Ngày 27/11/2020 Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Đà Lạt – Đô thị di sản với các công tác quy hoạch và quản lý phát triển”. Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp phát triển phù hợp để dung hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển thành phố. Đây đang là bài toán khó đặt ra đối với nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt và người dân, trong quá trình quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Hội thảo đi sâu đánh giá giá trị di sản kiến trúc đô thị, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên khí hậu, văn hóa và công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản trong quá trình phát triển Đà Lạt, đánh giá tính kế thừa trong việc thực hiện quy hoạch thông qua các thời kỳ và những vấn đề cần xem xét về xây dựng và quản lý phát triển thành phố. Từ đó, đề xuất các giải pháp cho mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị di sản. Hôi thảo cũng đưa ra những khuyến nghị, nhằm tham mưu đóng góp về tầm nhìn và xây dựng thương hiệu đô thị; Đề xuất cơ chế chính sách, tiêu chuẩn đặc thù, để Đà Lạt phát triển đúng với tính chất, chức năng đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg năm 2014 về “ Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Bài viết sẽ đi sâu vào những giải pháp được đề xuất cho việc xây dựng Đà Lạt hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, để trở thành đô thị di sản cho thương hiệu đặc sắc.
1. Đánh giá chung
Đà Lạt là đô thị duy nhất ở Việt Nam hội tụ đủ 4 giá trị đặc biệt để xây dựng trở thành đô thị di sản – đô thị du lịch sinh thái đó là, khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng và quỹ di sản kiến trúc đô thị phong phú. Với những giá trị đó, Đà Lạt từ lâu đã là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghĩ dưỡng.
Đà Lạt được xem như là “ thành phố trong rừng” hay “rừng trong thành phố”, bởi được quy hoạch xây dựng giữa rừng thông, với tý lệ xây dựng thấp, không quá 15% diện tích đất tự nhiên. Phần còn lại chính là rừng thông, vườn cảnh, cây xanh. Vùng đất này còn là xứ sở của các loài hoa, như Dã Quý, Mimosa, Păng Xê, Mai Anh Đào,… và các loài hoa thiên nhiên khác. Đà Lạt sở hữu một quỹ di sản kiến trúc đô thị đồ sộ, độc đáo, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Các công trình kiến trúc gồm biệt thự, dinh thự, công sở, trường học, nhà ga, nhà thờ,… với những nét đặc sắc riêng của từng thể loại. Với lịch sử phát triển 127 năm, Đà Lạt tuy không được coi là đô thị số, nhưng nó là một “bảo tàng sống” về kiến trúc thuộc địa Pháp, vì vậy Đà Lạt còn được mệnh danh là “Một Paris thu nhỏ”.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản có một không hai của Đà Lạt, năm 2014 Chính phủ đã có Quyết định số 704/QĐ-TTg về “Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, nhằm phát triển kinh tế – du lịch, tạo thương hiệu đô thị và xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch tầm quốc tế.
Trong những năm gần đây tỉnh Lâm Đồng đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ nhờ chủ trương, sự quan tâm của Chính phủ. Các chiến lược phát triển ngành được xây dựng, làm cơ sở để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị và du lịch…Năm 2015 Chính phủ đã ban hành cơ chế chính sách đặc thù về phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, nhờ đó tỉnh được trực tiếp kêu gọi đầu tư đối với các công trình, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực môi trường, hạ tầng và du lịch. Đây là động lực là cơ hội thúc đẩy để Đà Lạt phát triển nhanh trong tương lai, tương xứng với tiềm năng lợi thế, để nhanh chóng xây dựng Đà Lạt trở thành “thành phố di sản”.
Tuy nhiên Đà Lạt cũng đang phải đối mặt với các thách thức không nhỏ, bởi quá trình đô thị hóa, mở rộng đô thị với sự gia tăng dân số và lượng khách du lịch; Cảnh quan nông nghiệp đô thị công nghệ cao đang có nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ vốn có của thành phố; Sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển còn nhiều bất cập; Ô nhiễm môi trường, tài nguyên khai thác chưa hiểu quả và bền vững; Quá trình xây dựng, phát triển can thiệt quá mạnh vào thiên nhiên, làm giảm đất rừng, suy thoái môi trường, cảnh quan và gia tăng nhiệt độ không khí. Rất tiếc, đây lại chính là những điểm quan trọng nhất, có sức thu hút nhất đối với mọi quyết định đầu tư và phát triển Đà Lạt. Thêm vào đó là tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường và nguy cơ làm phai mờ những giá trị văn hóa, lịch sử – những nét đặc trưng vốn có của thành phố này.
2. Đề xuất giải pháp quản lý và cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển
Với những giá trị nổi bật của thành phố Đà Lạt, những thách thức và các nguy cơ có tiềm ẩn như đã nhận định ở trên, các giải pháp được hội thảo đề xuất gồm:
- Bảo tồn các giá trị cốt lõi, nổi bật gắn với sự phát triển du lịch;
- Phát triển du lịch bền vững thành phố Đà Lạt gắn với thương hiệu “Đô thị di sản”;
- Quy hoạch đô thị theo hướng cân bằng giữa tài nguyên thiên nhiên và đầu tư xây dựng;
- Quản lý đô thị theo hướng “đô thị di sản” và nguồn tài nguyên tạo ra giá trị di sản là hữu hạn.
2.1 Quan điểm và nguyên tắc phát triển:
con đường phát triển của đô thị Đà Lạt phải là sự tiếp nối tính chất chức năng, giá trị di sản đã được xác định, đó là đô thị nghỉ dưỡng – sinh thái và di sản kiến trúc. Phải coi trọng đặc biệt di sản đô thị, duy trì và phát huy quỹ kiến trúc đô thị hiện hữu, tiếp nối và chuyển hóa chúng vào những không gian đô thị mới một cách cân bằng, thống nhất.
việc tiếp nối và mở rộng các chức năng cho thành phố – tạo động lực phát triển toàn diện cho đô thị, phải được cân nhắc thận trọng có chừng mực hợp lý để tránh bớt những mâu thuẫn đối kháng. Phải dành sự ưu tiên cho việc phát triển thành một trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng số một của cả nước và khu vực, để không đánh mất thế mạnh tuyệt đối vốn có của Đà Lạt.
giai đoạn phát triển tới đây của Đà Lạt rất cần có một triết lý mạch lạc, dựa trên 4 ý tưởng: (1) Tiếp tục tạo nên một thành phố khác biệt, lấy trung tâm là kiến trúc Pháp xây dựng hài hòa với thiên nhiên, gắn với văn hóa địa phương để tạo dựng một không gian lãng mạn; (2) Phát triển theo tư duy quy hoạch từ ngày đầu thành lập và phục chế lại những kiến trúc đã biến dạng hay đã mất; (3) Lấy hệ sinh thái đô thị – nông nghiệp – du lịch bền vững làm nền tảng cho phát triển, từ đó tạo dựng chuỗ giá trị kinh tế cộng sinh: Thiên nhiên – kiến trúc – nghệ thuật – văn hóa – du lịch – nông nghiệp – chế biến nông sản; (4) Mở rộng đô thị theo hướng phát triển du lịch sinh thái – cảnh quản – nông nghiệp trong ranh giới hành chính của Đà Lạt và các huyện lân cận như một liên kết vững Đà Lạt
“Hồi sinh di sản” theo hướng tạo thêm các điều kiện tối ưu về cơ chế chính sách để đô thị di sản tiếp tục tồn tại, tích hợp thêm các giá trị mới cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện tại, đồng thời có khả năng chuyển giao cho các thế hệ mai sau cụ thể: (1) Tu bổ, tồn tạo di tích để duy trì và phát huy tối đa chức năng ban đầu, (2) Tạo thêm công năng mới phù hợp với nhu cầu của con người cũng như xu hướng phát triển bền vững, (3)Tạo lập không gian văn hóa mới, điểm nhấn đô thị mới để thành phố có thêm sinh khí và sức sống, (4) Làm cho các yếu tố có khả năng bị lãng quên trở nên hấp dẫn, (5) Bảo tồn để biến đổi đô thị di sản từ dạng tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu – loại hàng hóa văn hóa đặc biệt.
Bảo tồn di sản văn hóa để từ đó tạo ra giá trị kinh tế, sự thịnh vượng cho đô thị đó là: Công ăn việc làm và thu nhập cho các hộ gia đình; Giá trị giải trí của di sản tại khu vực dân cư; Giá trị kinh tế mang lại từ du lịch; Giá trị bất động sản trong dài hạn; Lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ phục vụ bảo tồn di sản và kinh doanh du lịch.
Công tác bảo tồn các giá trị cốt lõi, nổi bật gắn với phát triển du lịch bền vững phải trở thành nhận thức và hành động cụ thể của chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư và các bên liên quan; Phải hội nhập tích cực công tác bảo tồn di sản trong mọi cấp độ của công tác quy hoạch; Gắn quan điểm bảo tồn để phát triển – phát triển để bảo tồn cho mục tiêu xây dựng đô thị di sản; Bảo tồn theo hướng thích nghi, chủ động,… Phải coi trọng di sản đô thị, duy trì và phát triển quỹ kiến trúc đô thị hiện hữu đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử, di sản kiến trúc đô thị là tài sản là tài nguyên vô giá của Đà Lạt và vùng lân cận. Nếu mất đi một trong những giá trị trên hình ảnh, thương hiệu của Đà Lạt sẽ không còn tồn tại…
2.2 Tầm nhìn
Xây dựng Đà Lạt trở thành “Thành phố di sản – thành phố du lịch nghỉ dưỡng quốc tế đặc sắc – thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của thế giới – thành phố festival hoa hiện đại và bản sắc”, trên cơ sở phát huy giá trị 4 lợi thế riêng là khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, quỹ di sản kiến trúc và bản sắc văn hóa độc đáo.
3. Đề xuất giải pháp cụ thể
3.1 Một số giải pháp bảo tồn giá trị cốt lõi, nỗi bật gắn với phát triển du lịch
a. Giải pháp bảo tồn tổng thể mang tính chiến lược:
Phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo mô hình chuỗi các đô thị và liên kết theo tuyến vành đai + xuyên tâm. Kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; Bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa lịch sử…
Phát triển một Đà Lạt mới, với chuỗi các đô thị vệ tinh trong một nguyên tắc thống nhất: vừa phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng đô thị, địa phương trong vùng quy hoạch, vừa đảm bảo việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc của một Đà Lạt truyền thống (về khí hậu, cảnh quan rừng, không gian mặt nước, tính chất đô thị sinh thái) và kế thừa tính hiện đại trong ý tưởng quy hoạch, kiến trúc đô thị, thể hiện văn hóa – phong cách sông kiểu châu Âu.
b. Quy hoạch phân vùng phát triển và xây dựng các chiến lược bảo tồn các giá trị cốt lõi trong từng phân vùng.
Bao gồm: Vùng phát triển đô thị TP. Đà Lạt, các đô thị vệ tinh Liên Nghĩa – Liên Khương, Finom – Thạch Mỹ, Nam Ban VÀ Đ’ran, các đô thị sinh thái Lạc Dương, Nam Ban, Đại Ninh…; Vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sả xuất; Vùng nông nghiệp sạch, công nghệ cao; Vùng phát triển du lịch…
c. Bảo tồn giá trị cốt lõi nổi bật theo cách tiếp cận bảo tồn thích nghi, có tính chủ động.
+ Bảo tồn, phát huy các đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên
Các đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, các vùng cảnh quan rừng, vùng nông nghiệp và vùng du lịch sinh thái theo QHC cần được kết nối để phát triển bền vững; đồng thời vẫn bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa- lịch sử rất riêng của Đà Lạt và vùng lân cận. Duy trì, bảo vệ cho được diện tích các loại rừng theo quy hoạch (khoảng 232.000 ha), cảnh quan, mặt nước (khoảng 6.530ha).
UBND tỉnh chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng Đề án và Quy chế bảo tồn, khai thác, phát triển cho từng vùng đặc hữu này; Coi việc bảo tồn các đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên là sự sống còn của cấu trúc “thành phố trong rừng” có một không hai của Việt Nam.
+ Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử
Bảo tồn có chọn lọc các giá trị kết tinh giữa văn hóa dân tộc bản địa với văn hóa các vùng, miền, làm nổi bật và phong phú bản sắc đặc trưng của văn hóa Đà Lạt thông qua việc xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử tỉnh Lâm Đồng, trong đó nhấn mạnh vào TP. Đà Lạt và vùng phụ cận; Xây dựng sản phẩm du lịch có tính đột phá gắn với bản sắc rất đặc trưng của văn hóa Đà Lạt; Lồng ghép tuyến, tour, điểm du lịch trong không gian văn hóa Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng, TP. Đà Lạt và phụ cận. Phục dựng, tái hiện các lễ hội truyền thống, các không gian văn hóa làng bản, công trình kiến trúc dân tộc gắn với phát triển KT – XH của địa phương. Xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực trong cộng đồng để bảo tồn ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực của một số tộc người như người Lạch, nguo Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho… trên địa bàn. Xây dựng các công trình văn hóa (kiêm bảo tàng) để lưu giữ, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng tại các trung tâm xã, phường,…Trong không gian chung của TP. Đa Lạt và vùng phụ cận có thể chọn một vài địa điểm (như khu vực xã Lát…) để xây dựng các trung tâm văn hóa điển hình, có trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn …
+Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản kiến trúc đô thị
Bảo tồn cấu trúc đặc trưng của TP. Đà Lạt: “Thành phố trong rừng – Rừng trong thành phố”. Trên cơ sở xã định 2 khu bảo tồn kiến trúc là khu biệt thự Lê Lai và khu biệt thự Trần Hưng Đạo, cần xây dựng tiêu chí đánh giá, danh mục các công trình bảo tồn; Xây dựng quy chế bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị. Các nhà quản lý, chuyên môn và doanh nghiệp cần có quan điểm đồng thuận về công tác bảo tồn, có thái độ ứng xử thích hợp đối với quỹ di sản kiến trúc đô thị. Cần tiếp cận phương pháp bảo tồn thích nghi (mang tính chủ động) để giải tỏa các vướng mắc, tìm kiếm sự đồng thuận trong công tác này.
Xem xét việc chuyển đổi chức năng sử dụng của khu vực di sản thahf khu hỗ hợp phát triển du lịch dựa trên bảo tồn (bảo tồn thích nghi). Chuyển đổi chức năng sử dụng một số công trình hành chính, dịch vụ công cộng hiện nay thành công trình thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng cao cấp. Phục hồi giá trị trục di sản trên cơ sở tạo ra sự năng động, hấp dẫn như hình thành một hệ thống các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng cao cấp tại các cụm biệt thự trên trục đường. Phục hồi và nâng cao giá trị cảnh quan của trục di sản bằng cách giảm diện tích giao thông để dành cho không gian đi bộ; Bảo tồn và thiết lập các điểm và các góc nhìn cảnh quan trên trục di sản, đặc biệt là các góc nhìn từ trục di sản về phía núi Lang Biang.
Bảo tồn các biệt thự, các công trình kiến trúc có giá trị khác trên cơ sở bảo tồn các giá trị đặc trưng kiến trúc vùng Normandie, kiến trúc vùng Pays Basque, kiến trúc vùng Savoie… Đồng thời bảo tồn các mảng rừng tự nhiên còn lại trong các khuôn viên công trình di sản.
Kiểm soát tốt chiều cao công trình và quy mô của các dự án kiến trúc và đô thị được đề xuất cho tương lại của Đà Lạt.
Hành động bảo tồn thông qua những cách can thiệp khác nhau như kiểm soát môi trường, giữ gìn, sửa chữa. trùng tu, nâng cấp và phục dựng; Bất kỳ sự can thiệp nào cũng đều phải có cơ sở, tính khoa học, lựa chọn và trách nhiệm vì nó liên quan đên toàn bộ di sản, đồng thời cũng cần xem xét những phần tuy không có ý nghĩa cụ thể cho hôm nay nhưng lại có ý nghĩa trong tương lai.
3.2 Giải pháp phát triển du lịch bền vững thành phố Đà Lạt gắn với thương hiệu “Đô thị di sản”.
Mặt dù hiện nay “đô thị di sản” chưa được ‘chính danh” trong hệ thống đô thị Việt Nam, song vai tròn của đô thị di sản gắn liền với phát triển du lịch là không thể phủ nhận đối với phát triển kinh tế – xã hội TP. Đà Lạt.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch Đà Lạt gắn với thương hiệu “Đô thị di sản” theo hướng bền vững đảm bảo có đóng góp ngày cành tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội vừa bảo tồn phát huy các giá trị di sản phải chú trọng một giải pháp sau:
– Khu trung tâm TP. Đà Lạt hiện nay đang cần ưu tiên gắn với hệ thống tiện ích và các công trình dịch vụ di lịch. Cần quy hoạch khu vực dịch vụ, mua sắm, trung tâm thương mại lớn tầm quốc tế, khu vui chơi giải trí chuyên biệt, đảm bảo cho hoạt động du lịch có thể diễn ra 24/24, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm đô thị mà ở đó du lịch sẽ là dòng cốt dựa trên việc phát huy có hiệu quả các giá trị di sản của đô thị.
– Xây dựng phương pháp lồng ghép kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0 trong kế hoạch phát triển của TP. Đà Lạt để đảm bảo trong tương lai gần TP. Đà Lạt phải đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh. Đây là yếu tố tạo nên tiện ích và tính hấp dẫn đối với khách du lịch, phù hợp với xu thế phát triển các điểm đến du lịch di sản thế giới và khu vực.
– Chú trọng ứng dụng công nghệ khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế, tiết kiệm điện nước, tái sử dụng chất thải trong dịch vụ du lịch. Đặc biệt cần hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý chất thải từ du lịch để bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường nói chung và môi trường đô thị di sản nói riêng. Đây sẽ là những giải pháp cụ thể đóng góp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Để đảm bảo sự phát triển bền vững của Đà Lạt với tư cách là đô thị di sản, cần chú trọng thường xuyên nâng cao năng lực quản lý đô thị của cấp chính quyền. Ngoài kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý đô thị, cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, hiểu biết về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản , về du lịch, đặc biệt là du lịch di sản, về quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch gắn với bảo tồn các giá trị di sản và về ảnh hưởng của cách mạng công nghệ 4.0 cũng như biến đổi khí hậu trong phát triển đô thị di sản.
3.3. Giải pháp Quy hoạch đô thị theo hướng cân bằng giữa tài nguyên thiên nhiên và đầu tư xây dựng.
– Nghiên cứu mô hình phát triển đô thị cho Đà Lạt theo hướng là một đô thị phát triển tự nhiên theo địa hình kết hợp mô hình dạng nén thích hợp ở một số khu vực nhất định. Thay vì lan tỏa theo chiều ngang, bám vào các ngọn đồi, làm mất đi những mảng xanh quý báu, vừa tốn diện tích đất mà hiệu quả sử dụng lại không cao. Đà Lạt nên nghiên cứu chọn ra những điểm phát triển công trình cao tầng như là những điểm nhấn cảnh quan trên tổng thể thành phố. Những công trình cao tầng này cần được nghiên cứu kỹ về địa điểm, vị trí, định hướng xu hướng kiến trúc cụ thế làm cho cơ sở đặt đề bài cho giai đoạn thiết kế công trình. Yêu cầu bắt buộc các công trình này phải là nhà cao tầng sinh thái, tiết kiệm năng lượng, phải có hình thức thẩm mỹ đạt chất lượng cao, hài hòa với cảnh quan tại vị trí cụ thể, đồng thời phải đảm bảo vai trò điểm nhấn trong tổng thể đô thị. Trong quy hoạch cần có chủ trương giảm bớt các loại hình nhà ở tư nhân dạng liền kề, dạng nhà biệt thự tràng lan để tránh mất đất, mất cây xanh mà thau vào đó là những nhà chung cư dạng thấp tầng xây dựng theo địa hình.
– Phát triển các khu dịch vụ chuyên biệt phục vụ du lịch, giải trí chất lượng cao, phục vụ cho cả người dân địa phương và khách du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên, nhất là cảnh quan rừng tự nhiên.
– Tái tạo lại những thương hiệu đặc thù khác biệt đã mai một và tạo dựng thương hiệu mới gi tăng giá trị vốn có của đô thị di sản. Bên cạnh đó xây dựng các công trình kiến trúc xứng tầm vừa để quảng bá tuyên truyền phát huy hiệu quả phục vụ du lịch đem lại giá trị gia tăng cho thành phố – đô thị di sản trong tương lai.
3.4. Giải pháp Quản lý đô thị theo hướng “đô thị di sản” và nguồn tài nguyên tạo ra giá trị di sản là hữu hạn.
– Tổng kết đánh giá quỹ di sản cảnh quan và kiến trúc đô thị Đà Lạt làm cơ sở để lập quy chế quản lý đô thị di sản Đà Lạt chi tiết như trường hợp của Sapa, nhưng có rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện để bảo tồn và phát huy hiệu quả của đô thị di sản Đà Lạt.
– Trước mắt, Đà Lạt cần bảo vệ và phát huy bốn giá trị cốt lõi là khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, quỹ di sản kiến trúc công trình và giá trị văn hóa của người Đà Lạt.
– Cần cân nhắc thêm các cơ sở pháp lý khác nữa cho việc lựa chọn khu vực tập trung di sản được công nhận có mật độ cao để công nhận Khu đô thị di sản. Còn vùng cảnh quan bao trùm toàn thành phố Đà Lạt cùng danh lam thắng cảnh sẽ được quản lý theo Luật Di sản văn hóa. Các công trình xây dựng mới trong Khu đô thị di sản như khách sạn, khu nhà ở mới, xây dựng dự án và áp dụng trong không gian thực tế của Đà Lạt cần quản lý chặt chẽ theo Luật và Quy định riêng.
– Các công trình mới xây dựng phải đảm bảo đúng yêu cầu về tầng cao, về mật độ, khối tích, chí giới xây dựng, khoảng lùi theo các cấp quy hoạch đã được phê duyệt, riêng phần diện tích còn lại phải được quản lý tránh bê tông hóa mà phải ưu tiên cho diện tích cây xanh cảnh quan, bóng mát để tăng cường mật độ cây xanh trong thành phố và sức hấp dẫn.
– Hiện nay quỹ đất của Đà Lạt không còn quá nhiều. Việc xây dựng trải dài theo chiều ngang thì quỹ đất không còn đủ đáp ứng cho tương lai, môi trường bị suy giảm. Vì vậy, quy chế quản lý cần cân nhắc đối với những khu vực có thể cho phép hệ số nén cao hơn và có những loại hình kiến trúc đặc thù chỉ có ở thành phố Đà Lạt.
– Xây dựng chính sách nhất quán giúp cho Đà Lạt phát triển cân bằng giữa khu đô thị mới và khu đô thị cũ, tạo nhiều cơ hội để phân bố các nhu cầu đầu tư vào những khu vực hợp lý, trong một mức độ hợp lý, đảm bảo thu hút những nhà đầu tư thực sự có tâm, có tầm để tham gia vào tiến trình xây dựng Đà Lạt. Quy chế phát triển phải đảm bảo sự phát triển bền vững, nghĩa là sự phát triển phải còn được tiếp tục duy trì trong tương lai, đồng thời không làm lệch hướng bản sắc vốn có ban đầu của Đà Lạt.
Phát triển Đà Lạt phải là sự tiếp nối tính chất chức năng và giá trị di sản đã được xác định
4. Những đề xuất và kiến nghị của hội thảo
1- Kiến nghị TP. Đà Lạt được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển đô thị như đối với các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa. Xây dựng cơ chế đặc thù về mô hình quản lý, tài chính, để tạo sự đột phá cho thành phố Đà Lạt phát triển nhanh và bền vững.
2 – Điều chỉnh bổ sung vào Luật Quy hoạch đô thị, Luật di sản văn hóa khái niệm “ Đô thị di sản”; Bộ tiêu chí “Đô thị di sản” làm công cụ pháp lý sớm công nhận Đà Lạt và nhiều đô thị khác của Việt Nam là đô thị di sản.
Bộ Xây dựng xem xét ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn, chỉ tiêu quy hoạch và xây dựng có yếu tố đặc thù đối với các đô thị chuyên ngành đặc biệt, như đô thị di sản, đô thị sinh thái,…Không để áp dụng chung các hướng dẫn, quy chuẩn chuyên môn cho tất cả đô thị, các vùng miền trên cả nước một cách cứng nhắc.
3- Đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc phù hợp với Bộ tiêu chí “Đô thị di sản” sớm nhất vào năm 2021, trình Thủ tướng Chính phủ, để Thủ tướng ban hành Quyết định công nhận thành phố Đà Lạt là “ Đô thị di sản”.
4 – Tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt được hỗ trợ trực tiếp một số chương trình dự án tử các bộ ngành, để Tỉnh và thành phố thực hiện tốt cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, theo Quyết định số: 1528/QĐ – TTg, ngày 03 tháng 09 năm 2015.
5- UBND tỉnh Lâm Đồng dành nguồn lực thỏa đáng và trực tiếp của Chính phủ, để thực hiện quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đã được phê duyệt tại Quyết định số: 704/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 05 năm 2014; phân quyền tự chủ cao hơn cho thành phố Đà Lạt trong điều hành hành chính và ban hành chính sách;
6- UBND tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt tiến hành rà soát lại các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong khu vực đô thị Trung tâm để có giải pháo đầu tư và điều chỉnh thích hợp;
– Thành phố Đà Lạt cần sớm triển khai công tác tổng kiểm kê, phân tích và đánh giá toàn diện quỹ kiến trúc đô thị theo bài bản thống kê học và kiểm kê, dựa trên các tiêu chí khoa học;
– Xác định các công trình, các cụm công trình kiến trúc, các đoạn phố và đường phố, các khu vực cảnh quan đô thị có giá trị. Lập danh mục và điền vào bản đồ làm cơ sở cho công tác quy hoạch cải tạo và phát triển. Tiến hành hoạch định các giới hạn bảo vệ và giới hạn của các khu đệm;
– UBND tỉnh ra quyết định công nhận các công trình có giá trị thuộc di sản kiến trúc đô thị; Ban hành Quy chế duy trì, cải tạo và sử dụng các công trình có giá trị; chỉnh trang các khu vực cảnh quan đô thị;
– Xây dựng hồ sơ khoa học về đô thị di sản để UBND tỉnh trình Chính phủ hoặc Bộ Xây Dựng ra quyết định công nhận Đà Lạt là đô thị di sản. Đông thời, đề nghị Bộ Xây dựng ban hành quy chế quy hoạch và xây dựng đặc thù đối với đô thị di sản Đà Lạt;
– Khảo sát và đánh giá toàn diện các khu xây dựng mới theo quy hoạch và những điểm xây dựng trái phép, nhằm rút kinh nghiệm về phương diện tổ chức và phân bố không gian đô thị, về sự duy trì các mối liên quan giữa các khu cũ và khu mới;
– Quan tâm đặc biệt đến quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình và Hồ Xuân Hương. Khu vực này cần có một ý tưởng lãng mạn, vì đây là khu vực có giá trị văn hóa – lịch sử – giao tiếp, trung tâm thương mại truyền thống của thành phố đã được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 20, cách tiếp cận quy hoạch phải trên nguyên tắc “ Quy hoạch cải tạo chính trang, bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc – cảnh quan đã đi vào ký ức đô thị”. Nên việc tổ chức cuộc thi ý tưởng quốc tế để tìm kiếm một giải pháp hay nhất, hợp lý nhất cho khu trung tâm này la cần thiết.
ThS. KTS. Phan Thanh Mai
Số 42/2021 – tạp chí Quy hoạch đô thị