Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Cách nhìn mới về gốm trong kiến trúc hiện đại

Cách nhìn mới về gốm trong kiến trúc hiện đại

    Rất khó có thể đưa ra định nghĩa cụ thể, thế nào là kiến trúc hiện đại, bởi sự phân tách giữa truyền thống và hiện đại chỉ mang tính tương đối, bởi vì trước khi có cái truyền thống thì đã có cái hiện đại, bởi cáI hiện đại ở một thời điểm nào đó sẽ trở thành cái truyền thống, khi mà nó chứng minh được sự trường tồn của mình mà vẫn giữ nguyên được giá trị của mình cả về vật chất và tinh thần, để rồi từ truyền thống này lại sinh ra cái hiện đại khác, và cứ thế, một qui luật khép kín giữa truyền thống và hiện đại ra đời. Vậy nên khái niệm kiến trúc hiện đại, theo cách hiểu trên là những sáng tạo mới theo các xu thế thẩm mỹ không gian mới, sản phẩm của những con người (kiến trúc sư) hiện tại, trong đó là sự đan xen, ứng dụng của rất nhiều yếu tố khoa học, kỹ thuật xây dựng, đến các vật thể hữu hình cùng mối liên hệ mật thiết với nghệ thuật tạo hình- một sự tích hợp phức tạp đòi hỏi tính logic cao giữa các chủ thể hữu hình với quy hoạch tổng thể, giữa quy hoạch tổng thể với không gian mà nó chiếm lĩnh.

    Mối quan hệ giữa nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo hình được biểu hiện qua các loại hình nghệ thuật hội hoạ, điêu khắc, trang trí ứng dụng. Gốm là một trong những chất liệu của nghệ thuật tạo hình. Mặt khác, hầu hết các chất liệu khác của nghệ thuật tạo hình chỉ phát huy được lợi thế trong một hoặc 2 loại hình, riêng với gốm, ngoài chức năng làm vật liệu xây dung, nó còn có khả năng đáp ứng tốt và phát huy được tối đa khả năng biểu cảm nghệ thuật của mình cả trong hội hoạ, điêu khắc, trang trí và ứng dụng. Có lẽ đây là câu trả lời cho câu hỏi, tại sao suốt mấy ngàn năm lịch sử, ở đâu có kiến trúc, ở đó có gốm, và với tư cách là người bạn già của kiến trúc, trong xu thế phát triển chung, gốm cũng luôn tự trẻ hoá bản thân ngay từ truyền thống trong ngôi nhà của người bạn kiến trúc.

    Tuy nhiên, trong không gian kiến trúc hiện đại, cái đẹp truyền thống của gốm đòi hỏi không chỉ là những kiến thức thẩm mỹ thông thường, mà còn cần phải có một kiến thức cơ bản về các xu hướng thẫm mỹ mang tính lịch sử. Điều này rất quan trọng, bởi mọi sự trình bày sơ sài hay không đúng chỗ, không chỉ phá hỏng không gian mà nó chiếm lĩnh, làm hạn chế tính biểu cảm nghệ thuật và những bí ẩn mang tính lịch sử của nó, bi hài hơn nữa là chủ nhân của nó có thể bị “hiểu nhầm”!?!. Với nghệ thuật gốm theo xu hướng thẩm mỹ đương đại, giữa nó và nghệ thuật kiến trúc hiện đại rất dễ tìm được tiếng nói chung trong sự tổng hoà của cái đẹp. Hãy lắng nghe lời thủ thỉ của ngôn ngữ tượng hình nơi mặt tiền rộng lớn của một công trình, ở đó sở hữu một bức phù điêu gốm như để hoàn thiện cho nhịp điệu hình khối, như để tạo ra những xao động của các mảng trống câm lặng, làm tan biến cảm giác nặng nề của một công trình đồ sộ. ở đó là một bức tranh mosaic với những mảng mầu, đường nét của mỹ thuật đương đại như biến cả quần thể kiến trúc và không gian quanh nó thành một bức tranh phong cảnh mang hơi thở của thời đại. một đài phun nước trong bể cảnh, một nhóm sắp đặt modul như ẩn ý của thuật phong thuỷ cổ xưa, một nhóm tượng, đèn gốm trên nền cỏ xanh xen lẫn đá, hoa, trong cai tĩnh lặng của nó là giai điệu của hình khối điêu khắc hoà cùng những xao động của thiên nhiên, và khi bóng tối trở lại, ánh sáng từ những cây đèn gốm thoát ra từ các khoảng trống với bao hình thù kỳ ảo hiện trên cái nền của bóng tối ảm đạm, một sự tương phản vừa đủ để cảm nhận được cái thi vị sau cùng của một ngày dài.

    Trong khuynh hướng mở của không gian nội thất, ánh sáng tự nhiên là yếu tố được chú trọng và tận dụng tối đa, kèm theo nó là tính lược giản về hình khối của các vật thể trong nó, một môi trường lý tưởng để nghệ thuật tạo hình phát huy sức mạnh của mình ở những vị trí thích hợp, trên tường, trên trần hay ngay ở sàn. Đó không phải là sự lợi dụng ích kỷ, đó là một sự kết hợp mang tính tương hỗ bởi, tác phẩm tạo hình đó chỉ đẹp khi có sự hỗ trợ của bố cục không gian quanh, và ngược lại, các đồ vật ở đó trở nên sinh động hơn với sự dẫn dắt nhịp điệu của nghệ thuật tạo hình. một bức phù điêu, một bức tranh lớn ở trung tâm đại sảnh, ở chiếu nghỉ với những mảng mầu và sáng tối khi mờ ảo, khi lại mạnh mẽ của hình khối là những đường dẫn để cho ánh sáng tự nhiên lan toả cùng các mảng khối của kết cấu kiến trúc ý tưởng xây dựng không gian mở trở nên đơn giản. Tiến vào bên trong cái không gian khép kín này, vẫn là những tranh, tượng, tiểu cảnh, đài phun nước, đèn gốm… ở vị trí trung tâm, chúng mang chức năng điều tiết bố cục, tại những vùng phân tách chức năng kiến trúc, chúng lại có nhiệm vụ vừa là điểm kết thúc của một không gian nội thất, lại vừa là nơi khởi đầu của một không gian nội thất kế liền, để rồi tiến dần đến điểm kết thúc của không gian khép kín đó, chúng vừa mang thông điệp của một dấu chấm, lại vừa là nguyên cớ để cho cái mênh mang của tự nhiên tràn vào. sự đồng điệu trông ngôn ngữ hiện đại giữa nghệ thuật tao hình nói chung, nghệ thuật gốm nói riêng với nghệ thuật kiến trúc thật giản dị mà đầy toan tính khoa học, thật phức tạp mà không bị nặng nề bởi sự áp đặt tư tưởng, chúng chỉ bị áp đặt ở một điều kiện là tuân theo tiêu chí của cái đẹp.

    Có thể thấy rằng, trong quy hoạch không gian kiến trúc, ở đâu cũng có sự tham gia của gốm, thiên hướng trang trí kiến trúc hay thuần tuý nghệ thuật tạo hình tuỳ thuộc vào ý tưởng và mục đích ứng dụng. Kiến trúc là môi trường để nghệ thuật tạo hình bộc lộ bản thân. điều này hiển nhiên như một tiên đề, và ngược lại, nếu thiếu đi các yếu tố của nghệ thuật tạo hình, ở đây là nghệ thuật gốm, bản thân kiến trúc chỉ có thể tồn tại đơn thuần ở chức năng sử dụng với sự khô cứng của cấu trúc xây dựng, cái gọi là nghệ thuật của nó ở trong bối cảnh này dường như không tồn tại. Với gốm đặc tính nghệ thuật cùng những phẩm chất khoa học (các độ bền cơ, lý, hoá) là những phẩm chất không thể thay thế, cho dù phong cách kiến trúc đó là cổ truyền hay hiện đại.

Ths. Phan Thanh Sơn

ĐTPT Số 14/2008

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …