Home / QUY HOẠCH / ĐÀ NẴNG 20 NĂM QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

ĐÀ NẴNG 20 NĂM QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

Nếu sự kiện lịch sử trên mảnh đất này do hai cuộc viễn chinh của người Pháp (1858) và người Mỹ (1965) tạo ra, thì hiện nay các sự kiện đều do chính sự năng động sáng tạo của chính quyền, sự đồng thuận ủng hộ của người dân tạo dựng nên.

Kể từ khi tách tỉnh 1997 đến năm 2017 – Thành phố Đà Nẵng vừa tròn 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Từ 01 thành phố nhỏ trực thuộc tỉnh (tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng) với số dân ít ỏi, kinh tế nghèo nàn, hạ tầng đô thị chắp vá, mối liên hệ vùng giữa các quận huyện rất khó khăn, cách trở nhất ở quận 3. Khu Đông Đà Nẵng bên kia dòng sông Hàn, là một thành phố hội tụ các điều kiện mà thiên nhiên ban tặng. Có núi, có sông, có hồ, có vịnh, có Bán đảo Sơn Trà và bãi biển cát trắng Mỹ Khê trải dài tới khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Có đèo Hải Vân, (đệ nhất hùng quan), có núi Chúa, Bà Nà với khí hậu (Địa Trung Hải) mát mẻ quanh năm. Vậy mà tất cả đều hoang dã, hoang sơ một cách tự nhiên việc khai thác nhỏ lẻ phụ thuộc hoàn toàn vào sự thuận hòa thời tiết khu vực Miền Trung lúc bấy giờ.

images1435545_anh_3444

Tổng quan đô thị bờ Tây sông Hàn

– Trong hơn 10 năm sau giải phóng (1975 – 1996) với nền kinh tế khó khăn, hạ tầng đô thị xuống cấp, ít được đầu tư. Ngoài một số con đường, một số công trình được chỉnh trang xây dựng như: nhà hát Trưng Vương, công viên 29/3, tiểu khu nhà ở Hòa Cường, thì nỗi trội nhất vẫn là việc giải tỏa mở rộng trục đường đôi Điện Biên Phủ cửa ngõ phía Bắc của thành phố.

– Là đô thị được xếp thứ 4 sau Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng. Song thực chất hình ảnh đô thị Đà Nẵng còn khiêm tốn, nhiều mặt còn thua ngay cả các đô thị biển Miền Trung như Cố đô Huế, thành phố biển Nha Trang…

– Vậy mà chỉ gần 20 năm sau công cuộc phát triển đô thị đã làm thay đổi hoàn toàn hình ảnh, diện mạo của một đô thị phát triển. Thu hút sự chú ý của cả nước và quốc tế. Đã có rất nhiều cuộc hội thảo hội nghị tổng kết, đánh giá thành tựu, thành công của Đà Nẵng. Thành công nhất là thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, nơi tổ chức các sự kiện trong nước và quốc tế.

– Nếu sự kiện lịch sử, trên mảnh đất này do hai cuộc viễn chính của người Pháp (1858) và người Mỹ (1965) tạo ra. Thì hiện nay các sự kiện đều do chính sự năng động sáng tạo của chính quyền, sự đồng thuận ủng hộ của người dân tạo dựng nên.

– Thành công trong quy hoạch, phát triển đô thị trước hết phải kể tới sự lựa chọn, quyết đoán, năng động sáng tạo của Lãnh đạo thành phố trong điều kiện kinh tế đất nước rất khó khăn, sự đầu tư của Trung ương rất ít và hạn chế đó là: Tập trung phát triển hạ tầng mà giải pháp đổi đất lấy hạ tầng chính là điểm nút quyết định cho sự thành công. Nhờ đó các tiềm năng du lịch biển, núi và sinh thái được đánh thức. Các khu nghĩ biển cao cấp với các thương hiệu hàng đầu thể giới trong ngành du lịch, khách sạn lần lượt xuất hiện thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.

– Chỉ trong 10 năm đầu (1997 – 2007) hình ảnh đô thị Đà Nẵng phát triển như một điểm sáng. Ấn tượng của cả nước, thành phố đã thay đổi hoàn toàn về mọi mặt. Các trục đường lớn khang trang, các khu dân cư đô thị được quy hoạch, đảm bảo yêu cầu tiện nghi và an sinh xã hội. Các khu du lịch, khu công nghiệp, khu dịch vụ vui chơi giải trí được hình thành. Có quy hoạch, có định hướng thuận lợi cho nhà đầu tư, cả Đà Nẵng như một đại công trường chạy đua với thời gian và cả cơ chế chính sách xã hội. Tạo nên lòng tin sức mạnh và sự tự hào đối với người dân. Trong đó cầu quay Sông Hàn được xây dựng bằng vốn Trung ương, vốn địa phương và vốn góp của nhân dân được coi như một biểu tượng cho năng động sáng tạo của thành phố.

– Tuy nhiên sự nối kết của khu vực trung tâm thành phố với các vùng đất tiềm năng như quận 3, khu dân cư Hòa Xuân, rồi các vùng ngoại thành Hòa Vang vẫn chưa phát triển, chưa quy hoạch mở rộng và tạo sức hút đô thị được do một nguyên nhân duy nhất đó chính là dòng sông Hàn. Dòng sông huyền thoại, nhân tố quyết định cho bản sắc đô thị Đà Nẵng.

– Từ 2008 thành phố đã quyết định đầu tư xây dựng một loạt cầu nối qua sông Hàn. Tất cả có 9 cầu tạo nên sự nối kết thuận tiện mở mang phát triển các vùng đất mới. Làm cho giai đoạn 2 của phát triển đô thị Đà Nẵng càng hoành tráng đều khắp, cơ hội cho việc đầu tư các trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật được phát triển như: Trường Công nghệ thông tin Việt Hàn, Trường Đại học Việt Mỹ, Khu đô thị công nghệ FPT, làng đại học Hoà Hải, rồi các khu nghĩ cao cấp như Intercontinental Danang.., khu khách sạn 5 sao Vinpearl Da Nang, Hyatt Regency Danang, Hilton Danang, khu tổ hợp khách sạn dịch vụ Crowne Plaza Danang. Các tổ hợp thể thao Tuyên Sơn, Công viên Châu Á, các khu nghĩ biển cao cấp Vinacapital, hệ thống sân golf đẳng cấp, và nổi bật nhất hiệu quả nhất chính là khu vui chơi giải trí BaNa Hills của tập đoàn Sun Group.

– Một số trục cảnh quan ven biển đường Nguyễn Tất Thành quanh vịnh Thanh Bình kết nối với dự án trăng lưỡi liềm (Hàn Quốc), đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, biển Sơn Trà, Mỹ Khê. Kết nối các khu du lịch biển và làng nghề đá, truyền thống Non Nước, nhưng phải kể đến trục cảnh quan hai bên Sông Hàn với các cây cầu nổi tiếng như: Cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý được trang trí bằng kỹ thuật ánh sáng làm tăng thêm sự lung linh huyền ảo về đêm. Cùng với các lễ hội pháo hoa Quốc tế. Đua thuyền truyền thống… đã tạo nên sức hấp dẫn cho người dân và du khách về một thành phố Đà Nẵng đáng sống với các tiêu chí 5 không 3 có. Rồi thành phố văn minh, môi trường xanh sạch đẹp, con người thân thiện lại tạo điểm đến cho các sự kiện đã và đang sắp diễn ra: Diễn đàn kiến trúc sư Châu Á, Arcasia (8/2011). Đại hội thể thao bãi biển khu vực  Châu Á (ABG 5 – 9/2016). Cuối năm sau (11/2017) Hội nghị Quốc tế APEC 2017, uy tín, ấn tượng và giá trị. Gần đây nhất Hiệp hội du lịch Hoa Kỳ và thế giới bình chọn khu nghỉ biển cao cấp Intercontinental Danang 3 năm liền nằm trong top đầu thế giới và thành phố Đà Nẵng được bình chọn là điểm đến hàng đầu Châu Á (2016). Đó là những hình ảnh đẹp đánh dấu 20 năm thành công của quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng.

3787516

Cụm đô thị bờ Đông sông Hàn nhìn từ hướng biển

Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều việc phải làm nhằm tiếp tục hoàn thiện, khắc phục những khiếm khuyết tồn tại để hình ảnh về một thành phố Đà Nẵng luôn mới, năng động, hiện đại bền vững môi trường, điểm đến của các sự kiện mới trong tương lai.

Đó là: Cần quy hoạch chỉnh trang lại trục cảnh quan đường Nguyễn Tất Thành, vịnh Thanh Bình (có thể tổ chức thi ý tưởng).

Khu đô thị Hòa Xuân, hướng Nam thành phố ngoài các dự án quy hoạch chia lô bán nền, cần có định hướng quy hoạch hoàn chỉnh đô thị hiện đại với các khu liên hợp TDTT. Các trung tâm hành chính, văn hóa, kinh tế, vùng khu vực có công viên rộng, hồ nước lớn, kết nối với các trục cây xanh ven sông tạo nên điểm dân cư đô thị mới ổn định, bền vững và tiện nghi.

Cần có ý tưởng quy hoạch mới khu văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn với các làng nghề đá truyền thống gắn liền với các khu nghĩ biển cao cấp. Tạo điểm tham quan, nghĩ dưỡng, sinh động thu hút khách du lịch.

Khai thông sông Cổ Cò, kết nối đường sông với Hội An, mở ra hướng du lịch mới, an toàn trên sông, làm phong phú thêm cho hoạt động du lịch của thành phố.

Đối với dự án trăng lưỡi liềm, khu đô thị Đa Phước, hiện nay một phần dự án đã được triển khai với các khu biệt thự, nhà nghỉ cao cấp có mật độ cây xanh cao. Bền vững môi trường thì việc kết nối mở rộng quy hoạch khu đất gần cầu Thuận Phước cũng rất cần có sự nghiên cứu, lựa chọn quy mô, hình thức các hạng mục công trình hợp lý thoáng mát nhiều cây xanh. Hạn chế quy hoạch chia lô bán đất, không phù hợp với vị trí đắc địa về cảnh quan khu đất cuối sông đầu biển của thành phố.

Tại vị trí ngã 3 đường Nguyễn Đức Thuận, Võ Nguyên Giáp và đường Trường Sa cần mở thêm bãi tắm dân sinh. Tạo không gian thoáng hướng biển, giảm bớt rào chắn, bịt kín kéo dài của các dự án ven biển để người dân trong khu vực được hưởng lợi giá trị đất đô thị sẽ tăng lên thu hút đầu tư, công tác an ninh quốc phòng đối với khu vực ven biển cũng được dễ dàng thuận lợi hơn.

Việc di dời nhà ga đường sắt và quy hoạch mới cảng hàng hóa container ở Liên Chiểu, Nam Ô cũng là điều kiện thuận lợi để khu đô thị Tây Bắc thành phố phát triển. Tuy nhiên rất cần quy hoạch nối kết giao thông giữa cảng biển, ga xe lửa, đường cao tốc, hầm đèo Hải Vân hợp lý an toàn, đảm bảo tầm nhìn cho tương lai. Đó cũng là động lực để đô thị Đà Nẵng phát triển ổn định bền vững đảm bảo an sinh xã hội, kinh tế, an ninh quốc phòng.

KTS. Phạm Phú Bình

(ĐT&PT số 78-79/2019)

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …