nguồn lực có thể để làm cách mạng đô thị. Hiện thực hoá bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt nhiều năm nhiều lần điều chỉnh – một thứ một thời gọi “bánh vẽ” đang đắp chiếu chẳng thực hiện được gì cho nên công nên chuyện. Nhưng sau tách tỉnh, ngân sách thành phố quá nghèo không đủ làm gì. Lãnh đạo thành phố bắt đầu từ thửa đất bỏ hoang không sử dụng nhiều năm của các đơn vị nhà nước đang quản lý để chuyển mục đích sử dụng đất làm nguồn vốn ban đầu công cuộc chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tái định cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch, nâng cấp các cơ sở hạ tầng xã hội… Trong vòng 10 năm sau đó, thành phố như đại công trường. Toàn bộ bộ máy chính quyền phục vụ cho công cuộc này. Toàn xã hội cũng chuyển mình theo thời cuộc. Cuộc cách mạng thành công nhờ:
+ Người lãnh đạo chính quyền quyết tâm làm bằng được ước mơ đơn giản đó. Người đã chỉ huy cả hệ thống chính quyền vào cuộc một cách nhiệt tình, sáng tạo, sẵn sàng với mọi thách thức cả về sức lực và tinh thần. Cuộc cách mạng diễn ra quá nhanh làm cho mọi công dân không có thời gian suy tính thiệt hơn, tất cả vì tương lai chính mình và vì thành phố tươi đẹp hơn có sức sống hơn.
Cầu Cẩm Lệ
+ Tấm lòng người dân thành phố này rất tuyệt vời, hy sinh quyền lợi bản thân, đồng thuận với cuộc cách mạng, tin tưởng vào chính quyền, động viên nhau thực hiện chủ trương một cách hài lòng. Họ theo từng hơi lãnh đạo của họ với niềm tin và tự hào. Lẽ tất nhiên không cuộc cách mạng nào không đỗ mồ hôi nước mắt, thậm chí cả sinh mạng, rồi mọi giận hờn buồn tủi cũng qua đi theo năm tháng để lại cái mới đầy tự hào cho mọi người dân.
+ Phương pháp làm đầy sáng tạo, quyết liệt, trách nhiệm, nhân văn, chu đáo vì dân của các cấp chính quyền làm nên công cuộc cách mạng mà nhiều tỉnh thành đến học hỏi nhưng đâu dễ vận dụng cho địa phương họ. Đà Nẵng dùng phương pháp tổng lực, tổng thu tổng chi, bám sát tường tận từng dự án, thúc đẩy tiến độ từng ngày từng giờ mà mọi cán bộ phải có trách nhiệm trên từng dự án.
+ Lắng nghe và giải quyết những vấn đề của nhân dân giải quyết tốt nhất có thể trên tinh thần vì cuộc sống của dân.
+ Quyết đoán thậm chí độc đoán là tính cách cần có cho công cuộc này. Dám làm dám chịu trách nhiệm, vừa làm vừa điều chỉnh. Huy động mọi thành phần xã hội tham gia.
Cầu Rồng
Đến nay, về cơ bản đã có được những thành quả, những ước mơ ngày ấy:
– Cơ sở hạ tầng: tương đối thoả mãn các nhà đầu tư mọi lĩnh vực khi đến thành phố này. Cơ sở dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch liên tục phát triển thoả mãn du khách. Ngày lưu trú của du khách đã vượt xa ước mơ. Số lượt du khách đã và đang tăng lên rất nhiều (dịp Lễ 30/4, 1/5 – 2019 ước đạt 375.000 lượt trong đó có 114.000 lượt du khách nước ngoài). Sự thoả mãn và sự hài lòng của du khách là thành quả của ngành du lịch Đà Nẵng. Du khách đến với Đà Nẵng nhiều hình thức khác du lịch tham quan khám phá nghỉ mát, du lịch làm việc hội nghị, du lịch chữa bệnh, du lịch lễ hội…
– Cơ sở hạ tầng xã hội ngày cũng được tăng lên dần hoàn thiện phục vụ dân sinh. Tạo nhiều nhiều việc làm, sinh viên ra trường hầu như có việc làm, có nhiều cơ hội để hành nghề. Nhiều cơ sở đào tạo thu hút học sinh sinh viên từ nhiều vùng miền đến sinh sống học tập.
– Dân số tăng nhanh chủ yếu gia tăng cơ học, thu hút lực lượng lao động từ nhiều đến làm việc, học tập, an dưỡng. Học sinh sinh viên Đà Nẵng nay đã chọn học tại quê nhà, nếu học các nơi cũng có thể quay về không như ngày xưa một đi không trở lại. Môi trường xanh, sạch, thân thiện, an ninh tốt, giá cả mềm, con người thân thiện mến khách… tạo nên sức hấp dẫn, nhiều người lựa chọn đến sinh sống và đầu tư.
– Đà Nẵng đã hội nhập quốc tế.
Cầu Trần Thị Lý
Những hệ lụy trong quá trình xây dựng thành phố:
Điều này cũng là tính tất yếu. Vì phát triển quá nóng, quá nhanh, quá đà dẫn đến nhiều hệ luỵ:
– Đất ở bị chia lô quá nhiều dàn trải khắp mọi nơi làm mất cân đối sử dụng đất ở toàn thành phố. Loại nhà phố sẽ rất lãng phí đất, hạ tầng, không gian chiều cao. Thiếu tính kiểm soát dẫn đến đất bị chia nát, thiếu hạ tầng xanh đô thị, dịch vụ công cộng (công viên, vườn hoa, sân thể thao, không gian công cộng khác, đất công trình công cộng. Khi dân số tăng mạnh trong tương lai (3 triệu dân) cần xây đô thị nén nhà ở chung cư cao tầng nhường đất mặt đất làm dịch vụ công cộng thì đất không còn nữa, lại một cuộc cách mạng đô thị thứ 2 lần này thì vô cùng tốn kém và phức tạp hơn nhiều, lãng phí hơn nhiều.
Hạ tầng giao thông mới đây không lâu thành phố này tự hào thông thoáng rộng rãi thoải mái, nay đã phát sinh sự quá tải cục bộ xảy ra thường xuyên hơn vào các giờ cao điểm, lượng xe ôtô tăng quá nhanh, du lịch phát triển kéo theo lượng xe du lịch tăng mạnh làm cho giao thông quá tải. Trong vòng 10 năm, thành phố đầu tư xây 9 chiếc cầu bắc qua sông Hàn mà một thời nhiều người cho rằng đầu tư như thế quá thừa thãi nay đã quá tải, không đủ dùng, kéo theo hàng loạt các nút giao thông phải đầu tư khác mức, thậm chí bến xe nhà ga, cảng phải tính đến việc di dời vì ảnh hưởng quá nhiều giao thông nội đô. Đã từ lâu, lãnh đạo thành phố đã tính đến giao thông ngầm, giao thông công cộng đô thị nhưng cho đến nay có muốn làm thì đã vướng quá nhiều cản trở nhất là đất đai phải giải toả đền bù, di dời nhiều hạ mục công trình. Đó là hệ lụy của thiếu tầm nhìn xa trong quy hoạch, xây dựng quá nóng,
Hạ tầng đô thị khác được cải thiện rất nhiều nhưng không thể lường trước, thiếu tính quản lý chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến quá tải gây ngập lụt cục bộ, thoát nước và xử lý nước không đồng bộ gây tắc, ô nhiễm môi trường đô thị. Gần như xây dựng mới các công trình cao tầng, tăng người sử dụng công trình này trong lòng đô thị thì vấn đề nan giải nhất vẫn thoát nước, giao thông, trường học, chợ…
Cầu Nguyễn Văn Trỗi
Ngày ấy với khả năng tài chính chỉ đầu tư đến thế là tốt rồi, nay thời đại mới sử dụng đất với mật độ cư trú ngày cao thì hạ tầng đó không thể đáp ứng. Việc cải tạo hệ thống thì quá khó và tốn kém.
Hạ tầng du lịch tăng nhanh, nhu cầu đa dạng sản phẩm du lịch càng lớn, ngoài những những dự án lớn được đầu tư quy mô bài bản, thì còn lượng đất ở chuyển đổi thành đất hoạt động dịch vụ du lịch tạo nên sự đa dạng về loại hình sản phẩm, đa dạng về phân khúc giá dịch đáp ứng nhiều thành phần du khách. Tạo nhiều nét riêng thuận cho thị trường du lịch thành phố biển. Những bất cập phát sinh: trong quy hoạch chưa lường đến quy mô các công trình du lịch nên các ô đất quy hoạch không đáp ứng những khách sạn quy mô lớn – khách sạn 5 sao, như vậy lại mất cơ hội đón những tập đoàn lớn thế giới hoạt động chuyên về du lịch. Mặc khác chúng ta mất kiểm soát về loại hình dịch vụ du lịch, nhìn cả một không gian lớn ven biển các nhà đầu tư tập trung chỉ xây dựng khách sạn, còn các công trình dịch vụ hầu như không còn đất gây mất cân bằng cung cầu dịch vụ. Hạ tầng kỹ thuật nhất là thoát nước không đáp ứng gây ô nhiễm môi trường, mùi hôi từng các cống, nước biển vùng tắm biển của du khách và nhân dân.
– Lấn sông, lấn biển, khai thác núi rừng làm dự án đã gây lên những tiếng xấu ảnh hưởng môi trường đầu tư, phá vỡ môi trường sinh thái, để lại những hệ lụy không chỉ hiện tại mà cả tương lai khó mà khắc phục. Đặc biệt là phá vỡ môi trường sinh thái sông, lấn nhiều thì nhận hậu quả ngập lụt, xâm ngập mặn, xói lỡ nhiều, ảnh hưởng nhiều cộng đồng dân sinh vùng ven. Và rồi với biến đổi khí hậu xảy ra rất nhanh đối với các tỉnh duyên hải miền Trung nó không còn là tin xa vời mà đã và đang bị tác động trực tiếp đe doạ sự tồn vong của đô thị.
– Một nỗi lo không kém phần quan trọng đó là nhân sự. Sau cuộc cách mạng đô thị có quá nhiều biến động nhân sự bị lâm vào lao lý, sai phạm, tham nhũng, phạm tội… cả bộ máy chính quyền phục vụ thanh tra kiểm tra làm ảnh hưởng môi trường điều hành và hành chính công. Quá trình phát triển thì tất phải có những lỗi lầm, những hy sinh, những mất mát nhưng đó là cái giá phải trả để phát triển. Tiếc có, thương có, giận có… nhưng thời gian sẽ qua và vẫn phải tiến lên.
Dù sao Đà Nẵng đạt được những thành quả rất vượt trội so với thời gian trước, so với nhiều tỉnh thành trong cả nước. Quan trọng là Đà nẵng tiếp tục làm cuộc cách mạng đô thị đến cùng và còn rất nhiều việc phải làm. Đà Nẵng đang trải qua thời kỳ khó khăn, hy vọng “dấu lặng” đi qua để Đà Nẵng sẵn sàng với những cuộc cách mạng mới sớm hoàn thiện chính mình, để hoà nhập cùng cả nước và thế giới.
Đà Nẵng chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn cả trong quá khứ và tương lai.
KTS. HỒ PHƯỚC PHƯƠNG
(ĐT&PT số 78-79/2019)