Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA), nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: việc xây nhà hát quốc gia ngay sau Nhà hát lớn Hà Nội sẽ phá vỡ cảnh quan, làm mất sự độc tôn của quảng trường Cách mạng tháng Tám. Người đứng đầu Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nêu ý kiến sau khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết đang lập phương án nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở phía sau Nhà hát lớn Hà Nội, quận Hoàn Kiếm.
Sự độc tôn của Nhà hát lớn Hà Nội và quảng trường Cách mạng tháng Tám – Ảnh: Mộc Cỏ
“Đề xuất này là sai lầm trong quy hoạch đô thị”, Chủ tịch VUPDA nói, ông nhấn mạnh: việc trộn lẫn công trình văn hóa, lịch sử lâu đời với công trình hiện đại, sẽ không chỉ phá vỡ cảnh quan còn gây xung đột giao thông. Hơn nữa, chi phí giải phóng mặt bằng phía sau Nhà hát lớn Hà Nội cũng là con số khổng lồ. Ông cho rằng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu và báo cáo giải trình đầy đủ chủ trương xây nhà hát quốc gia, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển văn hóa của TP. Hà Nội, quốc gia và các quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo KTS.Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam: trộn lẫn công trình văn hóa, lịch sử lâu đời với công trình hiện đại, sẽ không chỉ phá vỡ cảnh quan còn gây xung đột giao thông…. Ảnh: Võ Thạnh
Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội, cũng lo ngại và đề nghị không nên xây thêm nhà hát vào khu “đất vàng” trung tâm Hà Nội. “Tổ hợp Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và không gian xung quanh đã hài hòa, hoàn chỉnh. Đây là điểm nhấn của Thủ đô mà bất cứ thay đổi nhỏ nào cũng cần tính toán kỹ lưỡng”, ông Hanh nói..Theo ông, nếu thêm công trình khác ở khu vực này sẽ tạo tranh chấp về chức năng, hình khối, vai trò. Hơn 20 năm qua, có nhiều ý tưởng khai thác cảnh quan xung quanh Nhà hát lớn Hà Nội nhưng đều không thể thành hiện thực.
Nhà hát quốc gia có thể xây dựng bên bờ sông Hồng
Không đồng tình “chất tải” thêm vào khu vực quanh Nhà hát lớn Hà Nội, chuyên gia đưa ra nhiều gợi mở về vị trí xây nhà hát các dân tộc Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Chính cho rằng cơ quan chủ trì cần tính đến tổ hợp không gian hài hòa để người dân đến nhà hát có thể cảm nhận được đó là công trình đại diện cho 54 dân tộc anh em. Tại Hà Nội, nhiều vị trí với không gian rộng mở, phù hợp xây nhà hát như khu Tây Hồ Tây – nơi sẽ đặt trụ sở nhiều bộ ngành; hoặc hai bên bờ sông Hồng; trục cảnh quan Nhật Tân – Nội Bài.
Nhà Hát lớn Hà Nội. Ảnh: Mộc Cỏ
Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng cho rằng hai bên bờ sông Hồng là vị trí Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có thể nghiên cứu xây dựng nhà hát và Hà Nội đang định hướng phát triển về hướng này. “Cũng có thể nghiên cứu xây nhà hát quốc gia ở địa phương khác bởi Hà Nội đã có Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và nhiều nhà hát khác”, ông Tùng gợi ý.
Ông cũng đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch xem xét nghiêm túc ý tưởng xây Nhà hát các dân tộc Việt Nam ngay từ tên gọi, vì mỗi nhà hát có chức năng khác nhau, cần thiết kế âm thanh, ánh sáng và kiến trúc riêng.
Hồi tháng 2, Chính phủ giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu, báo cáo về chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam xứng tầm, hiện đại, trở thành điểm du lịch, quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam.
Chiều 26/5, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ đang nghiên cứu phương án xây nhà hát mới ngay sau Nhà hát lớn Hà Nội hiện nay. Địa điểm nêu trên nhằm mở rộng không gian Nhà hát lớn, tạo thành quần thể mang dấu ấn văn hóa riêng cho Thủ đô. Phía trước là Nhà hát lớn Hà Nội, sau là Nhà hát quốc gia với đầy đủ công năng, tiếp đến là Bảo tàng lịch sử quốc gia sẽ tạo thành hệ thống kết nối với không gian văn hóa Hồ Gươm, trở thành hệ sinh thái văn hóa riêng của Thủ đô, góp phần kích thích du lịch, kinh tế đêm cho thành phố./.
Nguồn VNexpress
Theo quyhoachdothi.com