Home / QUY HOẠCH / Công trình xanh – “vượt rào” để tiếp cận vận hội?

Công trình xanh – “vượt rào” để tiếp cận vận hội?

Ở Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trong khi phát thải khoảng một phần ba tổng lượng phát thải CO2 , tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng xây dựng hàng năm bình quân đạt 12%, Việt Nam sẽ còn chịu nhiều tổn thất về sinh thái và kinh tế hơn nữa nếu không gấp rút giải quyết vấn đề hiệu quả năng lượng công trình. Trong khi đó, việc áp dụng những chính sách và phương thức phù hợp sẽ là chìa khóa để khai thác những tiềm năng to lớn của các công trình trong việc tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải CO2. “Việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các công trình xây mới là một đòi hỏi cấp thiết,”

Bộ Xây dựng khẳng định. “Bộ Xây dựng luôn chú trọng thúc đẩy các công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả và đánh giá cao mọi nỗ lực góp phần nâng cao nhận thức và trang bị các công cụ và giải pháp kỹ thuật cho các nhà đầu tư và kiến trúc sư để phát triển thêm nhiều công trình xanh tại Việt Nam.”

Được thiết kế thân thiện với môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả trong suốt vòng đời của mình, các công trình xanh là một giải pháp cần thiết cho Việt Nam để đạt tới sự phát triển đô thị bền vững. Các đô thị, nếu được xây dựng theo các chuẩn mực ‘xanh’, trên thực tế có thể giúp giảm tác động tiêu cực của cộng đồng cư dân đối với môi trường, qua đó đảm bảo một môi trường sống trong lành và  giảm mức phát thải CO2. Ngoài ra, công trình xanh cũng đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ đầu tư nhờ giảm chi phí vận hành, tăng năng suất lao động và sử dụng các vật liệu bền vững. Nghiên cứu kỹ thuật chi tiết của IFC cho Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Các Công trình Xây dựng Sử dụng Năng lượng Hiệu quả QCVN 09:2013/BXD tại Việt Nam cho thấy các công trình hoàn toàn có khả năng tiết kiệm được từ 25-30% chi phí điện nước khi đi vào vận hành. Nếu các quy chuẩn này được triển khai đồng loạt ở các công trình xây mới trên khắp cả nước, Việt Nam sẽ có thể tiết kiệm hàng tỷ đô la Mỹ chi phí năng lượng, và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu cũng như việc xây dựng các nhà máy phát điện mới.

Công trình xanh tại Việt Nam – Vì sao chưa phổ cập?

Với những ưu thế quan trọng như sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm chi phí vận hành, giảm thiểu tác động tới môi trường trong khi vẫn đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng, các công trình xanh đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới hiện nay. Không nằm ngoài xu hướng này, công trình xanh đã được giới thiệu với thị trường xây dựng Việt Nam từ năm 2007 và nhận được sự ủng hộ từ cả chính phủ và khu vực tư nhân. Mặc dù được nhận thức rộng rãi trên thị trường, số lượng công trình xanh, bền vững được chứng nhận trên toàn quốc mới chỉ dừng lại ở con số 40 sau gần một thập kỷ triển khai. Đây là một con số khiêm tốn so với hơn 200 công trình đã được chứng nhận tại Malaysia và gần 900 công trình xanh tại Singapore.

Một trong những lý do được các chủ đầu tư chia sẻ là sự phức tạp của các công cụ hướng dẫn và đánh giá công trình xanh hiện có mặt trên thị trường. Các bộ công cụ hiện hành như LEED của Hội đồng Công trình Xanh Mỹ, LOTUS của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, hay Green Mark của Singapore đều phản ánh rất nhiều vấn đề liên quan đến công trình xây dựng như tiêu thụ năng lượng, nước, vật liệu, sinh thái, tiện nghi cho người sử dụng, ảnh hưởng xã hội, quản lý… Một mặt, với những tiêu chí đầy đủ này giúp đưa ra một đánh giá đầy đủ nhất về một công trình xanh, bền vững. Tuy nhiên, từ khía cạnh của một thị trường mới nổi như Việt Nam, cách tiếp cận toàn diện như vậy lại gây khó khắn và tốn kém cho chủ đầu tư trong áp dụng các công cụ này. Như vậy, công cụ nào là phù hợp cho phần lớn chủ đầu tư cũng như công trình xây dựng tại một thị trường như Việt Nam?

EDGE – Hướng đi mới đơn giản và thông minh

Tháng 6/2015, Hệ thống Chứng chỉ Đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên cho công trình xây dựng – EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. EDGE đánh dấu các nỗ lực của Tổ chức Tài Chính Quốc tế (IFC), thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới trong thúc đẩy phát triển công trình xanh, tiết kiệm chi phí xây dựng và vận hành công trình cũng như giảm phát thải khí nhà kính tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Tính đến nay, đã có 5 công trình đạt chứng chỉ EDGE giai đoạn thiết kế trên cả nước, đưa EDGE trở thành chứng chỉ công trình xanh thứ 4 được phổ biến trên thị trường Việt Nam. Trong khi các hệ chứng chỉ khác như LEED, LOTUS, hay Green Mark với những yêu cầu thiết kế và sử dụng tài nguyên “xanh” đồng bộ và phức tạp thường phù hợp hơn với các công trình cao cấp với mục tiêu nâng tầm chúng thành các công trình xanh tiêu biểu, EDGE lại đưa ra các yêu cầu không quá cao và chỉ tập trung vào ba chỉ tiêu chính là năng lượng, nước, và sử dụng vật liệu xanh. Vì vậy, EDGE là một chứng chỉ hoàn toàn phù hợp cho giai đoạn đầu tiếp cận và triển khai các công trình sử dụng hiệu quả năng lượng của ngành xây dựng Việt Nam. Với ưu điểm dễ áp dụng và chi phí thấp, EDGE có khả năng cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của hơn 70% công trình thuộc phân khúc trung cấp trên thị trường xây dựng trong nước.

Nên bắt đầu từ đâu?

 EDGE hướng tới các công trình xây mới thuộc 5 loại hình gồm nhà ở/chung cư, văn phòng, khách sạn, tòa nhà thương mại và bệnh viện cùng các công trình hỗn hợp của các loại trên. Cùng với Hướng dẫn Kỹ thuật Chi tiết cho từng loại công trình, phần mềm trực tuyến miễn phí EDGE (tại edgebuildings.com) cho phép các công trình tính toán hiệu quả sử dụng tài nguyên của các giải pháp thiết kế khác nhau. Khi chạy phần mềm, các kiến trúc sư chỉ cần nhập các thông số công trình, EDGE sẽ tự động đưa ra danh sách các giải pháp xanh sẵn có trên thị trường kèm theo hiệu quả tiết kiệm tài nguyên và kinh tế mà mỗi giải pháp mang lại. Nhờ đó, kiến trúc sư sẽ dễ dàng chọn ra những giải pháp phù hợp nhất với yêu cầu của chủ đầu tư. Đặc biệt, phần mềm EDGE còn có chức năng in báo cáo, giúp các kiến trúc sư dễ dàng trình bày ý tưởng với chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên quan.

Giao diện phần mềm EDGE trực tuyến hiển thị tiếng Việt
Giao diện phần mềm EDGE trực tuyến hiển thị tiếng Việt

3

Để đạt tiêu chuẩn EDGE, các giải pháp xanh cần giúp công trình đạt mức giảm tối thiểu 20% năng lượng tiêu thụ, 20% lượng nước tiêu thụ và 20% lượng năng lượng hàm chứa trong vật liệu (hay lượng năng lượng sử dụng để sản xuất ra vật liệu). Nếu muốn được cấp chứng chỉ, chủ đầu tư có thể nộp đơn đăng ký chứng chỉ EDGE với công ty SGS Việt Nam – đơn vị kiểm định và cấp chứng chỉ EDGE chuyên nghiệp được IFC lựa chọn tại hơn 100 quốc gia. SGS sẽ yêu cầu chủ đầu tư nộp hồ sơ thiết kế và sau đó là hồ sơ hoàn công để chứng minh việc áp dụng các giải pháp xanh trong công trình. Đồng thời, kiểm toán viên EDGE sẽ tiến hành kiểm tra xác nhận trên công trình thực tế trước khi cấp Chứng chỉ EDGE chính thức. Tổng chi phí đăng ký, đánh giá và cấp chứng chỉ EDGE chỉ từ $2000-$8000 cho công trình có quy mô từ 5.000-50.000m2xây dựng, thấp hơn nhiều so với các chứng chỉ khác hiện có trên thị trường.

EDGE có làm tăng chi phí đầu tư?

 Một câu hỏi chung mà các chủ đầu tư thường đặt ra khi tiếp cận công trình xanh là vấn đề lợi ích kinh tế thu được so với chi phí đầu tư thêm. Bên cạnh những lợi ích cho môi trường như giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, giảm tác hại tới môi trường tự nhiên cũng như môi trường sống của cư dân…, thì lợi ích kinh tế luôn là một yếu tố quan trọng trong quyết định của chủ đầu tư. Thực tế triển khai các công trình xanh trong và ngoài nước đều cho thấy lợi ích kinh tế dài hạn mà các giải pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả mang lại là rất đáng kể.

Ví dụ trường hợp công trình Khu căn hộ Orchard Garden của chủ đầu tư Novaland, nhờ cải thiện tính cách nhiệt của vỏ công trình và tăng hiệu suất chiếu sáng, công trình dễ dàng đạt được mức giảm sử dụng năng lượng lên đến 21% (theo tính toán của phần mềm EDGE dựa trên thiết kế công trình). Điều này đồng nghĩa với việc các cư dân tương lai sẽ tiết kiệm được 21% tiền điện, chủ yếu là điện điều hòa, trong suốt thời gian sinh sống tại đây. Ngoài điện, cư dân còn tiết kiệm được 23% lượng nước sinh hoạt do công trình sử dụng các thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước sẵn có trên thị trường. Ngoài việc tiết kiệm chi phí điện nước, việc Orchard Garden trở thành một trong những chung cư đạt chứng chỉ xanh đầu tiên tại Việt Nam cũng tạo lợi thế cạnh tranh so với các dự án chung cư khác cùng phân khúc. Đây là một điểm cộng giúp chủ đầu tư bán hàng tốt hơn, thu hồi vốn nhanh hơn và nâng cao uy tín trên thị trường.

Trong 5 công trình đạt chứng chỉ EDGE cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có 2 công trình phải đầu tư thêm kinh phí. Đó là hai công trình đầu tiên áp dụng EDGE – Chung cư Bridgeview của chủ đầu tư Nam Long và tòa nhà văn phòng thuộc dự án FPT Complex của chủ đầu tư FPT. Để đạt mức tiết kiệm bắt buộc tối thiểu 20% EDGE quy định, chủ đầu tư phải thay đổi thiết kế ban đầu, đầu tư thêm giải pháp kỹ thuật về vật liệu cho lớp vỏ công trình do thiết kế ban đầu chưa phù hợp với yêu cầu cách nhiệt của EDGE cũng như không sử dụng vật liệu xanh. Khái tính từ chủ đầu tư cho thấy công trình chung cư Bridgeview phải đầu tư thêm 1,2% so với tổng mức đầu tư ban đầu. Còn đối với công trình 100.000m2 văn phòng hạng A tại FPT Complex, chủ đầu tư cũng đã chi thêm hơn 9 tỷ đồng cho các giải pháp kỹ thuật và vật liệu.

Tuy vậy, đối với 3 công trình còn lại bao gồm công trình Orchard Garden của Novaland Group, The Ascent – Thảo Điền Condominiums của Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Tiến Phát và First Home Premium Bình Dương của Công ty Cổ phần Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O), cho tới thời điểm hiện tại không có chi phí phụ trội nào được ghi nhận. Nguyên nhân là do các công trình này tiếp cận EDGE và áp dụng các giải pháp tiết kiệm tối ưu với sự hỗ trợ của phần mềm EDGE và các chuyên gia IFC ngay từ các bước thiết kế cơ sở.

Tối ưu hóa hiệu quả chi phí trong công trình xanh

 Từ kinh nghiệm tư vấn xây dựng công trình xanh tại nhiều quốc gia đang phát triển, ông Autif Sayyed, chuyên gia công trình xanh của IFC khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho biết “ngày càng có nhiều các dự án được chứng nhận EDGE với ngân sách chỉ tương đương với các công trình không được chứng nhận. Điều này chứng tỏ việc xây dựng các công trình xanh với mức đầu tư hợp lý bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn rằng thiết kế xanh không đơn giản là đắp thêm công nghệ lên các công trình bình thường mà là cách thiết kế tích hợp đòi hỏi lối tư duy hoàn toàn khác cách làm truyền thống.” Trên thực tế, các giải pháp hiệu quả nhất chính là các giải pháp kiến trúc thông minh như xoay hướng, bố trí cửa sổ, thiết kế lớp vỏ công trình giúp giảm hấp thụ nhiệt, tăng cường thông gió tự nhiên, bố trí khoảng xanh… . Tuy vậy, để không làm tăng chi phí, các giải pháp này cần được xem xét áp dụng ngay từ khâu thiết kế cơ sở. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu xanh cũng cần được cân nhắc sớm để có thể có tính toán phù hợp, giúp giảm thời gian và chi phí trong thiết kế và xây dựng.

Ngoài ra, trong quá trình cân nhắc các giải pháp giúp công trình đạt tiêu chuẩn EDGE, các kiến trúc sư nên đặc biệt chú trọng các giải pháp mang lại lợi ích kép. Ví dụ, tại công trình chung cư Bridgeview, chủ đầu tư Nam Long đã lựa chọn thay thế một phần diện tích tường gạch nung truyền thống bằng gạch bê tông khí chưng áp nhẹ. Với khả năng cách nhiệt cao gấp đôi gạch nung, loại gạch mới này đã giúp công trình giảm được 50% lượng điện dùng cho điều hòa. Đồng thời, gạch bê tông khí chưng áp nhẹ còn là vật liệu không nung nên không gây tiêu tốn năng lượng và phát thải trong quá trình nung gạch, nhờ thế công trình Bridgeview còn giành được điểm trong tiêu chí vật liệu của EDGE.

Với kiến thức về công trình xanh và những chiến lược được tính toán hợp lý, tin rằng Việt Nam trong tương lai sẽ không thiếu những sản phẩm công trình xanh với giá thành hợp lý, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả chủ đầu tư và người sử dụng, giúp cải thiện môi trường sống vốn đang bị ô nhiễm nặng nề bởi các tác động từ con người.

Đỗ Ngọc Diệp*

ĐT&PT SỐ 62/2016

*Chuyên gia Công trình Xanh với 7 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp trong đánh giá và tư vấn công trình xanh.

 

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …