HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ V, NHIỆM KỲ 2022 – 2027.
“ĐOÀN KẾT – ĐỔI MỚI SÁNG TẠO”
Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng là tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp những người làm quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và phát triển đô thị đang làm việc tại thành phố Đà Nẵng tự nguyện tham gia, tổ chức Hội được thành lập theo Quyết định số 51/1999/QĐ-UB ngày 17/4/1999 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Qua bốn nhiệm kỳ Đại hội với hơn 20 năm hoạt động, Hội QHPTĐT Đà Nẵng đã tập hợp đông đảo những người làm công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại thành phố thuộc nhiều lĩnh vực như: quy hoạch và thiết kế đô thị – nông thôn; thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị; quản lý đô thị; bảo vệ môi trường; tư vấn; đào tạo; nghiên cứu khoa học về quy hoạch; đầu tư và phát triển đô thị; kinh tế; văn hóa thực hiện tích cực chức năng nhiệm vụ của Hội trong công cuộc đô thị hóa và sự nghiệp quy hoạch của đất nước.
Đại hội đại biểu lần thứ IV Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng được tổ chức trong bối cảnh thành phố có nhiều chuyển biến và sự kiện lớn với chính sách đổi mới, hội nhập cùng sự phát triển nhanh về kinh tế – xã hội nói riêng và toàn quốc nói chung.
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, đặc biệt là kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thành phố Đà Nẵng đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ 21. Quyết tâm hiệp lực, giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng an bình, văn minh, hiện đại, giàu đẹp.
KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI IV
HỘI QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
1.Tình hình quy hoạch và phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng
Đà Nẵng, mảnh đất nhỏ bé nằm tại cửa biển của miền Trung Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của cả nước về phát triển kinh tế, xã hội, du lịch và quy hoạch xây dựng phát triển đô thị. Thời gian tới, Đà Nẵng quyết tâm tiên phong phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa, trở thành trung tâm khoa học công nghệ hiện đại nhất cả nước, đồng thời kiên quyết xây dựng Thành phố môi trường để hướng tới sự phát triển bền vững, ngày một khẳng định vị thế đầu tàu của Đà Nẵng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đặc biệt là từ khi trực thuộc Trung ương (năm 1997) đến nay, Đà Nẵng đã thực sự phát triển về mọi mặt, nhất là sự thay đổi về diện mạo đô thị, qua đó, ngày càng khẳng định vị thế của mình là một trong những đô thị trung tâm cấp quốc gia và là hạt nhân của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung – Tây Nguyên.
Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội QHPT Đô thị Việt Nam thăm và làm việc với lãnh đạo UBND Tp. Đà Nẵng.
Có thể nói, trong chặng đường phát triển và trưởng thành của Đà Nẵng, tốc độ phát triển nhanh trong lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được xem là “thước đo” trình độ, tầm nhìn mang tính chiến lược của đô thị Đà Nẵng. Khi mới chia tách Đà Nẵng được biết đến từ góc độ “đô thị” ở bờ Tây con sông Hàn; một nửa Đà Nẵng, mà lại là nửa quan trọng nhất của một thành phố biển, nằm ở bờ Đông sông Hàn vô cùng nhếch nhác. Vậy mà chỉ trong khoảng thời gian 25 năm, nhiều công trình trọng điểm về kinh tế – xã hội phục vụ dân sinh đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, trong đó các khu công nghiệp tập trung được hình thành một cách đồng bộ, nhiều khu du lịch, đô thị mới đang khẩn trương xây dựng và đưa vào sử dụng… Đặc biệt trong vòng 10 năm trở lại đây, Đà Nẵng đã có một diện mạo mới – hiện đại, trẻ trung, xứng đáng với tầm thế mới – đô thị loại I. Đà Nẵng hiện đại và văn minh đã trở thành niềm tự hào của người dân Đà Nẵng và là điều mà bất kỳ du khách nào đến Đà Nẵng đều cảm nhận được.
Ngày 15/3/2021. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 359/QĐ-TTg Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Đà Năng có tổng diện tích khoảng 129.046 ha. Trong đó diện tích đất liền khoảng 98.546 ha, diện tích huyện Hoàng Sa là 30.500 ha. Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người (bao gồm dân số thường trú, tạm trú và quy đổi khách du lịch) trong đó dự báo dân số số thường trú, tạm trú khoảng 1,56 triệu người, đến năm 2045 khoảng 2,56 triệu người (bao gồm dân số thường trú, tạm trú và quy đổi khách du lịch) trong đó dự báo dân số số thường trú, tạm trú khoảng 2,13 triệu người. Mục tiêu phát triển là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á , với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…tạo lực hút mạnh các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đến với Đà Nẵng. Lộ trình và kế hoạch đặt ra cho chiến lược phát triển đô thị Đà Nẵng theo hướng hiện đại hóa nhưng phải đảm bảo mục tiêu thành phố thân thiện với môi trường và lấy lợi ích của người dân làm trung tâm cho định hướng phát triển.
Đà Nẵng là thành phố trẻ, di sản kiến trúc không nhiều, có thể kể đến như bảo tàng Chăm, Thành Điện Hải, một số đình làng (Nại Nam, Hải Châu…) và các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, thành phố được sở hữu những di sản thiên nhiên có giá trị như Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Vân… và những bãi biển đẹp. Mỗi di sản, di tích ở Đà Nẵng có những nét đặc thù, giá trị và sự hấp dẫn riêng. Vì vậy, trong quá trình quản lý, bảo tồn, tôn tạo và khai thác phải có những cách thức, xác định và giữ gìn những nét đặc thù. Để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt một di sản văn hóa, cần có sự thống nhất trong quản lý, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước; sự gắn kết giữa các cấp chính quyền, nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn, cơ quan nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.
Trong định hướng phát triển đô thị, vấn đề quan trọng nhất không chỉ là bảo tồn những di sản kiến trúc – văn hóa mà còn phải là bảo tồn những giá trị cảnh quan mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng. Rất ít thành phố trên thế giới có đồng thời 3 yếu tố tự nhiên: Sông, Núi và Biển ngay trong lòng đô thị. Do vậy, sông Hàn là trục quan trọng để phát triển. Ở đây, trục bảo tồn là trục dọc theo bờ Tây sông Hàn và các trục phát triển của thành phố từ phía Tây sông Hàn về phía biển. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cần nghiên cứu vấn đề bảo tồn di sản (kiến trúc và thiên nhiên) nhưng vẫn đảm bảo phát huy giá trị di sản để làm tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội.
Định hướng đô thị Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng hiện đại, song vẫn gìn giữ bảo tồn những giá trị di sản do cha ông để lại để thế hệ mai sau vẫn có thể tự hào. Với cách tiếp cận như thế, quy hoạch chung thành phố cần làm rõ các khu phát triển theo hình thức kiến trúc và quy mô đa dạng, linh hoạt theo điều kiện tự nhiên, đặc biệt quan tâm đến cảnh quan thiên nhiên các khu vực nhạy cảm như: Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, vệt ven sông ven biển… Tóm lại, quy hoạch cần xác định được tầm nhìn, phải xuyên suốt và có sự gắn kết giữa các đối tượng, các thành phần trong quy hoạch. Quy hoạch cần có chương trình hành động giải quyết những bài toán về quy hoạch và vai trò quản lý Nhà nước trong công tác quy hoạch. Có như thế Đà Nẵng mới có thể trở thành Đô thị phát triển bền vững. Từ những kết quả đạt được, tuy nhiên Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại như sau: Vấn đề lớn nhất của Đà Nẵng là giải pháp quy hoạch thiếu tính bền vững về phát triển đô thị nên gây ra những thách thức không cần thiết. Nặng nề tính mô tả, chưa có gì nổi bật, chưa đánh giá và đưa ra giải pháp nên cần tham mưu thiết thực. Chẩn lệch về phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư là mục tiêu quan trọng nhưng chưa được như mong muốn. Quy hoạch thiếu tính dự báo, không có chiều sâu, đầu tư về hạ tầng mở rộng chưa tương thích với mật độ dân số và do chủ quan về lợi thế do thiên nhiên ưu đãi nhu cầu thị trường và xuất phát điểm kinh tế còn thấp nên các khu dân cư mới vẫn chủ yếu là đất ở chia lô, diện tích xấp xỉ khoảng 100m2, tràn lan không có ai ở làm cho chất lượng đô thị thấp đi, phát sinh nhiều khu chung cư cũ. Tuy đã bê tông hoá kiệt hẻm tương đối đồng bộ song mật độ xây dựng trong các khu này đa số còn rất cao, loại nhà diện tích nhỏ còn nhiều chưa đáp ứng được nhu cầu ở, giao thông, PCCC, phúc lợi, cây xanh, đất quân đội đặc biệt trong các khu phố cũ còn hàng trăm hecta chưa được quy hoạch sử dụng phát triển đô thị hợp lý. Phải có trung tâm của các khu vực để hình thành ý tưởng, không phải chỗ nào có đất mới quy hoạch lớn. Một số cơ sở cần giải toả theo quy hoạch nhưng chưa được triển khai như: ga đường sắt, kho bom, cơ sở kho tàng sản xuất trong khu dân cư đang đối diện với vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặc dù trong những thời gian gần đây chính quyền đô thị đã hết sức nỗ lực tạo một số điểm nhấn kiến trúc ven sông, ven biển song công tác kiểm soát và quản lý chưa tốt nên chưa tạo được bộ mặt kiến trúc đặc sắc cho khu vực trọng điểm của thành phố, cần quy hoạch phát triển đường sông và làng quê. Đà Nẵng đã xây dựng được một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ, cần tiếp tục đầu tư và khớp nối những đoạn chưa thực hiện để phát huy việc sử dụng cao hơn. Giao thông công cộng phát triển còn hạn chế, phương tiện giao thông cá nhân vẫn đóng vai trò chính trong giao thông đô thị. Còn thiếu bảng xe bus, thiếu nhiều gara, bãi đậu xe cho các phương tiện giao thông. Diện tích đất dành cho cây xanh, mặt nước, phúc lợi công cộng khác còn hạn chế, đôi khi còn bị cắt xén do áp lực tái định cư. Thoát nước và thu gom nước thải theo phương thức “nửa riêng” (thu gom nước thải theo cống bao) vẫn chưa triệt để, đặc biệt là các khu vực trọng yếu như: các bãi biển thuộc khu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.
Từ sau đại hội lần thứ IV cho đến nay đã 5 năm. Thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV, Ban Chấp hành, Thường trực Ban Chấp hành, các Chi hội thành viên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực đóng góp thành tích cho lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng.
Năm 5 qua, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng đã gặt hái được nhiều kết quả trên mọi lĩnh vực công tác. Hội liên tục hàng năm đều được các cấp khen thưởng.
- Công tác nghiên cứu, đào tạo, phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện
- a) Nghiên cứu khoa học
Trong nhiệm kỳ hội viên, các chi hội của Hội đã có đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố được nghiệm thu và đánh giá cao, cụ thể: “ Giải pháp chuyển đổi hệ tọa độ bản đồ quy hoạch hiện có về hệ VN2000 Phục vụ quy hoạch và quản lý phát triển đô thị Đà Nẵng” do kỹ sư Dương Bình An thực hiện.
Đề tài nghiên cứu: “Đô thị hóa và Lối sống đô thị ở miền Trung” do cử nhân Nguyễn Cửu Loan thực hiện, đề tài này đã thông qua hội thảo lần nhất được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng bảo trợ chủ trì tổ chức.
Đề tài nghiên cứu: “ Khảo sát đánh giá quỹ kiến trúc truyền thống làng cổ tại Đà Nẵng nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị” do KTS Hồ Thế Vinh thực hiện. Hiện đang hoàn thiện hồ sơ
- b) Các hội nghị, hội thảo khoa học
Từ sau Đại hội lần thứ IV (2017) đến nay Hội đã tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề:
Tổ chức Hội thảo: “Đà Nẵng – 20 năm Quy hoạch và Phát triển đô thị”; Tổ chức Hội thảo khoa học: “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị thành phố Đà Nẵng”; Tổ chức hội thảo “Giải pháp nào cho giao thông thông minh Đà Nẵng”. Tổ chức hội thảo 20 năm Hội Quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng với sự nghiệp quy hoạch thành phố Đà Nẵng . Tổ chức hội thảo: “Bàn về lối sống đô thị Đà Nẵng” Bảo trợ tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển tổ chức cuộc thi vẽ “Giao thông trong mắt em” ; Hội thảo “Văn hóa giao thông”
– Phối hợp Hội Xây dựng TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “CONDOTEL – Cơ sở pháp lý và thực tiễn” (tổ chức tại Đà Nẵng, vào tháng 04/2018);
– Tham gia viết tham luận tại các hội thảo do UBND tỉnh, thành phố các hội nghề nghiệp tổ chức:
– Tham gia các buổi hội thảo, tập huấn do Liên hiệp các Hội KH&KT Đà Nẵng, các Sở ngành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tổ chức.
– Tham gia hội thảo “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại việt Nam giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng tổ chức
– Triển khai thực hiện Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho toàn bộ hội viên thuộc Hội.
– Kỷ niệm thành công 20 năm thành lập Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng. (17/4/1999 – 17/4/2019)
- c) Hoạt động tư vấn phản biện
Thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Hội, trong đó coi trọng nhiệm vụ tư vấn phản biện, giám định xã hội và hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, lý luận về quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị là then chốt.
Hội đã tham gia góp ý và thẩm định: thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu phần diện tích phân khu sinh thái phía tây phường Hòa Hiệp Bắc nằm trong ranh giới đô thị; Ý kiến thẩm định đồ án quy hoạch bến cảng Liên Chiểu và tuyến
đường nối từ cảng đến đường tránh Nam Hải Vân; Góp ý kiến về hồ sơ quy hoạch phân khu công nghệ cao (Phần đánh giá hiện trạng); Góp ý điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (nội dung khu vực cảng biển Liên Chiểu và Dự án Làng Vân. Thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh QH phân khu phần diện tích phân khu sinh thái phía Tây phường Hòa Hiệp Bắc nằm trong ranh giới đô thị góp ý phân khu khu vực Khe Răm; Thẩm định đồ án QH Bến cảng Liên Chiểu & tuyến đường nối từ cảng đến đường tránh Nam Hải Vân; Góp ý đồ án quy hoạch phân khu, xây dựng khu du lịch khu vực phường Hòa Hiệp Bắc thuộc phân khu sinh thái phía Tây tỷ lệ 1/2000; Bổ sung hồ sơ lấy ý kiến đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch khu vực phường Hòa Hiệp Bắc thuộc phân khu sinh thái phía Tây, tỷ lệ 1/2000; Góp ý hồ sơ phương án kiến trúc quy hoạch phân khu đô thị sườn đồi; Triển khai vận hành cơ sở dữ liệu không gian đô thị & QH Thành phố trên hệ thống GIS; Góp ý Quy chế Quản lý kiến trúc TP Đà Nẵng & danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn TP Đà Nẵng; Góp ý nội dung đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, tỷ lệ 1/2000 (phần đánh giá hiện trạng); Thẩm định hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (nội dung phân bổ dân số cá phân khu); Góp ý tư vấn về Kiến trúc thành phố Đà Nẵng tại cuộc họp nghe cty TNHH Kyoristu Maintenancy báo cáo kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc văn phòng kết hợp căn hộ du lịch tại thửa đất số 162, tờ bản đồ số 4 đường 2/9; Thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu kho bãi tổng hợp của công ty Logistics Portserco; Góp ý kiến đồ án quy hoạch phân khu công nghệ cao (không bao gồm phần diện tích để triển khai dự án khu công nghệ cao Đà Nẵng); Thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực Đảo nổi thuộc khu đô thị ven sông Hòa Quý – Đồng Nò (điều chỉnh lần thứ 7); Đánh giá chất lượng đồ án Quy hoạch phân khu du lịch khu vực phường Hòa Hiệp Bắc; Góp ý kiến cộng đồng dân cư về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung phân khu công nghệ cao; Phản biện về đồ án Quy hoạch phân khu đô thị huyện ly Hòa Vang tỉ lệ 1/2000; Thẩm định đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch khu vực phường Hòa Hiệp Bắc thuộc phân khu sinh thái phía Tây, tỉ lệ 1/2000; Thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án Khu vực đảo nổi nổi thuộc KĐT ven sông Hòa Quý – Đồng Nò, tỉ lệ 1/500; Góp ý nội dung đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, tỉ lệ 1/2000 (Phần quy hoạch sử dụng đất); Góp ý Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Đà Nẵng và Danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng…- Nghiên cứu góp ý nội dung Dự thảo ý tưởng QH PTKT-XH của TP. Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 (6/2018); Tham gia phản biện các dự án xử lý thoát nước của thành phố.
– Cử Ths. KTS Bùi Huy Trí và KTS Hồ Phước Phương tham gia Hội đổng thẩm định Quy hoạch – Kiến trúc TP.
- d) Hoạt động Văn hóa xã hội – Thông tin tuyên truyền
Mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trong 02 năm liền nhưng BCH Hội Quy hoạch PTĐT thành phố Đà Nẵng cũng đã vận dụng sáng tạo bằng nhiều hình thức trực tuyến, tận dụng những thời gian không có dịch để triển khai góp ý phản biện các đồ án phân khu tại Đà Nẵng, vận động các hội viên, doanh nghiệp cùng chung tay ủng hộ người dân có hoàn cảnh khó khăn sau cơn đại dịch dịch COVID vừa qua được 16,5 triệu đồng, 200 quyển vở 100 trang và 10 thùng sữa cô gái Hà Lan . Số tiền huy động được ủng hộ cho 33 hộ dân trong đó: Phường Thanh khê Đông 28 hộ và Thạc Gián 5 hộ; 200 quyển vở và 10 thùng sửa cô gái Hà Lan ủng hộ đến các trẻ em Nam Trà My, Quảng Nam.
Cùng với Hội Xây dựng, Hội Kiến trúc sư và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Hội đã tư vấn và bảo trợ cho tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển phát hành hàng tháng, đăng tải những thông tin cập nhật về phát triển quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cũng như các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội có liên quan đến xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Các số của tạp chí đều được gửi đến các hội viên, chi hội, các đồng chí lãnh đạo thành phố, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội (Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc Việt Nam) các tỉnh thành tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
- Công tác Thi đua – Khen thưởng
– Tổ chức quán triệt cho đơn vị thành viên, các chi hội nắm bắt các quy định của Luật Thi đua – Khen thưởng; Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Thông tư số 02/2011-TT-BNV ngày 24/01/2011 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2010/NĐ-CP; Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 21/11/2011 Quy chế xét khen thưởng của UBND TP Đà Nẵng và Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 03/11/2015 của UBND thành phố về việc ban hành quy định về công tác thi đua khen thưởng thay thế Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 21/11/2011.
- Kết luận
Trải qua 4 nhiệm kỳ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng đã có những bước tiến đáng kể, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Là nhân tố tập hợp và phát huy vai trò những người tham gia hoạt động về quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị bao gồm cả quản lý, tư vấn, nghiên cứu, đào tạo và đầu tư xây dựng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, tuy còn một số hạn chế nhưng Hội đã có những đóng góp tích cực vào thực tiễn công tác quy hoạch xây dựng đối với thành phố Đà Nẵng thông qua hoạt động tư vấn, phản biện xã hội, hội thảo khoa học và những vấn đề liên quan khác trong lĩnh vực nghề nghiệp.
Với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ… đến năm 2045 trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. Toàn thể hội viên Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng phấn đấu thực hiện những nhiệm vụ mà Đại hội nhiệm kỳ V đã đề ra, xây dựng Hội vững mạnh về mọi mặt. Tập hợp và đoàn kết các tổ chức, cá nhân cùng tham gia tích cực vào những định hướng, chủ trương của thành phố, xây dựng đô thị phát triển bền vững gắn với quá trình công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.
Hướng tới Đại hội Đại biểu lần thứ V Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng kêu gọi toàn thể hội viên tăng cường đoàn kết, thống nhất vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phát huy sức mạnh của tập thể nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội nhiệm kỳ 2022 – 2027, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ 21, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
BAN CHẤP HÀNH HỘI QUY HOẠCH
PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TP. ĐÀ NẴNG